Tác giả: Yuval Noah Harari
Trần Gia Huấn, chuyển ngữ
6-11-2023
Lời người dịch: Yuval Noah Harari là tác giả của những tác phẩm lừng danh như “Sapiens”, “Homo Deus” và “Unstoppable Us”. Ông là giáo sư sử, Đại học Hebrew, Jerusalem. Dưới đây là ý kiến của ông đăng trên báo Washington Post ngày 19-10-2023, sau khi Hamas mở cuộc thảm sát đẫm máu vào lãnh thổ Israel ngày 7-10-2023.
***
Chiến tranh là tiếp nối của chính trị, nhưng bằng những phương tiện khác. Nhiều người thường tụng niệm câu thần chú này, nhưng có mấy ai để ý tới – đặc biệt giữa khói lửa chiến tranh. Cuộc thảm sát của Hamas trên lãnh thổ Israel và số người chết tăng lên ở Dải Gaza đã che phủ những động cơ khốn nạn của những kẻ đã gây ra chiến tranh. Xác người chồng chất, nhưng ai là kẻ chiến thắng? Không phải phe đã giết nhiều người hơn. Cũng không phải phe đã tàn phá nhiều nhà cửa hơn. Thậm chí, càng không phải phe đã giành được sự ủng hộ của thế giới. Phe chiến thắng là kẻ đạt được mục tiêu chính trị.
Hamas khởi động cuộc chiến này với một mục tiêu chính trị là ngăn cản hòa bình ở Trung Đông. Sau khi ký hiệp ước hòa bình với Tiểu Vương Quốc Arab Thống Nhất và Bahrain, Israel đang chuẩn bị ký hiệp ước hòa bình lịch sử với Saudi Arabia. Hiệp ước này đáng lý ra nó là một thành tựu lớn nhất trong sự nghiệp của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Đáng lý ra hiệp ước này sẽ bình thường hóa quan hệ giữa Israel và thế giới Arab. Các điều kiện của hiệp ước sẽ bao gồm những nhượng bộ đáng kể đối với người Palestine, giảm bớt nỗi đau khổ của hàng triệu người trong lãnh thổ bị chiếm đóng, và khởi động tiến trình hòa bình Israel và Palestine.
Viễn cảnh Israel hòa bình và bình thường hóa quan hệ với thế giới Arab là một nguy cơ tồn vong cho Hamas. Từ ngày thành lập năm 1987, tổ chức Hồi giáo cực đoan này chưa bao giờ nhìn nhận sự tồn tại của Israel và thề xóa sổ Israel bằng vũ lực, không khoan nhượng, không thương lượng. Vào thập niên 1990, Hamas đã làm tất cả những gì có thể để phá hỏng tiến trình hòa bình Oslo và mọi cố gắng hàn gắn sau đó.
Trong hơn một thập niên, chính phủ Israel do Thủ tướng Netanyahu lãnh đạo đã loại bỏ mọi cố gắng đàm phán với phe ôn hòa Palestine. Netanyahu tiếp cận chính sách diều hâu, chiếm đóng vùng đất tranh chấp; thậm chí, còn chấp nhận những ý tưởng cực hữu về quyền lực tối cao của người Do Thái.
Trong giai đoạn này, Hamas tỏ ra kiềm chế một cách đáng ngạc nhiên. Cả hai cùng áp dụng chính sách chung sống trong bạo lực. Ngày 7 tháng 10, khi nội các của Netanyahu đang chuẩn bị một bước đột phá lớn, ký hiệp ước hòa bình trong khu vực, thì Hamas tấn công Israel bằng toàn bộ lực lượng của mình. Hamas giết thường dân Israel bằng những cách man rợ nhất mà Hamas nghĩ ra. Mục đích trước mắt của cuộc khủng bố tàn bạo này là nhằm phá hiệp ước hòa bình Israel và Saudi. Mục đích lâu dài là gieo những hạt giống hận thù Israel trong tâm trí hàng triệu người Hồi giáo, và ngăn cản mọi cố gắng hòa bình của thế hệ tương lai.
Hamas biết rõ cuộc tấn công của họ sẽ làm Israel phải tím tái, tê dại, quẫn trí, vùng vẫy, đớn đau, và giận dữ. Những kẻ khủng bố mong muốn Israel tung ra một cuộc trả thù tổng lực, gây ra nỗi đớn đau tổn thất cho người Palestine. Hamas đặt mật danh cho chiến dịch này là al-Aqsa Tufan. Chữ tufan có nghĩa là lụt – hàm ý như trận “Đại Hồng Thủy” xảy ra ở thời Cựu Ước, nhằm dọn sạch thế gian tội lỗi; thậm chí, phải trả một giá đắt, xóa sổ cả loài người, nếu cần. Cuộc tấn công của Hamas nhằm tạo ra một cuộc tàn phá ở quy mô “tận thế” như lời tiên tri trong Kinh Thánh.
Liệu Hamas có quan tâm đến nỗi thống khổ của người dân Palestine? Mỗi cá nhân Hamas có thể có những cảm xúc và thái độ khác nhau, nhưng tổng quan của Hamas là coi thường nỗi đau khổ con người. Mục đích chính trị của Hamas được hướng dẫn bởi quan niệm viển vông hão huyền, nặng mùi tôn giáo.
Không giống như những phong trào thế tục như Mặt trận Giải phóng Palestine, mục tiêu tối thượng của Hamas không thuộc về thế giới này. Với Hamas, những người Palestines bị giết bởi Israel là những liệt sỹ vinh quang được ban thưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng. Càng nhiều người bị giết thì càng nhiều liệt sỹ thụ hưởng hạnh phúc vĩnh hằng.
Đối với Hamas và các nhóm Hồi giáo cực đoan khác, mục tiêu khả thi duy nhất cho loài người trên Trái Đất này là phải tuân thủ vô điều kiện các tiêu chuẩn về sự thánh thiện và công lý thiên đàng. Bởi vì, hòa bình bao hàm thương lượng và thỏa hiệp. Hamas cự tuyệt điều này. Hamas theo đuổi nền công lý tuyệt đối của riêng họ bằng bất cứ giá nào.
Nhân tiện, điều này cũng giải thích phong trào cánh tả cấp tiến đang xảy ra ở những quốc gia dân chủ phương Tây, trong đó có nhóm sinh viên Đại học Harvard. Họ đã miễn trừ Hamas khỏi trách nhiệm tàn bạo mà Hamas gây ra ở Be’eri, Kfar, Azza và nhiều ngôi làng khác trong lãnh thổ Israel, và ngay cả khủng hoảng nhân đạo ở Gaza. Thay vào đó, các tổ chức này đổ lỗi 100% lên đầu Israel.
Mối liên hệ giữa phong trào cánh tả và những nhóm tôn giáo cực đoan như Hamas là niềm tin vào nền công lý tuyệt đối, không chấp nhận những hiện thực phức tạp. Công lý là vô cùng cao cả, nhưng đòi hỏi một nền công lý tuyệt đối thì chắc chắn chỉ là những cuộc chiến tranh không hồi kết. Trong lịch sử thế giới, không có một hiệp ước hòa bình nào mà không có đàm phán, thỏa hiệp, thương lượng, chưa bao giờ đạt được một nền công lý tuyệt đối.
Nếu mục tiêu của Hamas là phá hiệp ước hòa bình Israel – Saudi, hủy bỏ mọi cơ hội đàm phán hòa bình ở Trung Đông, thì Hamas đã thắng lớn chỉ bằng một cú đấm knockout. Chính Israel đang giúp Hamas; bởi vì, chính phủ của Netanyahu đang tiến hành một cuộc chiến tranh mà không có mục đích chính trị rõ ràng.
Israel tuyên bố sẽ tước vũ khí của Hamas; Israel có quyền làm như vậy để bảo vệ công dân; và cho là Israel sẽ thành công. Đây chỉ là thành công quân sự, nhưng mục tiêu chính trị thì không đạt được. Trước mắt, Israel phải cứu lấy hiệp ước hòa bình Israel – Saudi. Về lâu dài, Israel phải bình thường hóa quan hệ với thế giới Arab.
Từng tham dự vào chính trường Israel trong những năm qua, tôi e rằng có những thành viên trong nội các Netanyahu đã gắn chặt vào tầm nhìn Kinh Thánh và nền công lý tuyệt đối, mà ít quan tâm tới thương lượng, hòa giải. Tất cả các bên liên quan phải ngăn cơn lũ do Hamas gây ra, hòng nhấn chìm Israel, Palestine và tàn phá cả thế giới Arab.
Lưu ý rằng, về mặt lý thuyết, chiến tranh hạt nhân đang cận kề. Nếu Hezbollah và những đồng minh của Iran sẽ phóng hàng chục ngàn tên lửa vào lãnh thổ Israel, thì Israel sẽ đáp trả tự vệ bằng vũ khí hạt nhân. Do đó, tất cả các bên nên từ bỏ những ảo tưởng trong Kinh Thánh, đừng đòi hỏi nền công lý tuyệt đối, mà tập trung vào giải quyết xung đột và gieo mầm cho thương lượng, hòa giải, hòa bình. Sau sự kiện ngày 7-10, hòa giải dường như là không thể. Gia đình và bạn bè tôi đã trải qua nỗi đớn đau, gợi nhớ tới những cảnh tượng kinh hoàng của thời Holocaust.
Tám thập niên đã trôi qua, kể từ thời Holocaust, Đức và Israel đã trở thành bạn tốt. Người Do Thái chưa bao giờ có được công lý tuyệt đối cho Holocaust – làm sao họ có thể? Liệu ai có thể nén những tiếng thét đau thương trong thanh quản, đưa làn khói trở lại từ ống khói của địa ngục Auschwitz, hay đưa người chết trở về từ lò thiêu.
Là một nhà sử học, tôi hiểu lời nguyền lịch sử là khơi dậy khát vọng sửa chữa quá khứ. Vô vọng! Không thể cứu được quá khứ. Hướng về tương lai. Để cho vết thương cũ lành lại hơn là nó trở thành nguyên nhân cho những đau thương mới.
Vào năm 1948, hàng trăm ngàn người Palestine mất nhà trên lãnh thổ Palestine. Để trả đũa, ngay sau đó, hàng trăm ngàn người Do Thái bị tống cổ khỏi Iraq, Yemen, và nhiều quốc gia Hồi giáo khác.
Kể từ đó, thương đau chồng chất thương đau. Vòng xoáy lẩn quẩn của bạo lực chồng chất thêm bạo lực. Không cần phải lặp lại chu kỳ này nữa. Tất nhiên, đang giữa cơn thịnh nộ, chúng ta không hy vọng chặn được vòng xoáy bạo lực này. Điều chúng ta có thể làm được bây giờ là giảm bớt sự leo thang, và đưa ra những tia hy vọng cụ thể.
Một sáng kiến kêu gọi Hamas thả tất cả phụ nữ, trẻ em, trẻ sơ sinh mà họ đang giữ làm con tin, để đổi lấy Israel thả tù nhân Palestine. Liệu đây có phải là công lý? Không. Công lý đòi hỏi Hamas ngay lập tức và vô điều kiện thả tất cả mọi con tin. Tuy vậy, sáng kiến này là một bước nhằm giảm căng thẳng. Một sáng kiến khác cho người Palestine rời Gaza an toàn tới một quốc gia khác. Egypt, có đường biên giới với Gaza, nên tiên phong trong vấn đề này. Thế nhưng, Egypt không đồng ý. Israel có thể là nơi cư trú cho thường dân Palestine.
Nếu không có nước nào chấp nhận bảo vệ thường dân Palestine thì Hội Chữ Thập Đỏ phải được phép tiếp cận con tin, và chấp nhận các điều kiện của Hội thì Israel sẽ mời Hội Chữ Thập Đỏ và tổ chức nhân đạo quốc tế thiết lập tạm thời nơi trú ẩn cho thường dân Palestine ngay trong biên giới Israel. Nơi trú ẩn này cung cấp chỗ ở tạm thời cho phụ nữ, trẻ em và những người bệnh. Khi chiến tranh kết thúc, họ sẽ về lại Gaza.
Làm công việc này là hoàn thành nghĩa vụ đạo đức bảo vệ thường dân Palestine, đồng thời hỗ trợ quân đội Israel trên chiến trường, giảm số lượng thường dân bị bắt trong khu vực đang giao tranh.
Những sáng kiến này có thành hiện thực không? Tôi không biết. Nhưng tôi biết rằng chiến tranh là sự tiếp nối của chính trị bằng một phương tiện khác. Mục tiêu chính trị của Hamas là phá bỏ mọi cơ hội hòa bình. Mục tiêu của Israel là duy trì mọi cơ hội hòa bình. Chúng ta phải thắng cuộc chiến này. Đừng rơi vào bẫy giúp Hamas đạt được mục tiêu.
Vâng, phe chiến thắng là kẻ đạt được mục tiêu chính trị ! Đó là sự thật hiển nhiên
và không ai mà không thừa nhận thực tế này.
Cũng như thời chiến tranh VN. trận Mâu Thân 1968 dù VC. thất bại hoàn toàn vì
thiệt hại rất nặng nề về người và của nhưng đã đạt mục tiêu chính trị là làm nản
chí chính trường Mỹ và thế giới, nhất là giới phản chiến có lý lẽ hay chính nghĩa
“nhân dạo” để biện minh cho hành động tiếp tay ủng hộ VC. của họ !
Bài phân tích rất sâu sắc.