Luật động viên cho chiến trường Ukraine

Đỗ Kim Thêm

4-3-2024

Hiện trạng

Chiến trường Ukraine đang bước vào năm thứ ba với nhiều bất trắc vì vẫn chưa có triển vọng tái lập hòa bình, trong khi Ukraine đang thiếu hụt nghiêm trọng về nhân lực và quân viện.

Để đáp ứng tình thế mới đầy bi quan, chính phủ Ukraine dự liệu ban hành luật  động viên với mục tiêu là huy động thêm 500.000 tân binh. Dự luật này đang được thảo luận sôi nổi tại Verkhovna Rada, Quốc hội Ukraine, và  sẽ được thông qua vào cuối tháng 4 năm nay.

Theo luật động viên hiện hành, nam giới từ 20 tuổi trở lên phải thi hành nghĩa vụ quân sự trong 18 tháng. Trực tiếp tham gia chiến trường chỉ dành riêng cho nam giới từ 27 tuổi trở lên, nhưng những người khác, nếu tình nguyện, cũng sẽ được chấp nhận.

Ngay sau khi Nga xâm lược, Ukraine đã ban hành tình trạng thiết quân luật và nam giới trong độ tuổi từ 18 đến 60 không được phép xuất cảnh. Ngược lại, nữ giới có thể rời khỏi đất nước, nhưng cũng có thể ở lại để tham gia chiến đấu trên căn bản tự nguyện. Hầu hết các tình nguyện viên dân sự tham gia quân đội và chiến đấu anh dũng trên các tuyến đầu.

Việc hoãn quân dịch có thể được chấp nhận là ngoại lệ vì có lý do sức khỏe như khuyết tật, gia cảnh như đông con hoặc nghề nghiệp như còn học đại học hay làm việc trong các lĩnh vực quan trọng của chính quyền.

Mang tâm trạng phản chiến và không muốn trực tiếp chiến đấu vì lý do lương tâm không được chấp nhận để được hoãn quân dịch. Các tín đồ của tôn giáo lớn không thể sử dụng lập luận này, ngoại lệ chỉ áp dụng hạn chế cho các tín đồ của Cơ đốc Phục lâm hoặc Nhân chứng Giê-hô-va.

Để trốn tránh nghĩa vụ, nhiều người tìm cách lạm dụng các trường hợp hoãn quân dịch, như ghi danh học đại học hoặc kết hôn với phụ nữ đông con và tìm cách xuất cảnh. Theo ước tính của lực lượng biên phòng, nhiều người Ukraine đã trốn ra nước ngoài, riêng năm 2023 đã có hơn 10.000 người trong số đó.

Tung tiền hối lộ để trốn tránh nghĩa vụ gây ra tệ trạng tham nhũng tràn lan tại các văn phòng tuyển quân địa phương. Các quân y sĩ có nhiệm vụ giám định y khoa cho các tân binh làm việc nổi tiếng là tham ô và tắc trách. Nhiều trường hợp sức khoẻ ổn định nhưng được chứng nhận miễn quân dịch và có khi còn bỏ qua việc khám tổng quát. Hậu quả này đã lên đến mức báo động khiến cho Tổng thống Zelensky đi đến quyết định sa thải nhà lãnh đạo cơ quan động viên toàn quốc hồi đầu tháng 8/2023.

Cho đến nay, một số lượng lớn các tình nguyện viên vẫn còn tiếp tục hăng say chiến đấu. Trong số này, cũng có nhiều người đang trong tình trạng kiệt sức và cần được an dưỡng, nhưng không có luật nào quy định việc này.

Đối với những thành phần này, ngày 26/2, Tổng thống Zelensky ký  quy định mới về việc xuất ngũ trước thời hạn và cho họ có quyền chuyển sang các lực lượng trừ bị. Nhờ thế, gia đình của họ được yên tâm, vì trước đó họ luôn lên tiếng kêu gọi các binh sĩ tự động hồi hương.

Trước đây, không có thủ tục đăng ký quân sự. Theo dự luật động viên tương lai, các tân binh phải làm thủ tục này với chính quyền địa phương và nghĩa vụ quân sự kéo dài ba năm. Tất cả nam giới từ 18 tuổi trở lên sẽ hoàn thành nghĩa vụ quân sự cơ bản, nhưng trước khi ra tiền tuyến, họ sẽ trải qua một khóa huấn luyện đặc biệt.

Theo luật mới, tân binh sẽ được luân chuyển qua các đơn vị, khu vực hoạt động khác nhau và được quyền xin nghỉ phép. Các biện pháp mới về chế tài cũng được đề cập. Ai trốn tránh lệnh triệu tập phải chịu phạt tù hoặc tiền, có thể bị tịch thu ô tô và khóa các tài khoản ngân hàng.

Luật này dự liệu, chính quyền địa phương sẽ đảm trách việc thi hành thủ tục mới, thông qua kỹ thuật số. Việc hoãn quân dịch theo luật cũ nay cũng sẽ được áp dụng như trước.

Luật mới cũng sẽ áp dụng cho những người Ukraine hải ngoại. Ai liên hệ với lãnh sự quán Ukraine để xin giấy tùy thân mới, sẽ phải chứng minh là đã hoàn tất thủ tục đăng ký. Dự luật sẽ được chung quyết vào cuối tháng Tư, nhưng còn phải qua nhiều thủ tục khác mới bắt đầu có hiệu lực.

Hậu quả

Triển vọng đạt được việc bổ sung quân số theo dự trù rất khó đoán vì có nhiều lý do khác nhau.

Về mặt pháp lý, Ủy viên đặc trách vấn đề nhân quyền của Quốc hội Ukraine lên tiếng chỉ trích dự luật có nhiều điểm không phù hợp với Hiến pháp Ukraine và vi phạm về Hiệp ước Nhân quyền quốc tế. Về mặt thực tế, tệ trạng tham nhũng tại các địa phương chưa được cải thiện triệt để.

Theo ước lượng, có khoảng 750.000 người trong độ tuổi thi hành nghĩa vụ đang ở tại các nước Liên Âu, trong đó có khoảng 200.000 người ở Đức. Những thành phần này không nhất thiết bị quy kết là đào ngũ, vì cũng có thể trong số này có người hưởng được quy chế hoãn quân dịch theo luật định.

Để giải quyết, chính quyền Ukraine tìm cách vận động nhóm người hải ngoại hồi hương nhưng không đề ra biện pháp cưỡng ép nào.

Cố vấn tổng thống Serhiy Leshchenko đã kêu gọi các nước Liên Âu ngừng các biện pháp hỗ trợ và tạo điều kiện cho họ được hồi hương vì họ là lực lượng cần thiết cho công cuộc chiến đấu và tái thiết hậu chiến. “Không ai bị buộc vào quân đội, nhưng chúng ta phải thúc đẩy mọi người. Họ nên được sử dụng theo khả năng”.

Người tị nạn Ukraine ở Đức được Luật Ngoại kiều bảo vệ khá chặt chẽ, ít nhất cho đến cuối năm 2025. Trước tiên, họ được cấp giấy phép cư trú tạm thời, sau khi hết hạn, họ không lo sợ bị trục xuất; ngược lại, họ có quyền nộp đơn xin tị nạn hoặc xin di cư sang một nước thứ ba.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây