Tạ Duy Anh
25-1-2024
(Hay là một lần tay suýt nhúng chàm)
Lời tác giả: Tôi ít khi khoe bài in báo, nhưng với Tạp chí “Linh khí quốc gia”, thuộc Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố HCM, thì là một ngoại lệ.
Một hôm tôi được một cán bộ trung đoàn gọi ra gặp riêng. Anh quê ở huyện K.B, tính tình hài hước và cũng quý mến tôi. Hàng tuần khi tôi mang báo cáo ra thì anh đều ngồi tiếp, một đặc ân với cán bộ cấp dưới. Vì thế, khi trong điện thoại anh bảo ra ngay thì tôi rất hồi hộp.
Đến nơi anh kéo tôi vào phòng riêng của anh và nói bằng thứ giọng có vẻ không được minh bạch lắm. Hồi lâu vòng vo, cuối cùng thì tôi cũng hiểu là cấp trên duyệt cho tiểu đoàn khoảng 20 suất trợ cấp bằng tiền, với danh sách do cậu cán bộ trước tôi lập từ năm ngoái, năm nay tiền mới về. Tôi không nhớ cụ thể là bao nhiêu. Anh nói xong thì rút ngay ra cuộn tiền, bảo anh đã chủ động chia đôi, phần của tôi một nửa. Thấy tôi có vẻ chưa hiểu, anh nhét cuộn tiền vào túi, tặc lưỡi: “Cầm về mà tiêu. Bọn hậu cần chúng nó được nhiều chứ mình được bao nhiêu, mang về mua rượu mà uống”.
Lần đầu tiên tôi thấy anh có vẻ phải cầu cạnh một cấp dưới khiến tôi không nỡ làm anh cụt hứng. Nghe có vẻ tôi đã hiểu và đã xuôi theo, anh bảo tiếp:
– Chú mày về lập một danh sách, ghi rõ số tiền, theo cái mẫu này… Phần người nhận tiền ký thì -anh nháy mắt, với hy vọng tôi đã hiểu. Ý anh là tôi bịa ra chữ ký (chuyện đó quá dễ, vì người có tên trong danh sách không bao giờ được nhìn thấy cái danh sách ấy) rồi đem nộp lại cho anh.
Nói xong anh vui vẻ đẩy vào lưng tôi, cử chỉ rất thân tình và chủ động tiễn tôi ra cửa.
Anh nhanh chóng quay vào và tôi thấy nét mặt anh rất hài lòng! Bỗng dưng có ngần ấy tiền uống rượu, khó mà không hào phóng chút tình cảm.
Tôi tần ngần bước ra cổng nhưng không biết mình đi về đâu bây giờ? Trong túi quần thùng thình của tôi là cuộn tiền, một khoản đương nhiên là rất lớn so với phụ cấp của tôi khi ấy. Dùng số tiền đó, tôi có thể mua khá nhiều thứ cho mình và người thân.
Theo lời anh cán bộ trung đoàn thì ai ở cương vị của anh và tôi cũng sẽ đều làm như vậy! Từ xưa đến nay vẫn thế. Chả tội gì cho thằng khác nó ăn trong khi ở ngay miệng của mình. Bởi vì nhiều người có tên trong danh sách đã ra quân hoặc đi khỏi đơn vị từ tám hoánh nào rồi.
Gần như đã thành thoả thuận, sẽ không ai truy vấn về một chữ ký loằng ngoằng xem có đúng nó là của người nhận tiền hay không? Lộc đến nhà nào thì nhà ấy hưởng. Mọi người, từ ánh mắt, nụ cười, vẻ mặt và những lời bóng gió đều phát ra thông điệp ấy. Thậm chí nếu chả may ai đó bị lộ thì mọi người có nghĩa vụ làm hết cách để bịt sự việc lại. Một kiểu vì lợi ích nhóm, cũng là cách lo trước cho chính mình.
Đây là lần đầu tiên trong đời tôi được mời gọi tham gia vào vụ ăn chặn tiền của người khác. Mọi việc sẽ hoàn toàn êm xuôi. Tôi biết chắc như vậy. Nhưng cả buổi trưa hôm ấy tôi sống trong nỗi thảng thốt, chỉ nghe tiếng lá rơi cũng giật mình. Tôi giấu nhẹm không nói cho Bùi Minh Thắng và Phí Thắng biết. Nếu tôi làm theo lời cán bộ trung đoàn thì trước sau tôi cũng sẽ nói với họ và số tiền đó được chúng tôi dùng chung, như thông lệ ở lính. Tôi chưa nói vì tôi chưa quyết định ngã ngũ sự việc.
Một ngày trôi qua và tôi cảm thấy rất rõ sự vô giá của cuộc sống thanh thản, thứ mà tôi sắp đánh mất. Chưa thực sự nhúng tay vào chàm mà tôi đã sống trong vật vã với hàng ngàn câu tự chất vấn. Chả hóa ra tôi chỉ nói thơn thớt ngoài miệng những điều khí khái, đạo đức… nhưng trong tâm hồn cũng có rắn độc nằm cuộn khoanh? Vậy thì việc tôi hy sinh vì đồng đội còn có ý nghĩa gì? Nhưng nhãn tiền hơn cả là nhiều người có tên nhận trợ cấp vẫn đang tại ngũ, ngày ngày sống với tôi, bày tỏ niềm yêu kính bậc đàn anh mà họ thần phục.
Những đứa em đó lại cũng đều rất nghèo. Vì nghèo nên chúng mới được đưa vào danh sách đề nghị trợ cấp. Nào ngờ bác Tạ “đạo đức sáng ngời” lại hớt tay trên của chúng nó, đem đi phè phỡn riêng, tiếp tay cho những việc làm nguy hiểm và nhơ nhuốc?
Tôi bỗng tin rằng, có những người không được phép làm những việc đáng hổ thẹn. Họ sinh ra từ một ý nghĩ trong sáng nào đó của trời đất. Nói như Mạnh Tử, trời sinh ra họ là đã có sẵn ý gì muốn ở họ rồi. Ý gì đó nhất định không thể là hành động ăn cắp xấu xa.
Cuối cùng vào ngày thứ ba, sau mấy đêm suy nghĩ phờ phạc cả mặt mũi, tôi dậy sớm, ăn mặc như mỗi khi ra trung đoàn nộp báo cáo, nghĩa là rất tề chỉnh. May hôm ấy tôi gặp ngay anh cán bộ trung đoàn. Anh thấy nét mặt tôi nhầu nhĩ như người mất ngủ thì đã linh cảm thấy có chuyện gì không ổn. Vì thế anh chủ động vào phòng trong, kéo ghế cho tôi.
Vừa ngồi xuống là tôi rút ngay ra cuộn tiền, đưa lại cho anh. Tôi không nói bất cứ câu gì và anh cũng không hỏi câu gì. Anh nhận lại cuộn tiền, có phần bẽ bàng nhưng cố kìm nén được. Mãi lâu sau, anh mới hỏi:
– Chú sợ à? Hay đứa nào đe doạ chú? Bất cứ đứa nào thì anh cũng cho nó chết được.
Tôi lắc đầu:
– Em không quen anh ạ. Từ bé đến giờ em chưa làm việc nào giống như thế này… Em thề là sẽ không nói với ai…
Nghe tôi nói một cách thiểu não nhưng chân thành, anh càng tỏ ra khó chịu, mặt lạnh tanh lạnh ngắt, coi tôi như đồ bỏ đi. Cho dù tôi không nói với ai nhưng anh sẽ chẳng lấy được một đồng nào từ số tiền trợ cấp đó. Bởi muốn thanh toán được phải có cái “danh sách ma” xác nhận người có tên đã nhận tiền.
Hôm sau tôi ra gặp anh để nhận lại toàn bộ số tiền trợ cấp. Tôi đem về và thông báo công khai trước tiểu đoàn. Lần lượt những người có tên lên nhận tiền, xuýt xoa cảm ơn bác Tạ. Chính họ cũng không nhớ họ từng được đưa vào danh sách xin trợ cấp. Số tiền của những người không có mặt, tôi đem gửi trả lại trung đoàn. Tất cả đều rõ ràng, minh bạch. Xong đâu đấy tôi mới thở phào như vừa thoát khỏi một hình phạt ngang tội chết…
Lão Tạ chắc là người khuyết tật.
Thời Lão Tạ đã qua từ lâu rồi!
Giờ việc ăn chặn chia chác % đã thành hệ thống từ cấp cao nhất của Đảng và chính quyền. Nếu không quan chức lấy tiền đâu ra để nuôi con ăn học ở các nước tư bản. Mua nhà , mua xe. Nếu theo lương chính thức!Nên cũng hiểu vì sao huấn luyện viên quốc gia ăn chặn tiền ăn của các cháu, ăn chặn , bắt chia phần trăm với vận động viên!