Vatican và Việt Nam đạt bước tiến quan trọng trong quan hệ

Reuters

Tác giả: Philip Pullella Francesco Guarascio

Cù Tuấn, biên dịch

16-7-2023

Khách hành hương từ Việt Nam ôm tượng Đức Mẹ trong buổi cầu nguyện kính Đức Mẹ do Giáo hoàng Francis chủ sự tại quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican, ngày 8 tháng 10 năm 2016. Ảnh: Reuters

VATICAN CITY/HÀ NỘI, ngày 16 tháng 7 (Reuters) – Vatican và Việt Nam sắp thực hiện một bước quan trọng hướng tới việc cải thiện mối quan hệ căng thẳng kéo dài của họ bằng cách hoàn tất một thỏa thuận, trong đó Hà Nội sẽ cho phép Tòa thánh có một đại diện thường trú tại quốc gia này, theo các nguồn tin.

Thỏa thuận này có thể sẽ được công bố trong chuyến thăm Vatican vào cuối tháng này của Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng, theo một quan chức cấp cao của Vatican và một nhà ngoại giao ở Hà Nội quen thuộc với vấn đề này.

“Chúng tôi hy vọng rằng điều này sẽ đánh dấu một bước ngoặt”, quan chức cấp cao của Vatican nói với Reuters. Vatican đã yêu cầu Hà Nội cho phép một đại diện giáo hoàng thường trú trong hơn 10 năm qua. Một thỏa thuận về nguyên tắc đã đạt được vào năm ngoái.

Cả hai nguồn tin cho biết họ mong đợi vị Chủ tịch nước sẽ được Giáo hoàng Francis tiếp đón. Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa Giáo hoàng và một Chủ tịch nước Việt Nam kể từ khi ông Trần Đại Quang đến thăm vào năm 2016.

Có gần 7 triệu người Công giáo ở Việt Nam, chiếm khoảng 6,6% của dân số 95 triệu người.

Việt Nam cắt đứt quan hệ với Vatican sau khi những người cộng sản thống nhất đất nước này vào cuối Chiến tranh Việt Nam năm 1975. Vào thời điểm đó, chính quyền Việt Nam coi Giáo hội Công giáo ở Việt Nam quá thân thiết với cựu thực dân Pháp.

Đại diện hiện tại của Giáo hoàng tại Việt Nam, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, có trụ sở tại Singapore, nơi ông là Sứ thần Tòa thánh (đại sứ). Ông được phép thỉnh thoảng sang thăm và làm việc tại Việt Nam với sự chấp thuận của chính phủ Việt Nam.

Theo UCA, một hãng tin Công giáo độc lập chuyên về châu Á, chính phủ Việt Nam đã đặt ra những hạn chế nhất định đối với các hoạt động của Công giáo, chẳng hạn như số lượng giáo xứ.

Hiến pháp của Việt Nam cho phép tự do tôn giáo và các phương tiện truyền thông của chính phủ đã bác bỏ những lời chỉ trích từ các nhóm như Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Mỹ, một cơ quan giám sát của quốc hội Mỹ đã xếp Việt Nam vào danh sách “các quốc gia cần quan tâm đặc biệt”.

Việc thành lập một đại diện giáo hoàng thường trú tại Việt Nam có thể dẫn đến một quan hệ ngoại giao đầy đủ. Nhưng bước đi này có thể mất nhiều năm, do nhóm làm việc chung mà đã đưa ra thỏa thuận mới nhất, đã bắt đầu hoạt động từ năm 2009.

Vatican, một thành phố-quốc gia có chủ quyền được Rome bao quanh, có quan hệ ngoại giao với khoảng 180 quốc gia.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Muốn quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vatican thêm cởi mở và thông suốt thì Đức Giáo Hoàng nên phong Hồng Y cho ngài Nguyễn Hữu Long.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây