Rừng và Nước

Chu Mộng Long

5-9-2023

Báo chí đưa tin, Quốc hội phê duyệt dự án biến rừng nguyên sinh thành hồ thủy lợi và tỉnh Bình Thuận đang xúc tiến thi công. Dù không phải là nhà chuyên môn, nhưng bằng trải nghiệm về vấn đề môi sinh, mọi người không thể không lên tiếng.

Theo trang Chính Phủ, “Năm 2022, diện tích rừng bao gồm rừng trồng chưa khép tán là 14.790.075ha; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc là 42,02%“. Thực chất, khái niệm “rừng” ở Việt Nam chẳng giống ai, vì chỉ có “cây rừng” hoặc phủ một loại cây bạch đàn hoặc keo. Nếu đảm bảo “rừng là một tổng thể các cây gỗ, cây bụi, cây cỏ, động vật và vi sinh vật” thì Việt Nam chẳng còn bao nhiêu, chưa nói sự phân bố cục bộ, chỉ còn lại ở một số địa phương.

Rừng trồng một loại cây bạch đàn hay keo chỉ tồn tại thời gian ngắn, sau khi khai thác phải trồng lại. Loại rừng này phá hoại môi sinh, hủy hoại đất màu và đặc biệt là gây cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước.

Quê tôi sau 1975, dù bị Mỹ rải chất độc hóa học, nhưng rừng vẫn xanh um và đủ loại chim chóc, thú vật hoang dã. Ba con suối hợp lưu lại thành dòng sông không bao giờ cạn. Sau thời hợp tác xã, vương quốc Bỉ hỗ trợ đầu tư làm một con đập lớn, tưới tiêu cho đến mấy cánh đồng rộng lớn. Con đập nằm ở cách xa chân núi để đảm bảo hàng ngàn héc ta rừng bao quanh. Rừng chính là nơi cung cấp, điều tiết nước cho con đập. Các cánh đồng ở vùng này trồng lúa và hoa màu cả bốn mùa.

Đùng một cái, từ những năm đầu thế kỉ 21, anh em nhà các quan huyện, quan xã, thi nhau chiếm rừng trồng bạch đàn và keo. Rừng núi bị tàn sát không thương tiếc. Tất cả những cây gỗ hàng trăm năm tuổi bị đốn sạch. Từ trên đỉnh núi xuống các vạt rừng chỉ còn lại toàn bạch đàn và keo. Đến nay một con chim cũng không tồn tại. Các con suối cạn hết nước và bị lấp hẳn. Cái hồ nước mênh mông thành trơ đáy. Nó chỉ chứa được nước vào mùa mưa, hết mưa là hết nước. Đồng ruộng hiện tại chỉ trồng lúa được một mùa.

Mất rừng là mất nước và mất sự sống.

Keo, bạch đàn chỉ mang lại lợi ích cho bà con quan huyện quan xã. Còn dân thì nghèo đói quanh năm. Làng xóm xơ xác, chỉ còn lại người già. Trai trẻ bỏ làng đi hết.

Tôi vẫn còn nhớ trước đó, dù đến mùa gió nam, không khí ở đây vẫn rất dễ chịu. Hơi thở của rừng và hơi nước từ cánh đồng làm cho gió không khô khốc như những nơi khác. Nhưng mấy chục năm nay, mỗi lần gió nam, không khí ở đây khô khốc và nóng ran như ở sa mạc.

Cả tuổi thơ của tôi gắn với từng vạt rừng, con suối, vậy mà bây giờ mỗi lần về quê không còn nhận dạng ra đó là quê hương của mình. Tôi cứ giả định, cái thời trước năm 1975, nếu rừng quê tôi như bây giờ, cán bộ cộng sản không chỉ không có chỗ trú thân mà còn chết đói chết khát chứ không cần địch truy quét.

Một thời “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” (Tố Hữu) mà nay chủ trương tàn phá rừng là sự phản bội Mẹ rừng, tội không thể tha thứ!

Bình Thuận, Ninh Thuận có khí hậu khốc liệt, nhưng theo tôi, người dân sống được là nhờ rừng. Nếu một ngày kia, hàng trăm héc ta rừng bị tàn phá như quê tôi, tôi dám chắc khí hậu ở đây còn khốc liệt hơn.

Dự án làm hồ chứa nước mà phá 600 ha rừng nguyên sinh thì lấy nước từ đâu? Chỉ chứa nước mưa vào mùa mưa thôi ư? Trồng lại rừng ư? Nếu trồng rừng tự nhiên đúng nghĩa đa dạng sinh thái thì mất mấy trăm năm? Còn trồng keo hay bạch đàn là một thảm họa. Dân Bình Thuận, Ninh Thuận chắc chắn phải sống với sa mạc.

Tôi không kêu gọi Quốc hội mà kêu gọi chính quan chức địa phương tự điều chỉnh dự án. Nếu là người con của quê hương, xem rừng như một phần máu thịt của mình, hãy bảo vệ rừng hơn là biến nó thành một dự án lợi bất cập hại.

Làm hồ thủy lợi là cần thiết. Nhưng phá rừng để làm hồ thì đó là cái hồ rỗng chứa lòng tham của những kẻ âm mưu nuốt chửng rừng và sự sống của người dân.

_______

Một số hình ảnh trên mạng:

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. HOCK GIẢ: BÙI CHÍ VINH

    Không phải tự nhiên mà trời trừng phạt
    Mà lũ lụt mỗi năm mỗi tàn phá kinh hoàng
    Hai tấm bản đồ Việt Nam cách nhau 60 năm đã tự mình tố cáo
    Một bên màu xanh phủ bạt ngàn, một bên ghẻ chóc tan hoang

    Sau 60 năm hết sạch rừng nguyên sinh
    Sau 60 năm mất tiêu rừng phòng hộ
    Những bộ bàn ghế gỗ trắc đỏ đen giá 10 tỉ thị trường
    Tràn ngập phòng khách các quan như thách đố

    Không phải tự nhiên mà những gò đất, núi đồi thay phiên nhau xói lở
    Không phải tự nhiên mà nước ngập lòng dân, ngập tận mái nhà
    Không phải tự nhiên mà Thủy Tinh trong truyền thuyết nổi cơn cuồng nộ
    Khi từ núi đến rừng bị tận diệt xót xa

    Khi di tích của cộng đồng người Chăm ở Bình Thuận chịu phong ba
    Chỉ một tờ giấy phép là tài nguyên trọc lóc
    Ai đứng đằng sau lưng hàng ngàn thủy điện phá sơn hà
    Để hôm nay núi rừng miền Trung rung rức khóc

    Phải gông cổ bọn quan tham nhà rộng cửa cao gỗ lim, gỗ trắc
    Bọn quan tham được ngụy trang bằng các nghề buôn chổi đót, nuôi lợn, bán ve chai thúi cả móng tay chỉ để làm giàu
    Không phải tự nhiên dân lành bị chôn vùi vì lở đất
    Chính bọn buôn thủy lợi, bán môi trường là hung thủ chứ sao !

    NGUỒN MẠNG.

  2. NÃO TRẠNG NÔ LỆ, NĐK 09/09/2023 at 10:32 pm
    Tôi thực sự rất muốn biết tên những kẻ đứng sau các loại tổ nhóm như Tifosi này. Không những thế, tôi còn muốn biết tên họ đầy đủ của bọn chúng. Không những thế, tôi còn muốn tên họ của bọn chúng được khắc đầy đủ vào bia đá. Chẳng để làm gì cả, chỉ là để ngàn đời sau con cháu chúng ta vẫn có thể phỉ nhổ vào bọn chúng mà thôi.

    Tôi thường cảm thấy kinh tởm nhất khi chạm phải những não trạng nô lệ. Đó có thể không phải là những cái đầu kém cỏi. Đó có thể là những bộ óc thông minh, thậm chí tuyệt vời thông minh, nhưng chúng là những não trạng bị xiềng xích, bị nô lệ trong những thứ tư duy, định kiến hẹp hòi, hoặc tệ hại hơn như não trạng của đám Tifosi này, (có lẽ) đang bị xiềng xích trong cái dạ dày của công danh và lợi lộc mà chúng thờ phụng.

    Với những đám phò quyền, phò lợi lộc như đám Tifosi này, bất cứ điều gì các “ông chủ” của chúng (chính quyền hoặc các doanh nghiệp đang ban phát bổng lộc cho bọn chúng) làm đều đúng, đều cần phải bảo vệ. Bảo vệ bằng tất cả kiến thức và trí thông minh chúng có, bảo vệ bất chấp liêm sỉ, bất kể đạo đức, chứ đừng nói gì đến chân lý hay khoa học. Cùng với đó, bất cứ tiếng nói phê phán, trái chiều nào của người dân, với chúng đều là “đáng nghi”, đều là “phản động”.

    Muốn thấy ví dụ minh họa thì cứ đọc những gì chúng viết ở đây (hình ảnh đi kèm), để bảo vệ cho dự án “Phá hơn 600 ha rừng tự nhiên để làm hồ thủy lợi phát triển kinh tế, ở Hàm Thuận Nam, Bình Thuận” (xem link bài trên VnExpress đi kèm dưới comment).

    Một lần nữa, tôi thực sự rất muốn biết tên những kẻ đứng sau các loại tổ nhóm như Tifosi này. Tôi muốn biết tên họ đầy đủ của bọn chúng. Tôi muốn tên họ của họ được khắc đầy đủ vào bia đá, để ngàn đời sau con cháu chúng ta vẫn có thể phỉ nhổ vào.

    PHẢN ĐỐI PHÁ RỪNG LÀM KINH TẾ!

  3. * Chúng hút cát xuất khẩu qua các nước muốn lấn biển, muốn xây đảo nhân tạo; ai cũng biết khách hàng của chúng là ai.
    Chúng là ai?
    Là cánh tay nối dài của bọn cầm quyền, chuyên nghiệp đi hút cát qui mô lớn; xe ben tử thần cán chết người vẫn tiếp tục chạy ầm ỉ ngày đêm; giấy phép hoặc hút trộm sẽ do cơ quan lo.
    Tiền thu được ăn chia với nhau, quan 7 tớ 3, tính ra hằng trăm nghìn tỷ suốt mấy chục năm bay, gây sạt lỡ khủng khiếp nhà dân ven sông; bãi bồi mũi Cà mâu đang sạt lỡ, biên giới phía Nam tổ quốc đang ngắn dần lại.

    * Chúng đốn gỗ rừng nguyên sinh, nhân danh thuỷ điện, chứa nước…nhưng thu gỗ là chính, là để xuất khẩu, bán cho đại gia xây biệt thự, biệt phủ…
    Chúng đốn nhiều đến nổi không có chỗ chứa, phải giấu trên rừng, có khi lụt lớn, gỗ trôi xuống đồng bằng theo sông suối, ai cũng biết. Công an thu lại, đưa đi đâu chẳng ai biết, vụ kỳ dị nầy trôi qua trong im lặng. Truyền thông nhà nước tìm cách vu vơ lý giải, rồi im.

    Chúng ăn của dân, bóc lột tàn phá tài nguyên thiên nhiên…không chừa thứ gì.
    Nhiệm kỳ qua đi, những gì chúng để lại thế hệ sau : ngoài gánh nợ công, là một di sản tiêu điều xơ xác!

    Tương lai thế hệ trẻ dưới chế độ này đang bị ăn cướp!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây