Nguyễn Tuấn Khoa
10-3-2024
Bác Tâm năm nay đã 88 tuổi, nói với tôi rằng, bác về nước lần này với mục đích duy nhất là muốn được ghé thăm người thầy cũ đã từng dạy bác 72 năm về trước, thầy Nguyễn Xuân Đào, năm nay đã 94 tuổi rồi.
Hai lần về nước vừa rồi không ghé thăm thầy được, bác cứ hối tiếc mãi. Ba năm nay, từ ngày tìm ra được thông tin của thầy, ngày đêm bác cứ chờ cơ hội về thăm thầy, bác lo lắng vì sợ quá muộn. Ngồi trên máy bay từ Los Angeles về Sài Gòn mà lòng dạ bồn chồn…
Biết bác Tâm không khỏe sau chuyến bay dài nên tôi chở ba tôi, thầy Đạo, đến gặp học trò Tâm. Cuộc gặp gỡ của hai thầy trò sau 72 năm xa cách cảm động không sao kể xiết. Hai tấm thân còm cõi với lưng còng, hai mái tóc bạc phơ, dọ dẫm từng bước tiến đến để nhận nhau.
Người học học trò cung kính chắp hai tay, cúi xuống thật gần và xá thầy. Ông thầy gỡ tay học trò như muốn nói lời miễn lễ. Tôi thấy mắt họ long lanh và thỉnh thoảng họ gỡ kính ra lau. Họ im lặng, không nói gì trong một thời gian dài. Tôi ý tứ lui ra phía sau để quan sát và lắng nghe tâm sự hai thầy trò của thời Quốc Văn Giáo Khoa Thư.
Bác Tâm suốt buổi khoanh tay tiếp chuyện thầy. Bác chậm rãi xin phép thầy cho được nói đôi lời:
“Con tìm được thầy là một sự tình cờ. Phương con gái của con và Khoa con trai của thầy là bạn học chung lớp ở trường đại học Bách Khoa. Chúng nó thân nhau vì Phương học Trưng Vương còn Khoa học Võ Trường Toản và đặc biệt là nhà con, thầy Vũ Quyết, lại là thầy dạy Anh Văn cho Khoa và các bạn ở trường Võ Trường Toản. Phương học chưa hết năm thứ I thì vượt biển với hành trình rùng rợn, ám ảnh cả đời. Thầy Quyết cũng ra đi như thế sau một năm.
Gần 40 năm sau, các cháu tìm và gặp lại nhau. Trong buổi đoàn tụ, biết con thường về làng Đại Tráng, tỉnh Bắc Ninh để làm từ thiện, Khoa bằng sự nhạy bén đã cho biết về người cha của mình đã từng dạy học ở làng Đại Tráng từ 1950 đến 1952. Con nhận ngay ra thầy và rất xúc động.
Năm 1950, con 13 tuổi học lớp Ba, thấy một Thầy giáo trẻ, 19 tuổi, từ Hà Nội về dạy lớp Năm tại trường Tiểu Học Đại Tráng. Hai năm sau con lên lớp Nhất được học thầy nhưng chỉ vài tháng sau học trò không còn thấy thầy đến trường nữa. Con nghe hai cô giáo của con là hai chị em, cô Phương và cô Tú, nói thầy đi sang Pháp du học. Ngày ấy thế sự đổi thay như con tạo xoay vần. Năm 1954 cả miền Bắc biến động vì dòng người di cư vào Nam như thác đổ. Gia đình con và hàng xóm ở Đại Tráng cũng dắt díu nhau đi rồi vào Sài Gòn lập nghiệp, tạo nên một cuộc ly tán lịch sử.
Nhiều năm sau đó, con và nhà con gặp thầy đi cùng với cô ở thương xá Tax, con chào nhưng chắc thầy không nhận ra con. Rồi ít năm sau thầy đến phòng mạch chơi với bác sĩ Huyên, con làm tại đây và có nói chuyện với thầy ít câu. Sau đó con không còn gặp lại thầy nữa…
Thầy có kỷ niệm về những ngày đi học ở Hà Nội kể cho con nghe đi. Con sẽ ghi chép và gửi cho con cháu để chúng lưu giữ về người thầy đáng kính của mẹ và bà chúng nó”.
Thầy chăm chú lắng nghe không sót một chữ rồi chậm rãi tiếp lời:
“Năm 1949 tôi học xong Sư Phạm Cấp tốc trong gần một năm ở Hà Nội rồi về làng Đại Tráng dạy học. Chỉ dạy có 2 năm nhưng ký ức về học trò của ngôi trường ở nông thôn miền Bắc này vẫn còn in đậm trong tôi mãi đến sau này.
Năm 1952 tôi lên đường theo lệnh Động Viên, học khóa I trường Bộ Binh Thủ Đức (tức Khóa 2 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức), đi tu nghiệp Không Quân tại Ma-rốc, rồi Pháp, rồi về đóng quân ở phi trường Nha Trang. Ít năm sau tôi từ bỏ binh nghiệp, về Sài Gòn theo nghiệp giáo dục rồi chính trị.
Cảm ơn chị đã cho tôi thông tin của hai đồng nghiệp là chị Phương và chị Tú cũng di cư vào Nam. Tôi sẽ ghé thăm chị Phương sớm, chắc đã 97 tuổi? Chị Tú thì đã muộn rồi. Tôi sẽ kể cho chị nghe về một kỷ niệm với thầy của tôi và một kỷ niệm với bạn bè thời trước di cư.
Những ngày đi học là những ngày bình an và thơ mộng nhất. Học trò thời đó kính trọng thầy giáo của mình quá mà đâm ra xa cách. Thầy hết mực thương yêu học trò nhưng lúc nào cũng nghiêm nghị, làm cho khoảng cách ấy càng xa hơn. Hồi tiểu học tôi học ở làng Mỹ Hào, tôi nhớ mãi thầy giáo khả kính của tôi tên là thầy Vũ Duy Bính. Thầy thương học trò như con và đặc biệt rất thương tôi vì tôi học giỏi. Khi vào Nam tôi vẫn luôn nhớ đến thầy của tôi và ao ước có ngày sẽ gặp lại.
Sau năm 1975, tôi có dịp ra Bắc để thăm mẹ của tôi, bà cụ vẫn còn giữ học bạ của tôi, mới như thời còn đi học. Nhìn thấy bút phê của thầy Bính, tôi cảm động và quyết tâm tìm lại thầy. Thật kỳ diệu, thầy khi đó đã gần 100 tuổi, vẫn còn minh mẫn và vẫn nhận ra tôi sau 30 năm loạn lạc. Thầy còn nhắc: ‘Ngày xưa tôi hay nói trong lớp rằng tôi cứ chờ anh Đạo nhường hạng nhất một lần nhưng không thấy xảy ra’.
Lên lớp lớn tôi học ở trường Bưởi. Thật kỳ lạ, lớp tôi ngày ấy quy tụ toàn là những nguời học giỏi, họ có lý tưởng giống nhau, cùng di cư vào Nam và đều trở thành nhưng người nổi tiếng, như các anh: Nguyễn Cao Kỳ, Cung Thúc Cần (Cung Trầm Tưởng), Phan Phụng Tiên (chuẩn tướng Không Quân), Vũ Đình Đào (Phó Đề Đốc Hải Quân), Phó Quốc Trụ (PGĐ Thương Cảng Sài Gòn), Đỗ Hữu Khanh (Đại tá Không Quân), Đỗ Hữu Tuấn (bác sĩ tại Lyon), Trần Quốc Khang (đại tá CHT căn cứ Long Bình) và còn nhiều nữa mà bây giờ tôi quên nhiều rồi…
Câu chuyện cứ kéo dài không dứt được. Lúc chia tay thầy và trò nhẫm tính, thầy nay đã 94 và trò đã 88, đều đã già và yếu. Lần gặp lại sau 72 năm có thể là lần gặp sau cùng. Cả hai lặng lẽ chia tay như khi gặp lại ít phút trước đó.
Chúc cho thầy và trò sống khỏe trong những ngày còn lại của cuộc đời. Cầu mong thầy và trò sẽ được đoàn tụ nơi thế giới bên kia.
https://www.facebook.com/khoa.ngtuan/posts/pfbid02u1A38RwqjyLqqJmrNbHoYdJWGfjGtYy7KNQ1iyRZhqB7kYminMyEe5YZebyF4CR9l