Tử tế và… lý luận chính trị

Blog VOA

Trân Văn

28-8-2023

May cho đời là có nhiều người không được tuyển chọn để được đào tạo về… “lý luận chính trị” nên người ta có quyền hy vọng rằng tử tế, tự trọng, nỗ lực trở thành hữu dụng bất kể ở vị trí nào trong xã hội tại xứ mình vẫn còn sinh sôi, nảy nở.

Cho dù câu chuyện về cụ bà Nguyễn Thị Ngang, 87 tuổi, ngụ ở phường Tân An, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã được nhiều cơ quan truyền thông, Youtuber, Tiktoker,… khai thác liên tục suốt từ năm ngoái đến giờ nhưng video clip mà MCV Network vừa thực hiện vẫn hot (1). Chỉ trong vòng ba ngày, số người bày tỏ sự yêu thích cụ bà bán bánh mì thịt với giá 5.000 đồng/ổ trên fanpage của MCV Network đã lên tới 33.000. Số người góp lời khen, bày tỏ sự cảm phục khoảng 2.500…

Không chỉ các nhà báo, YouTuber, Tiktoker,… mà khách tìm đến lề đường trước nhà số 891 đường Nguyễn Chí Thanh, phường Tân An, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương mua bánh mì đều gọi cụ Ngang là “bà Ngoại” – bởi “bà Ngọai” thứ sáu nên một số người quen gọi bà là “bà Sáu”. Chồng mất sớm, “Ngoại” ở vậy nuôi ba người con trai. Cả ba đều là những người hết sức bình thường, một là bảo vệ, một là công nhân, một cùng với vợ bám vào lề đường kiếm sống bằng gánh bánh canh.

“Ngoại” nghèo nên chọn việc làm bánh mì thịt để bán là kế sinh nhai. Gánh bánh mì của “Ngoại” chỉ đủ để làm chừng trăm ổ. Lề đường nơi “Ngoại” chọn làm chỗ mở “quán” cách nhà khoảng hai cây số. “Quán” mở cửa từ năm giờ sáng, bán xong thì quảy gánh về nhà chuẩn bị cho ngày hôm sau và “quán” luôn mở – đóng như thế đã hơn 40 năm. Trước đại dịch COVID-19, giá bánh mì thịt mà “Ngoại” bán chỉ có 3.000 đồng/ổ. Vật giá leo thang, “Ngoại” buộc phải nâng giá lên nên giờ là… 5.000 đồng/ổ.

5.000 đồng một ổ bánh mì thịt là giá khó có thể tưởng tượng trong bối cảnh “gạo châu, củi quế” như hiện nay tại Việt Nam nhưng suốt năm ngoái đến giờ, “Ngoại” khẳng định với tất cả mọi người, chắc nịch, đại ý: Vẫn có lời! Có lời mới buôn bán chứ không thì dẹp rồi… “Ngoại” giữ ổ bánh mì thịt của bà ở giá đó vì nhiều người nghèo quá, thất nghiệp nhiều quá. Nhiều gia đình bốn, năm người với giá bánh mì như thế thì họ mới kham được tiền ăn sáng (2).

Gom góp những cuộc trò chuyện giữa “Ngoại” với với nhà báo này, YouTuber kia, Tiktoker nọ,… người ta thấy có những người rất nghèo nhưng cũng rất tự trọng. Họ từ chối chuyện được “Ngoại” cho ăn miễn phí, cương quyết trả cho bằng được… 2.000 để có được ổ bánh mì không. Còn “Ngoại” khiến người ta xúc động vì dù chỉ nhận 2.000 đồng nhưng vẫn nhét vào trong ổ bánh một chút thịt, một chút rau thơm, một chút dưa chua, rưới vào đó một chút nước sốt cho ổ bánh đỡ… “lạt”.

Người ta thấy bồi hồi khi có những người mua cố tình trả dư tiền nhưng “Ngoại” rượt theo trả lại tiền thối, cương quyết không nhận tiền “tip”. Người nghèo sống nhờ mua bán độ nhật nhưng không tham những thứ nằm ngoài giá trị đã thỏa thuận. Dường như “Ngoại” chỉ bớt cực đoan khi có người giải thích đó là khoản người khác muốn góp vào để thông qua “Ngoại”, tiếp sức giúp những đồng loại đang đói, đang chật vật cầm cự cho qua ngày, đoạn tháng!

Sắp tròn 90 nhưng “Ngoại” không muốn hưởng nhàn vì vừa không muốn là gánh nặng cho con cháu, vừa tin rằng làm việc là cách để sống khỏe, sống vui. Bạn cứ thử xem thêm một số video clip ở phần chú thích của bài viết này sẽ thấy, “Ngoại” tuy già nhưng không yếu, diện mạo phúc hậu, thuyết phục người khác bởi sự mộc mạc, chân thành này không hề có chút cao đạo nào (3). “Ngoại” không rao giảng gì cả nhưng khiến người khác tin vào sự hiện hữu của thiên lương, của nhân ái như làm người tất nhiên phải thế.

Dường như Lê Thế Quan – một Food Reviewer trên mạng xã hội – là người phát giác “Ngoại” (4). Từ năm ngoái tới giờ, “Ngoại” trở thành đề tài của nhiều cơ quan truyền thông, YouTuber, Tiktoker,… nhưng trong video clip mới nhất, “Ngoại” vẫn thế. Chỉ có một thay đổi nhỏ – nếu có thể gọi là như thế – là có một cặp vợ chồng, không rõ tên gì, ở đâu, biết chuyện của “Ngoại” từ khi nào, thỉnh thoảng tạt vào “quán”, dùng xe hơi đưa “Ngoại” về nhà nếu hôm ấy trời mưa.

May cho đời là có nhiều người không được tuyển chọn để được đào tạo về… “lý luận chính trị” nên người ta có quyền hy vọng rằng tử tế, tự trọng, nỗ lực trở thành hữu dụng bất kể ở vị trí nào trong xã hội tại xứ mình vẫn còn sinh sôi, nảy nở

Chú thích

(1) https://www.facebook.com/watch/100044444829048/1518697428879454

(2) https://kenh14.vn/ganh-banh-mi-doc-la-binh-duong-cua-ba-cu-86-tuoi-ai-khong-co-tien-ngoai-cho-luon-de-ba-con-an-lot-da-20221221232422984.chn

(3) https://www.youtube.com/watch?v=t0ctbN6EG3k&ab_channel=Địađiểmănuống

(4) https://thanhnien.vn/ba-cu-ban-o-banh-mi-thit-re-nhat-vn-5000-dong-khach-trach-sao-qua-re-food-reviewer-me-man-1851506646.htm

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Đảng cho học chính trị trung cấp, cao cấp là để lên chức, nâng bậc, nâng lương chứ hoàn toàn không phải học để nâng cao trình độ lý luận chính trị cái khỉ mẹ gì cả !
    Ví dụ, một anh giáo viên quèn trung học phổ thông ( C3 ) thuộc “phe ta” với Ban GH thì được hiệu trưởng giúp đỡ bằng cách đề nghị lên huyện học lý luận chính trị trung cấp . Chỉ cần, ba mùa hè, mỗi mùa học khoảng hai, ba tuần gì đó là được cấp bằng tốt nghiệp “khóa chính trị trung cấp” . Thế là, một cái rột, anh ta từ GV thường được nâng bậc “GV trung học cao cấp” . Lại có cái tên của thể loại nầy, mới quái chứ ?? Và anh ta được chuyển ngạch, được nâng lương .

  2. Đời có “Ngoại” nên người ta mới tin rằng có thần, có Phật cứu nhân độ thế.
    Còn cái nhà ông gì được người ta đưa lên tận đỉnh Ba Vì lập đền thờ thì cũng chỉ là loại “chẳng phải Ngô, chẳng phải ta”, chẳng cứu giúp được ai.

  3. Giang hồ vẫn nói, bọn rao giảng đạo đức toàn là bọn bịp.
    Có câu “Tham như chó mới có mà ăn”, nhiều kẻ có tiền khoái câu này, ngoài chợ trời, nói ra mồm luôn chả cần che đậy. Nguyễn Như Phong cũng nói rõ chả cần giấu giếm.
    Bọn nhiều lý luận, hay rao giảng, thì bảo chủ yếu do “đói ăn vụng, túng làm liều” nên con người mới quay quắt đểu giả. Vậy cần tăng lương
    Có phải vậy không, chưa chắc. Thích Chân Quang ưa thích thuyết Tính Ác, mặc dù tâng bốc Hồ Chí Minh lên tận mây xanh, Hồ Chí Minh lại nghiêng về “phần nhiều do giáo dục”, nhiều “tinh hoa” cũng tin như Hồ Chí Minh.
    Câu chuyện Nhân Tính là câu chuyện rắc rối. Tại sao, nhà này cha mẹ hiền lành tử tế lại có con láo lếu, nhà kia cha mẹ đểu giả con cái lại tốt bụng. Đôi khi khó trả lời thỏa đáng.
    Có điều, Tàu có câu “vị nhân bất phú=vì người thì chẳng thể giàu” hầu như đúng. Vũ Tài Lục ưa thích câu này, Giàu (Phú) thì đừng nói đến Lòng Lành (Thiện). Đám đương cục Chiều Nay tham không phải do lương thấp. Bọn lương thấp không được tham và không dám tham.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây