Chuyện đời còn nóng (Kỳ 3)

Nguyễn Thông

14-4-2024

Tiếp theo kỳ 1kỳ 2

Ở phần 2, nhà cháu nói về vàng, giá vàng, chưa xong, giờ biên nốt.

Chỉ mỗn chuyện giá vàng, để nó tự bình ổn lên xuống theo quy luật kinh tế thị trường, xóa bỏ và chấm dứt sự chênh lệch giữa giá trong nước và ngoài nước, có thế thôi mà cả hệ thống chính trị, bộ máy quản lý và điều hành cứ cà cuống loay hoay mãi. Thủ tướng, thống đốc ngân hàng, bộ tài chính, thuế, hải quan, quản lý thị trường, bộ này ngành nọ, nói tóm lại tất tần tật nhảy múa với vàng, hết chỉ thị lại nghị quyết, hết chỉ đạo tới họp bàn, vẫn như gà mắc tóc.

Giá vàng cứ bốc hỏa, tăng vùn vụt từng ngày, chênh lệch ngày càng cao, chóng mặt. Nói như ông hàng xóm nhà tôi, vàng nó đ*o chịu xuống, bởi nó quyết không đi theo lối kinh tế thị trường có đuôi xã hội chủ nghĩa.

Trong nền kinh tế “sáng tạo, bản sắc riêng biệt” đang được nhà cai trị áp dụng ở xứ này, giá vàng, thị trường vàng thể hiện rõ nhất đường lối kinh tế thị trường ỡm ờ, nửa nạc nửa mỡ, dở Tây dở Tàu của họ.

Để bắt kịp thế giới văn minh giàu mạnh, họ đã nhận ra sự ưu việt của kinh tế thị trường. Nhưng họ cũng đủ thói khôn vặt láu cá để duy trì sự cai trị của mình bằng việc “kiên định tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Thế nên mới sinh ra thứ quái gở chẳng giống ai, được thiên hạ gọi bằng “kinh tế thị trường có đuôi”. Đó là cách quản lý kinh tế bằng những chính sách đậm màu lý luận, cực kỳ chủ quan, xa rời thực tế, chủ yếu sinh ra từ phòng lạnh, sa lông, chứ không từ hiện thực cuộc sống.

Hôm 14.3, giá vàng vọt lên 83 triệu đồng/ lượng. Đúng là vàng vọt. Khác với khi nó cán mốc chẵn 80 triệu vào ngày 26.12, đến nỗi thủ tướng cũng phải giật mình, nói chi dân xôn xao như trời sập, giờ thì người ta mặc kệ.

Khi vàng 81 triệu, thiên hạ eo xèo đôi lời, nó leo lên 82 triệu, chả mấy ai quan tâm. Mốc 83 triệu, báo đài quốc doanh cũng lờ đi, chỉ còn vài tờ đói tin đưa đôi dòng cho phải phép, chứ mạng miếc im bặt. Hôm 10.4 vừa rồi, nó lững thững lên gần 87 triệu. Hôm 12.4 tạm nghỉ, xuống 85 triệu. Ông hàng xóm nhà tôi lắc đầu lè lưỡi. Cứ đà này, kệ nghị quyết, kệ chỉ đạo sa lông, nó còn lên, còn lên nữa.

Thời tiết nóng tới 40 độ như mấy hôm rồi có thể hạ nhiệt bởi không thể nóng mãi, nhưng vàng nóng chẳng ai dám bảo đảm rồi nó sẽ quay đầu. Ở nơi đâu không biết, chứ xứ này với đường lối kinh tế này, nhà cai trị này, mốc 100 triệu đồng trong tầm tay. Mà có lên 100 triệu, 150 triệu cho miếng “kim loại màu vàng” (cách nói của công an) cũng không ai lấy làm lạ.

Ở xứ người ta, để giá vàng vô lý như thế kéo dài, với ai thì không biết, chứ thống đốc ngân hàng hoặc bộ trưởng tài chính văng lâu rồi, đẹp xinh mấy cũng văng. Kinh tế lụn bại bởi đường lối có đuôi mà tể tướng, nhà vua vẫn tại vị, kể cũng lạ. Các ông bà ấy lúc nào cũng tự hào về lý luận sâu sắc, nắm chắc thực tiễn, đầu óc thông minh, tư duy sáng tạo, nhưng thực chất lộ ra hết qua việc xử lý “đối tượng vàng”.

Hình như họ không rút được tí ti bài học nào về nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, thứ gì nhà nước cũng dúng tay thô bạo vào, bất kể quy luật, khiến từng đẩy đất nước cũng như cuộc sống nhân dân vào vực thẳm đói nghèo.

Chẳng cần đi đâu xa, cứ qua ngay bên Campuchia mà học người ta. Sao không tự đặt câu hỏi, họ làm cách nào mà giá vàng của họ luôn thấp hơn ta, luôn hài hòa với sự lên xuống của thị trường thế giới? Sao chỉ có buôn lậu vàng từ Miên về Việt chứ không buôn ngược lại?

Chả riêng gì vàng, chiếc ô tô, cái xe máy, món đồ công nghệ… ở Miên cũng rẻ hơn so với An Nam vài lần, vì sao? Không cần trả lời, bởi mọi sự quá rõ.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây