Đau xót trong ngày mùng 8!

Lê Huyền Ái Mỹ

16-2-2024

Sáng sớm, lướt màn hình, thảng thốt với bản tin “cháy nhà ở quận 10, 4 người tử vong”. Vẫn còn những ngày “mùng mền” ăn Tết. Lại là ngày “phát”, mùng 8, nhiều nơi chọn để mở hàng, khai trương. Thảm kịch xảy ra ở một trong những quận lớn, sát trung tâm. Thiệt đến bốn nhân mạng. Không phải thảm họa đầu tiên cũng chẳng phải thảm kịch cuối cùng. Nhưng cứ mỗi lần xảy ra lại kéo theo, lan ra xa một nỗi đau khác.

Ban đầu, nhìn địa chỉ nhà, những hai dấu xuyệt, nằm trong hẻm sâu, hình ảnh cho thấy những tấm cửa sắt đan kín; Nam Bộ nói chung, TP.HCM nói riêng lại đang những ngày nắng nóng kinh dị nên nghĩ ngay đến chập điện, hoặc một lý do “khách quan” nào đó .

Rồi thấy ông bí thư thành ủy có mặt tại hiện trường, chia sẻ, tìm hiểu sự việc. Nghĩ những ngày đỉnh dịch hồi 2020, ổng cũng xuống địa bàn mấy con hẻm, sau đó cho dời dân “lành bệnh” ra vùng xanh, để tránh lây nhiễm. Việc cứu cấp cái “lửa gần” ấy lại giúp nhìn ra “nước xa”, tức phải tái quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch khu dân cư (nghèo) để không lặp lại thảm kịch nếu đại dịch quay lại, hoặc bùng phát chuẩn mới. Thì nay, liệu thành phố có đủ “vốn” và còn đất để giãn dân, nhất là những khu đô thị có mật độ dân số cao, điều kiện sống thấp?

Nhưng, tới bản tin trưa, báo chí đưa theo cơ quan chức năng, vụ việc “có nhiều dấu hiệu nghi bị do phóng hỏa, vì mâu thuẫn trong gia đình”. Vnexpress đưa ý kiến người dân sống cạnh đó, nói luôn “người đốt là người đòi bán nhà, mấy người kia không chịu bán vì nhà của cha mẹ để lại. Dọa đốt nhà mấy lần rồi…”.

Không “thảng thốt” nổi nữa.

Những “suy diễn” vụn vặt theo chiều hướng quản trị xã hội hay không gian sống đô thị cũng tắt ngúm. Nó, một lần nữa là chuyện tài sản và phân chia tài sản, là xung đột không có lối thoát mà cuối cùng chỉ dắt nhau vào thảm kịch. Còn đó câu chuyện đau lòng đến tột cùng ở Hưng Yên, cũng do tranh chấp tài sản mà ba người con gái đốt nhà mẹ ruột, hậu quả, mẹ và hai con gái chết, người còn lại lãnh án tù 22 năm.

Tôi cũng từng chứng kiến gia đình một chị bạn có tranh chấp tài sản, cũng chín người muốn giữ, một người muốn bán. Một đêm, người duy nhất ấy đổ đầy bình xăng xe, nốc rượu. May mà người nhà nhận thấy dấu hiệu nên dắt con xe ra khỏi nhà, đợi “ông thần” tỉnh rượu để nói chuyện phải trái. Đâu chừng năm sau, căn nhà được bán.

Mình không ở trong tình huống cụ thể, cũng không/chưa vướng vào hoàn cảnh hay nghịch cảnh ấy, sẽ không dám nói đúng sai, phải quấy. Nhưng, lẽ nào sự cùng cực lại đẩy đến việc kêu đòi cho bằng được phải bán, phải chia; để khi không thành thì nảy sinh sự tàn nhẫn, bất chấp, hủy diệt nhau? Lan ra cả nhà bên cạnh, như hệ quả của “đám cháy” về mặt xã hội mà mỗi một hành vi đơn lẻ vẫn có thể gây nên.

Và cả việc “dọa đốt nhà mấy lần rồi” lại không cho thấy đó đã là hiểm họa được báo trước. Hay là lòng người không đoán định được để rồi phải trả giá bằng mạng sống?

Nước xa không thể cứu lửa gần, lại là ngọn lửa mà ta tự châm thì nước đã hóa thành… xăng mất rồi.

Thật đau và xót trước thảm kịch này, ngay trong ngày mùng 8!

Hôm nay, cũng là lễ đàn Pháp hội Dược sư. Trong lời cầu nguyện “Tiêu tai diên thọ, kỳ quốc thới dân an, nguyện phong điều vũ thuận”, xin thành kính tưởng niệm các chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất quê hương trong cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược năm 1979, xin hồi hướng bốn sinh linh vừa ra đi…

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây