Chuyện uống chè (Kỳ cuối)

Nguyễn Thông

11-1-2024

Tiếp theo kỳ 1kỳ 2kỳ 3kỳ 4kỳ 5kỳ 6

Sinh thời thày (cha) tôi rất thích uống chè. Sở thích này có lẽ hình thành từ hồi trẻ làm thư lại (một dạng thư ký) ở phủ Kiến Thụy, tỉnh Kiến An. Tỉnh này về sau được chính quyền mới sáp nhập vào Hải Phòng, giờ thị xã Kiến An cũ chỉ là một quận. Nói gì thì nói, tôi vẫn thích cái địa danh “thị xã” để gọi những đô thị các tỉnh, chả hạn thị xã Lạng Sơn, thị xã Hồng Gai, thị xã Tây Ninh, thị xã Vĩnh Yên… giản dị, hiền lành, chứa đầy yêu thương.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh con giai cụ Đặng Văn Ngữ, nổi tiếng với bộ phim “Thị xã trong tầm tay” về Lạng Sơn thời đánh nhau với cộng sản Tàu năm 1979. Cứ thử nghĩ, nếu là “Thành phố trong tầm tay” thì nó chuồi chuội thế nào ấy, chắc chả được người đời yêu thích mấy.

Thủ phạm xóa gần sạch các tên thị xã đầy gắn bó, bắt đôn lên, biến thành thành phố, thành phố Lạng Sơn, thành phố Cao Bằng, thành phố Hà Tĩnh, thành phố Cà Mau… chính là Nguyễn Tấn Dũng 3X. Dưới triều ông ta, để cho máu, cho oai, cứ “thành phố hóa” hết, dù phố xá chỉ toen hoẻn, vẫn trơ ra những ruộng đất, trâu bò, đường như đường làng.

Ông anh tôi có lần bảo, nó (3X) không vừa đâu, đổi cái tên để tăng giá trị đất đai, buôn đất đấy. Biết bao dự án bất động sản cắm vào nông thôn khi thị xã bị lên thành phố là nguyên nhân chính gây những cưỡng chế, đền bù giải tỏa, cướp đoạt đất đai, đẩy nông dân vào cảnh mất đất, hết kế sinh nhai, tiếng oan dậy đất án ngờ lòa mây. Thủ đoạn ấy, lại được sự trợ giúp của luật đất đai “sở hữu toàn dân”, nông dân không còn đường thoát, thành anh Pha, chị Dậu thời cộng sản.

Lại nói chuyện thày tôi. Năm 1945, cách mạng vô sản nổ ra, phủ Kiến Thụy (đặt ngay làng tôi, Trà Phương, xã Thụy Hương) bị chiếm, san bằng. Cách mạng và người cộng sản là vậy, thích phá thì phá cho bằng hết. Thày tôi chỉ làm chân thư ký cho nên không bị họ hành tội, nhưng mất việc, về làm nông dân. Sống ở nông thôn, lại nông dân, thì thích chè, nghiện chè là một thứ tội nợ. Đơn giản bởi không có chè, mà nếu có cũng không tới lượt mình, cán bộ giành hết. Chế độ phân phối thời bao cấp mặc nhiên loại bỏ nông dân, không coi họ là đối tượng được chia chác sản phẩm.

Mỗi năm, nhà nước (miền Bắc) chỉ bố thí cho nông dân một gói chè, gọi là tiêu chuẩn tết, thường là chè Đại Đồng hoặc Thanh Hương. Ai đã sống ở nông thôn miền Bắc thập niên 60 – 80 không lạ gì cái bìa mua hàng tết có in hình cành đào. Mỗi năm nhà nước chỉ phát bìa này một lần, họ bảo là sự quan tâm đến dân, đem cái tết đầm ấm, đầy đủ cho dân.

Những món hàng tết gạch đầu dòng trong bìa gồm: 1 hộp mứt vuông nửa ký, chủ yếu là mứt bí, mứt dừa, kẹo trứng chim (hột lạc bọc đường trắng); 1 gói chè 50 gam; 2 bao thuốc lá Tam Đảo hoặc Tam Thanh; 1 chai nước mắm loại 1 Cát Hải; 1 gói bóng bì (làm bằng da lợn); 1 ký đường cát trắng; 1 gói tiêu bắc (hột tiêu) khoảng 100 hột; 1 phong pháo nhỏ Bình Đà. Vậy thôi.

Nhớ năm xa ấy, tôi ra xếp hàng ở cửa hàng HTX mua bán của chị Cót mua được túi hàng tết về, bu tôi cẩn thận lấy chè và thuốc lá ra vùi sâu vào giữa chum thóc cho đỡ mốc. Kỹ quá rồi quên, không nhớ để đâu. Tết năm ấy không chè cũng chả thuốc. Mãi tới cuối tháng 3, đổ thóc gánh ra chùa Mục Đồng nộp thuế cho nhà nước, thấy tòi ra hai thằng chè thuốc, không bị mốc nhưng đã tiệt hơi.

Nước vối uống mãi cũng quen. Trên đời cái gì cũng có thể quen, kể cả nỗi khổ. Mỗi lần có gói chè ngon, thày kêu tôi lên xóm trên mời bác Ỷ bạn chè lâu năm, sai đun siêu nước sôi sùng sục thật kỹ. Tráng ấm xong, bỏ chè vào cho nở ra một chút, châm tí nước vào lắc nhanh rồi đổ đi, sau đó mới đổ nước sôi vào. Hai cụ ngồi nhâm nhi, chuyện trò về việc nhà nông, thế thái nhân tình, ôn lại những ngày xưa cũ một thời.

Hồi ấy ở miền Bắc, những cuốn sách văn học chính thống giai đoạn 30 – 45 gần như bị cấm tiệt. Đám chúng tôi được nghe kể lại, nhà văn Nguyễn Tuân có cuốn “Vang bóng một thời”, rất hay. Trong đó có truyện, tác giả kể về mấy ông nhà nho khi trà dư tửu hậu cùng uống chè, khề khà, tấm tắc khen ngon. Một anh ăn mày ngang qua mạo muội xin các cụ một ấm. Các cụ thấy lạ liền cho. Kẻ ăn mày lấy từ trong bị cói cũ rách chiếc ấm Thế Đức gan gà (Thứ nhất Thế Đức gan gà/ Thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần – là 3 loại ấm chè hàng đầu trong nghề uống chè), tráng kỹ rồi cho chè, đổ nước sôi vào. Nhấm nháp uống xong, anh ta khen chè ngon, nhưng chê chè có mùi trấu. Các cụ giận kẻ “ăn cháo đái bát”, đã ăn xin còn không biết điều. Khi anh ăn mày đi rồi, một cụ tò mò bới đám bã chè ra, hoảng hồn thấy trong đó có 2 cái vỏ trấu. Vội túa đi tìm thì không thấy đâu nữa.

Nhắc tới ông Nguyễn Tuân, lại sực nhớ một tên tuổi lớn, một nhân cách vĩ đại: Phùng Cung. Cụ Phùng Cung có bài thơ “Trà” ngắn gọn kiểu thơ haiku của Nhật, hay không thể tả. Cụ viết: “Quất mãi nước sôi/ Trà đau nát bã/ Không đổi giọng Tân Cương”. Tại sao vậy?

Lứa chúng tôi sinh giữa thập niên 50 hầu như không biết cụ thể gì về Phùng Cung bởi mọi thông tin về cụ bị nhà cầm quyền giấu biệt. Chỉ nghe loáng thoáng cụ bị quy tội Nhân văn giai phẩm. Thực ra cụ không có tên trong nhóm Nhân văn. Người ta bắt Phùng Cung, không kết án, không đưa ra tòa, đày giam biệt xứ hơn 11 năm, tới năm 1972 thích thì thả, không một lời xin lỗi.

Một con người tài hoa, tử tế, nhưng cực kỳ bản lĩnh, khí phách, quyết không chịu cúi đầu dù chỉ một lần, như số đông văn nghệ sĩ bấy giờ. Sau này, nghe nói Phùng Cung bị bắt, bị tù chỉ vì ông viết truyện ngắn “Con ngựa già của chúa Trịnh” bóng gió về đám văn nghệ sĩ tài năng nhưng hèn hạ chịu khuất phục trước bạo quyền. Có người bảo con ngựa già ấy là ám chỉ nhà văn Nguyễn Tuân vang bóng một thời, bởi con ngựa già từng ở xứ Thanh trước khi được cống tiến về kinh.

Nhưng có lẽ không phải, đâu chỉ Nguyễn Tuân giống con ngựa già, mà gần như đều thế, chỉ trừ ít người nhóm Nhân văn giai phẩm. Sau khi ra tù, “Trà Tân Cương” sống và chết trong cảnh nghèo khó, nhưng đối với người đời thì ông như một tượng đài sừng sững, những Nguyễn Tuân, Hoài Thanh, Chế Lan Viên, Xuân Diệu… không thể nào bằng được.

Thật may, tôi biên đến đây, vừa hay bác nhà văn Thái Kế Toại mới đăng hai kỳ trên Facebook kể về cụ Phùng Cung, ai muốn biết kỹ hơn, mời vào đó tìm hiểu thêm.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây