Thái Hạo
24-3-2024
Liên quan đến đề thi học sinh giỏi THPT lần 2 của tỉnh Quảng Nam, tôi mới nhận được thông tin đối với đề này. Xin bổ sung và nói thêm như sau.
Cái đề trôi nổi trên mạng mà sáng nay tôi đã post lại kèm theo bài bình luận của mình, theo người cung cấp thông tin, là đề không chính thức (hình 1), đề chính thức (hình 2) có khác đôi chỗ. Riêng câu 2 là câu tôi đã viết bài bình luận (*), thì chỉ khác là có thêm 1 dấu phẩy (“bình luận làm sáng tỏ” => “bình luận, làm sáng tỏ”).
Nếu thông tin này là chính xác thì phần lỗi có giảm đi đôi chút, vì đã tách cụm từ này ra làm hai, bằng một dấu phẩy, tuy nhiên như đã nói trong bài viết trước đó, hai yêu cầu này (“bình luận” và “làm sáng tỏ”) vẫn mâu thuẫn nhau, vì nó thuộc vào hai mệnh lệnh không thể cùng lúc thực hiện song hành, và hệ quả tất yếu là khiến thí sinh “không biết lối nào mà lần”. Giải thích và bình luận thì chấp nhận được, chứ bình luận và làm sáng tỏ thì không. Những lỗi khác thuộc về nội dung nghị luận thì không thay đổi (xin xem bài đính kèm). Tức là lỗi cơ bản và lớn nhất vẫn còn đó.
Một cái đề thi học sinh giỏi, như tôi biết, thường ít nhất có từ 2 đến 3 người cùng xây dựng: Ra đề, phản biện; bên cạnh đó là chủ tịch hội đồng và các ban bệ; và cao nhất là Sở Giáo dục.
Tôi hiểu tính chất phức tạp của việc ra đề thi, nhất là ở những tỉnh có tới hai trường chuyên mà Sở lại điều giáo viên nội tỉnh đi ra đề, thì sự cạnh tranh và tính mâu thuẫn sẽ rất gay gắt. Đôi khi có thể chính giáo viên nằm trong nhóm ra đề dù thấy sai nhưng cũng không “cãi” được, vì không ai chịu ai. Nó đẩy giáo viên ra đề vào một tình thế rất khó xử, và đôi khi là bất lực nữa. Vì thế, nó luôn có thể dẫn đến những tiêu cực và sai sót nghiêm trọng. Tôi rất thấm thía cảnh này, vì chính mình đã không ít lần trải qua. Đây là một vấn đề lớn mà trách nhiệm chính thuộc về Sở Giáo dục trong công tác tổ chức thi.
Và xin chớ quên, đây cũng không phải lần đầu tiên Quảng Nam gặp vấn đề này: Mới năm trước tôi cũng đã viết bài chỉ ra những sai sót trong đề thi của tỉnh này. Tôi nghĩ, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam cần có giải pháp khắc phục một cách căn bản trong việc thay đổi cách thức tổ chức thi. Ví dụ, có kế hoạch xây dựng ngân hàng đề, hoặc thuê bên thứ 3 độc lập ra đề, chấm thi, để bảo đảm công bằng, tránh đi những tiêu cực và sai lầm tai hại như đang thấy.
Riêng về các kỳ thi học sinh giỏi, kể cả thi học sinh giỏi quốc gia, nếu cần nêu ý kiến thì như tôi cũng đã nhiều lần nói, ngay cả nói trước lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, là nên dẹp bỏ, để góp phần chống căn bệnh thành tích đã quá độc hại trong giáo dục, nếu vẫn không thể thay đổi căn bản về mục đích và cách thức tổ chức các kỳ thi này.
_____
(*) https://baotiengdan.com/2024/03/24/ve-de-thi-hoc-sinh-gioi-van-cua-quang-nam/