Nộp tiền chống trượt: Thực chứ nghi ngờ “thực hư” gì nữa?

Chu Mộng Long

26-12-2023

Báo chí đăng: “Thực hư thông tin thi giảng viên chính nộp 10 triệu đồng chống trượt“. Tôi, một giảng viên, từng đi thi giảng viên chính cách đây hơn mười mấy năm, khẳng định như đinh đóng cột, rằng thực chứ chẳng hư gì cả. Bài báo chỉ đăng lộ thông tin ở Đại học Huế, còn tôi khẳng định, đại học nào ở Việt Nam cũng vậy!

Ảnh chụp màn hình bài báo Người Đưa Tin

Chuyện này đã từng diễn ra quá nhiều năm rồi chứ mới mẻ gì mà nghi ngờ? Vì đã thành thói quen và phổ biến đến mức hối lộ ở đất nước này, dù là trong thi cử, đã bị nhầm tưởng là văn hóa, phong tục tập quán vậy!

Tôi sẽ chịu trách nhiệm nếu Bộ Công an vào cuộc điều tra thật khách quan: Từ nguồn thu, nguồn chi mà các cá nhân đã nộp cho trưởng đoàn. Tất nhiên họ sẽ phi tang, nhưng nhân chứng sống là hàng ngàn người trong mỗi cuộc thi vẫn còn đó. Không có chuyện thi giảng viên chính xong rồi chết hết? Làm không nghiêm túc, tất nhiên, đừng bắt tôi phải chịu trách nhiệm!

Trách nhiệm của tôi còn là phản ánh trung thực để đến lúc yêu cầu Bộ phải chấm dứt trò bẩn này trong giáo dục và đào tạo. Nếu vẫn dây dưa, không xử lý dứt khoát, ngành giáo dục mãi là cái vũng lầy mà con em nhân dân phải ngụp lặn triền miên trong đó.

Nhã ngữ là “tiền chống trượt”, nhưng thực chất là hối lộ cho những người tổ chức thi, trong đó đứng đầu là Cục, Bộ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo trước đây, cứ vài ba năm hoặc năm năm tổ chức thi giảng viên chính một lần. Tôi hình dung mục đích là để gom đông người và càng đông thì lượng tiền thu được càng cao. Họ bất chấp sự bất công, khi có những giảng viên đủ điều kiện, tiêu chuẩn để thăng hạng phải chờ đợi rất lâu mới được thi. Ngược lại có những giảng viên không đủ điều kiện, tiêu chuẩn nhưng nhảy phóc một cái thăng hạng và lên lương cao chót vót.

Trường tôi từng có giảng viên hơn 20 năm trong nghề, bậc lương cao hơn sàn giảng viên chính, thi xong giảng viên chính thì mức lương bị hạ xuống điểm xuất phát của ngạch giảng viên chính, ngang bằng đứa học trò của mình mới đứng lớp được 10 năm. Mãi sau này mới có điều chỉnh lại thì họ đã chịu thiệt thòi nhiều năm lương.

Năm tôi đi thi ở Nha Trang, nhà trường chi cho tiền ăn ở, tàu xe, nhưng mỗi cá nhân phải nộp tiền mua tài liệu và tiền “chống trượt” cho trưởng đoàn. Biết là tiêu cực, nhưng một người cứng cỏi như tôi không thể chống. Chống, không nộp thì cũng đồng nghĩa với chống lại cả tập thể và bị cô lập. Thế là phải cắn răng nộp. Trước ngày thi, ở đâu trên trời rơi xuống luôn đề thi gồm vài ba câu. Thế là tôi còn được tin cậy năng lực giải đề để thủ quỹ đoàn photo cho mọi người vào phòng thi chép. Nhưng cũng đùng một cái, đêm đó, thủ quỹ lại gặp từng cá nhân thu thêm với một số tiền gấp đôi số tiền đã nộp. Người đi thu tiền cho biết, các đoàn đều làm như vậy và nội trong đêm nay sẽ có cuộc gặp mật với người tổ chức thi để trao tiền.

Đến nước này thì tôi chống. Lúc này tôi đang làm Trưởng ban Thanh tra nhân dân. Tôi định theo dõi và ghi lại bằng chứng cuộc mua bán này để tố. Nhưng xem chừng sự vụ vỡ ra, tôi sẽ bị kết án là “thù địch” với cả trường. Đành gặp trưởng đoàn ngăn chặn ngay việc thu thêm này bằng đe dọa sẽ tố. Thế là Trưởng đoàn sợ và cho thủ quỹ trả lại tiền cho mọi người. Kết quả, ba người bị trượt. Ba người này chửi tôi một trận và thành thù địch.

Đối với Đại học Huế, có thể, số tiền 10 triệu/người x 209 = 2 tỉ 09, trong đó có tiền tàu xe, ăn ở, nhưng chắc chắn đã chi “chống trượt” không ít. Có khi bị trượt 5 người là do chưa đủ đô? Hoặc cũng có thể những người tổ chức thi cho trượt để làm màu, rằng thi có đậu có trượt, cho nên những người bị trượt mới được trả lại tiền và bù luôn cho tiền tàu xe, ăn ở, kể cả tiền đã học thi chứng chỉ hạng ngạch để an ủi và bịt mồm?

Trước kia chỉ cần đủ điều kiện, tiêu chuẩn (năm đứng lớp, bằng cấp, công trình) là được thi giảng viên chính. Nay còn bịa thêm học và thi chứng chỉ hạng ngạch rồi lại thi giảng viên chính nữa. Ăn nhiều lần, tham thế?

Theo tôi, thi giảng viên chính là một chuyện. Mọi cuộc thi liên quan đến giảng viên, giáo viên hiện nay đều có tình trạng tương tự. Chẳng mấy người có ý thức học hành, thi cử nghiêm túc. Ngoài học phí, lệ phí, thi cao thì nộp tiền lớn (như thi giảng viên chính, giảng viên cao cấp, thi tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư); thi thấp hơn thì nộp tiền nhỏ hơn như thi hạng ngạch, chứng chỉ, kể cả đào tạo tại chức. Tất cả đã thành một hệ thống: trên móc túi dưới, dưới móc túi dưới nữa. Thi cử mà không trong sáng, trung thực, gì cũng tiền, thì kết quả là giáo dục đi lộn đầu xuống cái vũng lầy về chất lượng. Kết quả là đứa ngu có đủ các học hàm học vị, chức danh và đứng lớp dạy đứa khôn.

Tôi từng viết về chuyện tôi đi học lớp quản lý rồi lớp trung cấp chính trị. Cứ mỗi tuần lớp trưởng thu tiền một lần để tổ chức nhậu nhẹt và phong bì cho thầy. Vài lần như vậy thì tôi chống và bỏ học. Tất nhiên là thành thù địch với cả lớp, kể cả bị đe dọa mất chức vì không đủ tiêu chuẩn để giữ cái ghế Trưởng bộ môn!

Khi ngồi hội đồng đề tài cấp Bộ, chấm luận văn, đề án, kể cả dạy hạng ngạch, dạy tại chức, tôi quyết liệt từ chối phong bì, và cũng từng bị nhiều giảng viên thù địch và chửi như chửi chó. Họ tự cho họ nhận tiền chống trượt là người, kẻ tự trọng như tôi là… chó. Khổ thân chó cho những người có trách nhiệm với giáo dục!

Đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo chấm dứt ngay các loại học và thi như trên. Chỉ cần xét hồ sơ nghiêm túc, người ta đủ điều kiện, tiêu chuẩn, năng lực thì trao chức danh, nâng lương. Thi cử gì mà chỉ để bán tài liệu, bán luôn cả đề thi, kể cả thu những thứ tiền phi pháp. Mà cũng lạ, như tôi từng viết chuyện tôi đi thi giảng viên chính. Mấy ngài Hiệu trưởng được cử làm giám khảo vấn đáp, bắt người thi trên đầu hai thứ tóc phải thuộc bài như trong tài liệu. Họ hành giảng viên như hành trẻ con. Giảng viên trả bài như con vẹt, còn giám khảo thì dò từng câu, từng chữ trong đáp án để chấm điểm.

Tôi từng bắt giám khảo úp đáp án lại cho tôi trả lời với lý do, giám khảo có thuộc bài thì mới đủ tư cách chấm tôi. Năm ấy tôi chỉ mong tôi mà bị trượt thì mấy tên đã nhận tiền “chống trượt” phải… nhừ đòn! Khi đó, tôi chẳng trả lời theo đáp án, nhưng mấy gã giám khảo kia ăn gan báo cũng không dám cho tôi trượt!

Nội dung thi chủ yếu là chính trị, chỉ có một câu vấn đáp qua loa về chuyên môn. Chính trị thì được chép theo đề cho trước. Tiếng Anh thì người làm được đang ngồi ở vị trí này buộc phải chuyển sang vị trí những người không làm được để họ copy. Một kì thi mà từ lâu ai cũng biết không thể đánh giá được gì, chỉ để người thi tốn tiền, mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn kiên trì tổ chức thi thì động cơ là gì, còn phải nghi ngờ nữa sao?

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. “Nộp tiền chống trượt”, nghiã là tiền giải quyết được tất cả mọi việc ở trên đời này
    mà chỉ xảy ra dưới chế độ Cs. độc tài toàn trị, chứ trước kia chưa hề có hiện tượng
    cực kỳ quái đản và vô cùng khốn nạn nói trên !
    Đúng là thối nát toàn tập ! Đau xót nhất là nhiều người vẫn ngửi được mùi thối nát
    đó vì cứ coi như mình chẳng hề hấn hay ảnh hưởng gì cả ?
    Chẳng lẽ ông Nelson Mandela tiến đóan đúng hậu vận của VN.ta hay sao ?

  2. Hề…. hề…, ts Chu và cả cái thằng cu Lê Kông nào đó nữa: Cả hai hãy về hỏi xem cái thằng bố của mình (phụ huynh) rằng thì là khi xưa chúng mày thi tn ptth thì ông ấy có phải nộp tiền chống trượt cho ban phụ huynh hay không. Nếu không thì kì thi (của mày) lúc ấy phải được đem ra để tuyên dương đấy!!!

  3. “Đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo chấm dứt ngay các loại học và thi như trên” ( Trích CML )
    Thưa, GS bảo chấm dứt thì họ lấy gì để thu gom sau mỗi kỳ thi . Nhất là thi phổ ( tốt nghiệp cấp 2, 3 ) tại chức lại càng tốn tiền bộn . Đố anh nào dám không nộp ? Không nộp , có mà học tới tết công gô cũng không đậu .
    GS nói về ĐH Huế, giờ mới ngộ ra : Những GV cấp 2 ( mà mình biết ) học ĐH tại chức để lấy bằng CN ( có CN, có thể chuyển qua dạy cấp 3 ), kể cả một số cán bộ của một Sở GD ( ở đồng bằng sông Cưu Long ) học tại chức để lấy bằng ĐH thứ 2 ( dường như được gọi là thạc sĩ ? ) đều học ĐH Huế . Cứ nằm, ngồi tại chỗ , tiền đóng đủ thì tài liệu gởi về tận nơi . Đến ngày thi, đề thi cũng đến đúng địa chỉ người nhận , làm xong rồi gởi ra Huế cho các thầy chấm .
    Tóm lại, không anh , chị nào trượt cả . Cứ đến hẹn lại lên . Học như vậy, thi như vậy mới tài, thưa GS !
    Tài thật . Tài thật . Tiên sư anh Tào Tháo ! ( Lời của nhân vật Hoàng – Đôi mắt – Nam Cao )

  4. Tổng Lú đã phán rồi, đến Phật cũng còn đòi hối lộ huống chi mấy quan chức bộ dục.
    Dân gian đã bảo, dễ mà không làm cho khó thì lấy đâu ra thịt chó mà xơi.
    Một nghị gật nào đó đã đánh bóng cho cái trò hối lộ này, gọi đó là văn hóa, là phong tục. Một thứ văn hóa cần 340 ngàn tỷ đồng để chấn hưng.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây