Chuyện đời còn nóng (Kỳ 2)

Nguyễn Thông

13-4-2024

Tiếp theo kỳ 1

Suốt mấy tháng nay, rồi suốt mấy tuần nay, lại suốt mấy ngày nay, thứ lôi kéo cả chính phủ lẫn dân chúng không phải tình hình biển Đông, chiến tranh ở Ukraine, Trung Đông, nhân sự đại hội 14, v.v… Vậy nó là cái gì? Là vàng, giá vàng, thị trường vàng. Nóng rẫy, giãy đành đạch.

Tiện đây nói thêm, nhà nước mấy năm qua bắt báo chí phải viết hoa cả hai chữ “Biển Đông”, ngầm để khẳng định chủ quyền, nhưng thực ra cũng là một kiểu phá chuẩn tiếng Việt. Chả nhẽ viết “biển Đông” thì không thể hiện chủ quyền? Trong khi đó, họ lại viết biển Nhật Bản, biển Baltic, vịnh Thái Lan…, tức là rất nhố nhăng, chả coi quy chuẩn ra gì.

Xin thưa với nhà nước và những nhà ngôn ngữ salon, chỉ thể viết hoa cả khi cụm danh từ chung + riêng đó nhằm chỉ đơn vị hành chính chứ không phải một vùng tự nhiên. Chẳng hạn Xứ Wales, Dải Gaza, Bờ Tây, Vũng Tàu, Ngã Tư Sở, Ô Quan Chưởng, Cửa Bắc/ Cửa Nam…, nghe chửa. Lạ là không thấy giáo sư tiến sĩ ngôn ngữ nào nhắc nhở họ phải viết cho đúng để “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”.

Trở lại chuyện vàng. Kể từ hôm 26.12.23, khi giá vàng vọt lên 80 triệu đồng/lượng, cả nước nhốn nháo, đến nỗi thủ tướng (gốc công an) phải ra ngay chỉ đạo, đòi kéo tức thời giá vàng xuống. Có quyền trong tay, làm gì chả được. Nhưng nó (giá vàng) không phải cấp dưới, nó có chịu xuống không lại là chuyện khác, bởi vàng lên hay xuống phụ thuộc vào quy luật kinh tế, vào thị trường, vào chính sách phù hợp với quốc gia và quốc tế, chứ không phải theo chỉ đạo của cấp trên kiểu quản trị xóm ấp.

Lại phải nói thêm (ở xứ này, động tới chỗ nào cũng có thể nhặt lỗi). Bọn báo chí quốc doanh rất nhố nhăng khi diễn đạt “giá vàng lên cao nhất mọi thời đại”. Chúng nó nghĩ chúng nó sống mãi, muôn năm, vĩnh cửu, sống xuyên quá khứ, hiện tại, tương lai, “sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta” hay sao, mà khẳng định “mọi thời đại”. Hình như chúng cho rằng diễn đạt thế mới hay, văn vẻ, hấp dẫn, chứ viết thành “từ trước tới nay” thì nôm na mách qué, không được văn vẻ văn chương.

Sực nhớ, hồi thập niên 80, xứ này người ta ngâm nga một cách ngán ngẩm “Nhà thơ làm kinh tế/ Thống chế đi đặt vòng”. Rỉ tai nhau vậy thôi, chứ đó là chủ trương của trung ương, ai phản ứng có khi bị bắt đi tù, giống như bây giờ nhà cai trị khép vào tội “lợi dụng quyền tự do ngôn luận”, lôi điều 331 ra trị, nếu không đi tù thì ít nhất cũng mất toi 7 triệu rưỡi.

Thống chế có đặt được vòng cho ai không thì chưa rõ, chứ với “nhà thơ làm kinh tế”, thiên hạ trắng mắt chứng kiến cuộc sống và xã hội nát như tương, chính sách “giá – lương – tiền” dồn cả nước vào chân tường, vậy mà cuối cùng ông nhà thơ, phó thủ tướng thường trực (suýt lên làm thủ tướng theo cơ cấu) lại được đặt tên đường, được tôn vinh, kỷ niệm này nọ.

Xứ này, người không có chuyên môn, thiếu kiến thức, không làm nổi việc gì nhưng vẫn làm lãnh đạo, thậm chí thủ tướng, chủ tịch nước, vua. Nghề của lãnh đạo là nói, một là hai là ba là, 3A 4B, ban chỉ thị nghị quyết, còn dưới thực hiện thế nào, có hiệu quả không, kệ. Vụ vàng hiện tại là rõ nhất.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Có một giai thoại vể nhà thơ làm kinh tế ( tất nhiên là xuất phát từ mB, hẳn là HN ? ) : Nhà thơ Xuân Diệu đang nằm viện , nhà thơ làm kinh tế vào thăm , XD ứng khẩu :” Làm thơ thì cứ làm thơ/ Đừng làm kinh tế lơ mơ như mày” . Trước đây lâu lâu, cả chục năm gì đó , nghe thiên hạ râm rang, bà Nguyễn Thị Th. phu nhân của nhà thơ viết hồi ký . Chả biết hồi ký đã ra đời chưa , và in ra sẽ bán cho ai ? Liệu , bà ấy có “đem văn lên bán chợ giời” không nhỉ ?!
    Vì, có những hồi ký khi được tung lên mạng, ai cũng muốn tìm đọc . Trái lại, có người đang tại chức thì quyền nghiêng thiên hạ . Nhưng xuống chức rồi, chẳng ai thèm biết tới . Thậm chí, tới thăm cơ quan, người ta còn chạy trốn để thoát nạn phải nghe người ấy nói quá nhiều ! ) .

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây