Tác giả: Ivan Nechepurenko, Farnaz Fassihi, Victoria Kim và Richard Pérez-Peña
Cù Tuấn, biên dịch
22-7-2023
Nga đã tổ chức các cuộc tập trận thể hiện sức mạnh có thể đánh chìm tàu và ngăn chặn những con tàu có thể chạy qua vùng phong tỏa. Matxcơva cho biết, để Ukraine có thể xuất khẩu ngũ cốc hoạt động trở lại, một danh sách các yêu cầu phải được đáp ứng.
Nga đã tấn công các cảng của Ukraine trong đêm thứ tư liên tiếp hôm thứ Sáu, bắn phá các kho chứa lúa mì ở Odesa và phô trương lực lượng hải quân trên Biển Đen trong một cuộc đối đầu sâu sắc đe dọa một phần quan trọng của nguồn cung lương thực toàn cầu.
Điện Kremlin trong tuần này đã rút khỏi thỏa thuận đã tồn tại một năm qua, cho phép các tàu chở nông sản từ các cảng của Ukraine vượt qua sự phong tỏa của Nga. Nước này bắt đầu bắn phá tập trung các cơ sở được sử dụng để vận chuyển ngũ cốc và dầu ăn qua Biển Đen. Quân Nga cảnh báo rằng, bất kỳ tàu nào cố gắng ghé các cảng Ukraine sẽ bị coi là thù địch và các quốc gia có tàu làm vậy “sẽ bị coi là tham gia vào cuộc xung đột Ukraine theo phe của chế độ Kiev”.
Hôm thứ Sáu 21/7, Nga tiến hành các cuộc tập trận hải quân ở Tây Bắc Biển Đen – phần gần bờ biển mà Ukraine vẫn nắm giữ – khẳng định đề xuất rằng họ có thể bắt giữ hoặc phá hủy các tàu chở hàng của các quốc gia không tham gia chiến đấu. Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố rằng, một tàu tên lửa đã bắn tên lửa hành trình chống hạm và phá hủy một tàu “mục tiêu giả”, trong khi các tàu và máy bay của Hạm đội Biển Đen đã “thực hành cô lập một khu vực tạm thời không cho tàu đi qua” và tiến hành một cuộc diễn tập “để bắt giữ một tàu xâm nhập giả”.
Theo Oleg Kiper, người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự khu vực, các cuộc tấn công bằng tên lửa vào lúc rạng sáng đã phá hủy 100 tấn đậu Hà Lan và 20 tấn lúa mạch tại cảng Odesa. Điều đó xảy ra hai ngày sau khi một cuộc tấn công vào một cảng ngay bên ngoài Odesa, phá hủy 60.000 tấn ngũ cốc được chất lên tàu, chính phủ Ukraine cho biết – đủ để nuôi sống hơn 270.000 người trong một năm, theo Chương trình Lương thực Thế giới.
“Làn sóng tấn công mới vào các cảng của Ukraine có nguy cơ tác động sâu rộng đến an ninh lương thực toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển”, Rosemary DiCarlo, Phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc, phát biểu tại một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an hôm 21/7. “Hơn nữa, như chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố, các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự có thể cấu thành hành vi vi phạm luật pháp quốc tế”.
Giám đốc nhân đạo của Liên Hợp Quốc, Martin Griffiths, đã cảnh báo hội đồng rằng, ngay cả những lời hoa mỹ leo thang cũng đe dọa làm tăng giá lương thực và bất ổn lương thực trên toàn cầu. Giá đã tăng trong tuần này, nhưng không mạnh như khi chiến tranh bắt đầu, và các nhà kinh tế nói rằng tác động có thể đáng kể nhưng không nghiêm trọng vì nguồn cung toàn cầu đã dồi dào hơn. Ukraine đã đẩy mạnh xuất khẩu đường bộ, nhưng việc này hầu như không đủ để bù đắp cho tổn thất của việc không thể vận chuyển qua đường thủy.
Nga sẽ sẵn sàng gia hạn thỏa thuận trên, đại diện của Nga tại cuộc họp của Liên Hợp Quốc cho biết, nhưng chỉ khi các quốc gia khác dỡ bỏ các hình phạt đối với Nga vì đã xâm lược Ukraine 17 tháng trước – là điều khó có thể được đáp ứng.
Hôm thứ Sáu, Ngân hàng trung ương Nga phát đi tín hiệu lo ngại về nền kinh tế của nước này, đặc biệt là lạm phát, khi tăng lãi suất chuẩn thêm một điểm phần trăm lên 8,5% – một mức tăng lớn hơn nhiều so với dự đoán của các nhà phân tích. Ngân hàng trung ương Nga dự báo tăng trưởng kinh tế tương đối tốt ở mức 2,5% trong năm nay, sau khi giảm với tốc độ tương tự hồi năm ngoái. Nhưng sự phục hồi đã được thúc đẩy do chính phủ Nga bơm tiền vào nền kinh tế với chi tiêu quân sự cao hơn hẳn, bao gồm các khoản thanh toán cho binh lính và gia đình của họ, và các chương trình xã hội như trợ cấp vay thế chấp.
Người Nga có nhiều tiền hơn nhưng lại không đủ để chi tiêu, khiến lạm phát tăng, với mức mà Ngân hàng trung ương Nga dự đoán sẽ đạt 5 đến 6,5% trong năm nay. Các biện pháp trừng phạt đã khiến các doanh nghiệp Nga gặp khó khăn hơn trong việc nhập khẩu sản phẩm, bao gồm cả thiết bị sản xuất. Để đối phó với việc phải nhập ngũ, hàng trăm ngàn nam giới đã chạy trốn khỏi Nga, khiến việc thuê nhân công trở nên khó khăn hơn.
Ukraine và Nga từ lâu đã sản xuất phần lớn nguồn cung lương thực toàn cầu — trước chiến tranh, hai quốc gia này chiếm khoảng 1/4 lượng lúa mì và lúa mạch xuất khẩu trên thế giới và một phần lớn dầu ăn, đặc biệt là dầu hướng dương, và Nga là quốc gia cung cấp phân bón lớn nhất. Việc Nga phong tỏa Ukraine và các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga, khiến xuất khẩu của Nga giảm mạnh vào đầu năm ngoái, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt và giá cả tăng vọt trên khắp thế giới, đồng thời đe dọa nạn đói ở một số khu vực, đặc biệt là ở Đông Phi.
Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào tháng 7 năm 2022, cho phép các tàu chở thực phẩm rời các cảng của Ukraine và đưa ra các điều khoản cho phép xuất khẩu nông sản của Nga. Nhưng Điện Kremlin đã phàn nàn rằng các yếu tố mang lại lợi ích cho Nga là không đủ, hoặc không được tôn trọng đủ mức, khiến xuất khẩu giảm và buộc các nhà sản xuất Nga phải bán sản phẩm ra thế giới với giá thấp hơn thị trường – khiến các đối thủ cạnh tranh châu Âu có lợi thế.
Trong nhiều tháng, Matxcơva đã đưa ra một loạt yêu cầu để tiếp tục sáng kiến ngũ cốc: Cho phép ngân hàng nông nghiệp thuộc sở hữu nhà nước của Nga tham gia lại hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT; bảo đảm rằng các công ty bảo hiểm và vận chuyển nước ngoài có thể kinh doanh với các nhà xuất khẩu nông sản của Nga mà không vi phạm lệnh trừng phạt; cho phép Nga tiếp tục nhập khẩu phụ tùng thiết bị nông nghiệp; chấm dứt các biện pháp trừng phạt đối với các nhà sản xuất phân bón của Nga và các giám đốc điều hành của họ; và khôi phục một đường ống dẫn amoniac của Nga đến Odesa.
Phó đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, Dmitry Polyanskiy, cho biết, tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an hôm thứ Sáu, rằng phải có “việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt trên thực tế chứ không phải trên lý thuyết“, đồng thời trích dẫn một số yêu cầu tương tự. “Ngay sau khi tất cả các điều kiện này được đáp ứng, chúng tôi sẽ ngay lập tức gia hạn thỏa thuận ngũ cốc”.
Nhưng các hành động của Nga không chỉ dừng lại ở việc kết thúc thỏa thuận ngũ cốc, đe dọa các hoạt động vận chuyển khác ở Biển Đen và làm tổn hại khả năng vận chuyển lương thực bằng đường biển của Ukraine trong tương lai gần, phóng hết đợt này đến đợt khác tên lửa và tấn công máy bay không người lái vào các cơ sở cảng trong tuần này. Các cuộc tấn công bằng tên lửa và pháo kích của Nga vào các khu vực khác của Ukraine trong đêm đã giết chết 8 người, theo các quan chức Ukraine.
Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen hôm thứ Sáu, Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken nói: “Nga, bằng cách vũ khí hóa lương thực, đang làm một việc thực sự vô lương tâm”.
Tại Matxcơva, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo rằng thỏa thuận ngũ cốc sẽ không được khôi phục trừ khi các yêu cầu của Nga được đáp ứng, và trong thời gian chờ đợi, Nga có thể chặn bắt và kiểm tra các tàu dân sự trên Biển Đen xem các tàu này có chở hàng quân sự hay không.
Hôm thứ Năm 20/7, Nhà Trắng cảnh báo rằng Matxcơva có thể đang chuẩn bị một chiến dịch giả mạo cờ để tấn công các tàu dân sự và đổ lỗi cho Ukraine. Các mối đe dọa này đã làm đình trệ giao thông hàng hải trong khu vực. Dữ liệu theo dõi cho thấy các tàu đang hướng tới Biển Đen đang đậu lại tại các cảng ở Istanbul, chờ xem liệu có thể đạt được thỏa thuận nối lại các chuyến hàng chở ngũ cốc hay không.
Ông Vershinin cho biết chưa có cuộc đàm phán nào được tiến hành, nhưng Tổng thống Nga Vladimir V. Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan dự kiến sẽ sớm thảo luận về vấn đề này.
Ông cáo buộc Ukraine đã lạm dụng hành lang an toàn dành cho tàu chở ngũ cốc để phóng máy bay không người lái tấn công căn cứ hải quân ở Crưm hiện Nga đang chiếm đóng và cây cầu nối Crưm với Nga. Ukraine đã phủ nhận việc sử dụng hành lang an toàn này cho mục đích quân sự.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh, có trụ sở tại Washington, đã viết trong một đánh giá được công bố vào tối thứ Năm rằng “Điện Kremlin có khả năng coi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen là một trong số ít con đường đòn bẩy còn lại của họ chống lại phương Tây”. Tờ báo nói thêm rằng Nga đang “cố gắng tạo ra cảm giác cấp bách bằng cách tiến hành các cuộc tấn công tăng cường nhằm vào các cảng và cơ sở hạ tầng ngũ cốc của Ukraine, đồng thời đe dọa tấn công các tàu dân sự”.
Nước Nga tỏ ra bất ổn kể từ tháng trước, với cuộc binh biến thất bại của nhóm lính đánh thuê Wagner chống lại giới lãnh đạo quân đội, khiến một số chỉ huy hàng đầu bị cách chức và đặt câu hỏi về cái được coi là bàn tay sắt của ông Putin.
“Đối với nhiều người Nga theo dõi điều này, đã quen với hình ảnh Putin là người phán xử, câu hỏi đặt ra là, ‘Hoàng đế đang cởi truồng sao?’” William J. Burns, giám đốc CIA, nói với Diễn đàn An ninh Aspen vào thứ Sáu, trong những bình luận công khai rộng rãi nhất của ông về cuộc binh biến. “Hoặc, ít nhất là câu hỏi, ‘Tại sao Hoàng đế mặc quần áo lâu thế?’”
Ông Burns cho biết, ông mong đợi ông Putin cuối cùng sẽ trừng phạt thủ lĩnh Wagner, Yevgeny V. Prigozhin, người vẫn đang tự do và bình an vô sự.
Igor Girkin, một nhà bình luận Nga theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, từng là người ủng hộ chiến tranh, đã chỉ trích ông Putin về cách thức tiến hành cuộc xâm lược, đã bị bắt hôm thứ Sáu. Việc này gióng lên hồi chuông cảnh báo, rằng một hình thức bất đồng chính kiến công khai mà chính phủ đã cho phép, có thể không còn được phép nữa. Các công tố viên buộc tội Girkin đã kêu gọi công khai người dân tham gia vào các hoạt động cực đoan. Girkin có thể bị phạt tới 5 năm tù và công tố viên yêu cầu tòa án Matxcơva tạm giam ông ta trước khi xét xử.
Belarus, đồng minh thân cận nhất của Nga, đã tiếp nhận một số chiến binh Wagner trong vài tuần qua và họ đang huấn luyện các binh sĩ hoạt động đặc biệt của Belarus, chính phủ Belarus cho biết hôm thứ Năm. Địa điểm huấn luyện chỉ cách Ba Lan, một thành viên NATO có sự ngờ vực sâu sắc đối với cả Belarus và Nga, có 3 dặm (4.8km).
Đáp lại, Ba Lan cho biết hôm thứ Sáu rằng, họ sẽ di chuyển lực lượng quân sự đến gần biên giới với Belarus. Đáp lại, Putin đả kích Ba Lan, nói rằng Nga sẽ đáp trả “việc xâm lược” Belarus “bằng mọi phương tiện mà chúng tôi có”.