Nguyễn Đình Cống
14-2-2024
1. Giới thiệu
Ngày 31-1-2024, Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng công bố bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”, (gọi tắt là “bài báo”). Bài dài trên 13.000 chữ, ngoài đoạn mở đầu thì nội dung gồm ba phần, ứng với ba giai đoạn lịch sử: Từ 1930 đến 1975; từ 1975 đến nay và từ nay đến năm 2030.
Bài báo được các đài, báo “lề đảng” đăng toàn văn với những lời ca ngợi rất hùng hồn. Tôi đã đọc qua một lần và phát hiện một số ý không giống như các lời ca ngợi, xin viết để trao đổi với những ai quan tâm.
Tầm quan trọng của một bài báo là thông tin có mới không, có giúp ích gì cho người đọc không, hay chỉ gây nên tình trạng để người ta phải than thở “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Chắc GS Trọng đã dự kiến được điều này nên mở đầu bằng câu “Như chúng ta đều đã biết…”.
Mọi người đều đã biết thì, nếu rất cần, chỉ nên nhắc lại một cách tóm tắt, chứ viết dài dòng mà làm gì? Liệu bắt người ta đọc những điều họ đã nghe đến nhàm chán thì có thể “khơi dậy niềm tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, Dân tộc Việt Nam anh hùng; tăng cường niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng và tương lai tươi sáng của Đất nước ta” (câu trích từ đoạn mở đầu) hay không? Thế mà hầu như toàn bộ thông tin được bài báo dẫn ra đúng như tác giả đã viết là mọi người đều đã biết!
Khi mới lướt mắt qua, tôi thấy trong bài báo có những ánh lấp lánh, cố đọc kỹ để mong “đãi cát tìm vàng”, nhưng chỉ tìm thấy cái lấp lánh của những giáo điều. những giáo điều như vậy, được nhắc đi nhắc laị đến nỗi một số khá đông người ngộ nhận đó là sự thật không thể phản bác.
2. Về phần một: Thời kỳ từ năm 1930 đến 1975
Trong phần 1, ông Trọng viết: “Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản họp ở bán đảo Cửu Long … dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc… Việc Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là thành quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước; chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành và đủ sức gánh vác sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng. Luận cương chính trị đầu tiên của Đảng được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng đã xác định con đường cơ bản của cách mạng Việt Nam, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của Dân tộc và nguyện vọng tha thiết của Nhân dân”.
Trong đoạn trên, ít nhất có vài ý không phản ảnh đúng thực tế mà chỉ là những giáo điều. Thứ nhất là năm 1930 mà cho rằng giai cấp công nhân của Việt Nam đã trưởng thành là khó chấp nhận. Giáo điều ở chỗ cho rằng, đã là đảng Cộng sản thì phải là đội tiên phong của giai cấp công nhân, trong lúc những người đến hội nghị hợp nhất không có ai đại diện cho cho công nhân cả. Ngay bây giờ cho rằng, Đảng là “đội tiên phong của giai cấp công nhân” cũng là giáo điều hạng nặng.
Giáo điều thứ hai ở chỗ cho rằng, giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng. Thực ra lãnh đạo Cách Mạng Tháng Tám là Việt Minh, một tổ chức do Đảng lập ra gồm những người yêu nước mà chủ yếu là các trí thức trẻ. Đặt ra giai cấp lãnh đạo là một sự suy diễn của Mác – Lênin, thực tế không tồn tại sự lãnh đạo như vậy.
Điều thứ ba là, sự lập lờ về “Luận cương chính trị đầu tiên của Đảng được thông qua tại Hội nghị thành lập”. Luận cương đoàn kết dân tộc chống thực dâp Pháp do Nguyễn Ái Quốc đưa ra, được thông qua, nhưng sau đó đã bị Tổng bí thư Trần Phú loại bỏ để thay bằng khẩu hiệu “trí phú, địa hào đào tận gốc, trốc tận rễ”. Khi Hồ Chí Minh lãnh đạo Việt Minh mới khôi phục được phần nào luận cương của Nguyễn Ái Quốc. Cách trình bày của bài báo có thể làm người ta hiểu nhầm giữa Luận cương của Nguyễn Ái Quốc và luận cương của đảng do Trần Phú đề xuất.
Ngay sau khi thành lập đảng đã vội tiến hành cách mạng đấu tranh giai cấp bằng phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và đã thất bại. Phong trào này chỉ thể hiện tinh thần hy sinh anh dũng của nông dân và một số đảng viên chứ không thể hiện một chút tài năng nào của lãnh đạo đảng, chưa chứng tỏ sự đúng đắn của chủ nghĩa Mác – Lê. Nó chỉ thể hiện sự giáo điều về đấu tranh giai cấp.
Nhận xét về các phong trào yêu nước trước năm 1930, bài báo có đoạn: “Song, do hạn chế lịch sử, nhất là thiếu một đường lối đúng, các phong trào đó đã không thành công. Lịch sử đòi hỏi phải tìm con đường mới”. Bài báo cho rằng, con đường và chủ nghĩa Mác – Lê do đảng Cộng sản chọn là hoàn toàn đúng, vì Cách Mạng Tháng Tám “long trời lở đất” và kháng chiến chống Pháp 9 năm đã thắng lợi.
Đây là một đánh giá thiên lệch. Thực chất của cuộc Cách Mạng Tháng Tám là Việt Minh huy động lực lượng đông đảo quần chúng cướp chính quyền, chủ yếu bằng biểu tình, với tay cầm gậy gộc và hô khẩu hiệu. “Long trời lở đất” bằng cái gì khi việc đánh nhau bằng tay chân cũng không xảy ra. Cách mạng thành công chủ yếu nhờ lợi dụng được thời cơ, Pháp đã bị Nhật loại bỏ vào ngày 9 tháng 3, Nhật đã đầu hàng Đồng Minh vào đầu tháng 8, vua Bảo Đại đã tuyên bố Việt Nam độc lập vào tháng 4 năm 1945 và chính quyền của Bảo Đại (do Trần Trọng Kim làm thủ tưởng) lúc đó không có quân đội.
Chưa thể kết luận con đường mà đảng Cộng sản đã chọn là hay, là đúng vì ngay năm 1945 Hồ Chí Minh đã thấy cần sự hợp tác với Mỹ, muốn được Mỹ công nhận. Muốn thế, cần từ bỏ con đường cộng sản. Vì thế, Hồ Chí Minh đã có ý muốn giải tán đảng cộng sản để lập ra đảng mới, có tính dân tộc, nhưng thực chất đảng Cộng sản lại rút vào bí mật. Điều này không qua mặt được tình báo Mỹ nên việc thiết lập quan hệ với Mỹ không thành. Từ đó phải kháng chiến chống Pháp 9 năm, kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ. Lại còn mất 20 năm chiến tranh mới thống nhất được đất nước.
Con đường mà đảng Cộng sản chọn cho dân tộc đúng sai đến đâu, hiện nay chưa bàn được, còn chờ lịch sử phán xét. Nhưng so với các nước thuộc địa khác thì nhiều nước vẫn giành được độc lập, thống nhất được đất nước mà nhân dân không cần phải đổ máu, đất nước không bị phá nát, tình cảm dân tộc không bị rạn nứt như ở Việt Nam.
Cuối phần một, ông Trọng viết: “Nhìn lại chặng đường 1930 – 1975, chúng ta rất đỗi tự hào, tin tưởng và biết ơn sâu sắc Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại đã luôn luôn sáng suốt lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi vang dội này đến thắng lợi vang dội khác… Tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất, giành chính quyền về tay Nhân dân… Vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, vừa đấu tranh chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…”
Cho rằng “Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi vang dội này đến thắng lợi vang dội khác” là giáo điều và chỉ mới viết ra một phần sự thật. Thế thì Xô Viết Nghệ Tĩnh thắng lợi vang dội ở chỗ nào, khi mà từ cải cách ruộng đất đến hợp tác xã nông nghiệp bậc cao ở miền bắc, cải tạo công thương ở miền nam sau năm 1975, làm kiệt quệ một nền kinh tế đang trong tình trạng phát triển tốt? Chủ trương đối xử tàn bạo với những người bên phía bại trận đã xô đẩy hàng triệu người bỏ trốn, vượt biên, mà không ít đã bỏ xác giữa biển khơi. Rồi những quả đấm thép của kinh tế quốc doanh (là kinh tế chủ đạo) đã làm thiệt hại nhiều ngàn tỷ đồng, đánh mạnh vào nền kinh tế non trẻ; rồi sự phát triển nóng nền kinh tế (để đạt chỉ tiêu này nọ) đã phá nát môi trường vật chất và tinh thần; rồi sự suy thoái về đạo đức, văn hóa, giáo dục và nhiều tệ hại khác thì có phải là thắng lợi vang dội không? Rồi rất nhiều đảng viên cao cấp bị bắt, bị xử tù vì đủ thứ tội danh thì có phải là thắng lợi không? Đảng có phải chịu trách nhiệm gì trước dân tộc không?
Chỉ nhấn mạnh vào điều mà Đảng tự cho là thắng lợi vang dội (mà có những việc cũng chưa chắc là thắng hay bại) mà lờ đi những thất bại rõ ràng, thì đó là sự kiêu ngạo của những người thiếu lương thiện.
Cho rằng cuộc đấu tranh tốn nhiều xương máu và tài sản của nhân dân là nhằm “giành chính quyền về tay nhân dân” là một sự đánh tráo khái niệm. Thực ra chính quyền giành được từ đối phương đã bị Đảng chiếm giữ toàn bộ cho mình mà không chịu trả lại cho dân. Thể hiện rõ nhất là, chỉ có đảng viên mới được giữ những chức vụ then chốt, Quốc hội là do Đảng cử dân bầu. Không những chính quyền mà đất đai, tài sản quốc gia Đảng cũng tự xem là của mình tuốt tuồn tuột.
Cho rằng, Đảng “vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, vừa đấu tranh chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…”.
Viết như thế về miền bắc là chỉ mới nói ra một phần sự thật, vì trong những năm trước 1975, ở miền bắc có chống chiến tranh phá hoại, là rõ ràng, còn xây dựng xã hội với hợp tác xã nông nghiệp bậc cao, không cho dân tự phát triển sản xuất, đến nỗi bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc phải bị giằng xé nội tâm, dẫn đến trọng bệnh. Xã hội như vậy không thể là xã hội chủ nghĩa như ông Trọng định nghĩa, mà là một hình thái gì đó rất gần với xã hội nô lệ.
(Còn tiếp)
Bọn việt cọng chỉ hô khẩu hiệu thui! từ bài viết của tên lê duẩn ” dưới lá cờ vẻ vang ….” đến bài viết của lú có khá gì đâu!mà đọc cho mất thời gian! Nói chuyện với cái đầu gối mà hay hơn nhỉ?
Bài viết rất khách quan! chính xác! Chân thành cảm ơn tác giả.
Kính chúc chủ nhân bài viết, Nguyễn Đình Cống và gia quyến khỏe mạnh, hạnh phúc, an lành và vạn sự như ý
Bài báo của a Chọng hay đám bợ đít anh nó viết toàn tào lao, anh thở không ra hơi thì viết cái éo gì, dưới lá cờ máu và tài lãnh đạo của đảng cướp thì đất nước nay mai thua cả Miên, Lào. Lẻo mép vốn là tài của đảng việt cộng, làm như mèo mửa nhưng nổ hơn bom. Tốn tiền dân cho những chuyện không đâu