Di sản thế giới hay ao làng? (Kỳ 1)

Nguyễn Thông

9-11-2023

Ảnh: Khu vực bị xâm phạm tại vùng biển thuộc phường Quang hanh, TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. (Phải chú thích rõ là vùng biển của vùng đệm bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới, chứ không thể lập lờ “thuộc phường Quang Hanh”, cứ như trên đất liền). Nguồn ảnh: Internet

Những ồn ào về việc lấp biển ở tỉnh Quảng Ninh những ngày qua cần được minh định cho rõ ràng, tránh những mắng mỏ sai lệch hoặc ỡm ờ bao che. Cách nào, kiểu nào cũng không tốt.

Trước hết, cần thừa nhận nơi bị lấp không nằm hẳn trong vịnh Hạ Long – di sản thiên nhiên thế giới, thậm chí được công nhận, “cấp bằng” những hai lần. Cũng cần nói thêm, thứ danh hiệu do UNESCO cấp này cũng không đến mức hãnh diện lắm đâu. “Nó” ban phát tràn lan, dĩ nhiên phải nộp tiền kẹp vào hồ sơ, cũng như Đại học Đông Đô bán bằng vậy. Liên Hợp quốc xôi thịt còn chả ăn ai, huống hồ đám trực thuộc như U nét, WHO, ủy ban nhân quyền… Họp xài tiền đóng góp là chính, chứ nên cơm cháo gì.

Di sản hay không là do mình, chứ chẳng phụ thuộc vào u nét u niếc. Sản là tài sản (vật chất hoặc tinh thần), di là truyền lại, để lại. Di sản là thứ do cha ông, tiền nhân để lại cho con cháu. Vịnh Hạ Long cũng như cả cõi đất Việt này là di sản truyền đời, ai cũng có trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ. Nghiêm cấm việc dâng hiến cho ngoại bang, bán, cắt bỏ, tàn phá. Vua Lê Thánh Tông thế kỷ 15 dạy rằng “một thước núi, một tấc sông của nước ta lẽ nào tự tiện bỏ đi được”.

Vịnh Hạ Long là thứ di sản đặc biệt do thiên nhiên ban tặng cho đất nước, nó chỉ có ở Quảng Ninh nhưng bất cứ người Việt nào, từ ông to bà nhớn triều đình trung ương, tới đứa dân thường đều có trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ. Không phải chỉ Hạ Long, cả Bái Tử Long và vịnh Cát Bà đều cần được đối xử như thế, bởi đều là di sản cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Vậy nên rất lạ, sự xâm phạm vào di sản diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, kéo dài năm này qua năm khác nhưng trung ương không biết, quan chức sở tại không biết, hệ thống chính trị con ruồi khó bay lọt cũng không biết. Nói trắng ra là biết, nhưng “cứ để thế xem sao”. Mắt của trung ương, của chính quyền tỉnh nào có mù, nó chỉ bị bịt bởi thứ gì đó thôi.

Chính quyền Quảng Ninh và Bộ Văn hóa đang vòng vo diễn giải vùng biển bị xâm phạm không phải là vịnh Hạ Long, không phải di sản thiên nhiên thế giới. Điều đó đúng với thực tế lúc này. Ý của chính quyền là, do nó “không phải” như thế nên sự xâm phạm, phá hoại, làm cho nham nhở cũng không nghiêm trọng lắm, có thể du di được, áp dụng kiểu “phạt cho tồn tại” như nhiều nơi, nhiều vụ.

Nhưng cũng chính nhà cầm quyền đã công nhận chỗ bị xâm hại là vùng đệm, khu vực 2 của vịnh Hạ Long, là vùng bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới. Đã là “vùng bảo vệ” thì cũng cần được bảo vệ, nhưng phớt tất, cứ xâm hại. Lỗi đâu phải của đứa san lấp, đổ đất, đổ đá lấp vịnh (nếu nó có lỗi thì liên quan tới tiền), mà của chính đám đã duyệt, cấp phép cho nó làm, nhắm mắt làm ngơ cho nó.

Có tiền mua tiên cũng được, huống hồ mua vịnh, mua di sản, mua quan chức. Cứ ngó những vụ Việt Á, bay giải cứu, AIC thì rõ, nếu không thể mua bằng tiền thì có thể mua bằng… rất nhiều tiền.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook