Việt Nam và cuộc chiến Nga – Ukraine: “Chính sách ngoại giao cây tre” của Hà Nội mang lại kết quả nhưng vẫn còn thách thức (Phần 1)

Fulcrum

Tác giả: Ian Storey

Đỗ Kim Thêm dịch

22-3-2024

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng trong cuộc gặp gỡ bên lề của Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ ba ở Bắc Kinh ngày 17/10/2023. Nguồn: Grigory SYSOYEV/ POOL/ AFP

Việc tăng cường mối quan hệ chiến lược Nga -Trung ảnh hưởng đến Việt Nam nhiều hơn bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào khác. Hà Nội lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng đòn bẩy của mình với Moscow để làm suy yếu các lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông.

Dẫn nhập

Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra. Cuối năm 2023, trong một cuộc thay đổi quan trọng cho chính sách ngoại giao cây tre của mình, Việt Nam đã tổ chức các chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine hồi tháng 2/2022 là một sự thử thách về tình trạng căng thẳng đối với chính sách ngoại giao cây tre của Việt Nam. Cuộc tấn công của Điện Kremlin vào Ukraine đã làm gia tăng các căng thẳng giữa đối tác cũ của Hà Nội là Nga và các đối tác mới ở phương Tây, cũng như giữa phương Tây và Trung Quốc, đối thủ truyền thống của Việt Nam. Để đối phó với cuộc xâm lược, về cơ bản, Việt Nam đã áp dụng một lập trường trung lập để tự bảo vệ mình thoát khỏi các tranh chấp của các đại cường mà nó phát sinh từ chiến tranh, duy trì mối quan hệ ổn định với tất cả các bên tham gia chính yếu và các bên có liên quan, và bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.

Trong khi có thể lập luận rằng, phản ứng của Hà Nội đối với cuộc chiến Nga -Ukraine phần lớn đã thành công trong việc đạt được các mục tiêu của ĐCSVN, cuộc xung đột đặt ra những thách thức từ trung cho đến dài hạn đối với các lực lượng vũ trang lấy Liên Xô / Nga làm trung tâm của Việt Nam và tranh chấp kéo dài của chính phủ với Bắc Kinh ở Biển Đông do sự phụ thuộc ngày càng tăng của Nga vào Trung Quốc, đối tác chiến lược của mình.

Phản ứng của Việt Nam trước cuộc xâm lược của Nga

Đối với một số nhân vật thuộc giới tinh hoa trong ngành ngoại giao của Việt Nam, sự bùng nổ của cuộc chiến ở châu Âu có thể được quy kết cho sự thất bại thảm khốc của ba chính sách đối ngoại của ba bên tham gia chủ yếu: Phương Tây, vì đã khiêu khích Nga thông qua việc Đông tiến của khối NATO, bao gồm triển vọng việc nhận Ukraine làm thành viên; Nga, vì đã chơi vung tay quá trán trong không gian thời hậu Xô Viết; và Ukraine, vì đã thất bại trong việc giải quyết các mối quan tâm về an ninh chính đáng của Nga và xử lý đúng đắn về các mối quan hệ với các lân bang lớn hơn (điều mà Hà Nội cho rằng họ đã khéo léo với Trung Quốc hơn nhiều so với Ukraine đã làm với Nga).

Sau cuộc xâm lược, Hà Nội đã áp dụng lập trường trung lập. Việt Nam đã bỏ phiếu trắng đối với bốn nghị quyết của Đại Hội Đồng LHQ lên án cuộc tấn công của Nga ở Ukraine – vào ngày 2 và 24 tháng 3 năm 2022, ngày 10 tháng 10 năm 2022 và ngày 23 tháng 2 năm 2023 – và bỏ phiếu chống lại kiến nghị loại bỏ Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ vào ngày 7 tháng 4 năm 2022. Phản ứng của Việt Nam đối với sự bùng nổ của cuộc xung đột được điều chỉnh bởi ba yếu tố: Nguyên tắc, lịch sử và lợi ích.

Cuộc xâm lược của Điện Kremlin rõ ràng đã vi phạm chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Việt Nam coi những nguyên tắc này là bất khả xâm phạm vì chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của chính mình đã bị các nước khác vi phạm trong quá khứ, gồm Pháp, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hơn nữa, Hà Nội tiếp tục cáo buộc Bắc Kinh về việc vi phạm chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.

Ngày 2 tháng 3 năm 2022, tại phiên họp khẩn cấp của Đại Hội Đồng LHQ được triệu tập để thảo luận về cuộc xung đột, đại diện thường trực của Việt Nam, đại sứ Đặng Hoàng Giang, đã cố gắng đan xen giữa tầm quan trọng của đất nước ông đối với luật pháp quốc tế và không lên án đích danh Nga.

Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng, ông Đặng nhấn mạnh, cách mà những người sáng lập LHQ đã ghi nhận “các nguyên tắc cơ bản” trong Hiến chương đã trở thành “nền tảng cho luật pháp quốc tế đương đại và các mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia”. Không đề cập trực tiếp đến Nga, ông tiếp tục nói rằng “các hành động không phù hợp với các nguyên tắc này tiếp tục đặt ra các mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế“, đồng thời “thách thức tính xác đáng và tính hợp pháp của LHQ“.

Nhắc lại lịch sử của đất nước mình, ông lập luận rằng, các cuộc chiến tranh và xung đột “xuất phát từ các học thuyết lỗi thời về chính trị quyền lực, tham vọng thống trị; áp đặt và sử dụng vũ lực trong việc giải quyết tranh chấp“. Ông nói tiếp: Những tranh chấp như vậy chỉ nên được giải quyết bằng “các biện pháp hòa bình, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế và Hiến chương LHQ“. Ông nhắc lại đường lối của Bộ Ngoại giao Việt Nam rằng “các bên liên quan” nên kiềm chế, ngưng đánh, nối lại đối thoại và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Sự miễn cưỡng của Việt Nam trong việc lên án Moscow một phần là do mối quan hệ lịch sử với Nga. Quân viện của Liên Xô vô cùng quan trọng để giành chiến thắng của ĐCSVN đối với Pháp và Hoa Kỳ trong các cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và thứ hai. Trong thời gian Việt Nam chiếm đóng Campuchia vào thập niên 1980, Liên Xô đã cung cấp cho Hà Nội sự hỗ trợ quan trọng về quân sự, kinh tế và ngoại giao. Các nhà lãnh đạo ĐCSVN vẫn mang ơn sâu đậm đối với Moscow và luôn bày tỏ lòng biết ơn khi gặp những người đồng cấp Nga. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói với đồng cấp Nga, Dmitry Chernyshenko, hồi tháng 4/2023: “Các mối quan hệ của chúng ta đã trải qua rất nhiều thách thức, và thể hiện đầy đủ với lòng trung thành và biết ơn. Việt Nam sẽ không bao giờ quên sự ủng hộ của nhân dân Nga“.

Yếu tố thứ ba và quan trọng nhất mà nó quyết định cho phản ứng của Việt Nam đối với cuộc xâm lược là sự cần thiết phải bảo vệ lợi ích quốc gia của Việt Nam. Nga không phải là một nguồn chủ yếu về thương mại và đầu tư đối với Việt Nam, nhưng Nga là một cố hữu và, như được mô tả sau này, là một nguồn quân viện quan trọng và là một đối tác có giá trị trong lĩnh vực năng lượng của đất nước. Như vậy, kể từ khi xung đột bùng nổ, Việt Nam đã nỗ lực duy trì mối quan hệ thân hũu với Nga, tổ chức các chuyến thăm của các quan chức cấp cao Nga và thậm chí mời Tổng thống Vladimir Putin đến thăm Việt Nam.

Nhưng quan trọng hơn trong việc giữ các điều kiện tốt đẹp với Nga là giữ mối quan hệ tốt hơn với Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản, những đối tác thương mại và đầu tư quan trọng nhất của Việt Nam. Như vậy, cho đến nay, Hà Nội chưa thực hiện bất kỳ hành động nào có thể được coi là làm suy yếu các biện pháp trừng phạt của phương Tây, bao gồm việc khôi phục các chuyến bay trực tiếp với Nga sau đại dịch COVID-19 (hãng hàng không Aeroflot của Nga sử dụng cả máy bay Boeing và Airbus). Việt Nam cũng không đồng ý với yêu cầu của Điện Kremlin về việc tái xuất khẩu các khí tài quân sự, đạn dược và phụ tùng thay thế do Liên Xô/Nga sản xuất để bù đắp cho những tổn thất trên chiến trường của lực lượng vũ trang Nga ở Ukraine, như đối tác của Việt Nam trong khối ASEAN là Myanmar đã làm.

Giữa hai bên tham chiến, việc giữ Moscow ở bên cạnh rõ ràng là ưu tiên của Việt Nam. Nhưng để phù hợp với chính sách ngoại giao cây tre của mình, Hà Nội cũng đã cẩn thận để không xúc phạm đến Kyiv. Xét cho cùng, Ukraine đã từng là một phần của Liên Xô, và do đó đóng một vai trò trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam. Thiết bị quân sự sản xuất ở Ukraine được chuyển giao cho miền Bắc Việt Nam; các sĩ quan Ukraine trong Hồng quân Liên Xô từng là cố vấn cho Quân đội Nhân dân Việt Nam; và các đơn vị quân đội của Việt Nam học lái xe tăng tại nhà máy Malyshev ở Kharkiv (nơi diễn ra một số cuộc giao tranh ác liệt nhất giữa lực lượng Nga và Ukraine trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến).

Lịch sử chung này đã khiến cho Việt Nam kiềm chế, không công khai chỉ trích chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy vì cách xử lý sai lầm trong các mới quan hệ với Nga. Hơn nữa, rõ ràng có một số sự đồng cảm ở Việt Nam dành cho Ukraine. Trong năm đầu tiên của cuộc chiến, chính phủ Việt Nam đã cung cấp viện trợ nhân đạo cho Ukraine bằng cách quyên góp 500.000 đô la Mỹ cho các tổ chức cứu trợ quốc tế. Vingroup, tập đoàn lớn nhất Việt Nam, đã cung cấp 135 tấn mì ăn liền cho Chính quyền khu vực Kharkiv. Một số cơ sở giáo dục tư thục ở Việt Nam đã cấp học bổng cho sinh viên Ukraine bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.

Tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima hồi tháng 5/2023 – nơi Nhật Bản mời cả Việt Nam và Ukraine – Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp Tổng thống Zelensky. Thông tấn xã nhà nước Việt Nam tường thuật rằng, ông Chính đã nói với Zelensky là Việt Nam coi trọng mối quan hệ với Ukraine và về vấn đề xung đột đang diễn ra, lập trường của Hà Nội là tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ. Đáng chú ý, ông nói thêm: “Là một đất nước đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, Việt Nam hiểu giá trị của hòa bình“.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây