Trò hề Hội đồng trường

Ngô Huy Cương

15-7-2023

Ảnh: FB tác giả

Hôm qua trường tôi họp toàn thể cán bộ, giáo viên và nhân viên để bầu ra cái gọi là “Hội đồng trường lâm thời” một cách gấp gáp, vì việc thực hiện pháp luật sau khi nâng cấp từ Khoa Luật lên thành Trường Đại học Luật (trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) đã bị trì hoãn rất lâu chỉ bởi hai ông phó hiệu trưởng không thỏa thuận được với nhau ai sẽ là chủ tịch hội đồng trường, trong khi cấp trên cũng mặc kệ không quyết.

Khi cuộc họp “dân chủ” bắt đầu thì chúng tôi mới biết, mọi việc đã được sắp xếp hết cả rồi.

Ngoài số lượng bắt buộc theo quy định (bao gồm hiệu trưởng, các đồng chí trong thường vụ đảng ủy, chủ tịch công đoàn, đại diện người học và 02 người do cấp trên phái xuống) trong số 15 thành viên hội đồng trường, còn lại 08 thành viên đại diện cho toàn thể cán bộ, giáo viên và nhân viên trong hội đồng do toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường bầu lên.

Điều lạ lùng là Hiệu trưởng đưa ra danh sách 08 người toàn là cán bộ chủ chốt của trường bao gồm các đồng chí trưởng phòng, các đồng chí trưởng khoa (có nghĩa là đứng đầu các đơn vị hành chính trong trường).

Vậy hội đồng trường có tác dụng gì, có vai trò gì trong khi hầu hết các thành viên hội đồng trường là những người vừa ra quyết sách vừa thi hành luôn (mà thiên hạ gọi là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”?

Họp đội đồng trường khác gì họp cán bộ chủ chốt của trường bây giờ? Vẽ ra hội đồng trường vừa tốn kém và vừa gây rắc rối về quy trình làm việc?

Họ làm như vậy là chống lại chủ trương lớn của Đảng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tóm tắt ngắn gọn là “thiết kế cái lồng để nhốt quyền lực”.

Họ làm như vậy để vô hiệu hóa cơ chế mà pháp luật quy định.

Khi tôi phản đối, thì được giải thích: các trường đại học đều làm như vậy.

Lưu ý này:

Cơ chế hội đồng trường được thiết kế không phải chỉ để củng cố cho tổ chức hoạt động có hiệu quả đơn thuần đâu, mà còn hướng tới vấn đề an nguy của đất nước đấy, ví dụ trong trường hợp hiệu trưởng trở cờ theo nước ngoài (như theo Nga hay Trung Quốc hay Phương Tây…) phản bội lợi ích của đất nước thì sao! Vì mục đích đó, họ mới đưa ra tiêu chuẩn chủ tịch hội đồng trường phải là bí thư đảng ủy?

Thử nghĩ xem: các vị trí cán bộ chủ chốt trong trường đều do bàn tay hiệu trưởng thu xếp, rồi lại ngồi trong hội đồng trường thì hội đồng trường hoạt động kiểu gì? chưa kể đến mấy bữa nữa, hiệu trưởng hết hai nhiệm kỳ, nhảy sang làm chủ tịch hội đồng trường, thì hiệu trưởng mới còn là “cái đinh gỉ” gì nữa? Bài học nhãn tiền ở trường bên cạnh (nghe thế) không lẽ Đại học Quốc gia Hà Nội chưa rõ sao?

Tôi xin thưa với các đồng chí có trách nhiệm trong Đại học Quốc gia Hà Nội rằng: Có hai loại người thi hành pháp luật: thiện tâm; và bất thiện tâm.

Kẻ thi hành pháp luật bất thiện tâm là kẻ chỉ nhăm nhe tìm ra những kẽ hở của pháp luật để luồn lách, biện minh cho những ý đồ không lành mạnh của mình. Cái này không lẽ Ban giám hiệu của Trường Đại học Luật- Đại học Quốc gia Hà Nội không biết?

Đáng tiếc là những người thiết kế ra cơ chế, làm ra pháp luật lại không theo dõi, kiểm tra, giám sát xem cơ chế và pháp luật mình tạo ra bị lạm dụng và bị thi hành bất thiện tâm như thế nào!

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây