15-2-2024
Ngày 17 tháng 2 năm 1979, Trung Quốc ngang nhiên xua 600 ngàn quân chiến đấu và phục vụ chiến đấu cùng 400 xe tăng xâm lược Việt Nam. Sau 27 ngày, quân Trung Quốc đã tổn thất nặng nề: 28.000 quân bị giết chết, 280 xe tăng bị phá hủy… Trung Quốc buộc phải rút quân về nước.
Nhưng cuộc xâm lược không dừng ở đó mà mở rộng trên cả đất liền với việc chiếm cao điểm 1059 (mà Trung Quốc gọi là Lão Sơn) ở Hà Giang năm 1984 và trên biển chiếm lấy một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào 14 tháng 3 năm 1988. Cuộc gây hấn của Trung Quốc với Việt Nam trên vùng biển Việt Nam vẫn đang tiếp diễn.
Lịch sử 4.000 năm của Việt Nam đã được các thế hệ cha ông luôn luôn răn dạy con cháu. Trung Quốc không bao giờ từ bỏ âm mưu thôn tính Việt Nam, biến nước ta thành nô lệ. Cuộc xâm lược ngày 17/02/1979 là cuộc xâm lược thứ 18 của Trung Quốc với Việt Nam.
Cuộc xâm lược trong thời đại Việt Nam – Trung Quốc cùng chung ý thức hệ đang cùng nhau xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa, cuộc xâm lược của đồng chí với đồng chí, cuộc xâm lược của một nước Cộng Sản vào một quốc gia Cộng Sản có chủ quyền. Cuộc xâm lược này cũng vứt bỏ khẩu hiệu Tinh Thần Quốc Tế Vô Sản xuống bùn, vứt bỏ khẩu hiệu Trung Quốc giúp Việt Nam vô tư vô vụ lợi vì cùng hệ tư tưởng Cộng Sản, chấm dứt mọi tuyên truyền xảo trá lừa bịp bấy lâu nay.
Cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc vào Việt Nam ngày 17/02/1979 và những gây hấn liên tiếp trên vùng Biển chủ quyền của Việt Nam cho đến hôm nay đã cho toàn thể nhân dân Việt Nam, cũng như toàn nhân loại hiểu một cách chính xác quyền lợi quốc gia dân tộc của Trung Quốc và của Đảng cộng sản Trung Quốc là tối thượng. Vì quyền lợi này, Trung Quốc sẵn sàng tiêu diệt bất cứ ai, bất cứ lúc nào, khi cần thiết. Khẩu hiệu “đồng chí”, “cùng hệ tư tưởng”, “cùng chung vận mệnh” chỉ là xảo trá, lừa dối, chẳng có ý nghĩa gì trong quan hệ giữa hai nước.
Việt Nam là quốc gia láng giềng của Trung Quốc, Việt Nam cần một môi trường hoà bình, hợp tác bình đẳng, cùng phát triển. Nhưng lịch sử là lịch sử, lịch sử phải được đánh giá đúng và không lãng quên, vì lịch sử tự vệ của Việt Nam chống Trung Quốc xâm lược là máu xương của toàn dân tộc qua 4.000 năm lịch sử.
Do vậy, chúng tôi, các tổ chức xã hội dân sự và các cá nhân yêu cầu nhà nước đưa cuộc chiến tranh tự vệ 1979 vào sử sách như Bạch Đằng, Đống Đa…, giảng dạy trong các nhà trường, báo chí truyền hình, thông tin rộng rãi trong ngoài nước, thể hiện trong các bảo tàng lịch sử và tổ chức công khai Lễ Tưởng Niệm đồng bào chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh tự vệ chống xâm lược Trung Quốc. Sau đó, theo thông lệ 5 năm một lần làm Lễ Tưởng Niệm.
_________
(Quý vị muốn tham gia ký tên xin vui lòng gởi về: paracelle19011974@gmail.com)
CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI DÂN SỰ
1. Lập Quyền Dân: Ông Nguyễn Khắc Mai đại diện
2. Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự: TS Nguyễn Quang A đại diện
3. Câu lạc bộ Nguyễn Trọng Vĩnh: GS Nguyễn Đình Cống đại diện
4. Câu lạc bộ Phan Tây Hồ: TS Hà Sĩ Phu đại diện
5. Ủy Ban ĐT/CT CĐ Liên Châu: Nguyễn Sơn Hà đại diện
6. Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng: Ông Lê Thân đại diện
CÁ NHÂN:
1. Nguyễn Quang A, Hà Nội.
2 . Nguyễn Kim Chi, nghệ sĩ, CLB Lê Hiếu Đằng, TP.HCM.
3. Nguyễn Nguyên Bình, nhà văn, Hà Nội
4. Nguyễn Đình Cống, Giáo sư, Hà Nội
5. Nguyễn Khắc Mai, Hà Nội
6. Mạc Văn Trang, nhà giáo, TP.HCM
7. Vũ Trọng Khải, PGS.TS chính sách nông nghiệp, TP.HCM.
8. Lê Phú Khải, nhà báo, CLB Lê Hiếu Đằng, TP.HCM.
9. Kha Lương Ngãi, nguyên phó TBT báo SGGP, CLB Lê Hiếu Đằng, TP.HCM
10. Lại Thị Ánh Hồng, nghệ sĩ, CLB Lê Hiếu Đằng, TP.HCM
11. Hoàng Hưng, nhà văn, TP.HCM
12. Nguyễn Sơn Hà
13. Lê Thân, CLB Lê Hiếu Đằng, TP.HCM
14. Daniel Thiều Thị Tân, CLB Lê Hiếu Đằng, TP.HCM
15. Bùi Nghệ, Kỹ sư, CLB Lê Hiếu Đằng, TP.HCM
16. Andre’ Mendras (Hồ Cương Quyết), nhà giáo Việt – Pháp, CLB Lê Hiếu Đằng, Paris Pháp
17. Hà Sĩ Phu, tiến sĩ, Đà Lạt Lâm Đồng
18. Đỗ Như Ly, kỹ sư, hưu trí, CLB Lê Hiếu Đằng, TP.HCM
19. Trần Minh Quốc, nhà giáo, CLB Lê Hiếu Đằng, TP.HCM
20. Đinh Hoàng Thắng, cựu Đại Sứ VN tại Hòa Lan, Hà Nội
NHÀ THƠ NHÂN DÂN: Nguyễn Minh Tâm
Khi đã hiểu cội nguồn lịch sử
Thì giàn khoan kia chẳng có bất ngờ đâu
Cái “Mười sáu chữ vàng” và “Bốn tốt”
Cửa miệng phun ra…
che hiểm độc ở trong đầu.
Khi đã hiểu cội nguồn lịch sử
Bản chất bá quyền trong giọt máu Trung Hoa
Nên chẳng bao giờ họ là bạn cả
Dù khi vui, cứ thoải mái hảo à…
Khi đã hiểu cội nguồn lịch sử
Lời cha ông còn vọng đến bây giờ
Dặn cháu con hãy tỉnh mình cảnh giác
Không được thả mình trong ngây thơ ngu ngơ…
Khi đã hiểu cội nguồn lịch sử
Sẽ thấy trong nụ cười có đủ cả nhu, cương
Cái bắt tay có gọi là hữu nghị
Cũng phải có khí phách hiên ngang của một kẻ can trường.
NGUỒN MẠNG.
HỌC GIẢ BÙI CHÍ VINH
Biển Đông không chấp nhận “Đường Lưỡi Bò” láu cá
Không chấp nhận tàu Hải Giám, tàu Ngư Chính thưa em (thứ tàu lạ mơ hồ)
Biển Đông không có dầu hỏa cho bọn cường hào, không có thềm lục địa cho ác bá
Nhưng có ngư dân hiền lành và tuổi trẻ khát tự do
Biển Đông tang thương từ những rặng san hô
Nơi xác cha ông trồi lên thành quần đảo
Nơi bọn xâm lăng đang gióng trống giương cờ
Tưởng đất nước Tiên Rồng thời bình trôi hết máu
Anh đã từng nếm mùi chiến tranh, từng nếm mùi đói cơm thiếu áo
Thoát chết ở Trường Sơn, sống lại ở đồng bằng
Thuộc lòng sử Việt Nam như một người tử đạo
Thương cọc nhọn Ngô Quyền, mê chiến thắng Bạch Đằng Giang
Làm sao có thể thờ ơ trước bầy cá mập ăn đêm
Dám lồng lộn khắp Biển Đông dọa nạt
Chúng săn anh và chúng đuổi em
Bằng lý luận của Thiên Triều xưa… “quá đát”
Em ơi em tự do có thật
Mộ gió cha ông cũng có thật kia kìa
Sờ lên ngực anh đi, khi trái tim còn đập
Thì đâu dễ gì giặc phương Bắc được hả hê ?
Em ơi em khi sinh tử cận kề
Mới hiểu hết thế nào là nhân quả
Mới thấy “cháy nhà ra mặt chuột” ngô nghê
Thấy “tàu lạ” thành tàu quen… dối trá
Biển Đông không có chỗ cho Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống rạp mình hèn hạ
Không có chỗ cho tàu Hải Giám, tàu Ngư Chính “giả nai” quen thói mơ hồ
Càng không có dầu hỏa cho cường hào, không có ngư trường cho ác bá
Chỉ có cọc nhọn Bạch Đằng và cánh tay “Sát Thát” khát tự do!
NGUỒN MẠNG.