Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine nói ‘Chúng tôi không cần Nga’ để có thể nối lại việc vận chuyển các lô hàng ngũ cốc

Time

Tác giả: Simon Shuster Sam Jacobs

Cù Tuấn, biên dịch

20-7-2023

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết, Ukraine sẵn sàng khởi động lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc, bất chấp lệnh phong tỏa hải quân của Nga ở Biển Đen, khi quân Nga phóng một loạt tên lửa mới vào các cảng của Ukraine, nơi xuất phát nhiều lô hàng ngũ cốc.

Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận bất kỳ rủi ro nào”, Kuleba cho biết trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với TIME một ngày sau khi Nga đình chỉ tham gia Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, vốn cho phép nguồn cung cấp ngũ cốc khổng lồ của Ukraine tiếp cận thị trường toàn cầu, bất chấp cuộc chiến tranh đang diễn ra của Nga chống lại Ukraine. “Tôi nghĩ thông điệp của chúng tôi với thế giới chỉ đơn giản là: Chúng tôi không cần Nga”.

Tuyên bố của Kuleba cho thấy, Kiev sẵn sàng chỉ trích Matxcơva trong bối cảnh bế tắc ở Biển Đen, có khả năng tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc bất chấp nguy cơ Nga tấn công các tàu chở hàng dân sự. Với giá ngũ cốc tăng đột biến trên toàn thế giới, việc này cũng làm nổi bật lợi ích của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc, những bên đã môi giới cho thỏa thuận ngũ cốc vào năm ngoái.

Hôm thứ Hai 17/7, sau khi rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc, Điện Kremlin đã cảnh báo rằng, các tàu chở hàng phải đối mặt với “những rủi ro nhất định” khi rời các cảng Ukraine ở “ngay khu vực chiến sự”. Nếu các chuyến hàng tiếp tục mà không có thỏa thuận chính thức liên quan đến Nga, thì “những rủi ro này cần được tính đến”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm 17/7.

Hôm thứ Tư 19/7, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng, bất kỳ tàu nào đi đến các cảng của Ukraine sẽ được coi là có “tiềm năng vận chuyển hàng hóa quân sự”, trong khi các quốc gia chịu trách nhiệm về các chuyến hàng này sẽ được coi là “tham gia” vào cuộc chiến theo phe của Ukraine.

Trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Ba với TIME tại thành phố New York, Kuleba thừa nhận nguy cơ một tàu thương mại chở hàng ngàn tấn ngũ cốc có thể bị “đắm chìm do một quả mìn của Nga hoặc một tên lửa của Nga”.

Đây có phải là rủi ro mà bạn sẵn sàng gánh trên vai? Đây là câu hỏi mà những người ở đây tại trụ sở [Liên Hợp Quốc] và ở Ankara phải trả lời,” Kuleba nói tại phái bộ Ukraine tại Liên Hợp Quốc. “Chúng tôi không muốn đặt tính mạng của bất kỳ ai vào tình huống nguy hiểm sau quyết định của chúng tôi”, ông nói thêm. “Nếu bạn hỏi chúng tôi, bạn đã sẵn sàng thử nghiệm nó chưa? Chúng tôi đã sẵn sàng. Nhưng chúng tôi phải tham gia với những người khác để giảm thiểu rủi ro”.

Lần cuối cùng Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen vào cuối tháng 10, Ukraine cũng tuyên bố sẽ tiếp tục các chuyến hàng với sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc. Trong vòng vài ngày, Nga đã rút lui và quay lại với thỏa thuận, cho phép xuất khẩu trở lại. Lần này, Kuleba nói, kiểu chính sách bên miệng hố chiến tranh tương tự có thể không thay đổi lập trường của Nga dễ dàng như vậy. “Nó đã xảy ra một lần. Chúng tôi sẽ xem liệu nó có hoạt động trở lại hay không”, ông nói. “Tôi không thấy điều đó xảy ra”.

Đối với Nga, Kuleba cho biết, dường như có rất ít lợi thế khi quay trở lại thỏa thuận. Sự gián đoạn xuất khẩu của Ukraine gần như chắc chắn sẽ khiến giá ngũ cốc tiếp tục tăng vọt trên thị trường toàn cầu. Giá lúa mì, ngô và đậu tương đều tăng vào thứ Hai 17/7 sau thông tin Nga quyết định không gia hạn thỏa thuận. Giá lúa mì giao theo kỳ hạn tăng 3%, làm dấy lên mối lo ngại mới về tình trạng thiếu lương thực và lạm phát, đặc biệt là ở các vùng của Châu Phi và Châu Á phụ thuộc vào nguồn cung cấp ngũ cốc của Ukraine. Giá lúa mì toàn cầu đã tăng tới 9% vào thứ Tư 19/7 sau tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga.

Kuleba nói rằng Nga sẽ được hưởng lợi từ những bước phát triển này. “Bằng cách chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc, họ đã làm một công được đôi việc.” Động thái này không chỉ đe dọa nguồn doanh thu quan trọng đối với nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá của Ukraine, mà còn mở ra cơ hội cho Nga bán ngũ cốc của mình với giá cao hơn trên thị trường toàn cầu. Ông nói: “Đằng sau tất cả trò chơi mập mờ về ngoại giao này, người Nga chỉ đang cố gắng kiếm nhiều tiền hơn”.

Trong một tuyên bố hôm thứ Ba, Bộ Quốc phòng Nga nói rằng làn sóng tấn công tên lửa mới nhất của họ vào hai thành phố cảng của Ukraine, Odesa và Mykolaiv, là “một cuộc tấn công trả thù hàng loạt” nhằm đáp trả một vụ nổ làm hư hại cây cầu của Nga nối với Crưm, khu vực Ukraine bị Nga chiếm đóng từ năm 2014.

Ukraine chưa nhận trách nhiệm về vụ tấn công cây cầu nhưng các quan chức ở Kiev coi đây là mục tiêu hợp pháp, vì Nga sử dụng nó để tiếp tế cho các lực lượng quân sự tham gia vào cuộc xâm lược Ukraine. Mykhailo Podolyak, cố vấn của Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho biết: “Bất kỳ cấu trúc bất hợp pháp nào được sử dụng để cung cấp các công cụ giết người hàng loạt của Nga nhất thiết chỉ được tồn tại trong thời gian ngắn”.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Tp Hồ Chí Minh đổi tên thành Saigon, dẹp sạch tượng Bác & nói Hà Nội cút đi .

    Lơ Huyền Ái Mỹ, Nguyễn Thùy Dương, Mạc Văn Trang, Nguyễn Ngọc Chu … sẽ khóc rống lên

    Ông bộ trưởng này hỗn quá .

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây