Tại sao tôi lên tiếng về vụ việc “chào ô tô” ở trường THCS Trần Mai Ninh?

Thái Hạo

3-2-2024

Có một số bạn tỏ ra thắc mắc, rằng tại sao tôi lại theo đuổi việc lên tiếng xung quanh sự kiện “chào ô tô” ở trường THCS Trần Mai Ninh (TMN) như vậy, dù có vẻ việc này không quá nghiêm trọng. Đúng vậy, nếu chỉ có chi tiết ấy [chào ô tô] thôi thì sự việc không nên tốn quá nhiều giấy mực, nhưng vì đằng sau đó là cả một câu chuyện dài với bản chất của một hệ thống trường học, gọi là “trường chuyên lớp chọn”. Xin cụ thể mấy ý như dưới đây.

Riêng về việc “chào ô tô”, thì bản thân sự việc phản cảm này đã gây thành một sự bức xúc trong dư luận rộng lớn từ mạng xã hội đến báo chí, chứ không phải riêng tôi. Nếu có điều gì khác, thì tôi chỉ là người sẽ theo đuổi nó lâu dài và “triệt để” hơn mà thôi.

Trần Mai Ninh là một “trường chuyên”, theo cách gọi dân dã, và là trường THCS thuộc hàng “VIP” số 1 của Thanh Hóa, như chính giáo viên, học sinh, phụ huynh của nhà trường đã tự hào khi dùng điều đó để lên mạng công kích và lấy làm cớ chửi bới những người lên tiếng. Tôi từng trải qua ba trường chuyên (trong đó có một trường là kiến tập lúc còn học sư phạm) trong gần 10 năm làm nghề. Tôi hiểu nó, ít nhất là trên những nét lớn.

Trong nhìn nhận, đánh giá của tôi, cách tổ chức và vận hành các mô hình trường học đang mang trọng bệnh, mà con bệnh lớn nhất chính là các trường chuyên, trường chất lượng cao, trường điểm, trường “VIP”… Từ đây gọi chung là “trường chuyên lớp chọn”, cho gọn.

Các trường này được đầu tư lớn, có chính sách đặc thù, là một dạng con cưng của địa phương và nền giáo dục nói chung. Từ đây, “giáo viên giỏi”, “học sinh giỏi” và tiền ngân sách được đổ về. Chưa kể đầu tư cơ bản, mức chi thường xuyên cho mỗi trường chuyên có thể lớn gấp cả chục lần một trường thường.

Cũng vì thế, nhóm trường này vừa phải đảm nhiệm “sứ mạng” thành tích cho địa phương, vừa phải làm thành bộ mặt để nền giáo dục tự hào. Với tiền nhiều, ưu đãi lớn, đồng thời lựa chọn được những giáo viên và học sinh thuộc hàng top của địa phương, nên tất yếu dẫn đến thành tích lớn, giải học sinh giỏi nhiều, tỉ lệ đậu cao…

Nhóm trường chuyên, vì thế, trở thành một đế chế “riêng một góc trời”. Từ chỗ tự hào dẫn đến tự phụ, nó càng thấy mình quan trọng và phải làm ra một hình ảnh thật xứng đáng với địa vị tôn quý, vì thế nó bắt đầu bày vẽ những thứ hình thức mà chuyện chào ô tô chỉ là một ví dụ nhỏ cho sự hợm hĩnh trong văn hóa mang tính trọc phú này. Chính xác, đó là một điển hình của “trưởng giả học làm sang”.

Với địa vị và thành tích được sinh ra từ những đặc quyền đặc lợi do sự vận hành “có vấn đề” trong dạy học, thi cử và tâm lý sính danh của phụ huynh vốn nặng tính điểm số gây nên, nhóm các trường chuyên này không những vênh vang mà còn lấy đó làm công cụ: Vừa gây sức ép, vừa kiếm tiền bằng những cách khác nhau từ xã hội.

Bao nhiêu bệnh tật phát sinh từ đây: Sự chuyên quyền, độc đoán của hiệu trưởng; sự khiếp nhược nhưng hãnh diện của giáo viên; sự sợ hãi nhưng tự cao của học sinh; việc chạy trường, chạy lớp, chạy đổi giáo viên, chạy giữ giáo viên, chạy chỗ ngồi; việc lạm thu, lợi dụng và thao túng học thêm, v.v… diễn ra một cách phổ biến và ngày càng công khai. Tức, lấy lợi thế và danh tiếng để làm công cụ phục vụ nhiều mục đích khác nhau.

Nếu nói nền giáo dục bị xuống cấp và bệ rạc thì nhóm trường chuyên chính là nơi tập trung cao nhất cho những bệnh tật của cả hệ thống. Không đâu bệnh thành tích lại trầm trọng đến thế, không đâu sự mất dân chủ lại nặng nề đến thế, không đâu tâm lý bầy đàn lại tiêu biểu đến thế, không đâu những mua bán chạy chọt lại phổ biến và nặng nề đến thế…

Trường THCS Trần Mai Ninh với sự vụ “chào ô tô” vừa rồi đã mở ra cho chúng ta biết không ít sự thật trong số đó. Sự quan cách, hợm hĩnh; nạn dối trá quanh co; chất lượng giáo dục đạo đức tệ hại, và còn bao nhiêu những tiêu cực phía sau cần làm sáng tỏ hơn.

Tôi không có ác cảm gì với trường Trần Mai Ninh hay bất cứ trường chuyên nào cả, cái tôi muốn mọi người nhìn thấy là những bệnh tật của một mô hình trường học trong một hệ thống nhà trường thiếu tính khoa học và không đáp ứng được mục tiêu phát triển lành mạnh cho học sinh.

Việc sinh ra một hệ thống trường chuyên lớp chọn như thế đã tạo nên bất bình đẳng trong thụ hưởng giáo dục, gây ra một cuộc chạy đua bất tận về thành tích ảo, nuôi dưỡng không biết bao nhiêu tiêu cực bên trong nó.

Giáo dục phổ thông cần được tổ chức lại để nó đạt được những mục tiêu đúng nghĩa “phổ thông”, xây dựng một môi trường học đường bình đẳng, thân thiện, cởi mở và khai phóng cho sự phát triển hài hòa trong nhân cách của người học.

Một khi mọi nhà trường đã bình đẳng rồi thì cuộc chạy đua chuyển lớp, chuyển trường, chuyển tuyến; cuộc chiến khốc liệt để vào “trường ngon lớp VIP”, v.v… cũng vì thế mà tự nhiên bị tiêu ma. Phụ huynh và học sinh sẽ không còn phải khổ sở với những tính toán, những mua bán chạy chọt… Thay vào đó, cứ trường nào gần nhà thì học, và đi học là bổ ích, vui vẻ, hạnh phúc, chứ không phải đánh vật với những tiền và điểm trong nỗi bất an triền miên. Một viễn cảnh như thế, không đáng để quý vị lựa chọn và hành động hay sao?

Cuộc chạy đua thành tích (mà hệ thống trường chuyên lớp chọn đang đảm nhiệm với vai trò tiên phong) đã gây nên ảo giác chất lượng quá lâu. Nó có thể giúp các địa phương có một bản báo cáo đẹp nhưng không bảo đảm gì cho một nguồn nhân lực và văn hóa bền vững cả. Nó giúp gây tê và gây mê hiệu quả nhưng như đã thấy thông qua cuộc chửi bới vừa rồi của học sinh Trần Mai Ninh (và các thành phần có liên quan khác) đối với những người lên tiếng, chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng, những con số như tỉ lệ đậu vào chuyên Lam Sơn hay các giải học sinh giỏi cấp huyện cấp tỉnh, là không có ý nghĩa gì cả – nếu xét đến mục đích chung cuộc của một nền giáo dục tiến bộ. Ngược lại, cũng như đã thấy, nó hủy hoại nhân cách người học bằng cách gây nên sự ngạo nghễ đến thành ngạo mạn và vô văn hóa.

Tôi theo đuổi và mổ xẻ câu chuyện “chào ô tô” ở trường THCST Trần Mai Ninh vì trách nhiệm của một công dân và sự trải nghiệm, quan sát của một thầy giáo đã nhiều năm gắn bó với trường chuyên lớp chọn; ngõ hầu mang đến một cái nhìn và đánh giá mà tôi tin rằng không đến nỗi xa sự thật, để những người quản lý giáo dục, người làm giáo dục, phụ huynh và có thể là học sinh nữa, nhận ra những khuyết tật của hệ thống trường này, từ đó có lựa chọn và những điều chỉnh cho hợp lý. Đó chính là “tinh thần xây dựng” quán xuyến trong mọi phê phán của tôi, ngoài ra không còn mục đích nào khác.

Và cũng bởi lý do này, suốt nhiều năm nay tôi đã luôn phân tích những bệnh tật của hệ thống trường chuyên lớp chọn, Trần Mai Ninh chỉ là một minh chứng mà thôi – một minh chứng cần tiếp tục được mổ xẻ để làm sáng tỏ cho nhận thức chung về mô hình trường học cần kíp phải được nghiêm túc “đánh giá lại” này…

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Trực gác cổng nhà trường là công việc thường nhật của người lớn,phức tạp,nhọc nhằn, công việc của phu trường,không phù hợp với tuổi học sinh.Học sinh chỉ trực gác công việc của lớp,của học sinh.Trường Trần Mai Ninh lạm dụng quyền lực,bắt trẻ em làm công việc người lớn,lao động mà không trả lương.Chuyện lớn như vậy mà không thấy một ai lên tiếng.Cha mẹ của các em học sinh trường này không thấy tỏ vẻ một chút ái ngại,các cháu học sinh này không thấy đáng thương sao?

  2. Ước được 1 % đội ngủ cán bộ, thầy cô ngành Giáo dục hiểu và làm được như ông Thái Hao thì dân tộc rất nhờ!
    – Rất cảm phục và biết ơn ông
    Một công dân u 80.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây