Thương tiếc một người bạn hiền lương

Lê Nguyễn

2-1-2024

Cuối năm 1970, khi tôi đặt chân lên mảnh đất Côn Sơn (nay là Côn Đảo) với tư cách một công chức tình nguyện ra làm việc tại Cơ sở Hành chánh Côn Sơn, thì anh Trần Quan Hội đã là Chủ sự phòng Viễn thông từ lâu rồi.

Trong tổ chức của chính quyền VNCH trước 1975, viễn thông là một tổ chức dân sự được điều hành bởi Nha Viễn thông – Bộ Nội vụ, tại mỗi tỉnh có một phòng viễn thông phụ trách việc nhận về hay chuyển đi các công điện trao đổi với nhau giữa các cơ quan công quyền.

Khi mới đến đảo, gặp gỡ các viên chức đồng nghiệp trong các buổi chào cờ sáng thứ hai hay các buổi lễ, các cuộc họp, anh Hội là một trong những người tôi rất chú ý, ở vóc dáng cao ráo, trắng trẻo, gương mặt khá điển trai, ở đó toát ra một sự hiền lành đến độ … bẽn lẽn. Hầu như trong những dịp hội họp đông đúc nào, anh cũng tìm cách lẩn vào đám đông, ngồi vào những hàng ghế sâu, xa nhất.

Với tư cách Chủ sự phòng Viễn thông, anh Hội có công việc chuyên môn riêng do Nha Viễn thông – Bộ Nội vụ giao phó, ít tiếp xúc, trao đổi với các cơ quan bạn trên đảo. Thời đó, điện lưới không có, cả đảo chỉ có một nhà máy điện nhỏ chạy bằng dầu gasoil, phát điện lúc trời vừa sụp tối và ngưng chạy máy lúc 9-10 đêm, hệ thống máy móc của phòng viễn thông sử dụng pin và máy phát điện riêng. Số pin được cấp phát hàng tháng, cơ quan anh xài không hết, anh ngầm thỏa thuận với tôi là mỗi cuối tháng, tôi cử anh tù công nhân tư gia của tôi đến để anh cho mấy viên pin đại về sử dụng cho chiếc máy radio cassette. Đó có lẽ là việc làm bất hợp pháp hiếm hoi lúc bấy giờ, phát sinh từ sự “toa rập” giữa tôi và anh.

Khoảng năm 2017, loạt hồi ức 7 bài viết của tôi trên Facebook về khoảng thời gian làm việc tại Côn Đảo (1971-1972) giúp tôi trở thành bạn Facebook của nhiều người, có người từng là viên chức thời đó, như bạn Phan Minh Nguyệt, từng là nhân viên Phòng viễn thông của anh Hội. Song hầu hết những người bạn mới này là con hay cháu của những đồng sự thời đó của tôi, trong đó có Mỹ Dung là con gái anh, vào đầu thập niên 1970 vẫn còn nhỏ lắm.

Liên lạc được với Mỹ Dung, tôi hỏi thăm anh, được biết anh đang sống ở tiểu bang Minnesota, nước Mỹ. Điều lạ lùng nhất là tình trạng của anh sau ngày 30.4.1975. Anh không bị bắt giữ (và sau đó nhiều người bị bắt giữ đã “mất tích” vào tháng 12.1975) mà sau ngày này vẫn sống bình thường trên đảo. Điều đó dễ khiến có người đặt ra câu hỏi: Liệu anh có hoạt động cho “phía bên kia” trước 1975 như Đại úy D., trưởng ban 4 Đặc khu Côn Sơn, hay ông Nguyễn Văn S., Quản lý Hợp tác xã tiêu thụ?

Mỹ Dung xác nhận, không hề có chuyện “nội tuyến” của ba cô. Tôi cũng tin chắc như vậy, theo tôi, có hai lý do dẫn tới tình trạng đặc biệt này của anh Hội:

– Anh làm công việc chuyên môn, sau 30.4.1975, “bên thắng cuộc” cần anh hướng dẫn các thao tác máy móc viễn thông.

– Anh là người rất đỗi hiền lương, tôi tin rằng trong suốt thời gian làm việc trên đảo, anh chưa làm mích lòng ai.

Thế là anh và tôi liên lạc lại với nhau qua cô con gái Mỹ Dung của anh. Anh có Facebook, thỉnh thoảng post ảnh kỷ niệm, chỉ đọc là chủ yếu. Qua Mỹ Dung, được biết anh là một trong những người đầu tiên chứng thực cho sự xác đáng của những gì tôi đã kể trong hồi ức của mình. Anh ít bình luận trong những bài tôi viết, kể cả các bài về Côn Đảo, song các tin nhắn của anh cho riêng tôi chứng tỏ anh đọc chúng khá kỹ.

Có lần, anh nhắn tin mời tôi lên Minnesota chơi với anh. Đây là một trong những tiểu bang của nước Mỹ giáp với Canada, lạnh vào bậc nhất. Có vài lần, anh bất ngờ gửi cho tôi vài món quà nho nhỏ. Đọc bài tôi viết về loài cây bồ công anh có những chiếc hoa màu vàng, tựa loài hoa cúc, mà tôi thưởng hái trong các bãi cỏ hoang ở Kentucky, về phơi hay sấy khô làm trà uống, khi tôi đã trở về Việt Nam, anh mua gửi cho tôi những gói trà làm bằng rễ loài cây này, đóng gói xinh xắn, mà đến bây giờ, tôi vẫn còn gìn giữ trang trọng, không muốn khui ra dùng. Anh còn chu đáo hơn nữa, gửi cho tôi cả những hạt giống bồ công anh để tôi trồng ở vườn nhà. Sự lười biếng, dễ quên, khiến tôi phụ lòng anh, còn để những hạt giống ấy trong tủ đến bây giờ.

Những tình cảm ấy của anh Hội khiến khi vừa nhận được tin anh qua đời, tôi nhớ đến mà trào nước mắt. Đó là thứ tình cảm âm thầm, không bộc lộ, nhưng sâu sắc và tha thiết đến chừng nào!

Tháng 3.2023, anh về thăm Sài Gòn, buổi chiều hôm ấy, có hẹn bữa tiệc với gia đình người sui gia, anh vẫn kịp thúc giục người cháu nội chở anh lên thăm tôi, rồi vội vã trở về cho kịp giờ hẹn. Mấy ngày sau, tôi ra Sài Gòn thăm anh, tại một khách sạn, chụp với nhau tấm ảnh kỷ niệm.

Không ngờ đó là lần gặp sau cùng!

Ngày 28.12.2023, trang Facebook Hoi Tran của anh post lên tấm ảnh anh chụp chung với chị Hội. Anh tiều tụy quá, dòng chữ trên status “Hôm nay nhờ sức khỏe khá nên chụp vài tấm cho con cháu xem” chứng tỏ anh vừa trải qua cơn bạo bệnh. Song với nội dung status và gương mặt còn thần sắc của anh, tôi mừng là anh vừa thoát nạn, định viết tin nhắn thăm anh và chúc anh mau hồi phục sức khỏe.

Vậy mà chỉ hai ngày sau, anh đã ra đi! Tôi không còn kịp thăm anh nữa rồi!

Những dòng tưởng nhớ này, đặc biệt gửi đến các bạn Mỹ Dung, Tran Thanh, những người con có hiếu của anh Trần Quan Hội, như lời chia buồn chân thành nhất. Xin gửi đến các bạn từng sống ở Côn Đảo, có thân nhân từng là đồng sự với tôi ở Côn Đảo, xin gửi đến tất cả các bạn Facebook chút kỷ niệm về một con người hiền lương trên cõi đời này.

Bài liên quan: Chuyến tàu đêm: Số phận của 70 viên chức chế độ cũ ở Côn Đảo ra sao?

______

Một số hình ảnh và ghi chú của tác giả Lê Nguyễn:

Lần gặp lại tại Sài Gòn, tháng 3.2023, trong chuyến về thăm Việt Nam của anh Trần Quan Hội (1939 — 30.12.2023)
Trong chuyến về thăm Việt Nam vào tháng 3.2023, anh Trần Quan Hội đến viếng ngôi mộ chung tại Côn Đảo của mấy mươi công chức, quân nhân, giám thị VNCH bỏ mạng trong cùng một ngày trước lễ Giáng sinh 25.12.1975. (Ảnh gửi qua hộp tin nhắn Facebook).
Một hình ảnh khác của anh Hội (áo xanh) trước ngôi mộ tập thể.
Tấm ảnh anh Hội (và chị Hội) chụp chỉ hai ngày trước lúc anh ra đi! Những lời trong status cho thấy anh vẫn còn yêu cuộc sống biết chừng nào!
Món quà của anh Hội, mình vẫn còn giữ kỹ: Gói rễ cây bồ công anh (dandelion root) sấy khô và gói hạt giống bồ công anh.

Tấm ảnh chụp năm 1971 trước dinh Đặc phái viên hành chánh Côn Sơn, thấy rõ gương mặt anh Trần Quan Hội (số 4), lúc mới 32 tuổi.

1) Trung tá Cao Minh Tiếp, Đặc phái viên HC kiêm Đặc khu trưởng, kiêm Quản đốc Trung tâm cải huấn (“chúa đảo”)

2) Lê Nguyễn, Phụ tá Hành chánh

3) Thiếu tá Bùi Văn Tám, Đặc khu phó

4) Trần Quan Hội – Chủ sự phòng Viễn thông

5) Nguyễn Bang Hanh – Chủ sự Văn phòng Cơ sở HC

6) Trịnh Văn Đông – Trưởng ty Tiểu học

7) … Hiển, Trưởng ty Nông nghiệp

8) Nguyễn Văn Đồng, Trưởng ty Thanh niên, quản lý CLB Hải Điểu

9) Đại úy Thành, Tiểu đoàn phó TĐ Tâm lý chiến

10) Ông Mục sư Tin Lành

11) Lê Văn Tư, Trưởng ty Lâm vụ

12) Nguyễn Văn Sơn, Quản lý Hợp tác xã

13) Lê Văn Vui, Chủ sự phòng Hành chánh Cơ sở HC kiêm Trưởng ty Ngân khố

14) Ngô Văn Năm, Trưởng ty Cảnh sát, rời đảo năm 1971, (người thay là Trần Văn Tức, rể ông Tám Mùi, chủ sở lưới)

15) Đại đức …, sĩ quan Tuyên úy Phật giáo

16) (khuất một phần sau số 10) Nguyễn Văn Thái, Trưởng ty Thông tin

17) Đại úy Phạm Huỳnh Trung, Trưởng ban 1 Đặc khu Côn sơn

* Trước 1975, tại miền Nam, ở mỗi đơn vị quân sự cấp Tiểu đoàn trở lên, có một Đại đức Tuyên úy Phật giáo và một Linh mục Tuyên úy Công giáo, có nhiệm vụ thực hiện nghi thức tôn giáo cho các binh sĩ tử trận hay qua đời.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Nói xin lỗi là chính vì đa số quan chức miền Nam đều là những nguời hiền lương nên
    mới dễ bị bọn gian manh lợi dụng để chúng có cơ hội trở thành bên thắng cuộc !

  2. Mới đó ANH Hiển đã ra đi gần hơn HAI NĂM … Một Người Việt tôi VÔ CÙNG KÍNH TRỌNG qua điện đàm từ phòng mạch của ANH và qua điện thư !!

    Thương nhớ ANH Phan Minh Hiển và thân thăm Chị Hiển (Chị Huỳnh Liên) và cháu Hiển Đạt….

    https://www.thongluan.blog/2021/12/nhung-manh-oi-rach-nat-13-chung-toi.html

    “NHỮNG MẢNH ĐỜI RÁCH NÁT” – 1.3 CHÚNG TÔI PHẢI SỐNG (NGUYỄN VĂN HUY VÀ PHAN MINH HIỂN)tháng 12 19, 2021  Nguyễn Văn Huy, Tin tức, văn hóaBÁC SĨ PHAN MINH HIỂN ĐÃ TRÚT HƠI THỞ CUỐI CÙNG VÀO LÚC 12G12 NGÀY 12/12/2021 

    TẠI BỆNH VIỆN GRAND HÔPITAL DE L’EST FRANCILIEN, THỊ XÃ JOSSIGNY, TỈNH SEINE ET MARNE, SAU HAI TUẦN HÔN MÊ VÌ BẠO BỆNH COVID-19, HƯỞNG THỌ 65 TUỔI 
    (21/11/1956-12/12/2021).

    Vài lời về Phan Minh Hiển Tôi vừa tiễn Hiển về nơi an nghỉ cuối cùng, Nhà hỏa táng Crematorium de Champigny sur Marne, tỉnh Val de Marne, ngoại ô Paris, lúc 16 giờ ngày 17/12/2021. Lễ nhập quan trước đó đã được tổ chức tại Nhà Vĩnh Biệt, Bệnh viện Jossigny, lúc 14 giờ.Bác sĩ Phan Minh Hiển đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 12g12 ngày 12/12/2021 tại Bệnh viện Grand Hôpital de l’Est Francilien, thị xã Jossigny, tỉnh Seine et Marne, sau hai tuần hôn mê vì bạo bệnh Covid-19, hưởng thọ 65 tuổi (21/11/1956-12/12/2021).Trước đó vài ngày, vào đầu tháng 11, Hiển đã mời tôi cùng hai người bạn gần gũi nhất dự buổi tiệc giã từ nghề bác sĩ để về hưu. Nhưng không ngờ… chỉ vài ngay sau tôi đã mất vĩnh viễn một người bạn sau 38 năm quen biết.
    Tôi được một tàu buôn Pháp, Le Chevalier Valbelle, thuộc công ty hải hành La Compagnie générale maritime, trên đường đến Nhật Bản vớt ngoài khơi bờ biển Vũng Tàu và đưa vào Hồng Kông tháng 4/1983. Sau 4 tháng bị giam trong trại cấm Argyle II ở Kowloon, cuối tháng 8/1983 những người trong chuyến tàu của chúng tôi được đưa sang Pháp. Tôi cùng vài bạn đồng thuyền được đưa về Besançon (miền đông nước Pháp), những người khác được phân tán khắp nước Pháp : Lyon, Nancy, Troyes, Monceau les Mines… Vào đầu tháng 11, một vài bạn đồng thuyền ở Nancy liên lạc được với tôi và nhắn phải tìm cách lên Nancy (phía đông-đông bắc nước Pháp) gấp để gặp một nhân vật độc đáo có cùng lý tưởng với tôi. Những người bạn ở Nancy đã gặp may mắn vì ở đây có một cộng đồng người Việt, do anh Vũ Dương Tự đại diện, đã tận tình giúp đỡ và hướng dẫn hội nhập. Cuối tháng 11 tôi lên Nancy gặp những người bạn đồng thuyền và anh Tự.
    Tại đây anh Tự giới thiệu với chúng tôi Phan Minh Hiển, người vừa về lại Pháp sau hai tháng cứu người trên biển. Hiển cho biết lúc đó vừa chấm dứt chương trình nội trú bác sĩ chuyên khoa bệnh nhiệt đới và điều hành y tế công cộng tại Bordeaux nên đã tình nguyện tham gia công tác cứu người trên Biển Đông từ năm 1980 đến 1982 do bác sĩ Bernard Kouchner, thuộc Hội Médecins du Monde, khởi xướng. Hiển được Bernard Koutcher chấp nhận tham gia chương trình năm 1982 và được gởi lên tàu Goélo và chiến hạm Le Balny tham gia công tác.Sau buổi họp mặt này, chúng tôi gồm vợ chồng anh Vũ Dương Tự, Phan Minh Hiển và tôi thành lập hội Đường Mới (La Nouvelle Voie) đầu năm 1984 nhằm giúp đỡ người tị nạn đến định cư tại thành phố Troyes, tỉnh Aube (phía đông-bắc Paris). Trong suốt năm 1984, mỗi cuối tuần, vợ chồng anh Tự, Hiển và tôi đến trang trại cách thành phố Troyes vài chục cây số, được một gia đình Pháp tặng, để lập trại chăn nuôi giúp người tị nạn. Chúng tôi tân trang lại nội thất căn nhà, dựng lại hàng rào, phát hoang và kêu gọi đồng hương tới ở miễn phí (được nuôi ăn, hướng dẫn học tập, chăm sóc sức khỏe…). Nhưng chờ đến suốt năm không người tị nạn nào ngỏ ý muốn đến thăm, chưa nói đến ở, vì không ai muốn sống ở vùng thôn quê hẻo lánh. Cuối cùng chương trình này đành phải bỏ dỡ, trang trại được giao lại cho chủ cũ và chúng tôi ai về nhà nấy, tiếp tục cuộc sống thường ngày.Năm 1988, tôi rời Besançon lên vùng Paris tìm việc khác và gặp lại Phan Minh Hiển, lúc này đã là bác sĩ khá nổi tiếng và nhất là đã lập gia đình với Nguyễn Thị Huỳnh Liên và có một con trai, Phan Hiển Đạt. 
    Hai chúng tôi như đã tìm được cái phân nửa của mình bị thất lạc. Công tác cứu trợ người kém may mắn trong nước của hai chúng tôi gia tăng vận tốc. Hiển vận động tài chánh, tìm người để giúp đỡ, tôi viết bài, vận động giới truyền thông hỗ trợ, nhất là tại Mỹ.Ban đầu là giúp ni cô Quang Đạo ở Vũng Tàu có thêm điều kiện để giúp đỡ trẻ em mồ côi và bụi đời có nơi ăn ở và học tập, xây dựng nhà nuôi dưỡng người già tứ cố vô thân. Tiếp theo là giúp những gia đình nghèo con đông, và sau cùng là cứu trợ những anh em thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa bị cuộc đời bỏ rơi ra khỏi vùng bóng tối. Không ngờ, công tác kêu gọi giúp đỡ ni cô Quang Đạo thành công ngoài dự đoán. Cái am nơi sư cô Quang Đạo tu tịnh lúc ban đầu đã trở thành một ngôi chùa khang trang, phạm vi hoạt động nhân đạo của ni cô lan ra tận miền Trung, với những căn nhà dưỡng lão ngày càng đông người đến ở. Nhưng bất hạnh thay, sư cô Quang Đạo bị buộc phải giao lại những cơ sở vật chất (chùa chiềng và viện dưỡng lão đã xây dựng do tiền của cộng đồng người Việt hải ngoại quyên tặng) cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tức Giáo hội Nhà nước, quản lý. Quá buồn phiền, sư cô Quang Đạo đã qua đời liền sau đó.Công tác cứu trợ anh em thương phế binh trong nước, do cách tổ chức giúp đỡ khá đặc biệt : người giúp và người nhận giao tiếp trực tiếp với nhau, đã được sự tiếp tay tận tình của những hội đoàn từ thiện ở nước ngoài, nhất là Hoa Kỳ (báo Ngày Nay, Houston, do ký giả Trương Trọng Trác tận tình tiếp trợ) và Pháp (hội Nạng Gỗ do ông Nguyễn Quang Hạnh tiếp tay quảng bá), và ở trong nước với sự hưởng ứng của Dòng Chúa Cứu Thế ở Kỳ Đồng và chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm. Có thể nói cho đến nay gần như tất cả những anh em thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa trong nước còn sống đều đã ít nhất một lần được giúp đỡ.Trong buổi tiệc giã từ nghề y sĩ để về hưu, Hiển nói sẽ chấm dứt công tác cứu trợ thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa vì đa số đã già, rất nhiều người đã mất, những người khác đã được con cháu chăm sóc tận tình. Đối với Hiển, công việc giúp người cùng khổ ở Việt Nam của Hiển coi như đã hoàn tất. Có lẽ vị Thiên sứ đã hoàn thành nhiệm vụ ở cõi trần này nên đã được gọi về nước Trời để nhận nhiệm vụ giúp đỡ nhân loại ở một nơi khác !

    Trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp những bài viết về cô nhi, quả phụ và anh em thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, trong tuyển tập “Những mảnh đời rách nát” do Ngày Nay Houston xuất bản năm 1999. Một cách để nhớ tới Phan Minh Hiển.

    https://www.thongluan.blog/2021/12/nhung-manh-oi-rach-nat-13-chung-toi.html

    Nguyễn Văn Huy

    —————————-


    Người Việt Tự do trong và ngoài Tổ Quốc thương tiếc Bác sĩ Phan Minh Hiển vừa ra đi !

    ***********************************************


    Xin chân thành chia buồn cùng Tang gia Tang quyến và Kính chúc Linh Hồn Bác sỹ Phan Minh Hiển yên nghỉ Vĩnh hằng trong Lòng Đất Mẹ Việt-Pháp …

    https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/1300B/production/_103453877_5b0df75d-0bac-47f3-94f4-9ee45dbe6515.jpg.webp
    Bác sỹ Phan Minh Hiển là đồng tác giả cuốn sách ‘Những mảnh đời rách nát’….

    Hàng Ngàn Mảnh đời rách nát mất Anh !
    Thương Đồng bào Quê Hương chân thành
    Từ hoạt động cứu Thuyền nhân trên Biển
    Đông đến giúp đỡ thương phế binh ốm xanh
    Bao sáng kiến bấy đền ơn bao đáp nghĩa
    Thương Đồng Hương Quê Cũ thực thành
    Vì sao tại sao vào Lòng Đất Mẹ quá sớm ?
    Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa cần Anh !
    Giữa Đại dịch đang phá toang Thế giới
    Cầu chúc Linh Hồn Anh yên nghỉ Vĩnh hằng
    Vĩnh cửu trong hai Miền Đất Mẹ Việt- Pháp
    Thể phách tan dần nhưng Di thể còn mãi Tinh anh

    https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/151E7/production/_103530568_ffb969b8-84a8-49b6-800b-be608ecd36e1.jpg.webp
    Bác sỹ Phan Minh Hiển (cầm micro) phát biểu trong trại tỵ nạn trên hoang đảo…

    Quý bạn đọc có thể xem chi tiết dưới đây
    Gặp gỡ đồng tác giả ‘Những mảnh đời rách nát’
    BBC Tiếng Việt

    https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45542071

    17 tháng 9 năm 2018
    Quốc Phương

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây