‘Quy hoạch’ và ‘tầm nhìn’, nhưng người dân vẫn thiếu nước sinh hoạt

Blog VOA

Trân Văn

20-10-2023

Cư dân khu đô thị Thanh Hà (Thanh Oai, Hà Nội) lấy nước từ xe téc đêm 18/10. Nguồn: VNE

Cũng hôm qua, ông Đinh Tiến Dũng – Bí thư Hà Nôi chỉ đạo: Khẩn trương cấp nước cho Khu đô thị Thanh Hà.

Chiều hôm qua (18/10/2023), khoảng 95.000 cư dân của huyện Chư Sê phải ngưng dùng nước ngoài ý muốn. Trước đó, Công ty Cấp nước Chư Sê – nơi đảm trách việc cấp nước dùng trong sinh hoạt cho toàn bộ huyện này – phát thông báo tạm ngưng cấp nước vì sẽ bị Công ty Điện lực Chư Prông cắt điện.

Công ty Điện lực Chư Prông ngưng cung cấp điện cho Công ty Cấp nước Chư Sê vì không thanh toán 41 triệu đồng là tiền điện phải trả cho tháng 9. Công ty Cấp nước Chư Sê không trả tiền điện tháng 9 vì các tài khoản của công ty ở ngân hàng bị khóa nên không thể chuyển khoản để thanh toán tiền điện (1).

Chư Sê là một trong 17 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Gia Lai. Giống như các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Gia Lai đã lập xong và vừa thông qua “Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Theo đó: Đây là lần đầu tiên các quy hoạch ngành, lĩnh vực tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Gia Lai đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành tỉnh phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, trở thành vùng động lực tiểu vùng Bắc Tây Nguyên. Hình thành các mô hình nông nghiệp sinh thái, hiện đại, thông minh, nông nghiệp hữu cơ có thương hiệu. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, phục vụ nông nghiệp; phát triển dịch vụ logistics, khoa học công nghệ để xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp. Chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Phát triển kinh tế rừng gắn với phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, tạo sinh kế cho người dân.

Cũng theo “quy hoạch vừa kể, đến 2050, Gia Lai sẽ là tỉnh “Cao nguyên Sinh thái, Thể thao và Sức khỏe”. Mô hình cấu trúc không gian tỉnh Gia Lai là: “1 tâm 2 cửa ngõ 3 trục 4 tiểu vùng”, sẽ phát huy tiềm năng và lợi thế chính trị, kinh tế văn hóa, tạo dựng các trung tâm, các trục hành lang, vùng chức năng thúc đẩy phát triển kinh tế hội.

Cứ như tuyên truyền thì quy hoạch vừa kể được đánh giá là “nghiên cứu công phu, nghiêm túc, phân tích dựa trên hệ thống thông tin dữ liệu đầy đủ và tin cậy về hiện trạng, tiềm năng phát triển đảm bảo tính khả thi(1) nhưng ngay sau đó, cả hệ thống công quyền để xảy ra chuyện 95.000 người không có nước chỉ vì những lý do như vừa đề cập?

***

Cũng hôm qua, ông Đinh Tiến Dũng – Bí thư Hà Nôi chỉ đạo: Khẩn trương cấp nước cho Khu đô thị Thanh Hà (2). Khu đô thị Thanh Hà tọa lạc ở huyện Thanh Oai, thuộc thành phố Hà Nội và là nơi cư trú của hơn 30.000 người. Hồi đầu tháng này, nước sinh hoạt cấp cho dân cư ở khu đô thị này đột nhiên nặng mùi, khiến da nổi mẩn, gây ngứa ngáy. Kết quả xét nghiệm chất lượng nước xác định nhiều chỉ tiêu vượt ngưỡng an toàn gấp hàng chục đến vài chục lần. Song chuyện chưa ngừng ở đó. Đến ngày 14/10/2023, ngay cả nước bẩn cũng không còn. Phía cấp nước giải thích, sở dĩ không có nước là vì nguồn nước bị khiếm hụt. Đó cũng là lý do hơn 30.000 người không có nước đánh răng, rửa mặt, phải giữ lại nước thải để dùng vào việc khác. Hơn 30.000 người cùng kiêng tắm, giặt hoặc đi tắm nhờ, giặt nhờ. Chi phí cho sinh hoạt tăng vọt còn vì phải dùng nước đóng chai khi cần ăn, uống. Giờ, việc cấp nước cho hơn 30.000 người phụ thuộc hoàn toàn vào các xe bồn chuyên vận chuyển nước.

Khu đô thị Thanh Hà không phải là trường hợp cá biệt. Cuối tháng trước, sinh hoạt của cư dân ở Khu tập thể Đại học Hà Nội cũng rơi vào tình trạng tương tự – không có nước để dùng trong sinh hoạt do hệ thống cấp nước bị trục trặc và mỗi gia đình phải sắp xếp để nhận nước vào các buổi sáng (3)

Nước yếu, thiếu nước là tình trạng phổ biến ở Hà Nội. Tình trạng này kéo dài đã nhiều năm ở nhiều nơi và càng ngày càng có nhiều khu vực như xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội – dân chúng không biết đến lúc nào mới có thể không bận tâm về nước sinh hoạt (4)

Trong khi nước sinh hoạt yếu và thiếu thì Hà Nội lại dư nước mưa. Cứ mưa lớn thì thủ đô lại trở thành… “thành phố biển” với những… “Làng chài… Cipucha – Keangnam”, “Đầm… Tràng Tiền”, “Vịnh… Triều Khúc”, “Cảng nước sâu… Mỹ Đình” (5)

***

Giống như Gia Lai, hệ thống công quyền của thành phố Hà Nội đang dồn tâm lực, trí lực, sức lực vào việc lập “Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” để định hướng không gian phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng-an ninh, hệ thống hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên.

Tuy “quy hoạch” vừa đề cập đang trong giai đoạn soạn thảo nhưng được ca ngợi là “mang tính đột phá, tạo dấu ấn lớn trong lĩnh vực quy hoạch, sẽ là cơ hội để thành phố xác lập các quan điểm thống nhất trong phát triển Thủ đô và tổ chức không gian trong tương lai” và nhờ vậy sẽ trở thành… “thành phố kết nối toàn cầu(6).

Ý tưởng biến Hà Nội thành… “thành phố kết nối toàn cầu” không phải của hệ thống công quyền của thành phố Hà Nội. Ý tưởng này là… “sản phẩm trí tuệ” của… Bộ Chính trị. Hồi giữa năm ngoái, Bộ Chính trị ban hành một… “nghị quyết” (Nghị quyết số 15-NQ/TW) để xác định “phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045(7). Theo Nghị quyết 15-NQ-TW, Hà Nội phải trở thành… … “thành phố kết nối toàn cầu” vào năm 2045. Tuy nhiên lúc soạn “quy hoạch” như vừa đề cập – bắt buộc phải đối chiếu giữa thực trạng với năng lực, hệ thống công quyền ở Hà Nội đã chủ động kéo thời điểm biến Hà Nội thành… “thành phố kết nối toàn cầu” dài ra bằng cách cộng thêm năm năm nữa (2050). Cũng cần nói thêm, “tầm nhìn” không chỉ là…. “trăn trở” của Bộ Chính trị mà còn là “quyết tâm” của chính phủ. Hồi tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Việt Nam đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương “đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050(8).

***

Cách nay vài thập niên, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam bắt đầu bày tỏ sự yêu thích “quy hoạch” và “tầm nhìn”. Sự yêu thích này nhanh chóng trở thành đam mê từ trái sang phải, từ trên xuống dưới nên không thể đếm xuể đã có bao nhiêu “quy hoạch” và “tầm nhìn” cho các ngành, các địa phương.

Nếu chịu khó đối chiếu các “quy hoạch” và “tầm nhìn” với thực tế hẳn nhiên sẽ thấy, bất kể mục tiêu của các “quy hoạch” và “tầm nhìn” cao xa cỡ nào thì sau khi thực hiện các “quy hoạch” và “tầm nhìn” đã có, bao gồm cả những “quy hoạch” và “tầm nhìn” đã hết hạn thì giới hữu trách vẫn không tính và cũng chẳng thèm bận tâm đến dân sinh, thành ra mới có chuyện dù “quy hoạch” và “tầm nhìn” rất… thế này, rất… thế kia nhưng dân chúng vẫn không hài lòng bởi thiếu đủ thứ, kể cả thứ thiết yếu nhất là nước đánh răng, rửa mặt!

Chú thích

(1) https://dantri.com.vn/xa-hoi/gia-lai-ca-huyen-bi-cat-nuoc-vi-cong-ty-cap-nuoc-khong-dong-tien-dien-20231019082916747.htm

(2) https://vnexpress.net/bi-thu-ha-noi-yeu-cau-dam-bao-nuoc-sach-cho-khu-do-thi-thanh-ha-4666128.html

(3) https://laodong.vn/xa-hoi/nguoi-dan-song-giua-thu-do-kho-so-vi-mat-nuoc-sinh-hoat-1253875.ldo

(4) https://laodongthudo.vn/nguoi-dan-khon-kho-vi-thieu-nuoc-sach-158440.html

(5) https://www.facebook.com/binhvtv/posts/pfbid02dygqdRjrvRrBc1hyyhYXQDou7ug2nJEdNhJGjQxXRVZWkdyWXi2j7Dm7qBsX2hScl

(6) https://nhandan.vn/ha-noi-voi-tam-nhin-cua-thanh-pho-ket-noi-toan-cau-post776739.html

(7) https://laodong.vn/thoi-su/tam-nhin-2045-ha-noi-la-thanh-pho-ket-noi-toan-cau-co-muc-song-cao-1041623.ldo

(8) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Xay-dung-Do-thi/Chi-thi-15-CT-TTg-2023-day-nhanh-nang-cao-chat-luong-cong-tac-quy-hoach-2021-2030-tam-nhin-2050-567443.aspx

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây