28-8-2023
Sáng nay 28/8, tôi đưa rước thằng cháu ngoại đi học lớp 6, xem như “ngày khai giảng trù bị”, trước ngày khai giảng chính thức là 5/9. Nghe tiếng trống vào lớp lúc 7g và trống tan học lúc 9g, tôi băn khoăn không biết các trường có giữ lệ cũ bỏ tiền vào bao thư “mướn” lãnh đạo đến đánh trống khai trường không? Khi mà người đánh trống khai trường đã có điềm thành “tù nhân tiềm năng”, sau khi Đinh La Thăng, Nguyễn Đức Chung, Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Phạm Xuân Thăng (bí thư Hải Dương), Chử Xuân Dũng (PCT UBND TP Hà Nội) vận hành đúng quy trình: đánh trống – bỏ dùi – vô tù!
Vốn có óc liên tưởng, tôi bỗng nhớ ông Mười Diệp, người đánh trống ở trường tiểu học Phú Xuân Hội, quận Nhà Bè, nơi tôi theo học trong những năm 1957-1962. Cái trường làng quê của tôi chẳng bao giờ có quan chức nào đến dự lễ khai giảng. Đúng 7g ngày tựu trường, ông Mười Diệp đánh 3 hồi trống gọi học sinh tập họp (theo bảng danh sách ghi trước cửa lớp), xếp 4 hàng. Sau khi học sinh gióng thẳng hàng, thầy hoặc cô dẫn từng lớp ra sân, 5 lớp xếp thành hình chữ U trước cột cờ. Thầy hiệu trưởng nói đôi lời huấn thị, làm lễ chào cờ, sau đó học sinh đi theo hàng dọc vào lớp, và học luôn chứ không “khai giảng trù bị” rồi về!
Trừ lớp năm (lớp 1), các lớp còn lại không có phụ huynh dắt đi. Học sinh ở xa trường 5,10 cây số đi xe ngựa, xe lôi hoặc tự đi xe đạp. Ông Mười Diệp vừa làm bảo vệ, vừa quét sân trường (mỗi ngày có 2 học sinh xoay tua đến sớm để quét rác trong lớp, gom đổ vào thùng rác), vừa cầm roi trừng trị các học sinh ngổ nghịch. Nhà ông Mười Diệp ở gần trường, phía sau biệt thự của ông Hai Tòng (chủ nhà máy xay lúa và chủ hãng nước sơn).
Ông Mười Diệp bị chột một con mắt, nhưng mắt còn lại rất tinh anh, giờ ra chơi mấy trăm học trò chạy giỡn, ông dòm xa trông rộng, thấy ngay mấy đứa quậy. Tất cả học trò đều ngán ông. Mắt chột nhưng ông có biệt tài lấy thép lò xo uốn thành lưỡi câu. Hồi xưa, lưỡi câu bán ngoài chợ uốn đơn giản thành hình chữ U, nên dễ xảy cá. Còn, ông Mười Diệp uốn lưỡi có nếp gấp, nên lưỡi dễ móc vào xương hàm cá, khó xảy. Tôi hay mua lưỡi câu của ông, và ông đã dạy tôi cách tóm dây vào lưỡi câu.
Tôi còn mê ông về điệu bộ đánh trống trường. Dường như ông có nghề võ, ông đứng thế trung bình tấn hai bàn chân ông là đường thẳng tạo góc 45 độ so với mặt trống. Ông gõ dùi vào vành trống nghe lốc cốc, trước khi múa tay đánh “tùng” vào mặt trống. Hai nhát dùi đầu tiên mạnh và chậm để tiếng “tùng… tùng” ngân xa vài cây số, rồi ông mới nhịp dùi nhanh dần và nhẹ dần, như thúc giục các trò đang chơi xa mau trở về trường. Hồi thứ hai và hồi thứ ba lập lại như hồi thứ nhất, ông múa như một nhạc công, chứ không phải đứng tụm chân gõ trống giống mấy lãnh đạo đánh vụng về như bây giờ!
Đánh trống trường là một nghề báo hiệu lệnh thời khóa biểu, chứ không phải là một ngón biểu thị uy quyền, cho nên lãnh đạo ngành giáo dục hãy tập trung lo nghĩ ra triết lý giáo dục khai phóng, soạn ra bộ khung chương trình giáo khoa; lãnh đạo địa phương chỉ cần hỗ trợ trường học về an ninh, trật tự, còn chuyện đánh trống khai trường là chuyện của bảo vệ nhà trường, giành làm mẹ gì?
đánh trống – bỏ dùi – vào tù.
Chịu câu này của anh MBK, từ rày về sau thì đám học sinh tội nghiệp kia sẽ bớt nhục vì bố bảo chúng nó cũng không dám bén mảng đến trường cầm dùi đánh trống.
Người nghèo thì tin dị đoan bói toán để mong đổi đời những lũ quan đỏ chuyên ăn bẩn thì tin dị đoan nhiều hơn, tích cóp của gian bao năm trời và chỉ sợ đồng chó lập mưu cuỗm sạch hoặc bị lộ rời vướng vòng lao lý.
Ngay câu thứ 2, trong bài của bác có điều lạ : Hs lớp Một học từ 7g – 9g . Cháu của bác học trường công lập hay trường quốc tế mà hạnh phúc quá ! Trong khi cháu của mình cũng học lớp Một (công lập ), mà, ôi, mẹ ơi, sáng học từ 7g -> 10g 15. Chiều , từ 2 g – 4g 30 ( hai ngày đầu tuần ) . Hỏi thăm BGH, trẻ lớp Một sao mà học nhiều lắm vậy ? ( học đến khờ người ! ) . BGH bảo phải học vậy mới kịp chương trình ?! .
Lãnh đạo VN làm những điều thế giới không làm : mặc comple đi trồng cây, đứng chụp ảnh che kín cả đội tuyển bóng đá nữ, đánh trống trường… Họ thích hoành tráng, thích nổ to, thích quyết liệt, thích làm tư lệnh, thích mọi sự có nhận phong bì, thích làm thợ đốt lò…