Những ông vua trường học và phẩm chất nhà giáo

Thái Hạo

4-10-2023

Có lẽ nhiều người sẽ lấy làm ngạc nhiên, không hiểu vì sao ông hiệu trưởng Nguyễn Duy Hiền của trường Đa Phúc khi đang đứng trước ống kinh phóng viên lại… hồn nhiên đòi ‘xử lý nghiêm’ em học sinh đã quay clip vụ cô giáo bạo hành một nữ sinh. Có người nói ông này chắc có sự chống lưng nào ghê lắm, người khác thì bảo rằng bạo chúa, người lại quả quyết vì ông này dốt quá nên mới vậy…

Không loại trừ tất cả những khả năng trên, nhưng có một điều quan trọng mà chúng ta chưa đề cập trong cái hành xử tưởng chừng như ngớ ngẩn này của ông Hiền, đó là thói quen. Thói quen cấm đoán việc bàn tán về các vấn đề xã hội hay để lộ thông tin trong nhà trường ra ngoài.

Chắc chúng ta chưa quên vụ việc cô giáo Tâm bị bẻ tay đẩy ra khỏi lớp học ở trường Hai Bà Trưng (Huế). Ngay sau khi hình ảnh được phát tán, công luận bất bình, thì lập tức có lệnh ban ra, là cấm like, cấm còm những trang nào bàn về chuyện này. Thậm chí nhà trường còn xua học sinh ra để chửi bới những người lên tiếng cho cô giáo Tâm.

Hãy nhớ lại, trong vụ này, ông hiệu trưởng Ngô Đức Thức cũng nói với báo chí một điều tương tự: “Cả lớp 10A9 được giáo dục về tính an toàn khi tham gia các cộng đồng mạng, nhưng các em lại đưa clip là sai với điều được học ở trường”. Nếu không có sự lên tiếng mạnh mẽ của cộng đồng, tôi tin đã có một số em lên bờ xuống ruộng với cái chữ “sai” ấy của ông Thức rồi. (Nhân đây, xin thông tin thêm: Thanh tra sở GD Thừa Thiên Huế vừa mới công bố kết luận về những sai phạm ở trường Hai Bà Trưng. Tiền bạc tè le hết cả, nghe đâu hiệu trưởng phải trả lại tiền và xin lỗi học sinh!).

Sự bưng bít thông tin trong các trường học bây giờ đã thành một thứ “văn hóa” bao trùm. Có những trường, hiệu trưởng còn cấm cả việc giáo viên đăng bất cứ cái gì lên Facebook. Những cái lệnh cấm like, cấm còm, cấm đăng về tất cả các vấn đề nóng mà xã hội đang quan tâm và trong chính ngành giáo dục, đã dường như phủ khắp.

Vào những thời điểm nhạy cảm hay trong lúc trường có xảy ra việc gì thì sự giám sát còn được tăng cường ráo riết hơn. Thường, sẽ có một bộ phận phụ trách mảng này, sẽ luôn có những mật thám chỉ điểm. Tối like một bài viết phản ánh tiêu cực nào đó thì sáng mai đã có người báo cho hiệu trưởng. Luôn có những kẻ rình rập và theo dõi, một thứ như Quốc xã được thiết lập. Không khí ngột ngạt, ám muội, yếm khí luôn bao trùm các nhà trường.

Dù vậy, tôi không nghĩ điều đó là bất thường! Vì hầu như phần lớn các trường đều “có chuyện”, nếu không bưng bít thông tin thì an nguy của hiệu trưởng bị đe dọa thường trực. Bởi thế, việc họ ban ra các lệnh cấm là điều hoàn toàn dễ hiểu và… hợp lý.

Nhưng cái bất thường nằm ở chỗ: Gần như hầu hết giáo viên đều cúi đầu tuân lệnh. Cũng có những người khó chịu hoặc bất bình, nhưng chỉ âm thầm trong lòng hoặc xả ra với nhau nơi vỉa hè quán cóc. Trước những cái lệnh vi phạm nhân quyền, vi phạm pháp luật một cách công khai trắng trợn như thế, nhưng những người được gọi là trí thức, là lương tâm của xã hội, là người dẫn dắt thế hệ trẻ, lại dễ dàng chấp nhận như một lẽ đương nhiên. Điều đó mới đáng sợ.

Luật giáo dục quy định, giáo viên phải “Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân”. Im lặng trước các vấn đề của xã hội và đất nước hay của chính ngành mình, đó là thái độ vô trách nhiệm, và có tội. Bằng sự im lặng ấy, mỗi người đã tự tước đoạt đi tư cách nhà giáo. Thật khó hình dung, khi sống bằng một tâm thế và thái độ như vậy, ta vẫn có thể lên lớp và du dương dạy học trò phải sống “thật thà, dũng cảm”. Nếu ta không thấy mình bị chà đạp, bị sỉ nhục trước những mệnh lệnh phi pháp và mang tính khinh miệt như thế, thì thật khó để có thể nói được chuyện gì nữa.

Có một điều mà ít người để ý, đó là người phải sợ là hiệu trưởng chứ không phải giáo viên, vì họ đang ngồi trên “ghế nóng”. Bên dưới chiếc ghế ấy là đầy những câu chuyện mà họ luôn nơm nớp lo sợ người ngoài biết được. Nhưng khốn nỗi, giáo viên lại sợ trước mất rồi, nên họ cứ thế mà tung hoành như giữa chốn không người. Nếu mỗi giáo viên chịu khó bỏ ra vài giờ để đọc và nắm các các quy định của pháp luật về các vấn đề có liên quan thì hiệu trưởng sẽ sợ các vị.

Hiệu trưởng là vua một cõi, nhưng cái quyền sinh quyền sát ấy chủ yếu là do giáo viên đã dễ dàng trao cho họ, bằng cách cúi đầu. Không ai phản kháng trước cái sai cả, càng không có một tập thể phản kháng, thì thử hỏi làm sao hiệu trưởng không càng ngày càng lộng hành? Trong bất cứ trường học nào chỉ cần có vài giáo viên có bản lĩnh thôi, hiệu trưởng sẽ khác màu ngay.

Ở trường cô giáo Kiều Thị Giang (Đắc Nông), một mình cô với sự dũng cảm và trung thực, sau bao phen bị trù dập vu khống, đã khiến hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam phải lên bờ xuống ruộng, rồi sau đó ông vua này đã bị cách chức. Bất cứ ở đâu có giáo viên biết yêu mến sự thật và có tinh thần công chính, thì ở đó hiệu trưởng sẽ không còn dám tự tung tự tác nữa, càng không dám càn rỡ múa gậy vườn hoang. Không tin các vị cứ thử mà coi!

Lên tiếng trước cái sai trong nhà trường chính là bảo vệ học sinh của mình và cũng là bảo vệ quyền lợi cũng như sự tôn nghiêm nhân phẩm của bản thân. Chấp nhận im lặng là thỏa hiệp và đồng lõa với cái xấu, cái ác. Nếu cô Giang không dõng dạc cười lớn vào cái lệnh cấm đăng bài lên Facebook của ông hiệu trưởng Nam thì có lẽ đến bây giờ những học sinh dân tộc thiểu số ở vùng đất nghèo khổ ấy còn bị ăn bớt từng bữa cơm.

Chúng ta vẫn kêu về tình trạng mất dân chủ trong trường học, đúng, rất nghiêm trọng. Nhưng khốn nỗi, dân chủ lại không phải là một thứ được ban phát, dân chủ còn có nghĩa là dám làm chủ. Đến tình cảm, suy nghĩ và tiếng nói chính đáng thông thường của một con người mà có thể để kẻ khác khác thích thì tước đoạt dễ dàng, thì làm sao không bị chà đạp?

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. “Bởi thế, việc họ ban ra các lệnh cấm là điều hoàn toàn dễ hiểu và… hợp lý”….dễ hiểu và phù hợp nhưng không thể hợp lý.Lý lẽ nào cho kẻ làm sai trái ra lệnh kẻ khác bưng bít hành vi xấu xa của mình.Phải nói là dễ hiểu và phù hợp với tâm lý của kẻ hay làm bậy mới chính xác.

  2. Hãy nhìn tình hình dưới góc độ lạc quan hơn.
    ĐCS đã phải đưa công an chính quy về xã. Cấp trung tá. Sự đàn áp sẽ gay gắt hơn, nhưng nó cũng cho thấy có sự thay đổi (theo chiều hướng lạc quan) về dân trí, và cả dân khí.

    Hai triệu thầy cô giáo và 20 triệu học sinh, quả là lực lượng đáng sợ. ĐCS đủ nhậy cảm để nhận ra tử huyệt của mình.

    Xin hãy xác định cách làm phù hợp. Nhưng cách nào, vẫn phải kiên nhẫn. Sẽ tới lúc đột biến, bùng phát.

  3. Thái Hạo sốt ruột, cứ “đai đi, đai lại” (trong nhiều bài) chuyện các thầy giáo, cô giáo không dám vùng lên, để “tố khổ”.
    Hãy đánh giá đúng tình hình, hoàn cảnh của các thầy, cô.

    Hiện nay, các thầy-cô rất đơn lẻ, cô độc. Hễ có dấu hiệu liên kết thì (không những hiệu trưởng, công đoàn biết) mà công an sẽ biết ngay.

  4. Bình thường thui . Chiện này tương đương với bộ 3 Hoàng Hải Vân-Nguyên Ngọc-Thái Hạo, thẩy vô quyền lực nữa là xong . Hoàng Hải Vân là người tung clip, Nguyên Ngọc là Nguyễn Duy Hiền & Thái Hạo là … uh, chiên da chích đùi, lên án Hoàng Hải Vân

    Văn hóa cách mạng thui muh, làm gì mà ầm ĩ lên thế . Ở trong này, ai cũng tắm thỏa thích trong chàm cả . Lên án này nọ chỉ được cái làm mình look better thui, chứ bản chất thì ai cũng như ai cả, vạch áo cho người xem lưng làm gì hổng biết nữa

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây