27-10-2023
Đó là câu nhận xét sự đời của các cụ ngày xưa. Trọng là nặng (trọng tội tức tội nặng), khinh là nhẹ (khinh khí cầu là quả cầu chứa khí nhẹ để bay lên). Nhất bên trọng, nhất bên khinh – một bên bị coi nặng, một bên xem là nhẹ, dù hai bên như nhau, na ná nhau. Thái độ và cách xử lý này luôn thiếu sự công bằng, công tâm; một dạng lạm quyền, vô pháp.
Chiều tối 25.10, công an ra thông tin kết luận về vụ anh em nhà Quốc Cơ, Quốc Nghiệp biểu diễn chồng đầu. Đúng như dư luận xã hội dự đoán.
Tôi vốn không quan tâm tới vụ Ngọc Trinh, vụ “phim dựa theo tác phẩm của Đoàn Giỏi”, vụ Cơ Nghiệp chồng đầu, bằng chứng là đến thời điểm này tôi chưa thò ra chữ nào, bởi chúng đều không đáng mất thì giờ. Một ông anh cựu binh thỉnh thoảng chọc tôi sao chưa lên tiếng bênh cô Trinh, tôi định giả nhời bác ấy, rằng Trinh triếc với em không là cái đinh gì. Vụ Cơ Nghiệp cũng vậy. Nhưng nay đã có kết luận điều tra thì đành phải biên đôi dòng.
Anh em Cơ Nghiệp đóng quảng cáo, nói cho cùng cũng như mấy anh chị văn nghệ sĩ, ưu tú nhân dân này nọ quảng cáo thuốc hoặc thực phẩm chức năng, thổi loa kèn thuốc lậu, bán cái danh của mình để kiếm tiền. Anh em nhà xiếc này còn đáng trọng hơn mấy nghệ sĩ kia bởi thể hiện tài năng thực sự chứ không mồm mép giả dối, nói vống lên như Xuân tóc đỏ “Dù già cả dù ấu nhi/Sương hàn nắng gió bất kỳ ở đâu/Sinh ra cảm sốt nhức đầu/Da khô mình váng âu sầu ủ ê/Đêm ngày nói sảng nói mê/Chân tay mỏi mệt khó bề yên vui/Vậy xin mách bảo đôi lời/Nhức đầu giải cảm liệu đời dùng ngay”.
Bản thân tôi không trách Cơ Nghiệp chuyện chồng đầu trên xe, và cả cô Ngọc Trinh nữa. Tuổi trẻ ai chả có lúc ngông cuồng, hiếu thắng, hung hăng, coi trời bằng vung. Điều gì sai, cứ căn theo luật pháp, tùy mức độ nặng nhẹ mà phạt. Luật pháp luôn công bằng nên những người thực thi pháp luật càng phải công bằng. Đừng làm cho nó méo mó, vớ vẩn. Pháp luật bị nhờn trước hết do người vận dụng, thực thi, chứ không phải do đối tượng của nó.
Về vụ Cơ Nghiệp, công an kết luận anh em nhà này hành động không có dấu hiệu tội phạm, chỉ là vụ việc hành chính. Mọi lý lẽ bênh đương sự rất rõ. Nào là chỉ đóng quảng cáo, đã xin phép, có người trợ giúp, có dụng cụ bảo hiểm, dây an toàn, đường sá bị chặn, khu vực không có lưu thông, v.v.. Nghe vậy thì tạm hiểu vậy. Ai mà cãi lại được công an. Kể cũng lạ, mà không lạ.
Tuy nhiên, nhà chức việc đã cố tình lờ những vi phạm rất cụ thể: chạy xe máy không đội mũ bảo hiểm, làm động tác nguy hiểm nơi công cộng, nếu được cấp phép thì ai cấp, cơ quan nào cấp, trước khi diễn ra sự việc có báo cho cơ quan công quyền không… Và đây mới là sai phạm nghiêm trọng nhất: Hình ảnh biểu diễn trên thực tế có phương tiện bảo hiểm nhưng khi công bố trong chương trình quảng cáo, trên hệ thống truyền thông, trên mạng xã hội thì bị xử lý cắt bỏ hết (dây nhợ lằng nhằng, người trợ giúp), chỉ còn đương sự tài giỏi đang chồng đầu chạy xe. Cứ cho là dùng thủ pháp để đạt mục đích đi, nhưng đây là thủ pháp gây hại cho xã hội. Đó là sự giả dối, lừa gạt, lừa đảo cộng đồng, người xem, khách hàng. Công khai lừa đảo, mà không bị nhắc nhở, xử lý, trừng phạt. Xã hội này chấp nhận sự giả dối từ bao giờ vậy? Bất cứ ai, nhất là người trẻ, coi clip quảng cáo ấy, họ đâu biết lúc “diễn viên” đóng như thế nào, chỉ biết Cơ Nghiệp chạy xe máy đầu trần, không đội mũ bảo hiểm theo quy định, làm động tác nguy hiểm đến tính mạng. Ai dám đảm bảo tụi trẻ không bắt chước, “học tập và làm theo tấm gương” Cơ Nghiệp.
Cơ Nghiệp và Ngọc Trinh đều có lỗi, đều chỉ ở mức vi phạm hành chính, lỗi của đứa con gái nhẹ hơn hai anh xiếc. Còn những tổ chức, đơn vị liên quan đến đương sự đều vi phạm pháp luật. Ngọc Trinh thì chẳng những chịu xử phạt hành chính mà còn bị khởi tố, bắt giam, anh em Cơ Nghiệp lại chỉ bị kết luận nhẹ hều. Xử lý phải công bằng, đúng người đúng “tội” thì dân mới phục, chứ “nhất bên trọng, nhất bên khinh” quá lộ liễu, muốn bênh ai thì bênh, trị ai thì trị, vậy thì đừng kêu gào người ta phải “sống và làm việc theo pháp luật” nữa.
Nếu hình ảnh này trong rạp là chuyện bình thường, còn ngoài đường rõ ràng vi phạm, nhưng công an cứ nhất quyết bảo rằng không, lại còn bảo vệ cho hành vi phạm luật.
Xin có một lời biên tập bài báo này. Câu thành ngữ viết đúng là “nhất biên trọng, nhất biên khinh” chứ không phải là “nhất bên trọng, nhất bên khinh”, sao lại chèn chữ thuần Việt vào trong câu chữ Hán? Nếu muốn dịch ra tiếng Việt thì đề “bên nặng bên nhẹ” dế hiểu, đúng khẩu ngữ Việt Nam. Còn nếu muốn dùng chữ láy thì tiêu đề nên viết “Sao leị bện nặng bên nhẹ thế này?”