Di sản thế giới hay ao làng? (Kỳ 2)

Nguyễn Thông

11-11-2023

Tiếp theo kỳ 1

Dù vùng bảo vệ 1 hay bảo vệ 2 thì cũng phải bảo vệ nghiêm ngặt, đúng như khái niệm, tên gọi “bảo vệ”. Theo quy định của chính phủ, vịnh Hạ Long là vùng cốt lõi, bảo vệ 1; còn những chỗ bên ngoài, nhất là khu vực tiếp giáp, gọi là vùng đệm, bảo vệ 2. Chỗ biển đảo lô nhô thuộc phường Quang Hanh, TP.Cẩm Phả bị đổ đất đá làm cho nham nhở biến dạng chính là vùng đệm, bảo vệ 2.

Muốn thay đổi nó phải có ý kiến từ chính phủ, được duyệt từ cấp trung ương, chứ chính quyền tỉnh Quảng Ninh không có quyền. Nếu đám Quảng Ninh tự ý cho phép, là xé rào, làm bậy, cần bị xử lý nghiêm khắc, thậm chí khởi tố, truy tố. Khi bị lôi ra trước công luận lại còn đòi sửa “luật”, sửa nghị định của chính phủ để cái sai được tồn tại bất hợp pháp. Nếu trung ương cho phép, chỉ đạo, bật đèn xanh, đồng ý vụ này, thì trung ương cũng có tội, còn khởi tố hay không thì tùy “lò”.

Di sản đặc biệt “biển đảo quê hương”, khu vực di tích danh thắng quốc gia mà từ trên xuống dưới coi như cái vũng trâu đằm, chỗ con rồng lộn chứ hạ long hạ liếc chi. Đừng có cãi. Nó phá sờ sờ ra đó hơn cả năm rồi chứ có phải dấm dúi trong buồng đâu mà không thấy. Phạt 125 triệu đồng có khác gì gãi ngứa một con thú hung dữ đang say ăn đất, có khác chi bật đèn xanh mở đường cho nó rằng chúng mày cứ làm đi, không sao đâu.

Khi nào chính phủ ra nghị quyết điều chỉnh (nói thẳng là thu hẹp lại) vùng đệm của di sản, được quốc hội thông qua, thì việc phá hoại, làm tổn thương di sản mới không bị trừng trị. Cứ kiểu “tiền trảm hậu tấu” hoặc chả thèm tấu thế này, chả mấy lúc vịnh Hạ Long sẽ co lại như miếng da lừa, thành cái ao làng, mỗi họ mỗi nhà lấn một tí, rồi mấy thứ “bằng cấp” do U nét bán cho sẽ thành giấy lộn. Tôi bảo thật. Di sản chả mấy chốc mà tan hoang. Ai cố cãi thì hãy coi lại mấy cái ảnh chụp ở khu 10B Quang Hanh, Cẩm Phả, giữa “biển trời bao la, đẹp như gấm hoa” thế, tự dưng quây lên những dãy nhà nghễu nghện như chọc vào mắt thì nó còn ra thể thống gì.

Vụ phá này, đừng lo nó phá môi trường bởi bây giờ với khoa học và công nghệ hiện đại người ta có rất nhiều cách vừa tồn tại vừa bảo vệ môi trường, mà nghiêm trọng nhất, khốn kiếp nhất là phá cảnh quan đang được cả nước gìn giữ, tự hào, bảo vệ.

Xứ ta có hơn 3.200 cây số bờ biển (chưa kể phần bao quanh các hòn đảo). Việc mở rộng lãnh thổ về phía biển theo tác động tự nhiên đã diễn ra từ bao đời, do trời chứ không phải con người. Những vùng cửa sông dễ thấy nhất. Phù sa từ thượng nguồn đã tạo biết bao vùng đất mới ven biển. Nhớ hồi học phổ thông có câu thơ “Cuồn cuộn ngang trời một dòng sông đỏ/ Phù sa phù sa ôi sức sống mênh mông” (lâu quá của ai quên mất rồi, hình như Thái Giang).

Làng tôi (ở huyện Kiến Thụy, đất Hải tần phòng thủ, gọi tắt là Hải Phòng) theo đường chim bay cách biển chưa tới chục cây số. Hồi còn bé, thập niên 50 – 60, tôi thường lần mò tới chỗ người nhớn đào giếng, trong đó có giếng nhà tôi đào năm 1965, thấy cứ sâu khoảng 6 – 7m móc lên tinh những vỏ sò vỏ hến. Thày tôi bảo, xa xưa chỗ quê mình là biển. Sách giáo khoa cũng dạy vậy. Bu tôi kể, hồi năm 1955 đất Phòng quê tôi bị trận bão biển lớn, sóng thần ập sâu vào đất liền mấy cây số, vỡ đê, nước ngập tới gần cầu Rào. Kể lại để biết rằng đất đã mở ra phía biển nhiều lắm.

Nói đâu xa, chỗ cống Rộc, đầm Vươn (nổi danh vụ cưỡng chế tháng 2.2012) ở Tiên Lãng hơn 2/3 thế kỷ trước chỉ là biển chứ đâu phải đất đai để gây bao hệ lụy phẫn nộ đau buồn. Năm 1969, bọn học trò lớp 8 chúng tôi kéo nhau từ huyện Kiến Thụy qua xã Vinh Quang quê Vươn giúp dân gặt cói, đồng cói bát ngát khi ấy bây giờ là chỗ trung tâm xã. Nghe kể bộ phim “Người về đồng cói” khá nổi tiếng có cô Thanh Loan xinh đẹp đóng, cũng trên thực địa xã này.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Anh Chọng như lão ngoan đồng Châu bá Thông chơi một lúc 2 tay, tay trái anh đưa đám nhân tai vào guồng máy để nó phát tan nát bờ cõi cơ nghiệp, tai phải anh gầy dựng cái lò đốt những nhân tai. Cứ kiểu này thì tương lai đi thụt lùi chứ tiến thế nào được.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây