Lê Huyền Ái Mỹ
26-2-2024
Trong ngày, trên Tuổi Trẻ đăng tải hai thông tin liên quan đến nghệ sĩ. Một là từ cái còm của diễn viên – đạo diễn Trấn Thành về bộ phim Mai đã giải thích ý nghĩa tên nhân vật Trùng Dương là “ánh dương trùng xuống”. Báo này lập tức dẫn lại và mời luôn chuyên gia ngôn ngữ. Dân thường còi cọc như tui với vốn liếng biết đọc hết bảng chữ cái, biết đếm 1 tới 10 cũng tự hiểu “trùng xuống” như Thành nói là không đúng nghĩa “chùng xuống”, trừ phi nói… đớt mà viết không đớt vậy!
Nhưng vời đến chuyên gia ngôn ngữ, trong đó có nhà thơ siêu dễ thương, sếp cũ của tui là Lê Minh Quốc vào viện giải thì quả là báo quá… chu đáo. Trước là với Thành, chắc là để giúp cậu ấy hiểu đúng hơn chữ và nghĩa. Sau là với bạn đọc, nhiều khi kiểu còm phây nối bản báo chí này giúp lượng đọc không bị “trùng xuống” chăng.
Tôi từng có những người bạn gốc Hoa ở quận 6, quận 5, họ cực kỳ nhạy bén, giỏi tính, biết giao thiệp nhưng kỹ năng diễn đạt, nhất là viết tiếng Việt thì quá ư là “trùng xuống”. Nên, một cái còm thôi mà tạo được cả “trùng dương” tranh cãi khiến bổn báo phải ra tay cùng chuyên gia thì quả thật Trấn Thành điệp điệp thành công!
Trong khi đó, hôm nay cũng là ngày Viện dưỡng lão nghệ sĩ chính thức “hoàn thành sứ mệnh” của gần 30 năm qua, các nghệ sĩ về sống ở Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè với chế độ chăm sóc chu đáo hơn, chuyên nghiệp hơn.
Trên Tuổi Trẻ, tựa bài báo dẫn theo lời soạn giả Đức Hiền “Thương từ con chó cái cây, rời Viện dưỡng lão bảo sao không buồn”. Hôm trước Tết, tôi có ghé Viện. Nhìn khuôn viên đất đẹp nhưng lối đi vào quá hẹp, không gian ở khá nhếch nhác thì việc cần tổ chức lại, nâng chất lượng chăm sóc các nghệ sĩ là điều rất nên. Nhưng, lắng nghe tiếng thở dài của họ, bước qua khu vực thờ tự mới hiểu cái nỗi buồn không hẳn chỉ là rời xa một nơi cư ngụ với “con chó cái cây”. Nó còn là một cõi thiêng của riêng người nghệ sĩ, lại là nghệ sĩ cải lương. Dưng không, nhớ truyện ngắn “Bàn thờ Tổ của một cô đào” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Tôi đã nhiều lần đến Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè, hồi dì Mười Mai – họa sĩ đầu tiên của báo Phụ Nữ – còn sống. Nhiều cây xanh, phòng thoáng đãng, có cả phòng chăm sóc sức khỏe. Nhưng, với những “cô đào hát”, chừng ấy thôi là chưa đủ và đầy. Nếu thấu cảm để thấu đáo hơn một chút nữa với những người nghệ sĩ cả một đời nương náu Tổ nghiệp, tin và phụng hiến theo Thầy Tổ – cụ thể là NSND Phùng Há, người lập nên Viện dưỡng lão nghệ sĩ thì nay, nên dành cho các cô sự bày tỏ cái ơn nghĩa trên hết, sau cùng ấy cho trọn vẹn.
Và tôi chờ một dòng nghi vấn: Nơi ở mới, có một góc nào đó, nhỏ thôi để các cô vẫn được thờ Tổ nghiệp, thờ Thầy của mình – NSND Phùng Há?
Cũng là một cách để nối dài ký ức đẹp về một địa chỉ văn hóa, hơn thế là một cách sống đáng trọng của người nghệ sĩ mà không dễ có ở ai, ở đâu.
Ánh dương, khi không còn có thể hiểu theo nghĩa thông thường nữa, thì trùng xuống cũng là 1 cách hiểu . Đúng, không thông thường . Nhưng còn gì có thể hiểu theo nghĩa thông thường được nữa đâu
Để nâng cao chất lượng sống của Viện, chính quyền nên cử các cô giáo tới phục vụ
Bài này nếu gởi cho Hùng văn hóa thì nó sẽ gào lên : nghệ sĩ cái éo gì đám xướng ca vô loài.
Đời người nghệ sĩ là bạc nhất, cống hiến cho nghệ thuật nhưng bị người ta khinh bạc.
Xin ai còn lương tâm thì không nên bao giờ dùng chữ “xướng ca vô loài” mà hãy quên nó đi.