Ngày thơ Việt Nam… từ đâu đến?

Nguyễn Lệ Uyên

28-2-2024

Gõ cửa anh “Gồ” để hỏi “ngày thơ Việt Nam” thì có đến 5,4 triệu kết quả. Các báo quốc doanh lẫn báo địa phương đều giật những cái tít rất kêu, nào là “Bản hòa âm đất nước”; “Ngày thơ Việt Nam năm 2024 ‘lấy đà’ cho liên hoan thơ quốc tế” (Thanh Niên); “Ngày thơ Việt Nam, tôn vinh dân tộc thiểu số, phủ định trí tuệ nhân tạo” (Tiền Phong); còn Tuổi Trẻ thì “Nhân dân có cần thơ không?

Các Facebookers nhân đó cũng “ăn theo”, nghiêm túc có, cười cợt có, dè bỉu không thiếu… với tinh thần rất dân chủ!

Ngày thơ Việt Nam lần đầu tổ chức cách đây 22 năm, vào ngày Rằm tháng Giêng năm Quý Mùi (tức năm 2003) tại Văn miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội theo quyết định của Hội Nhà văn Việt Nam, dưới sự chỉ đạo và cho phép của Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương và bộ Văn hóa Thông tin. Và kết quả, theo tổng kết của báo quốc doanh đều “thành công tốt đẹp”, ngoại trừ một vài sơ xuất nhỏ như dịch sai tiếng Anh, lấy thơ ông nọ cắm cằm ông kia, qua các chân dung treo từ ngoài cổng vào đến sân khấu đọc thơ. Cười cợt chút xíu rồi xuề xòa bỏ qua vì là chuyện nhỏ.

Nhưng, tôi nghĩ có chuyện không nhỏ chút nào là, ngày Thơ ấy bắt đầu từ đâu? Chắc chắn 100% không phải phát xuất từ ý tưởng của ông Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam… mà là của những người khác, không ai biết tên tuổi, ở một miền đất mà có nhắc đến tên, rất nhiều người chẳng biết nó nằm chỗ nào, nơi mà lượng báo văn nghệ trước năm 1975 được người dân mua đọc chỉ đứng sau Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng (theo thống kê của nhà phát hành Sống Mới, năm 1973)?

Thơ Nguyên tiêu manh nha từ thư viện Hải Phú trong những năm cuối cùng của giai đoạn “khắc nhập khắc xuất” trên cả nước. Các vị sính thơ ca là cán bộ về hưu hoặc đương chức, là Hội Văn học Nghệ thuật thị xã Tuy Hòa, thư viện Hải Phú và các vị phó thường dân thi sĩ địa phương áp dụng tối đa câu ca dao “tháng giêng là tháng ăn chơi”, nghĩ ra cách tụ tập năm mười thân hữu sính văn chương, mang rượu, trà tới chỗ thuận tiện đọc thơ phú, vỗ về cho những khó khăn trong đời sống “làm ơn ngủ yên chút”.

Người khởi xướng cho bản hòa âm nho nhỏ này là cụ Ái Dân, cán bộ hưu trí, thông báo cụ có chai rượu thuốc và trà tàu sẽ mang mời anh em tới đọc thơ, nghe thơ… mà chỗ dung chứa là thư viện Hải Phú với ông giám đốc cũng sính thơ và rất chịu chơi: Đặng Như Mai. Anh em tự đọc những bài thơ vừa khai bút đầu năm, mỗi người đọc xong, cụ Ái Dân rót ly rượu hột mít mừng tuổi.

Có mặt trong buổi đọc thơ đầu tiên trong ngày Rằm tháng Giêng là Đoàn Anh, Quang Nam, Khánh Nam, Nguyễn Công Hoan (cán bộ địa chất), Trần Huiền Ân, Dương Thái Nhơn, và nhiều người nữa (quên tên). Năm sau các cụ tổ chức bài bản hơn: Giao Trần Huiền Ân và Huỳnh Quang Nam mỗi người chọn một bài thơ xuân, câu đối trên báo để đọc nền cho đêm thơ, sau đó là thơ của các anh em có mặt.

Đến lần thứ 3, đêm thơ được tổ chức bài bản hơn trong phòng đọc sách khá rộng của thư viện Hải Phú, có phông màn kẽ trên giấy croquis: ĐÊM THƠ NGUYÊN TIÊU LẦN THỨ 3, TX TUY HÒA 1987, có sáo có đàn tranh, có người dẫn chương trình, diễn ngâm… khách dự là các bạn văn từ Nha Trang: Giang Nam, Cao Duy Thảo, Nguyễn Gia Nùng, Thanh Hồ, Nguyên Hồ, Đào Xuân Quý… Có cả nhà thơ Thanh Quế từ Đà Nẵng về (anh sinh trưởng tại Tuy An, Phú Yên).

Những lần sau, thư viện Hải Phú và các cộng sự không được phép tự biên tự diễn mà phải xin phép và gửi thơ cho ban Tuyên giáo thị xã Tuy Hòa duyệt trước khi đưa ra công chúng. Và đây cũng là thời gian căng thẳng giữa Phú Yên-Khánh Hòa trong việc chia tách tỉnh, nên năm sau UBND thị xã Tuy Hòa cấm không cho tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu, không tiếp các nhà văn, nhà thơ thuộc biên chế của tỉnh Khánh Hòa ra dự. Thư viện Hải Phú bị cúp điện, anh em kéo nhau xuống nhà Đào Minh Hiệp (người dịch bộ phim “Người giàu cũng khóc”, đình đám một thời trên đài truyền hình Phú Yên và VTV) uống rượu giải sầu, có cả công an “hộ tống” và “canh giữ an ninh”!

Sau khi tách tỉnh, đêm thơ Nguyên tiêu chính thức giao cho hội VHNT và sở VHTT đồng tổ chức, khi thì tại công viên Diên Hồng, lúc thì trên tháp Nhạn với cờ phướn, quạt nia, pano trích những câu thơ rồi viết lên đó theo lối thư pháp. Khách mời là các nhà văn, nhà thơ khắp nước, chủ nhà là các ông bà bí thư, chủ tịch tỉnh, thị xã…

Nghi thức khai mạc rập khuôn kính thưa, đến nỗi bạn thơ Hồ Tấn Lộc lặn lội từ Cà Mau ra phải thốt lên, “đến thơ mà cũng đồng chí đồng rận thì đứng nghe làm.. . gì?” Nói xong anh bỏ đi tìm bạn uống rượu, nói thơ ruồi, thơ trạng!

Có một người luôn có mặt trong mọi đêm thơ Nguyên tiêu tổ chức tại Tuy Hòa từ khi mới nở, giúp nó trở thành “bản hòa âm đất nước”, đó là nhà văn Nguyễn Gia Nùng (Khánh Hòa). Ông cảm khái trước tinh thần yêu chuộng thơ văn của người dân xứ đồng đất xương rồng bàn chải, rồi đưa cả việc làm lẫn cái tinh thần ấy vào tham luận đọc tại cuộc hội thảo thơ do hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại thành phố Thanh Hóa đâu khoảng năm 2000 hay 2001 gì đó.

Nhà văn Nguyễn Gia Nùng (1937 – 2017), là người luôn có mặt trong mọi đêm thơ Nguyên tiêu ở Tuy Hòa khi ông còn tại thế. Nguồn: Báo NNVN

Ông Nguyễn Gia Nùng dùng tất cả mọi mỹ từ có trong đầu để xiển dương, ca tụng đêm thơ Nguyên tiêu trên đất Phú Yên, đến nỗi ông Hữu Thỉnh cũng động lòng, nghe ra rất chi là hữu tình hữu lý, bèn đề xuất lên Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, cho phép lấy ngày Rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm làm ngày Thơ Việt Nam. Lúc này ông Đỗ Kim Cuông (có thời gian dài công tác tại Phú Khánh – Giảng viên ngữ văn trường Cao đẳng Sư phạm Phú Khánh, hội viên hội Nhà văn Việt Nam) đang ngồi ghế trưởng ban Văn nghệ Ban TTVH Trung ương, gật đầu OK cái rụp.

Chặng đường dài đêm thơ Nguyên tiêu có gần trên dưới 40 năm với một nhóm nhỏ ở Tuy Hòa-Phú Yên là các ông Ái Dân Nguyễn Thái Vĩnh, Trần Huiền Ân, Lê Khánh Nam, Huỳnh Quang Nam, Triệu Lam Châu, Nguyễn Công Hoan, Phạm Tu, Nguyễn Tường Văn, Hữu Bình…  Tưởng đâu chỉ là chuyện thơ hành tiêu ớt tỏi, thêm chút hương vị cho cuộc sống bị câu thúc, tẻ muộn, trong thời buổi hộ khẩu, tem phiếu… nào ngờ nó như quả cầu phình to bay lơ lửng hàng năm, chưa có dấu hiệu bị xẹp bung.

Ngẫm lại, các hiện tượng nhỏ có khả năng đánh động tâm lý con người và có kẻ biết khai thác, nó sẽ trở thành trào lưu mà to hơn là phong trào, như phong trào cách mạng chẳng hạn?

Trong số những người khởi xướng đêm thơ Nguyên tiêu tại Tuy Hòa năm nào, đã có quá 2/3 giã từ nàng thơ đi theo cụ Mác, cụ Mao… chỉ còn lại vài ông, một đã già khú đế và một nữa bắt đầu chín rục.

Viết lại, để mọi người tỏ tường cái gốc của đêm thơ Nguyên tiểu, đồng thời như một nén nhang thắp và biết ơn các vị đã ráng sức “rặn đẻ” ra nó, rồi lớp sau bảo tồn, phát triển cho tới ngày nay.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Tui còn nhớ sau 1975, mấy thằng nhảy núi về, phát biểu xong rùi đọc mấy vần thơ con cóc, thúi như c*t mà hắn vỗ tay rùi cả đám vỗ tay theo! Tui ngạc nhiên thật! Sau này mới biết là học tập và làm theo hồ chủ tịt!

  2. Cũng là một thứ “truyền thống”, giống y như vài anh thất nghiệp tụ bạ nhau ở Hương Cảng dựng nên cái đảng Cẩu sản (đảng chó đẻ) để cướp chính quyền.
    Nhờ có cái “truyền thống” ấy mà xứ Đông Lào mới có cảnh bán vợ đợ con ngày nay.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây