23-10-2023
Vụ bệnh viện ở Bắc Gaza bị ném bom đã dấy lên làn sóng chống Israel trên toàn cầu. Mọi cố gắng ngoại giao nhằm giảm bớt đau khổ cho dân Palestine và cứu 200 con tin thất bại toàn tập. Nguyên thủ của Jordanie, Ai-Cập và Palestine đã hủy cuộc gặp bộ tứ với tổng thống Biden của nước Mỹ siêu cường.
Hai bên đều đổ tội cho nhau. Kẻ nào là thủ phạm thì chưa rõ. Người thì cho rằng dù tên lửa của ai thì cũng đều do Israel không kich Gaza nên mới thế. Israel cho rằng phải không kích Gaza để xóa sổ Hamas khủng bố tàn sát dân thường Israel. Hamas đòi xóa sổ Israel vì tội cướp đất sống của người Palestine. Cái vòng xoắn bạo lực cứ thế dâng cao.
Thời học sinh ở Hà Nội, tôi đã được xem vở kịch nói “Trở về Haifa” (của tác giả Ghasan Kanafan) nói về bi kịch mất quê hương của người Palestine. Ngày nay, mỗi khi nghe câu nói “Sang năm tới Hoàng Sa“” trên Facebook của bác Nghiem Vietanh, tôi lại nhớ đến bài hát của người Do-Thái: “Sang năm về Jerusalem”. Từ thế kỷ 15, đây đã là lời thề của người Do Thái.
Có rất nhiều tác phẩm văn học, tài liệu lịch sử viết về cuộc xung đột này, không thể dẫn giải hết. Chỉ có một sự thật: Mảnh đất mà bên này gọi là Palestine, bên kia gọi là Israel từng là quê hương của cả hai dân tộc. Nằm lọt thỏm trong đó, thành phố Jerusalem từng là cái nôi của cả đạo Hồi, đạo Thiên chúa và đạo Do-Thái. Chiến tranh tôn giáo đã khiến cho người Do-Thái bị mất tổ quốc vào năm 70 sau Công Nguyên. Cả dân tộc bị xua đuổi, chạy tan tác khắp thế giới. Tới đâu họ cũng bị khinh rẻ, bị đàn áp và đã trải qua nhiều nạn diệt chủng.
Những người Palestine và số ít người Do-Thái còn trụ lại trên mảnh đất hình dao găm đó cũng chẳng sướng gì hơn. Họ luôn là nạn nhân của các đế quốc, của các cuộc thánh chiến. Đã tưởng chỉ có thời trung cổ dã man mới gieo rắc thảm họa lên đầu họ. Nhưng đầu thế kỷ 20, khi phương Tây đã có nền dân chủ đại nghị, đã có tự do báo chí, có công pháp quốc tế thì Chủ nghĩa Thực dân lại trở thành nguyên nhân của các xung đột mới. Trên “Diễn đàn Khai phóng” có loạt bài dài nói về “Hiệp ước Sykes-Picot và 100 năm hỗn loạn ở Trung Đông” [1].
Vào ngày 16 tháng 5 năm 1916 cách đây hơn 100 năm, Anh và Pháp ký kết hiệp ước Sykes-Picot để phân chia thuộc địa và các vùng bảo hộ ở Trung Đông sau khi đập tan đế quốc Ottoman. Hiệp ước này mang tên của hai nhà ngoại giao Mark Syke của Anh và François Georges-Picot của Pháp. Người ta đàm tiếu là hai ông dùng gậy vẽ trên cát các đường biên chia thuộc địa cho nước mình. Dù các đường biên sau đó không như các vạch cát thì hiệp ước này đã tạo ra vô số những xung đột sắc tộc, trong đó có hai sự việc nghiêm trọng nhất: Xóa sổ quyền có nhà nước của người Kurd và ngăn cản việc thành lập một nhà nước Palestine. Ai muốn tìm hiểu xin đọc loạt bài trên “Diễn đàn khai phóng”.
Do-Thái là một dân tộc có sức sống mãnh liệt. Trải qua 2000 năm tha hương, bị đàn áp, bị diệt chủng và đồng hóa nhưng trong mỗi gia đình vẫn giữ nguyên tiếng nói và chữ viết, dù bị cấm. Đạo Do-Thái vẫn duy trì. Năm 1896, Theodor Herzl thành lập phong trào Zionism, lấy tên ngọn đồi Zion ở Jerusalem làm mục tiêu trở về quê hương của dân tộc Do-Thái.
Người Hồi giáo cảm nhận được việc này và luôn tìm cách đàn áp những người Do Thái di dân về đây. Các tổ chức kháng chiến Zionist cũng phải bắt đầu bằng khủng bố để chống lại [1]. Do được tổ chức tốt nên năm 1947 họ đã tận dụng cơ hội Liên Hiệp Quốc chia đất, phục hồi quê hương cho người Do Thái để thành lập nhà nước. Nhà nước này được thành lập bởi những người sống sót qua nạn diệt chủng Holocaus và những người thành công trong kinh tế, chính trị, văn hóa trên toàn cầu. Họ là kết tinh ưu tú nhất của dân tộc này và sử dụng bên cạnh kho kiến thức vô bờ bến, cả ý chí sắt đá bảo vệ và phục hưng quê hương. Đây chính là nguyên nhân khiến cho Israel trở thành một nhà nước hùng mạnh, văn minh, vượt xa các nước hồi giáo láng giềng. Họ đã khôi phục tiếng Hebrew từ một tử ngữ thành một sinh ngữ. Năm 1966, Samuel Agnon là nhà văn tiếng Hebrew đầu tiên được giải thưởng văn học Nobel.
Khi nhà nước Israel ra đời năm 1947, người Palestine vẫn chưa có nhà nước. Mảnh đất này luôn là thuộc địa của Ottoman và sau 1917 là của Anh. Mọi nỗ lực thành lập nhà nước của họ đều bị Anh đàn áp. Trong các cuộc chiến tranh 1948, 1967, 1973 cả thế giới Ả-Rập tập trung tiêu diệt nhà nước Do-Thái. Cứ mỗi lần như vậy, người Ả-Rập lại bị mất thêm đất, Lãnh thổ Israel lại mở rộng. Người Palestine bị xua đuổi khỏi quê hương, chạy dạt sang các nước láng giềng. Sau đó chỉ còn người Palestine đơn độc chống lại Israel dưới sự lãnh đạo duy nhất của PLO (Tổ chức giải phóng Palestine). Rồi Israel tổ chức nhiều đợt tấn công sang các nước láng giềng (Syria, Lebanon) nhằm tiêu diêt PLO.
PLO suy yếu không phải vì các đợt tấn công này, mà bởi các mâu thuẫn nội tại và sự sụp đổ của phe XHCN, vốn là chỗ dựa, là hậu phương của họ. Mất mát lớn nhất của PLO là cái chết của ông Yasser Arafat năm 2004. Từ đó ngọn cờ giải phóng Palestine bị gành giật giữa Fatah (nòng cốt của PLO) và các phe nhóm cực đoan: Hamas, Islamic Jihad và cả Hezbollah. Đỉnh cao của cuộc tranh giành quyền lực này là cuộc chiến giữa Hamas và Fatah vào năm 2007. Từ đó Hamas độc chiếm giải Gaza, đẩy toàn bộ lực lượng Fatah và chính quyền tự trị Palestine (Palestinian Authonomy PA) sang bờ Tây sông Jordan.
Bờ Tây sông Jordan thực chất nằm trong tay quân đội Israel. Lực lượng này nằm ở đó để bảo vệ 750.000 người Do Thái sống trong hàng trăm khu định cư liên tục mọc ra như những cái rễ cây tre. Hễ có một hành động khủng bố nào xảy ra là họ tiến vào các thành phố Palestine để “tìm và diệt”. Chính quyền PLO bất lực. Người Palestine coi chính quyền của ông Abbas là bù nhìn và chỉ còn hy vọng vào Hamas.
Xung đột Palestine-Israel vốn mang cả yếu tố dân tộc, lãnh thổ, văn hóa, tôn giáo và cả chính trị. Nhưng xung đột lãnh thổ là khốc liệt nhất. Hiện nay hơn 9 triệu người Do Thái sống trên mảnh đất từng được gọi là Palestine. Họ coi 22.000Km² trong lòng nhà nước Israel và 6.000km² của các khu định cư Do-Thái nằm sâu trong các vùng tự trị của Palestine là quê hương của họ.
Còn 6 triệu người Palestine sống chen chúc trong 6.000km², bao gồm dải Gaza (368km²) và bờ tây sông Jordan. Đó chưa kể 4 triệu người Palestine sống trong các trại tỵ nạn ở các nước láng giềng (Jordanie, Lebanon, Syria, Ai-Cập..). Có thể nói toàn bộ dân tộc Palestine 10 triệu người đều là người tỵ nạn từ 75 năm qua. Dải Gaza là một nhà tù khổng lồ được bao bọc 3 phía bằng hàng rào thép gai. Phía Đông là biển bị hải quân Israel kiểm soát 100%. Tất cả họ đều muốn quay trở lại quê hương cũ của mình mà hiện người Do-Thái đang ở.
Sự bất bình đẳng về lãnh thổ này kéo theo sự bất bình đẳng về tài nguyên đặc biệt là nguồn nước. Các nhà sinh thái học còn coi đây là cuộc chiến vì nguồn nước. Nếu kể ra hết thì còn hàng trăm bất bình đẳng giữa hai bên.
Những người bênh Israel thì cho là người Palestine chỉ thích khủng bố, không đủ năng lực thành lập nhà nước nên mới khổ vậy. Người bênh Palestine thì cho là người Do-Thái vì bị ám ảnh ngàn đời về nạn mất quê hương khiến họ mất khôn, luôn tìm cách bành trướng lãnh thổ, điển hình là các khu định cư chui sâu vào vùng vốn đã được Liên Hợp Quốc chia cho Palestine. Có người phê phán phương Tây luôn bênh Israel vì chịu sức ép của giới tài phiệt Do-Thái. Điều này khiến cho phe PLO mềm mỏng bị lực lượng khủng bố Hamas đánh bại. Hamas đã khiến phong trào giải phóng dân tộc Palestine mất đi tính thế tục, trở thành phong trào thánh chiến mang đậm chất khủng bố hồi giáo.
Sự thật nằm ở đâu đó giữa hai thái cực này. Ở cả hai bên đều có những kẻ cực đoan và những người tỉnh táo. Năm 1993, hai ông Arafat và Rabin đã ký thỏa thuận Oslo về việc thành lập hai nhà nước. Hai vị tổng tư lênh quân đội này đều quá hiểu cái giá của độc lập. Họ kết bạn với nhau đến mức cả hai bà vợ cũng thân nhau. Nhưng nền hòa bình này bị phá hoại, không phải do người Palestine, mà bởi Jigal Amir, một kẻ cực đoan Do-Thái. Hai viên đạn từ họng súng của y đã giết chết ông Rabin vào đêm 4.11.1995.
Ông Arafat đau xót vô cùng vì mất một người bạn lớn. Ông không thể sang dự lễ tang ông Rabin, vì Israel không công nhận PLO. Đêm trước hôm tang lễ vợ chồng ông lặng lẽ sang thăm bà góa Leah-Rabin. Bà Leah kể lại rằng, ông Arafat đã làm một việc chưa từng có của người Palestine. Ông tháo chiếc khăn rằn đội đầu ra, cúi đầu viếng ông Rabin.
Còn nhiều cơ hội bị bỏ lỡ khác bởi cả hai bên. Có một điều là người Do-Thái dù văn minh hùng mạnh đến mấy cũng không thể tiêu diệt hết 10 triệu người Palestine mất quê hương. Cuộc sống trong một xã hội công nghệ cao, giàu có, văn minh mà luôn nơm nớp sợ bị giết thì vô giá trị.
Còn những người nằm dưới mà không thống nhất nổi thành một lực lượng, không tìm được một tiếng nói chung lành mạnh thì suốt đời chịu cảnh bị áp bức.
_____
[1] https://www.ojp.gov/…/jewish-zionist-terrorism-and…
[2] https://diendankhaiphong.org/hiep-uoc-sykes-picot-va-bi-kich-palestine
Một bên cho là hậu duệ của Abram, bên kia cũng cho là như vậy. Vâng, cả hai đều có chung nguồn gốc, dân do thái cho mình thuộc dòng chính còn bên kia là phụ. Isaac là con của vợ cả Sarah và Ismaèl là con của nàng hầu Agar. Vậy té ra là họ cùng cha khác mẹ mà đánh nhau téc đầu.
Hề… hề…., nói vậy mà không phải vậy.
1. Abram được đức chúa Jehovah kêu gọi đem gia tộc của mình từ bỏ quê hương (Ur Kasdim) để đến vùng đất Canaan (gần tương đương với khu vực Levant) vào khoảng tk2 BC với giao hẹn nếu gia tộc của ông tin theo và thờ phụng thì Canaan sẽ là Vùng Đất Hứa, và sau đó, đổi tên ông thành Abraham (tổ của các dân tộc tin theo đức chúa). Từ đó trở đi, người Do Thái hình thành 12 bộ tộc (tương ứng với 12 người con của Jacob (cháu nội của Abraham – người sau này đổi tên là Israel). Lưu ý rằng, mãi tới năm 1175 BC thì tộc người Philistine mới tràn vào Canaan, tranh châp đất đai của người Do Thái.
2. Trải qua nhiều biến loạn, người Do Thái bị phân thành 2 vương quốc: Phía bắc gồm 10 bộ tộc không thừa nhận David, Salomon thành lập vương quốc Israel, còn phía nam gồm Judah và Bẹnamin lập thành vương quốc Judah. Vào năm 720 BC, Israel và Philistine bị Assyria xóa sổ. Philistene và 10 bộ tộc Isael bị hòa tan vào các bộ tộc Assyria, chỉ còn rất ít người Israel tụ tập thành cộng đồng, còn, Judah vẫn tồn tại trong sự lệ thuộc vào Assyria tới năm 586 BC thì cũng bị Babylon xóa sổ nốt, nhưng cộng đồng này tuy bị lưu vong nhưng không tan rã, họ tạo ra các nhóm quần cư lớn tuân theo mọi giáo lý của đức chúa Jehovah được Moise san định và cộng đồng ở Babylon trở thành trung tâm lớn nhất của người Do Thái Judah. Sau này Babylon bị thôn tính thì chính các cộng đồng Do Thái này lại quay trở về lập quốc tại Canaan, rồi sau đó, Canaan lại bị La Mã xâm lược và người Do Thái lại bị lưu đầy trong toàn bộ Đế quốc. Vào năm 132 La Mã đổi tên Canaan thành tỉnh Syri Palaestine và Palestin đã trở thành địa danh của vùng đất này. Cũng kể từ khi người Do Thái bị La Mã lưu đầy thì người ở mọi xứ xung quanh tràn vào định cư (thực dân), dần dần, họ trở thành cộng đồng người Palestine (Lưu ý: La Mã rất căm ghét người Do Thái nên khi đổi tên Canaan, họ đã cố tình lấy tên Palaestine để ra vẻ miền đất này là của người Philistene khi xưa, nhưng thực ra, người Philistene đã bị hòa tan và mất gen từ lâu rồi.
3. Có một vương quốc người Thổ (Turk) được hình thành sau sự tan rã của Hãn quốc Tây Thổ thứ 2 là vương quốc Khazaria (từ tk7 tới tk10), do bị kẹp giữa Gia Tô giáo và Hồi giáo nên quốc vương của xứ đó đã chấp nhận lấy Do Thái giáo làm quốc giáo, sau này họ cũng bị tan rã và phần lớn chạy về châu Âu rồi hình thành nên các cộng đồng người Do Thái Ashkenazi (Germani) để phân biệt với cộng đồng người Do Thái Sephardi (Iberia – là cộng đồng người còn ít chút gen của Judeh cổ xưa). Và, điều quan trọng nhất là người Do Thái Ashkenari chiếm tới 90% người Israel trở về khi lập quốc vào năm 1948.
4. Vậy thì, cuộc chiến ngày nay không phải là đánh nhau sứt đầu mẻ trán giữa hai anh em mà là cuộc chiến về ý thức hệ, trong đó, tôn giáo của hai bên cực kỳ xung khắc. Vậy thôi!!
Bổ sung:
1. Vì thế, xung đột ở mảnh đất Palestine hiện nay chỉ có thể giải quyết bằng cách các nhà nước không cực đoan hóa tôn giáo của mình, và, Israel nên học tập các vị tiền bối của mình là từ đầu tk 20, người Do Thái trở về Palestine đã mua lại đất từ người Arab Palestine để hình thành các khu định cư riêng ((nhưng kể từ năm 1948, khi lập quốc thì Israel lại dùng chính sách xua đuổi cưỡng bức người Arab Palestine để lập các khu định cư mới). Tôi có suy nghĩ rằng nếu Israel vẫn tiếp tục chính sách mua đất ngay từ đầu để người Arab Palestine muốn “phắn” đi đâu thì “phắn”, thì sẽ vừa lấy lại Đất Hứa khi xưa lại vừa không hình thành các tổ chức chống đối của người Arab Palestine ở mức rất cực đoan như hiện nay (Tạm tính một cách rộng rãi thì người Arab Palestine hiện nay có khoảng 6 triệu người, tương ứng rộng rãi khoảng hơn 1,5 triệu gia đình, nếu, Israel bồi thường cho mỗi gia đình khoảng 20tr UsD thì cùng lắm cũng chỉ tốn 40 tỷ mà thôi)
2. Trở lại chuyện lịch sử khi xưa, không rõ 10 bộ tộc Israel có phải là có đuôi “el – thần Bò là thần tối cao” mà họ cùng với Philistine hòa tan gần như biệt tích, còn gen rất ít trong các cộng đồng tộc dân khác!?
Ước gì Câu Trắng giữa Đôi bờ Tây Do – Bờ Đông Rập giữa Núi Đền vào một Sáng Nguyên Xuân ? !
*****************
Anh em chú bác cùng Tổ phụ nghe tưởng hên :
Bờ Tây Do – Bờ Đông Rập giữa Núi Đền
Ấy thế Chúa & Thánh ơi lại Thù Truyền kiếp :
Cũng bằng Vệ & Tề chung Sử lịch toàn Đao tên !
Hai Dân tộc cùng Tổ phụ nghe tưởng bở :
Cùng lạy từ sáng đến tối ít nhất năm lần
Người đứng rung đầu bên Tường Than khóc !
Kẻ quỳ lạy cúi đầu chổng mông chống 4 (2 ?) chân !!!
Thân phận Kiếp người đớn đau cả Dân tộc
Tị nạn lưu vong lưu đày ngay trên Đất Tổ mộ phần
Trên Núi Đền vút cao Vòm cung Đền Thánh
Trong Nhà tù vĩ đại Dải Gaza từng mảnh chia phân
Tuyệt tác & Tuyệt phẩm sáng tạo từ sau Đức Quốc Xã
Đầu Thế kỷ 21 – Niên kỷ III : Nhân loại Tiến bộ biết chăng ????
Bên Đông Đất Thánh : Thủ đô Palestine nay hóa xôi & đậu !
Người Vong quốc & kẻ định cư cùng cộng sinh chia tử phần !!!
Cùng lao vào Vòng xoắn Bạo động vô cùng bất tận
Khói lửa xương máu Trung Đông Lò lửa Dương trần
Bên kia Chảo dầu Biển Đông từ tận đáy sâu hải vực
Bao tỉ Loài người dễ gì thoát Chiến tranh trầm luân ???
Nơi Xứ Hoa Hướng Dương Mặt trời ngại ngần dám mọc :
Đang chờ quả đại pháo tung Nhà máy phát điện hạch tâm
Cửa ngõ Âu châu Thảm họa Chernobyl đang lại bò tới !!!
Nhân loại đang chờ Ngàn Mặt trời bùng nổ triệu tỉ cân :
Nguyện cầu sân Đền Hồi, Núi Đền – cầu bên Tường Than khóc
Thánh địa – Miền Đất Hứa = kho thuốc súng thần công công Thần !!
Chiến chinh nhuốm mầu Thánh chiến hận thù truyền kiếp
Ước gì Câu Trắng giữa Đôi bờ Đông-Tây sáng Nguyên Xuân ? !
https://universite-digitale1.com/wp-content/uploads/2018/05/MeVietNam.jpg
TỶ LƯƠNG DÂN
https://www.hanoiparis.com/construct.php?page=poesie2&idfam=28