Lê Xuân Mỹ
18-4-2024
Tiếp tôi trong căn nhà khách K2 là một công an mặt áo vàng, gương mặt gầy nhọn, non choẹt và giọng nói rặt Bắc Nghệ An. Tôi đưa giấy tờ chứng nhận là “cán bộ giáo viên trong Nam ra công tác Hà Nội, tranh thủ thăm cha đang học tập cải tạo” ngoài này.
Sau khi xem giấy tờ, tên cán bộ hỏi, tại sao tôi biết nơi này. Không lẽ nói do tự tìm kiếm, tôi nói do chú là trung tá chính ủy chỉ đường. Thái độ có vẻ nhã nhặn hơn nhưng gã ta cho biết là tôi không thể thăm ba tôi lần này được với lý do: “Ông nhà đang trong thời kỳ bị kỷ luật do vi phạm nội quy của trại, đang bị biệt giam”.
Thú thật nếu không gặp mặt ba ngoài kia, chắc chắn tôi đã phải tin lời, quay về. Tôi biết hắn đang làm khó dễ. Tôi nắm chặt bàn tay dằn cơn giận dữ, xuống nước:
– Nhưng thưa cán bộ, tôi mới gặp ba tôi ở ngoài kia.
Tên cán bộ gằn giọng:
– Anh có chắc không? Ông đang bị biệt giam, ai cho ra ngoài, chắc anh nhìn lầm.
Sao có thể lầm ba với ai được… Dù có bị đày đọa cỡ nào, dù ba có thay đổi bao nhiêu, thì tôi vẫn không bao giờ lầm ba với ai khác. Cặp mắt ấy, con người ấy với tôi là duy nhất. Đuối lý nhưng tay công an vẫn khăng giữ vững ý định không cho tôi gặp ba. Nhiều lý do được đưa ra: Thứ nhất, đây không phải là mùa thăm nuôi; thứ hai tôi cũng không có giấy phép (hèn chi các nhà khách tôi đi qua vắng như chùa bà đanh).
Tôi cố gắng trình bày là đi công tác “đột xuất”, hơn nữa đường đi xa xôi, đã lỡ đến đây rồi, xin cán bộ thông cảm. Làm ra vẻ tử tế, lão cán bộ chép miệng:
– Thật ra tôi cũng muốn thông cảm cho anh, không phải tôi làm khó dễ nhưng thú thật không thể cho anh gặp được.
Tôi càng năn nỉ, tên cán bộ càng cứng rắn. Lão nỗi nóng:
– Nhưng tôi nói không gặp được là không gặp được, anh về khi nào có giấy tờ thăm nuôi thì chúng tôi sẽ giải quyết.
Nhìn khuôn mặt tên “cán bộ” mặt mày lấc cấc, máu tôi sôi lên, tôi muốn đấm cho nó một cái, ra sao thì ra. Nhớ đến ánh mắt của ba ngoài kia, cặp mắt ngây dại của ba đang co cụm dẫy chết. Nhớ đến đôi vai gầy gò run rẫy trong gió lạnh ngoài kia, lòng tôi dịu lại, tự nhiên tôi bật khóc, khóc ngon khóc lành. Vừa khóc tôi vừa năn nỉ tên cán bộ đáng tuổi em mình.
Tiếng khóc động đến lòng trời, đúng lúc một tay cán bộ nữ bước vào. Có lẽ khuôn mặt một người đàn ông đang khóc nhìn thê thảm, xấu xí và cảm động quá. Sau khi bàn bạc, cán bộ nữ đồng ý cho tôi được gặp ba nhưng chỉ được gặp đúng 15 phút mà thôi. Dù sao đàn bà vẫn là đàn bà, vẫn tình cảm hơn.
Chờ khoảng một tiếng, một tên công an đi vào, theo sau là ba tôi. Lúc này tôi mới có cơ hội nhìn rõ ba. So với hồi ở nhà, hoàn toàn khác hẳn. Khuôn mặt đen sạm, tóc tai bạc trắng, râu dài tới ngực, mặc bộ đồ tù cũ kỹ, tay cầm chiếc nón lá rách tả tơi.
Không kềm được tôi phóng người về phía ba, hai tay dang rộng. Ba giật mình bước tránh qua một bên miệng lắp bắp: “Dạ thưa cán bộ, tại con tôi không biết”. Nói xong, ba lầm lũi theo tên công an đến chiếc bàn tre chính giữa phòng. Đợi tên công an ngồi xuống chiếc ghế ở giữa hất đầu ra lệnh, ba ngồi xuống ở chiếc ghế đầu kia đối diện với tôi. Tên CA hất hàm:
– Anh có 15 phút để nói chuyện với ông.
Dù tự nhủ phải cố gắng bình tĩnh nhưng vẫn không thể được, tôi oà khóc như một đứa bé… Trong khi đó ngoài trừ cặp mắt ánh lên một nỗi niềm khổ đau vô hạn, ba bình tĩnh hơn tôi nhiều. Ba nói trước, ba hỏi thăm về mẹ, về các em. Cũng vẫn là lời lẽ như trong các thư ba gửi về. Thỉnh thoảng dù rất cố gắng kìm lại nhưng ba vẫn húng hắng ho. Tiếng ho vẫn đục như có đàm chận trong cổ. Vừa khóc, vừa trả lời, tôi mãi nhìn ba, muốn nhảy đến ôm ba vào lòng. Nhưng khoảng cách hai đầu chiếc bàn quá xa và tên công an ngồi chính giữa như một bức tượng lạnh lùng, đe doạ. Tôi để cho ba hỏi, ba nói và tôi trả lời. Có nhiều điều muốn hỏi, muốn kể với ba nhưng nỗi xúc động làm tôi không nói được nên lời.
Thật ra nếu nhớ ra, có hỏi, chắc chắn cũng là câu “Cách mạng khoan hồng, ba học tập tốt sẽ được cho về”. Nhìn ánh mắt ba, tôi biết sẽ không bao giờ ba “học tập tốt” được, ngày về sẽ còn xa lắc xa lơ.
Tôi lấy từ trong túi xách, mấy gói thực phẩm khô, chuối khô do mẹ làm, một ít bánh đậu xanh, mấy hộp diêm một tút thuốc lá đen đẩy về giữa bàn về phía Ba. Ba đẩy tất cả về phía tên CA, miệng nói: “Nhờ cán bộ giữ giùm”. Cặp mắt sáng lên, mặt bớt lạnh lùng, tên CA đem các món đồ vào chiếc tủ nhỏ ở góc phòng. Không biết ba sẽ nhận được lại các món này hay không, tôi không có tâm trí để nghĩ đến.
Tôi cứ mãi nhìn người đàn ông gầy gò tội nghiệp và yếu ớt đang ngồi trước mặt mình không nói được lời nào. Nước mắt cứ không ngừng tuôn. Nói chuyện được khoảng 15 phút, tên công an lạnh lùng đứng dậy tuyên bố hết giờ. Ba chậm chạp đứng lên, cặp mắt nửa như ngây dại, nửa thảng thốt, nửa tiếc nuối nhìn tôi, bước theo tên công an ra khỏi nhà khách.
Không kìm được, tôi vùng chạy tới, ôm choàng lấy ba khóc như mưa. Lần đầu tiên tôi thấy mặt gã công an như dịu lại, quay mặt ra nơi khác. Bây giờ thì ba cũng khóc. Không biết chúng tôi đứng bên nhau được bao lâu cho đến khi tên CA kéo tay ba tôi đi. Ba lủi thủi đi không quay lại. Cái dáng đi khòm khòm, nhẫn nhục đến tội nghiệp. Và đó là lần cuối cùng tôi gặp ba. Còn sống.
Sau chuyến đi gặp ba trở về, biết được địa điểm, lo lắng về tình trạng sức khoẻ của ba, mẹ suốt ngày hối thúc tôi đưa mẹ đi thăm ba. Thời đó, người dân bình thường nếu muốn ra Bắc phải làm đơn ra phường xin phép. Với gia đình “ngụy quân ngụy quyền” như gia đình tôi, xin giấy phép càng khó khăn hơn, thời gian chờ đợi lâu hơn. Phường thì bảo, phải có giấy phép thăm nuôi từ trại gửi về mới cấp. Đợi giấy phép thì không biết đến khi nào. Lên gặp chú thì chú chỉ ngược về phường. Cũng như không. Mẹ thì cứ sốt ruột, đi ra đi vào. Suốt ngày mẹ như lửa đốt, bỏ ăn bỏ làm. Các em thì còn nhỏ dại, cũng chỉ hai vợ chồng chúng tôi trăm phương nghìn kế, tính đủ mọi cách cũng chưa biết phải làm thế nào.
Tình cờ (đến lúc này thì tôi tin có những sự tình cờ do ơn trên sắp đặt), tôi được “lệnh ra Hà Nội tham gia lớp tập huấn dành cho giáo viên môn mạch điện tử”. Lấy lý do là lần trước vợ tôi chưa đi Hà Nội, tôi xin phép hiệu trưởng cho vợ tôi được nghỉ phép cùng đi. Do “quan hệ tốt” và có lý do chính đáng, hiệu trưởng đồng ý ký giấy phép, dù bây giờ vợ tôi mới sinh con đầu lòng, sức khoẻ còn yếu lắm.
Thật ra chúng tôi đã có kế hoạch từ trước. Giấy phép đi Hà Nội có ghi rõ tên tôi và vợ tôi NGUYEN THI CUC, “cán bộ Trường Bưu Điện Thành Phố ra Hà Nội công tác”. Chữ trên giấy phép do chúng tôi điền và đưa hiệu trưởng ký. Chữ CUC sau này được sửa thành chữ LOC, tên của mẹ tôi… Thế là tôi và mẹ có giấy phép ra Hà Nội “công tác”, dĩ nhiên chính là để thăm cha.
Lần trước khi thăm ba, do không biết đường đi, cũng như không hy vọng gặp được ba, tôi chỉ đem một ít đồ dùng. Kỳ này mẹ chuẩn bị chu đáo hơn. Bao nhiêu tiền dành dụm, mẹ đem ra mua hết. Sữa đặc, cơm khô, thịt chấy, bánh đậu xanh, áo quần, thuốc lá (nên nhớ hồi đó mọi nhu yếu phẩm, gạo cơm, thức ăn đồ dùng đều được cung cấp theo chế độ tem phiếu, có tiền cũng rất khó mua). Chúng tôi phải dùng mọi cách, từ vay mượn đến năn nỉ, xin xỏ, gom góp cũng được khoảng hai bao tải gần 60 kg.
Hai mẹ con ra Hà Nội bằng xe lửa. Sau khi sắp xếp xong công việc cuối tuần, hai mẹ con cùng người gánh hàng thuê lên tàu chợ hướng Cao Bằng, Lạng Sơn về ga Ấm Thượng. Do đã biết trước địa điểm, lại háo hức mong gặp ba, chuyến đi này diễn ra suông sẻ, nhanh chóng hơn lần trước. Vượt 30 km đường bộ, cuối cùng chúng tôi cũng đến được nhà khách K2 vào lúc nửa đêm. Mẹ chịu đựng gian khổ và khoẻ hơn tôi tưởng tượng rất nhiều. Nghĩ đến lúc gặp lại ba vào ngày mai, hai mẹ con suốt đêm thao thức không ngủ được.
Tiếp chúng tôi là một tay công an khá lớn tuổi với khuôn mặt rất “hình sự”. Tôi trình bày lý do, giấy tờ và xin phép được gặp ba. Gã cầm giấy tờ đi vào bên trong. Độ khoảng 15 phút, gã đi ra vẫn với khuôn mặt khó đăm đăm. Gã nói: “Rất tiếc không thể để hai người gặp tù nhân này được. Ông nhà đang bị kỷ luật vì vi phạm nội quy trại. Hai người có thể để thức ăn và đồ dùng lại, chúng tôi sẽ chuyển cho ông”. Mẹ tôi bắt đầu khóc lóc và năn nỉ. Gã một mực cương quyết lắc đầu. Mẹ tôi càng lúc càng khóc to hơn.
Càng bị từ chối, nỗi uất ức càng lớn, bà càng lớn tiếng. Không có nỗi đau nào bằng nỗi thất vọng lúc này của chúng tôi. Khóc hết nước mắt vẫn không lay chuyển, mẹ tôi càng la càng hét. Gã công an lúng túng không biết xử như thế nào với tình thế phát sinh lúc này. Mẹ tôi lúc này như một người mất trí, khuôn mặt nhuể nhoại mồ hôi. Cặp mắt đỏ ngầu. Những người đến thăm nuôi và cả những “cán bộ” của các bàn bên cạnh đều hướng về phía bàn chúng tôi. Tình hình căng thẳng đến nỗi đến tai cấp chỉ huy trại. Một sĩ quan công an bước vào. Hai người thầm thì nhỏ to gì đó. Cuối cùng viên sĩ quan đến gặp chúng tôi, dịu giọng:
– “Thật ra chúng tôi rất muốn giúp bà nhưng quả thật hiện nay ông nhà đang bị kỷ luật, bị giam ở ngoài trại cách đây rất xa. Thôi bà về đi. Tuần sau bà quay lại. Tôi sẽ cho bà gặp ưu tiên với thời gian gấp đôi bình thường. Còn bây giờ bà cứ để thức ăn và đồ dùng, chúng tôi hứa sẽ đưa tận tay ông nhà, không thiếu một thứ gì”.
Năn nỉ ỉ ôi cách mấy cùng không lay chuyển tên “cán bộ quản giáo”, tôi nghĩ chắc là hết cách… Chắc phải ở lại Hà Nội thêm một tuần. Nhìn khuôn mặt hiền lành của viên sĩ quan công an, tôi nghĩ gã đã rất thiệt tình. Tôi nói nhỏ với mẹ, mình về thôi. Tuần sau lên lại, hy vọng họ giữ lời hứa cho gặp được ba lâu hơn.
Trong khi quay lại bàn tiếp tân để làm thủ tục đưa thức ăn và đồ dùng cho ba bỗng dưng tôi thấy một ánh mắt hơi khác lạ của một tù nhân làm nhiệm vụ đem nước chè xanh cho những người đến thăm nuôi. Để ấm nước xuống bàn, người này đi chầm chậm về phía chòi vệ sinh sau khi ngoái lại nhìn tôi, đôi mắt nhấp nháy kỳ lạ. Tôi xin phép gã cán bộ công an đi vệ sinh.
Bước vội nhanh vào phía trong vừa kịp thấy dáng khòm khòm của người tù nhân bước ra. Tôi bước vào, nhìn quanh chòi vệ sinh được xây tạm bợ bằng lá tranh với cánh cửa nửa kín nửa hở. Tôi ngồi xuống và nhìn quanh vách tre lá. Tôi có linh cảm, hình như người tù nhân muốn cho tôi biết một điều gì đó. Tôi nhìn quanh, quả đúng như linh cảm, trên góc đòn tre phía trái, tôi thấy một mảnh giấy nhỏ, trên đó viết nguệch ngoạc một dòng chữ: “Ông D. bệnh nặng”.
Hoảng hốt, tôi vội chạy ngược vào phòng tiếp tân. Dù rất xúc động nhưng tôi vẫn còn giữ chút bình tĩnh kéo mẹ ra góc phòng báo tin. Mẹ vững vàng và khôn ngoan hơn tôi tưởng rất nhiều. Bà quay trở lại bàn tiếp tân và nói:
– Xin cán bộ cho tôi ở lại đây đợi chồng tôi về chứ bây giờ vừa đi vừa về Hà Nội cũng mất hai ngày. Gã cán bộ nói láo trơn tru:
– Ông bị biệt giam, không được, phải cả tuần chúng tôi mới đưa ông nhà ra gặp bà được.
Đến lúc này nỗi uất ức trong lòng mẹ tôi bùng nổ, bà khóc và la hét to hơn:
– Mấy ông nói láo, tôi biết chồng tôi đau nặng, đồ sát nhân, sao không cho chúng tôi gặp. Các ông có còn là con người không?
Đến lúc này thì mẹ tôi không còn biết sợ là gì nữa, tất cả những oán hận chất chứa trong lòng bao lâu này được dịp thoát ra, không ai có thể ngăn được. Cả phòng khách của K2 bắt đầu nhốn nháo, ồn ào. Nhiều người bu quanh mẹ tôi lúc này đang nằm lăn lộn dưới sàn đất cứng ngắc. Gã cán bộ chạy vào trong và đi ra cùng với viên sĩ quan lúc nãy. Gã dịu giọng nói với chúng tôi:
– Xin bà bình tĩnh, mời bà và anh vào trong, chúng tôi sẽ giải quyết.
Nói xong gã ra lệnh cho hai công an dìu mẹ tôi vào căn phòng phía trong. Có lẽ không muốn những người thăm nuôi khác biết chuyện. Căn phòng sạch sẽ hơn phòng bên ngoài nhiều. Viên sĩ quan công an nói:
– Bây giờ tôi xin nói thật về tình trạng của ông nhà. Thật ra ông đang bệnh và chúng tôi đang tích cực chữa chạy cho ông. Nay bà đã biết, tôi sẽ thu xếp cho bà vào gặp ông. Ông nhà đang nằm ở bệnh xá, tôi sẽ cho người dẫn ông bà đi. Xin ông bà đợi một lát.
Nói xong gã bước ra, nói nhỏ gì đó với tay công an trực. Tay công an bước đi thật nhanh. Khoảng 40 hay 50 phút gì đó gã trở về, bước đi gấp gáp, hấp tấp. Lại thì thầm to nhỏ với viên chỉ huy.
Linh cảm không hay đến với tôi. Lần này viên sĩ quan trầm giọng:
“Thưa bà, chúng tôi vừa mới nhận được tin, mặc dù chúng tôi đã tận tình chữa trị, nhưng vì sức yếu, ông nhà vừa mất cách đây 5 phút. Chúng tôi xin chia buồn với bà. Chúng tôi sẽ lo chôn cất ông nhà đàng hoàng tử tế”.
Nghe tin dữ, mẹ tôi như điên cuồng. Bà nằm lăn ra đất. Vừa khóc vừa la. Không từ nào mà bà không đem ra. Không nhân vật nào bà không đem ra chửi. Vừa chửi vừa khóc, khóc đến khan cả giọng. Mồ hôi quyện với đất đỏ dính đầy áo quần, mặt mũi. Hết khóc rồi bắt đầu cười ngây dại. Tôi ôm mẹ không nói được nên lời. Nỗi đau quá lớn làm thần kinh tôi như tê liệt. Ôm mẹ với trái tim nhói đau như kim châm và mẹ ngất đi!
Chúng tôi được dẫn đi gặp ba lần cuối. Nơi ba nằm là một căn nhà nhỏ đơn sơ gọi là bệnh xá nằm sâu trong K2, cách nhà khách khoảng 30 phút đi bộ. Ba nằm trên một giường tre, thân hình gầy guộc, khuôn mặt ốm nhom như bộ xương khô. Hàm râu lởm chởm có lẽ được cắt ngắn một cách vội vàng, không dài thòng như lần đầu tôi gặp. Hình như đã hết nước mắt, mẹ không khóc yên lặng ngồi xuống đất với tay ôm lấy ba. Tôi ngồi xuống phía bên kia. Hai mẹ con ôm chầm lấy ba.
Vẫn còn hơi ấm của một cơ thể vừa mới qua đời. Mẹ vuốt mắt ba. Mắt trừng trừng nhìn ba. Hình như tôi thấy trong mắt mẹ màu đỏ của máu. Sẽ không bao giờ tôi quên được cái hình ảnh của ba mẹ tôi trong bệnh xá trại K2 Tân Lập hôm đó. Mẹ không khóc nhưng lại ngất thêm một lần nữa khi tôi kéo mẹ đứng lên.
Sau này qua một người bạn tù của ba, lúc mẹ con tôi đến thăm trại, đang hấp hối nhưng ba tôi biết. Lúc đó ba rất yếu. Ba nói, ba sẽ cố gắng sống để gặp mẹ một lần và ba cố gắng húp được một muỗng cháo trắng. Muỗng cháo trắng cuối cùng trước khi ra đi mãi mãi. Giá mà tay cán bộ có một chút tình người thì có lẽ mẹ cũng được gặp ba một lần sau chót. Chỉ cần một lần mà thôi, của một cuộc tình ba mươi mấy năm.
Tôi biết ba đã không đành lòng ra đi. Đành lòng sao được hả ba, khi vượt hàng ngàn cây số từ Nam ra Bắc, chỉ còn cách một bước chân thôi mà mẹ không thể nói với ba những lời yêu thương sau chót, để được nghe một lời trăn trối sau cùng… Tức tưởi và uất hận lắm ba. Mà thôi ba ơi. Cứ yên lòng ra đi rồi có ngày mẹ ba và chúng con sẽ lại gặp nhau một nơi nào đó, trên Thiên Đàng. Chúng ta sẽ lại có những ngày tháng hạnh phúc bên nhau như thuở nào.
(Còn tiếp)
Chắc bố bạn mất vì xúc động khi đọc 1 bài thơ cách mạng, có thể của Lê Anh Xuân . Chớ theo như những chứng cớ mà Lê Nguyễn, 1 người rất được mọi người kính trọng & tin tưởng, học tập cải tạo dưới chế độ ta rất thoải mái, được cho ăn uống đàng goàng, lại được diễn kịch giặc, ngâm thơ nữa . Đúng, phần lớn bu wanh đề tài cách mạng, nhưng WTF you expect?
“Các ông có còn là con người không?”
Họ đã trở thành người Cộng Sản, như Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Trần Độ, như Nhà báo Lê Phú Khải, Nhà Thơ Bùi Minh Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình, nhà báo Lưu Trọng Văn, Huy Đức, như đại sứ Hùng Ba, Tiến Sĩ Mạc Văn Trang … Tất cả những người mà những trí thức hải ngoại như Tưởng Năng Tiến hay Ngô Thế Vinh đều mến mộ
ĐM CS
“Cải tạo” thế này thì muôn đời không thể thay đổi theo ý chúng mày được!
Sắp tới 30-4. Cần nhiều bài như bài này