Điểm sách: “Tật xấu người Việt”

Tạ Duy Anh

28-12-2023

Ảnh chụp bìa sách “Tật xấu người Việt” của tác giả Di Li

Xin trích một đoạn trong cuốn sách dày 384 trang có tên “Tật xấu người Việt”:

“Ngay dưới khu chung cư tôi đang ở lạ lẫm một quần thể biệt thự các “đại gia”. Nhưng ngày ngày ngó qua cửa sổ những muốn thở dài thườn thượt. Ai mong cho nhà hàng xóm xấu đi thì mong chớ tôi không thể. Nhà láng giềng mà xấu thì tức mắt mình chứ thốn mắt ai, vì chủ nhân ở tịt trong nhà đâu có thấy nhà họ. Đằng này mình ngồi cửa sổ, sáng giời ra ngắm xuống thấy lổn nhổn những đền đài, cung điện cổng thành trông giật cả mình. Nhà nào nhà nấy vàng quạch với diêm dúa gờ viền lòng tôm, cửa gỗ nặng nề nâu sẫm, sân lát gạch đỏ, thêm cánh cổng sắt nhũ vàng đồ sộ uốn lượn nhang nhác Nhạn môn quan, trong “Thiên long bát bộ”. Thế là đường đường ở giữa thủ đô mà cứ như đang đi giữa ngõ làng gặp ông trọc phú” – (Trang 229).

Còn lâu mới là phần đặc sắc nhất của cuốn sách. Nhưng chỉ thế thôi, đã thấy hiện lên muôn nỗi “tai ương văn hóa” gắn với người Việt: Thói trưởng giả học làm sang, thẩm mỹ thô kệch, thích khoe của, sự trống rỗng về tinh thần, tự ti về vị thế cũng như giá trị bản thân, nghèo nàn về trí tưởng tượng… Và liệu có phải nó chỉ là hậu quả của những năm dài đói khổ?

Hình như không hẳn như vậy. Hình như nó còn gắn với (hoặc là hệ quả của) những tật xấu đầy rẫy khác cắm rễ, bén rễ, lẻn vào làm tổ trong tâm tính chúng ta.

Ngoài cho thấy cái tài quan sát, khả năng thể hiện của người viết, những gì vừa đọc còn nói với ta rằng, xã hội của chúng ta luôn có vô vàn vấn đề cần phải thảo luận, tranh luận để đưa ra các chuẩn mực, vốn là thứ đang bị thiếu, hoặc bị rối loạn nghiêm trọng.

Di Li có lẽ không phải là nhà văn đầu tiên nặng lòng với những tật xấu của đồng bào mình, đặc biệt dễ nhận ra khi nó được đặt cạnh với các cộng đồng văn hóa khác, điều mà chị thuộc số ít nhà văn quốc nội có cơ hội trải nghiệm. Chỉ tính trên dưới trăm năm trở lại đây, đã có hàng chục nhà văn, nhà văn hóa, nhà giáo dục quan tâm đến chủ đề này. Từ Tú Xương, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Tản Đà, Nguyễn Văn Huyên, Phan Kế Bính… cho đến các sáng tác của nhóm Tự lực văn đoàn, những kiệt tác văn chương hiện thực phê phán… đều góp phần, đều quan tâm tới việc “bóc mẽ” những mặt yếu kém trong truyền thống văn hóa, trong lối sống, lối ứng xử của người Việt, đặc biệt là những hủ tục ngăn cản sự tiến bộ và tư tưởng công bằng, bác ái.

Nhưng với gần 400 trang chỉ chuyên liệt kê, mô tả các loại tật xấu, (muôn vàn, nhiều không kể xiết) của người Việt, thì có lẽ Di Li thuộc số rất ít nhà văn dám liều thân quyết liệt đi tiếp con đường các tiền nhân chỉ đáo qua, đặc biệt khi chị là phận nữ nhi, yếu liễu đào tơ. Tôi nói liều thân, bởi chắc chắn khi đặt bút viết, quyết định cho xuất bản “Tật xấu người Việt”, Di Li đã lường đến cả đống gạch đá, nhân danh đủ thứ tốt đẹp, lòng tự tôn để ném, trút thẳng vào chị!

Rất may (và có thể cũng là điều đáng tiếc?) khi Di Li không định “khảo sát” một cách lạnh lùng, không chủ định đào sâu đến gốc rễ những mặt trái, những thứ bị coi là xấu xí trong văn hóa, lối sống, quan niệm thẩm mỹ, đạo đức của người Việt. Tác giả dựa vào trải nghiệm bản thân, với quan sát của một nhà văn, nhẹ nhàng đưa ra nhận xét, phát biểu ý kiến của mình về những gì mình thấy xấu, thấy dở, gây khó chịu về mặt văn hóa, chủ yếu là văn hóa ứng xử. Chúng được nhà văn khoanh lại ở cấp độ “tật xấu”, cấp nhẹ nhất trong thang bảng phản ánh sự hư bại của con người. Không gay gắt mắng mỏ như Tản Đà, không chua cay như Tú Xương, không khẳng định như đinh đóng cột hoặc giễu cợt đau đớn như các nhà văn cha chú khác… Di Li chọn một lối khiếm tốn và nhún nhường hơn: Phàn nàn về những điều chị cho là “tật xấu”.

Có lẽ khi đặt bút, Di Li biết rất rõ rằng khả năng chịu đựng sự phê phán chưa khi nào là phẩm chất nổi trội của người Việt? Vì thế, ngoài một hai chương, ví dụ “Tham lam chủ nghĩa”, có hơi hướng của một “cáo trạng văn hóa”, một vài chỗ “gắt gỏng”, còn lại đều ở mức tránh gây nổi xung cho đối tượng tiếp nhận.

Những tật xấu mà Di Li nhắc tới, chủ yếu nảy sinh trong quá trình sống, quá trình phát triển, quá trình làm quen với những thứ mới lạ, quá trình học đòi, nhắm mắt vọng ngoại mà tưởng là tiếp nhận thứ đáng giá? Nhưng rõ ràng, qua những gì chị viết nhẹ nhàng, tinh tế, không thể nói là những tật xấu ấy không “bắt rễ” từ thứ gì đó “tăm tối” thuộc về truyền thống?

Điều quan trọng không kém là tác giả đưa ra cảnh báo: Từ tật xấu, từ những thứ lỗi lặt vặt chủ yếu gây khó chịu, dẫn đến thói xấu, tính xấu, ăn sâu thành căn tính và lâu dần thành bản chất … là một con đường thẳng tắp. Nếu không được cảnh báo sớm, không bị ngăn cản quyết liệt và bền bỉ bằng sự phê phán không thương xót, không khoan nhượng, nó sẽ biến tướng thành một thứ cũng được gọi là văn hóa – như đã từng – thì, như mỗi chúng ta đều chiêm nghiệm, con đường đến với tương lai, đến với một xã hội văn minh, hài hòa giữa tự do, đạo đức và luật pháp… sẽ vô cùng mờ mịt.

Thông điệp hai chiều này không phải ai cũng dễ dàng nhận ra. Nhưng giá trị của cuốn sách sẽ không được ghi nhận đầy đủ nếu chỉ thấy “phần nổi của tảng băng”.

Vì thế, bất chấp còn nhiều điều đáng để tác giả lắng nghe (chẳng hạn không ít chỗ tác giả tự mắc vào lưới chủ quan, cảm tính… khi chế giễu người khác mà quên rằng tật xấu và ý thích cá nhân là hai thứ hoàn toàn khác nhau, có thể chúng đều gây khó chịu cho người xung quanh; nhưng nếu một thứ đáng bị phê phán, thì thứ còn lại, dù không thích, cũng nên tôn trọng), chúng ta phải cảm ơn Di Li, bởi chị đã xông lên trước, chịu trận trước, để bước đầu phá tan nhiều vỏ bọc hào nhoáng chứa bên trong sản phẩm lỗi, sản phẩm giả tạo, sản phẩm thô kệch dán nhãn văn hóa lòe loẹt!

Riêng tôi, một người mù ngoại ngữ và “quê một cục”, cuốn sách đủ là một thứ cẩm nang để khi cần có thể tìm thấy điều gì đó cho riêng mình. Bởi – điều này có lẽ nằm ngoài ý định của tác giả – Di Li đã cung cấp khá nhiều kinh nghiệm hữu ích khi phải/ được/ bị tiếp xúc với các cộng đồng khác nhau về văn hóa, nơi bất kể ai trong chúng ta cũng rất dễ để lại ấn tượng là một kẻ dị dạng về nhân cách, hoặc nhẹ nhất là rơi xuống từ hành tinh khác.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây