Vụ “giải cứu” – Đâu rồi tiếng nói phản biện?

Hiệu Minh

15-7-2023

Vụ án “chuyến bay giải cứu” và tới đây là “kit test” chỉ là sự tiếp nối của những vụ án khủng trước đó, vụ sau khủng hơn vụ trước. Riêng “chuyến bay giải cứu” liên quan tới “hệ thống chính trị vào cuộc” đủ các bộ, ngành, từ thấp đến cao.

Đau nhất là những kẻ này thản nhiên chiếm đoạt tiền bạc của dân trong tai họa Covid-19. Chưa thấy nước nào xử vụ án hậu Covid như thế này.

Mấy năm trước có hai ông Bộ trưởng Bộ 4T một thời oanh liệt, “chém” bao nhà báo và cây viết vì dám trái lời, nhiều vị tướng Công an, tướng hải quân, tướng quân đội, một thời thét ra lửa. Nhưng hôm nay họ không có dịp đọc bài viết kiểu này như họ từng không thèm nghe phản biện khi có quyền tiền trong tay.

Thảm họa cá nhân và thảm họa quốc gia bởi quyền lực không được kiểm soát, tai điếc, mắt mù vì tiền, và một phần cũng vì không có đất cho phản biện. Báo chí ủng hộ những gì chính quyền làm cho tới một hôm mới biết báo viết…sai.

Từ khi về hưu tôi có dịp gặp kha khá những trí thức Hà Nội, Sài Gòn, bên tây, bên ta, với kiến thức đầy mình nhưng không biết đổ vào đâu. Nhiều người trong số họ than thở muốn đóng góp cho cái chung mà đành chịu, im lặng cho lành.

Nhớ 14 năm trước (2009) khi tôi viết Entry “IDS – Khi trí thức từ chức” nói về sự kiện Viện IDS bị giải thể. Được thành lập từ năm 2007, IDS là Viện Nghiên cứu Phát triển (Institute of Development Studies – IDS) nghiên cứu chính sách tư nhân độc lập đầu tiên kiểu Think Tank ở Việt Nam. Chỉ trong thời gian ngắn IDS đã thu hút nhiều sự chú ý của giới quan tâm chính trị – thời sự trong và ngoài nước.

Ban đầu IDS (2007) có 9 thành viên là các vị: Hoàng Tụy, Nguyễn Quang A, Phạm Chi Lan, Lê Đăng Doanh, Chu Hảo, Tương Lai, Phan Huy Lê, Trần Đức Nguyên, Trần Việt Phương, và sau thêm Vũ Quốc Huy, Nguyên Ngọc, Nguyễn Trung, Phan Đình Diệu, Vũ Kim Hạnh, Phạm Duy Hiển, Huỳnh Sơn Phước. Ảnh trên mạng

Viện IDS với tư cách một tổ chức độc lập, không có cơ quan chủ quản, chỉ hoạt động theo luật vừa là tổ chức mở, độc lập, phi vụ lợi, hoạt động dựa trên cơ sở cạnh tranh.

IDS kỳ vọng sẽ phát triển thành một viện nghiên cứu chính sách lớn mạnh ở Việt Nam trong việc thực hiện các nghiên cứu và cung cấp dịch vụ về chiến lược, kế hoạch phát triển cho các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các cá nhân trong cũng như ngoài nước.

Viện muốn đào xới vấn đề hoạch định chính sách lên, khuấy động thành một phong trào, để tất cả những người dân, trí thức, đặc biệt các trí thức trẻ có thể hiểu được, có thể tham gia phản biện, cảnh báo.

Hoạt động được một số năm sôi nổi và hiệu quả, những seminar đầu tiên khác lạ với kiểu thông thường, phản biện về nhiều chính sách từ ngân hàng, giáo dục, y tế, nông nghiệp, công nghệ đến kinh tế vĩ mô hay xã hội hóa. Có hội thảo bị ngừng vì lý do “mất điện”.

Thời Thủ tướng Dũng không thích nghe lời trái chiều, mọi lời bị bỏ ngoài tai, chỉ có ông X luôn luôn đúng, coi phản biện là thứ dân chủ giả hiệu, ông ra quyết định để IDS “biết điều” mà tự giải thể.

Kể từ đó (2009), tiếng nói của trí thức ít dần, sự im lặng của họ “giúp” cho những kẻ cơ hội ngoi lên, tham nhũng lạm quyền tung hoành. Nhiều “mẻ củi đốt lò” nhưng tham nhũng lạm quyền không hề thuyên giảm.

Sự cảnh báo của giới trí thức tinh hoa và doanh nhân, nếu được lắng nghe, quốc gia tránh được thảm họa. Chỉ giữ xung quanh mình những kẻ xu nịnh nhằm kiếm lợi cho bản thân và gia đình thì một ngày nào đó, người đào mồ chôn chính là đồng chí của mình hôm trước. Vụ án “giải cứu” là một ví dụ.

Think Tank được coi là phản động ở Việt Nam, tổ chức dân sự cũng thế. Khi chưa hiểu thấu đáo về vai trò và giá trị của họ mang lại, thì các quan lớn tiếp tục vào tù, bởi không có ai dám chỉ ra cái sai. Quan trọng không phải là VIP bị bắt (rất xứng đáng do trộm cắp tầm quốc gia) mà đất nước trì trệ, lòng tin xói mòn, thiệt hại không thể cân đong đo đếm. Đợi sai mới bắt thì quá muộn, damage is done.

Đã tới lúc nên cho những tổ chức như IDS hoạt động, những trí thức về hưu, doanh nhân giải nghệ, có nơi để đóng góp trí tuệ cho sự phát triển quốc gia thay vì im lặng.

Nhớ thời IDS, TS. Jonathan Pincus, Kinh tế gia Trưởng của UNDP tại Việt Nam từng nói “Mỗi một quốc gia cần nhiều tiếng nói khác nhau cho sự phát triển, miễn là các tiếng nói đó là khách quan, có cơ sở khoa học và xây dựng”.

14 năm qua IDS đã ra đi, không còn nghe được tiếng tơ lòng của họ, nhiều người đã khuất bóng, số còn lại im lặng xem cảnh VIP ra tòa.

Xin nhắc lại câu tôi viết 14 năm trước “Tiếng quát của kẻ thất phu không đáng sợ, đáng sợ hơn là sự im lặng của những nhà hiền triết”.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

Comments are closed.