Ý nghĩa biểu tượng của con hươu

Thái Hạo

9-8-2023

Những con hươu được tử từ Nguyễn Văn Chưởng làm trong tù để gửi thông điệp kêu oan suốt 16 năm qua, đã mang đến cho tôi một ám ảnh về sự kỳ bí lạ lùng. Xin lược chép ra đây ý nghĩa biểu tượng của con vật này từ sách “Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới” của Jean Chevalier và Alain Gheerbrant.

***

“Nhờ bộ sừng to cao và lại đổi mới theo định kỳ của nó, con hươu hay được so sánh với Cây Đời. Nó tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở dồi dào, ta cũng tìm thấy những giá trị ấy trong văn hoa của các buồng, nhà làm lễ rửa tội cho người theo đạo Kitô, cũng như trong truyền thống của người Hồi giáo, người vùng Altai, người Maya, Pueblo, v.v…”.

“Hươu cũng là con vật báo sáng, nó dẫn dắt đến ánh sáng ban ngày. Đây là trích đoạn trong một bài hát của người da đỏ Pawnees ngợi ca ánh sáng mặt trời: chúng tôi gọi lũ trẻ, chúng tôi bảo chúng hãy dậy đi… Chúng tôi bảo lũ trẻ: thú rừng đã dậy hết rồi. Từ các hang ổ, nơi chúng ngủ, chúng đương đi ra. Dẫn đầu là con hươu. Từ gốc cây là nhà của nó, nó dắt đàn con tới Ánh nắng ban mai”.

“Trong một số truyền thống văn hóa khác, ý nghĩa tượng trưng này đã đạt quy mô vũ trụ và tinh thần, con hươu hiện ra ở đây như một môi giới giữa trời và đất, như là biểu tượng của ánh mặt trời đang mọc và đang vươn lên thiên đỉnh. Rồi đến một ngày, cây thập tự sẽ hiện hình giữa sừng già phân nhánh của nó và sẽ trở thánh biểu tượng của Đức Kitô, hình ảnh của sự hiến dâng thần bí, sự khải huyền cứu rỗi. Trở thành sứ giả của thần thánh, nó sẽ nhập vào một chuỗi biểu tượng mà chúng ta sẽ nhiều lần thấy gắn bó với nhau như một quần thể: cây đời, sừng, hình chữ thập”.

“Hươu cũng là biểu tượng của sự nhanh nhẹn nhưng đồng thời cũng là biểu tượng của sự sợ hãi. Là con vật được cung hiến cho nữ thần Diane, một trinh nữ chuyên săn bắn trong huyền thoại Hi – Lạp cổ điển, nó gợi nhớ những hình tượng tương đồng trong Kinh Bổn Sinh của Đức Phật. Con hươi (nai) vàng ở đây không phải ai khác mà chính là Đức Bồ Tát cứu giải nhân quần khỏi nỗi tuyệt vọng, bình định những đam mê nơi họ”.

[Trung Hoa] “Con hươu cũng được xem như một biểu tượng của sự trường thọ và nhất là phồn thịnh, thể hiện ở những trò chơi chữ trong dân gian, ví dụ như từ “lou” (lộc) vừa có nghĩa là hươu, nai, vừa có nghĩa là phúc, bổng”.

“Cũng như con tuần lộc, con hoẵng, hươu hình như đóng vai trò dẫn linh hồn trong một số tín ngưỡng châu Âu, đặc biệt người Celtes: vua Morholt, bác của Yseult, bị Tristan giết chết trong một cuộc chiến tay đôi, thi hài ông được liệm bằng một bộ da hươu”.

“Hươu hay được nhập vào với con nai trong Kinh Thánh”. Về quan hệ giữa chúng, Oregéne nhận xét rằng, nai có con mắt thấu thị, con hươu thì giết rắn, đuổi chúng ra khỏi ổ bằng hơi thở từ lỗ mũi của mình. Oregéne so sánh Đức Kitô với con nai, xét về mặt theoria (học thuyết), và với con hươu, xét về mặt hành động”.

“Một số tác phẩm nghệ thuật lại biến hươu thành biểu tượng của khí chất ưu sầu, có thể do con vật này ưa thích sự cô đơn. Đôi khi ta nhìn thấy hình ảnh con hươu bị trúng tên, miệng ngậm vài sợi cỏ, nó cầu mong dược thảo ấy sẽ chữa cho nó lành vết thương”.

“Các văn nghệ sĩ còn biến hươu thành biểu tượng của sự thận trọng, bởi vì nó thường chạy trốn theo chiều gió, gió đánh bạt đi cả mùi của nó; bằng bản năng nó còn nhận ra được những cây thuốc”.

“Hay được liên hệ với con Kỳ lân, hươu là biểu tượng của thủy ngân tạo vàng. Một tranh kiệt tác của Lambsprinck (thế kỷ XIV) nhan đề Đá tạo vàng cho ta thấy hai con vật mặt đối mặt dưới lùm cây trong rừng. Một bài thơ kèm theo cắt nghĩa rằng hươu biểu trưng cho thủy ngân (bình diện dương tính) và Tinh Thần; kỳ lân là Lưu Huỳnh (bình diện âm tính) và tâm hồn, còn rừng là muối và thân xác”. (Hết trích)

***

Trên đây tôi đã lược ghi một số ý nghĩa biểu tượng của con hươu từ một cuốn sách nổi tiếng thế giới. Rõ ràng, hươu trong các nền văn hóa khác nhau mang rất nhiều ý nghĩa, vừa sinh động, thực tế, vừa thiêng liêng và cả thần bí.

Trong hình dung và cảm nhận của người Việt, thì con hươu thường được nhìn như là biểu tượng của sự vụng về, ngơ ngác, nhút nhát, một con vật ăn cỏ hiền lành và vô hại, cũng có lúc thong dong, nhưng thường luôn cảnh giác và chạy trốn.

Tôi không biết Nguyễn Văn Chưởng thực sự muốn gửi gắm ý niệm gì trong những hình tượng con hươu mà anh đã miệt mài làm và gửi ra ngoài từ trong phòng biệt giam, nhưng rõ ràng anh là một người có bàn tay nghệ sĩ, có tính kiên nhẫn tuyệt vời và có một tâm hồn nhạy cảm với khát vọng sống mãnh liệt. Một người đã làm ra những con hưu vừa đẹp một cách tinh tế, vừa toát ra cái thần thái bí hiểm như thế, hẳn phải chất chứa trong lòng một năng lượng và sự thôi thúc lớn lao lắm.

Ảnh: Những con vật được tử tù Nguyễn Văn Chưởng làm từ túi nhựa đựng hàng, gửi ra ngoài theo hướng quà tặng. Chưởng nghĩ ra cách này để có thể nhét những lá thư kêu oan bí mật ở bên trong. Nguồn: Thịnh Nguyễn

Thoáng chốc, tôi như nhìn thấy trong tiếng kêu oan bằng hình ảnh những con hươu của Nguyễn Văn Chưởng, hiện lên cả một không gian văn hóa rộng lớn của nhân loại và cả chiều sâu nguyên thủy của bản năng sống thần bí và mãnh liệt đến rợn người…

Bình Luận từ Facebook

7 BÌNH LUẬN

  1. Trong lịch sử tư pháp của Việt Nam mà tôi quan sát, hiếm khi có một vụ trọng án mà cơ quan điều tra chịu bó tay. Không ít vụ án được phá trong một thời gian kỷ lục. Nhưng, cũng hiếm khi tôi thấy những vụ án oan nghiêm trọng nhất được chủ động phát hiện bởi các cơ quan tố tụng.
    Năm 1983, cho dù mang “trái tim trong trắng” [kịch Lưu Quang Vũ], ông Nguyễn Sỹ Lý vẫn bị giam cầm 2.000 ngày. Và, ông Lý chỉ được minh oan khi một người bạn tù được tha trước, âm thầm giúp ông tìm ra thủ phạm. Ông Huỳnh Văn Nén cũng chỉ nhìn thấy ánh sáng sau 17 năm nhờ hung thủ, bị giữ tình cờ trong một vụ vi phạm luật giao thông, tự thú. Ông Nguyễn Thanh Chấn ở tù 10 năm cho đến khi hung thủ tự đến đồn công an.
    Chuyện không phải của thời mông muội. Chỉ mới cách đây 10 năm, 7 thanh niên ở Sóc Trăng cũng chỉ được minh oan sau 4 tháng tạm giam nhờ hai nữ hung thủ cướp của giết người ra đầu thú.
    Những người chịu “án oan thế kỷ”, trong phòng tạm giam, đều khai nhận “hành vì giết người” hoàn hảo. Trừ 7 thanh niên ở Sóc Trăng, tất cả, khi đứng trước tòa, đều phản cung và đều bị tòa căn cứ “án tại hồ sơ”, bác bỏ. Và, chỉ khi hung thủ thật bị lương tâm cắn rứt khai ra, những gì họ tố cáo bị bức cung mới được xác nhận hóa ra là đúng.
    Với hai tử tù Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải, nếu thực sự oan, không rõ, chúng ta có thể chờ đợi lương tâm của những người đã tiến hành tố tụng hay lại phải chờ lương tâm hung thủ.
    Khi nhậm chức, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng yêu cầu công tác xét xử “không được để xảy ra oan sai”. Đây là điều mà những người tiền nhiệm ông cũng đều nhấn mạnh.
    Không phải lúc nào thông điệp này cũng được diễn dịch giống nhau. Nó tùy thuộc vào một hệ thống tư pháp sợ OAN cho thường dân hay chỉ sợ cái SAI của mình bị phát hiện.
    Tôi không biết hiện nay, ngành tòa án có còn giữ tiêu chí “án bị cải sửa” làm căn cứ bình xét thi đua và căn cứ để tái bổ nhiệm thẩm phán nữa không. Sợ sai, sợ án bị cải sửa là lý do mà các cơ quan tố tụng rất khó từ bỏ một tiền lệ rất sai là họp án [“ba bộ đồng tình…”] và thỉnh thị án.
    Nếu một nền tư pháp vận hành theo hướng để dân không bị OAN, nền tư pháp đó phải luôn đặt ra khả năng tố tụng có thể SAI. Không phải tự nhiên mà ngay từ xa xưa loài người đã nghĩ đến việc tách bạch các cơ quan tố tụng và phân ra nhiều cấp xét xử.
    Một nền tư pháp mà hướng tới mục tiêu hoàn hảo, các cơ quan tố tụng không bao giờ sai thì chỗ của những người thực sự bị oan là ở trong tù chứ chưa chắc đã phải là những người được tuyên vô tội.
    Tôi đã từng phỏng vấn tử tù “Phước Tám Ngón” và có mặt tại pháp trường cái buổi sáng 3 bị án trong vụ Tamexco bị bắn. Trừ những loại giết người do bệnh lý, thích chơi trò cân não với cơ quan điều tra, phần lớn những hung thủ thật sự giết người rất ít khi kêu oan. Chúng chấp nhận đã vay [mạng người] thì trả.
    Chúng ta đang nghe những lời kêu oan từ hai bị án Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải. Chúng ta có thể vĩnh viễn không biết sự thật nằm ở đâu. Nhưng, tôi nghĩ những người tiến hành tố tụng trong hai vụ án này biết rõ.
    Chúng ta đã phải đợi cho đến khi hung thủ thật sự ra đầu thú mới biết là Nguyễn Sỹ Lý, Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn bị oan. Nhưng, những người tiến hành tố tụng chắc chắn đã biết điều đó khi họ bắt đầu sử dụng nhục hình và mớm cung bị cáo.
    Đã từng có khá nhiều hung thủ thật ra đầu thú để minh oan cho người gánh án thay mình; nhưng, trong nền tư pháp nước ta, ít khi có một cán bộ từng tiến hành tố tụng tự nhận là mình sai để minh oan cho nạn nhân của chính mình và cộng sự.
    Trong các vụ án oan như Nguyễn Sỹ Lý, Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn… đều có vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Chúng ta chứng kiến, việc khăng khăng tuyên bố “sai phạm tố tụng” nhưng “không làm thay đổi bản chất vụ án” đáng sợ thế nào.
    Một nền tư pháp mà chỉ sợ lộ ra cái SAI sẽ không bao giờ tránh được OAN [khiên – cho dân].
    Cứ tống vào tù một dân oan là cấp phép tự do cho một tên tội phạm [hung thủ trong vụ án Huỳnh Văn Nén từng gây án đâm, chém trong thời gian ông Nén bị tù oan].
    Không có mô hình tư pháp nào hoàn hảo. Mô hình ưu việt hơn không phải là có khả năng lập thành tích “phá án 100%”, là không phải không có “án bị cải sửa” mà là có khả năng tự phát hiện sai sót.
    Mục tiêu của một nền tư pháp là công lý chứ không chỉ là phá án. Chính vì thế mà trong nhiều trường hợp, các cơ quan tố tụng phải chấp nhận thua; bởi, một khi các cơ quan tố tụng cứ khăng khăng thắng sẽ không có chỗ cho công lý.
    FB H.Đ

  2. HỌC GIẢ BÙI CHÍ VỊNH

    Trong bộ đội khi tấn công một tên chỉ huy tham ô đàn áp lính
    Là đã bị chụp mũ “mưu sát cán bộ, cướp đoạt chính quyền”
    Năm 25 tuổi tôi đã từng nằm quân lao với tội danh như vậy
    Nên chuyện ngậm máu phun người vốn là chuyện tất nhiên

    Vì thế tôi không mơ hồ gì việc có người muốn Nguyễn Văn Chưởng quy tiên
    Với lý do duy nhất là phạm nhân nhận tội
    Xin lỗi, những thằng xử Nguyễn Văn Chưởng chỉ cần một ngày nằm ở nhà giam
    Hứng tra tấn là mẹ cha không nhìn nổi

    Quan tòa mà ở tù thì quan tòa cũng phải nói
    Không khai man cũng khai đại, miễn khỏi bị đòn
    Không giết người cũng sẵn sàng nhận dối
    Sẵn sàng nhận mình là hung thủ ác ôn

    Sẵn sàng nhận mình là hung thủ cho xong
    Bất chấp hệ thống tư pháp được lập đầu danh trạng
    Ở một xứ sở đầy ma quỷ cô hồn
    Ai đang sống cũng chờ ngày lãnh án

    Hỡi những kẻ nắm cán cân công lý mà tâm hồn chai sạn
    Làm ơn một lần trong năm thở hơi thở con người
    Làm ơn ngưng ngay việc tử hình Nguyễn Văn Chưởng
    Để bia miệng ngàn đời không nguyền rủa tanh hôi…

    NGUỒN MẠNG.

  3. Có một câu chuyện được luật sư Triệu Quốc Mạnh – Chỉ huy lực lượng cảnh sát Sài Gòn – Gia Định, kể lại như vầy: Ngày 29/4/1975, sau khi nhậm chức Chỉ huy lực lượng cảnh sát Sài Gòn – Gia Định, ông Mạnh đến Tòa Sài Gòn – Gia Định thì thấy lực lượng cảnh sát tư pháp ở đây vẫn tề tựu đầy đủ, quân trang gọn gàng đứng chào ông nghiêm cẩn. Ông mới vội vã hỏi: “Các anh còn làm gì ở đây mà chưa đi di tản?” Chỉ huy trưởng cảnh sát tư pháp mới nói: “Tại sao chúng tôi phải di tản? Chúng tôi đâu có liên quan gì đến chính quyền?”

    Chuyện này tôi được nghe chính một người cùng trong “lực lượng thứ ba” với ông Mạnh kể lại. (Vì sự riêng tư của ông, tôi sẽ không nói tên, nhưng tôi tin ông, và cũng không thấy ông có lý do để bịa đặt chuyện này).

    Bây giờ nghe chuyện này chúng ta có thể thấy vô lý, nhưng đó chính là nhận thức của những người thời đó, cụ thể là của những người trong ngành tư pháp Sài Gòn bấy giờ: “TƯ PHÁP ĐỘC LẬP”.

    Chính vì thế mới có chuyện, những “trùm sinh viên” của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn như Huỳnh Tấn Mẫn, Dương Văn Đầy… được thả ngay tại tòa, trước sự tức tối của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, trong vụ “10 tháng 3” nổi tiếng.

    Tư pháp độc lập không phải sự đảm bảo tuyệt đối cho công lý, nhưng nó là điều kiện tối cần thiết để có được công lý.

    Công lý cần cho tất cả chúng ta. Công lý cần cho mọi người dân, và cần cho cả chính quyền.
    Một chính quyền muốn thực sự vững mạnh, muốn giữ được xã hội thực sự ổn định bền vững thì phải đảm bảo công lý cho từng người dân và tất cả nhân dân.

    Hôm qua, đọc bức thư của Nguyễn Văn Chưởng trên trang FB của luật sư Lê Văn Hòa tôi chợt nhớ lại câu chuyện của luật sư Triệu Quốc Mạnh ở trên.

    Có lẽ cũng đã đến lúc nghiêm túc đặt ra vấn đề độc lập tư pháp và thành lập một lực lượng cảnh sát tư pháp độc lập, để hạn chế tối đa những oan sai do sự chồng chéo của hệ thống điều tra – xét xử hiện hành.

    FB NĐK

  4. Đây chính là thực thể khắc ghi lại giây phút xuất thần của một tâm hồn tuyệt vọng, đang đau đớn bế tắc cùng cực…
    thể hiện ra thành những đường nét mang tính hội hoạ khi ghi lại trên mặt phẳng tờ bìa.
    Nó không hư cấu, gượng gạo; không nhằm giới thiệu với khách yêu thích nghệ thuật tượng hình để kiếm tiền.
    Bởi thế nó mang hồn của nghệ thuật thuần khiết.

    Chợt vu vơ mong ước, giá có nhà hảo tâm nào đó đảm nhận việc tôn vinh bức tranh nầy thành sản phẩm nghệ thuật, giới thiệu tranh đến những xã hội yêu công lý tự do dân chủ nào đó, biến nó thành thương phẩm, mà thu nhập sẽ quay trở về hổ trợ cho gia đình đang đau khổ cùng cực nầy…
    Để an ủi nạn nhân, dù ngày mai có ra sao!

  5. Tiện bàn về ý nghĩa biểu tượng

    Ý nghĩa biểu tượng của Nguyên Ngọc & Chu Hảo đưa hài cốt Georges Boudarel về hòa với khí thiêng sông núi cũng cao quý như bộ công an quyết định dựng tượng Iron Felix Derzhinsky trong khuôn viên học viện công an .

    Sự khác nhau giữa Bouda & Iron Felix là sự khác nhau của 99 xu & 1 đồng, giữa 999 ngàn & 1 triệu, sự khác nhau chỉ là tiểu tiết . Và tượng Iron Felix mang nhiều tính nghệ thuật hơn con hượi bằng nhựa .

    Nếu ngày trước có ai đó phàn nàn bộ công an dựng tượng Iron Felix, đưa hài cốt Bouda chuyên gia tra tấn đã silence mọi tiếng vo ve của loài ruồi muỗi đv cả 2 Bouda & Iron Felix. Và có thể đoán, (những) người đã quyết định dựng tượng Iron Felix cũng xứng đáng được xem là “nhà văn hóa” hay “đại trí thức” như Nguyên Ngọc & Chu Hảo . Người đầu tiên mang oanh tạc nét về cũng đạo cao đức trọng hổng kém tác giả Luật An Ninh Mạng .

    Hãy học cả Bouda lẫn Iron Felix.

  6. Trích Chu Mộng Long cho phần “nói hươu nói vượn”

    “Sự quanh co nói lời đạo đức, nhân văn một cách dối trá, thậm chí còn có cảm hứng tuôn trào thơ lai láng trong những bài ngụy biện biện hộ của đám trí thức nhà mềnh, chứng tỏ đám cẩu này không còn mang tính người. Sự bào chữa trí trá, đánh tráo ngôn từ, suy đoán lệch lạc của các ông bà nhân ranh đủ thứ cũng cho thấy, không chỉ tình trạng thiếu hiểu biết pháp luật mà còn vô cảm tương đương như đám cẩu kia”

    Tính xác thực của Chu Mộng Long được kết đúc từ đây “Tôi từng tự điều tra chống tham nhũng gần chục năm, mười năm làm thanh tra, chưa phải là nhân viên điều tra nhưng cũng từng thanh tra nhiều vụ phức tạp, đến mức công an điều tra tỉnh cũng phải nể”. Trích thêm “Chưa thể kết được tội không đồng nghĩa với “không thể” kết tội”

    “nhưng rõ ràng anh là một người có bàn tay nghệ sĩ”

    Ừ thì Nguyễn Văn Chưởng làm nai như Thái Hạo làm thơ . “nghệ sĩ”, ừ thì khái niệm “nghệ sĩ” ở VN tương tự như “khoa học”, theo Huy Đức thì “hổng thỉa hiểu theo nghĩa thông thường”

    “vừa đẹp một cách tinh tế, vừa toát ra cái thần thái bí hiểm như thế”

    Ừ thì cũng như thơ Thái Hạo

    “hẳn phải chất chứa trong lòng một năng lượng và sự thôi thúc lớn lao lắm”

    Ở Thái Hạo, nó phát tiết hết trong tác phẩm được giải thưởng Tổng cục các chị . Not much, more like none, left ở những thứ khác

    “tôi như nhìn thấy trong tiếng kêu oan bằng hình ảnh những con hươu của Nguyễn Văn Chưởng, hiện lên cả một không gian văn hóa rộng lớn của nhân loại và cả chiều sâu nguyên thủy của bản năng sống thần bí và mãnh liệt đến rợn người”

    Thái Hạo nên chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật của những killers bên này, gọi là Arts of the Deranged. Thơ của vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường fit rite in

  7. Hề… hề…. Thái Hạo lằng nhằng quá, các cụ đã dạy: NÓI HƯƠU NÓI VƯỢN. Đủ chưa!?

Comments are closed.