Nói gì và nghĩ gì?

Phạm Quang Long

18-9-2023

Sáng nay, các công sở, trường học ở Hà Nội dành một phút tưởng niệm các nạn nhân trong vụ cháy thảm khốc. Mấy hôm nay Hà Nội đã cho tạm ngừng các hoạt động vui chơi giải trí công cộng. Vì muốn chia sẻ nỗi đau với người gặp nạn. Không ít thông báo của các gia đình hảo tâm mời gia đình những người trong vụ cháy chưa có chỗ ở đến ở tạm nhà mình – một sự chia sẻ vô cùng cần thiết, kịp thời, đáng trọng. Bao nhiêu người đã đến đặt hoa, đóng góp vào quỹ giúp đỡ người bị nạn không cần ai kêu gọi. Thủ tướng, Bí thư Hà Nội đã đến tận nơi chỉ đạo giải quyết hậu quả, thăm hỏi người bị nạn…

Người ta phê phán gay gắt màn múa hát trong lễ trao giải báo chí do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức và lấy làm tiếc vì hôm ấy Ban tổ chức không dành một phút tưởng nhớ người đã khuất và cắt màn hát múa đi. Dù việc đã định rồi nhưng vẫn có cách vừa được việc, vừa hợp đạo lý chứ để thế thì thờ ơ và vô tâm quá. Người ta phẫn nộ khi các nhà hát vẫn biểu diễn như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Đó là sự phê phán và phẫn nộ theo lẽ phải thông thường.

Đọc cái công văn của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch gửi cho Bộ Thông tin và Truyền thông về việc “xử lý” những trang mạng phê phán chuyện này rò rỉ ra ngoài mà ngán ngẩm. Ngán tư duy của quan chức, ngán cách ứng xử thiếu nhạy cảm đạo lý, thiếu chuyên nghiệp khi gặp tình huống không như ý. Đó là cách hành xử có nguồn gốc từ tâm lý luôn nghĩ mình đúng, cho rằng mình có quyền thì làm gì là việc của mình không ai được can thiệp, rằng mạng xã hội là thứ “vớ vẩn”, rằng muốn bịt miệng ai thì cứ dùng quyền lực mà làm, bất chấp tâm trạng xã hội…

Cái tâm lý “ cha mẹ dân” từ ngày xửa ngày xưa tưởng đã tiệt nọc rồi giờ đang trở thành nếp nghĩ của không ít quan chức, trong khi họ cứ leo lẻo nhận mình là “công bộc”.

Người xưa dạy “nó lú có chú nó khôn”, “ học ăn học nói, học gói, học mở” không phải chỉ dành cho trẻ con đâu. Sai thì sửa, có lỗi thì sửa lỗi mới khá lên được. Đằng này đã sai lại còn dở, càng làm càng sai, cái sai sau dở hơn cái trước.

Các vị đang làm phận sự được giao, khi sai không biết nhận lỗi, không chịu sửa lại còn dọa dân thì hết thuốc chữa thật. Nên chọn cách về làm dân thường là tốt nhất. Chả biết có ích gì cho xã hội không nhưng ít nhất không gây ức chế cho nhiều người. Cũng là cực chẳng đã thôi nhưng đó là cách “coi được” nhất.

______

Tác giả: Ông Phạm Quang Long là cựu giám đốc Sở Văn hoá thành phố Hà Nội (2003-2005).

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Bác nói thật đúng . Chỉ cần “một phút tưởng niệm ” những người đã chế thì người ta có thể thông cảm cho hành động phản cảm ấy . Nhưng nó lú mà chú nó cũng chẳng khôn thì biết làm thế nào ạ ?!

  2. Đặng Đình Mạnh

    Nghịch lý: Đất nước không có chiến tranh, không có khủng bố, không có thiên tai, ngay trong thời bình, sống giữa thủ đô, nơi mà cơ quan chính quyền dầy đặc, nơi mà cán bộ ăn lương sống nhung nhúc, nơi được trang bị phòng cháy chữa cháy, cứu hộ và y tế với mật độ cao nhất, hiện đại nhất… thì chỉ trong một buổi tối, hơn cả trăm đồng bào thương vong, trong đó, quá nửa nạn nhân tử vong một cách tức tưởi?

    “Nhà chung cư của con cháy rồi, hai cháu chết rồi, con cũng chết đây bố ơi”. Rồi im bặt, tiếng tút tút trong chiếc điện thoại cứ kéo dài mãi, khô khốc… Tương tự vậy ở một ngôi nhà khác “Con không thở được nữa”. Rồi im bặt, tiếng tút tút trong chiếc điện thoại cứ kéo dài mãi, khô khốc…
    Đó là vài câu nói hiếm hoi sau cùng trong cuộc đời của người con trai với cha mình vào đêm hỏa hoạn 12/09 định mệnh ngay giữa thủ đô. Lúc này, mái đầu bạc đang khóc mái đầu xanh và bao nhiêu gia đình đang phủ vành tang trắng khóc thương người thân đột ngột, tức tưởi buông tay rời xa cuộc sống này.

    Ngẫm xem, cái đêm định mệnh, ngoại trừ tòa nhà 9 tầng sơn trắng, hình khối hộp ngún lửa và khói đen tràn vào ngập phổi làm nạn nhân ngộp thở, thì xung quanh đấy, vẫn là bầu khí quyển trong lành cho hàng triệu cư dân Hà Nội hít thở. Thật trớ trêu, sinh tử cách nhau chỉ sau bức tường 10cm oan nghiệt như vậy.
    56 con người tức tưởi buông tay cuộc đời, thậm chí, nhiều người không trăn trối được câu cuối “…con cũng chết đây bố ơi” hoặc “…con không thở được nữa” như hai anh con trai trút lời cuối, từ biệt với bậc sinh thành qua chiếc điện thoại. Cả cha, cả con, cứ ngỡ sống ở thị thành là sinh đạo, mà ai ngờ đã trở thành tử lộ!
    Lúc đầu, tin tức 20 người chết trong cơn hỏa hoạn đã làm rúng động xã hội, vì tuy không quen biết, nhưng sinh mạng người đều quý giá như nhau, vì họ đều đang là anh chị em, con cháu của một gia đình nào đó đang rất trông tin họ. Nhưng tin tức không dừng lại ở đó, khi con số nạn nhân tăng dần, 30, 40 và rồi là 56 người chết, làm nỗi thương cảm cũng tăng dần đến bàng hoàng. Đồng bào mình với nhau… Đã không trông mong thì lại càng không muốn tin là sự thật. Sự nghèn nghẹn từ cổ họng làm chúng ta muốn tức thở, không chỉ vì sự thương cảm và cả sự uất ức vào dân tộc khốn khổ này!

    Nếu là một chính quyền lương hảo có trách nhiệm, đã không để tồn tại những căn chung cư xây dựng trái phép như vậy. Nếu quản lý đô thị có trách nhiệm, đã không để tồn tại những con hẻm nhỏ không thể cứu hỏa như vậy. Nếu công an phòng cháy chữa cháy có trách nhiệm, đã buộc chủ nhà phải làm lối thoát hiểm, phải trang thiết bị chữa cháy, có phương án chữa cháy nơi hẻm nhỏ và kịp thời đến cứu hộ hiệu quả. Nếu cơ quan cấp phép kinh doanh nhà thuê có trách nhiệm, đã kiểm tra ấn định số người tối đa được cư trú… để bảo đảm an toàn sinh mạng cho người dân, thì thảm cảnh đã không xảy ra và nếu có hỏa hoạn, thì cũng đã không gây mức thiệt hại về người đến mức kinh hoàng như thế.

    Và nếu, chỉ cần một trong những cái nếu vừa nêu có trách nhiệm, thì đã không có cái đêm 12/09 định mệnh của 56 đồng bào, gây tang thương cho gia đình họ.

    Chúng ta có thể dẫn ra hàng tá câu hỏi về trách nhiệm như vậy để thấy rằng dân tộc ta đã xấu số như thế nào khi phải sống trong một thể chế chính trị vô trách nhiệm, bất tài, bất lực đến thế.

    56 đồng bào tử vong, nếu chỉ cho rằng họ là nạn nhân của trận hỏa hoạn là chưa thật sự thấy nguyên nhân tử vong của họ, mà thực tế, họ là nạn nhân của một chế độ vô trách nhiệm và đó mới là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Vì một lẽ đơn giản, chế độ nào đi nữa, thì chẳng có trách nhiệm nào lớn hơn sự bảo đảm an toàn của người dân.

    Nếu không, sao có thể giải thích được nghịch lý: Đất nước không có chiến tranh, không có khủng bố, không có thiên tai, ngay trong thời bình, sống giữa thủ đô, nơi mà cơ quan chính quyền dầy đặc, nơi mà cán bộ ăn lương sống nhung nhúc, nơi được trang bị phòng cháy chữa cháy, cứu hộ và y tế với mật độ cao nhất, hiện đại nhất… thì chỉ trong một buổi tối, hơn cả trăm đồng bào thương vong, trong đó, quá nửa nạn nhân tử vong đột ngột một cách tức tưởi?

    Giải thích đi, những kẻ được đồng bọn xưng là “Hồng phúc của dân tộc” (?!)

    Tiên sư hồng phúc…

  3. LỜI CỦA LỬA
    Học giả Nguyễn Duy

    Xin đốt nén nhang tiễn đưa người chết cháy
    Một đám tang năm mươi sáu oan hồn
    Một đại trùng tang. Đại chấn thương. Đại thảm
    “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn” (*)

    Đại nạn này không thiên tai địch hoạ
    Ta – chính Ta gây thảm hoạ cho Mình.
    Xác người thành tro. Lửa cháy nhà đã tắt
    Ngùn ngụt lòng ngọn lửa đốt ruột gan.

    Một thảm sát? Ai là thủ phạm?
    Lại đèn cù?
    Ai?
    Ai?
    Ai?
    Không ai?…

    Thủ phạm cháy không phải là ngọn lửa
    Tội thui dân không phải chỉ một thằng.
    Một đám cháy nhe răng nhiều mặt chuột
    Một giáo án cộng đồng. Một trừng phạt. Một quốc tang.

    SG, đêm 16.9.2023

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây