Đỗ Kim Thêm
10-7-2023
Với cuộc tấn công của Nga tại Ukraine, vai trò của Tổ chức Minh ước Bắc Đại Tây Dương (North Atlantic Treaty Organization, NATO) như là một liên minh phòng thủ đã được thảo luận sôi nổi. Vấn đề là khối NATO, kể từ khi thành lập cho đến nay, đã có các chiến lược phát triển nào ở Đông Âu và từ khi cuộc chiến Ukraine bùng nổ, thay đổi ra sao?
Chống Liên Xô
Trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh khởi đầu, Liên Xô đã công khai cạnh tranh với Hoa Kỳ và các quốc gia châu Âu để giành quyền lãnh đạo tối thượng về chính trị và kinh tế. Để tự bảo vệ trước sự bành trướng của Liên Xô, khối NATO được thành lập vào năm 1949 với mười hai quốc gia. Là một liên minh quốc phòng, mục đích chính của khối NATO nhằm “đảm bảo tự do và an ninh cho các thành viên bằng các biện pháp chính trị và quân sự.”
Cộng hòa Liên bang Đức không phải là một trong những quốc gia sáng lập. Tuy nhiên, về sau, nước Đức bị chia cắt đã nhanh chóng phát triển thành đấu trường chính của cuộc xung đột Đông-Tây. Do đó, cuối cùng, vào năm 1955, các đồng minh phương Tây đã cho Đức gia nhập khối NATO, với mục đích là để ràng buộc Đức trong một liên minh quân sự.
Hiện nay, Liên minh này quy tụ được 31 quốc gia thuộc châu Âu và Bắc Mỹ, thành viên mới nhất là Phần Lan tham gia từ tháng 4/2023. Kể từ năm 2014, ông Jens Stoltenberg, người Na Uy, đảm nhiệm chức vụ Tổng Thư ký.
Để phản ứng trước tình thế khi khối NATO khởi đầu hoạt động, Liên Xô cũng thành lập khối Hiệp ước Warsaw, một Liên minh quân sự gồm có các nước Đông Âu cũng với mục tiêu tương tự.
Chiến dịch Đông tiến
Sau khi Liên Xô và Khối Hiệp ước Warsaw sụp đổ năm 1991, tầm quan trọng về chiến lược phòng thủ chung của liên minh quân sự không còn. Khối NATO đã nhanh chóng thay đổi các khái niệm cơ bản, từ một hệ thống phòng thủ tập thể chuyển sang thành một hệ thống an ninh tập thể.
Tình thế đổi thay làm cho các nước Đông và Trung Âu, với những trải nghiệm như là chư hầu của Liên Xô, mong tìm kiếm sự che chở về an ninh chung cho toàn khu vực.
Trong chiều hướng này, khối NATO đem lại đúng lúc một viễn cảnh hấp dẫn, thúc đẩy cho sự phát triển theo hướng của mô hình dân chủ tự do, kinh tế thị trường và ổn định chính trị. Do đó, hầu hết các quốc gia Trung và Đông Âu đều mong muốn được gia nhập vào khối NATO.
Không bao lâu sau, Cộng hòa Séc và Hungary gia nhập khối NATO năm 1999; Bulgaria, Estonia, Latvia, Lithuania, Romania, Slovakia và Slovenia cũng tiếp tục tham gia năm 2004.
Đe doạ Nga?
Năm 1990, Cộng hòa Liên bang Đức và Cộng hòa Dân chủ Đức tham gia đàm phán về vấn đề thống nhất nước Đức trong khuôn khổ Hiệp ước Hai cộng bốn. Bốn nước Pháp, Liên Xô, Anh và Hoa Kỳ cũng tham gia trong khuôn khổ hợp tác này.
Trong khi đó, các nước phương Tây thành lập một Hội đồng NATO – Nga nhằm vào việc tạo điều kiện cho một số sĩ quan quân đội Nga có thể tham dự các cuộc họp của khối NATO. Qua mối quan hệ này, Nga hy vọng sẽ có nhiều hơn các hợp tác mới.
Vào đầu những năm 1990, Ngoại trưởng Hoa Kỳ James Baker đã nói với người đồng cấp Nga rằng khối NATO sẽ không mở rộng và việc này chưa bao giờ có một văn bản thỏa thuận.
Có những lời tuyên bố riêng biệt của các nhà ngoại giao phương Tây khác cũng theo chiều hướng này, nhưng một cam kết như vậy không nằm trong chương trình nghị sự và là chủ đề của một tương thuận.
Khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton thảo luận vấn đề này với Tổng thống Nga Boris Yeltsin, trong thực tế, đã có sự chấp nhận miễn cưỡng của Nga đối với việc mở rộng của khối NATO, nhưng các kỳ vọng của cả hai bên đều khác nhau.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Bucharest năm 2008, khối NATO quyết định về những thành viên tiềm năng trong tương lai, bao gồm Ukraine và Georgia, đây chỉ đơn giản là xác nhận những kỳ vọng tồi tệ nhất của Putin về phương Tây.
Quyết định này của khối NATO năm 2008 có thể sai lầm, tuy nhiên, sự thay đổi thái độ của Putin đã có trước đó, mà bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich năm 2007 là một thí dụ. Putin chua chát về thái độ của phương Tây trước khi Hội nghị Thượng đỉnh Bucharest tiến hành.
Ngay sau khi Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Bucharest kết thúc, Pháp và Đức thông báo rằng sẽ phủ quyết tư cách thành viên của Ukraine trong khối NATO.
Do đó, khả năng mở rộng và đe doạ Nga của khối NATO chỉ là một trong một số nguyên nhân trung gian, không nhất thiết nên xem là chủ yếu và cực kỳ nghiêm trọng.
Ngược lại, có các lối giải thích khác hơn để bảo vệ cho quan điểm gây hấn của Putin. Nhìn chung trong toàn cảnh địa chiến lược, Putin có cảm tưởng là khối NATO đang thắng thế và ngấm ngầm đe doạ Nga. Đó là một lý do chính đáng để cho Putin có cơ sở hành động ngăn chận.
Can thiệp quân sự
Là một liên minh phòng thủ chung, hoạt động ưu tiên của khối NATO nhằm đem lại một biện pháp phòng ngừa cho nền hòa bình và an ninh mà Điều 5 của Hiệp Ước quy định cụ thể. Khi một quốc gia đồng minh bị tấn công, các đồng minh khác sẽ cam kết bảo vệ. Trong trường hợp này xảy ra, Hội đồng NATO sẽ quyết định, có nghĩa là, tất cả các nước trong khối.
Trong những năm 1990, sự thay đổi quan điểm chiến lược đầu tiên đặc biệt là rõ ràng trong các hoạt động ngoài khu vực (out of area) của khối NATO ở Bosnia và Herzegovina (IFOR) và Kosovo (Chiến dịch Lực lượng Đồng minh và KFOR). Các cuộc không kích của khối NATO để chấm dứt chiến tranh Kosovo đã được thực hiện mặc dù thiếu sự ủy nhiệm từ Hội đổng Bảo an Liên Hiệp Quốc
Sau cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001, biện pháp can thiệp quân sự chính thức của khối NATO là “Chiến dịch Tự do Bền vững” ở Afghanistan vào tháng Mười cùng năm.
Tuy nhiên, các diễn biến bất thường này của khối NATO cũng đã gây ra những tranh chấp nội bộ khá gay gắt về việc định hướng nhiệm vụ mới.
Sau nhiều tranh luận, cuối cùng, khối NATO đồng thanh xác định ba khuôn khổ nhiệm vụ trong tình hình mới là:
– Phòng thủ tập thể theo Điều 5 của Minh ước Bắc Đại Tây Dương (trường hợp liên minh),
– Quản lý khủng hoảng chính trị và quân sự, và
– Hợp tác an ninh với các nước thứ ba
Thay đổi cục diện Đông Âu
Năm 2014, Nga sáp nhập bán đảo Crimea và hậu thuẫn cho một cuộc chiến ở miền đông Ukraine. Hành vi này đã chứng minh là Nga vi phạm luật quốc tế và làm suy yếu nền trật tự hòa bình tại châu Âu sau năm 1990. Do đó, các nước Baltic và Ba Lan cảm thấy bị đe dọa, đặc biệt nhất là khi Nga tổ chức các cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn với khoảng 100.000 quân dọc biên giới.
Sau đó, tại các cuộc Hội nghị Thượng đỉnh Wales (2014) và Warsaw (2016), khối NATO đã đặt lại việc bảo vệ lãnh thổ các quốc gia thành viên trong bối cảnh nguy cơ mới và quyết định đề ra một sáng kiến hỗ trợ mệnh danh là “Tăng cường sự hiện diện tiền phương.” (Enhanced Forward Presence).
Kết quả là bốn lực lượng tác chiến đã đóng quân tại Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan. Hoạt động của bốn đội quân này nhằm bảo vệ cạnh sườn phía Đông trong khu vực và tăng cường khả năng răn đe Nga.
Tuy nhiên, nhìn chung, quy mô của các hoạt động này chỉ giới hạn dưới 5.000 quân. Do đó, biện pháp này chủ yếu là nhằm cảnh báo cho Nga về tinh thần tự vệ, nhưng cũng không vì thế mà kết luận là đe doạ tấn công Nga một cách quá nghiêm trọng.
Sau khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2/2022, tình hình an ninh khu vực đã thay đổi triệt để. Khối NATO công khai lên án Nga và ủng hộ các biện pháp trừng phạt của phương Tây áp đặt cho Nga. Tuy nhiên, do Ukraine không phải là thành viên, nên khối NATO không thể trực tiếp can thiệp bằng biện pháp quân sự.
Đứng trước tình hình thay đổi, để nhằm để kịp thời chống lại các mối đe dọa, khối NATO đã đề ra các kế hoạch phòng thủ và tăng cường việc bảo vệ cạnh sườn ở phía Đông, bằng cách tái phối trí Lực lượng Phản ứng thuộc khối NATO (NATO Response Force, NRF). NRF gồm có bộ binh, không quân, hải quân và đặc nhiệm với khoảng 50.000 binh sĩ, trong đó Đức cung cấp 13.700 binh sĩ. Cho đến nay, có khoảng 40.000 binh sĩ đang sẵn sàng ứng chiến ở các vùng lãnh thổ từ Estonia ở phía bắc cho đến Romania trên Biển Đen.
Mở rộng lực lượng
Tại cuộc Hội nghị Thượng đỉnh cuả khối NATO ở Madrid vào ngày 29/6/2022, 30 quốc gia thành viên đã quyết định đề ra một mô hình mới cho lực lượng vũ trang để tăng cường phòng thủ tại cạnh sườn phía Đông. Các lực lượng chiến đấu đa quốc gia hiện nay sẽ được mở rộng đến cấp lữ đoàn. Một lữ đoàn thông thường gồm có khoảng 3.000 đến 5.000 binh sĩ. Ví dụ như đơn vị của Lithuania bao gồm 1.600 binh sĩ.
Tháng 6/2023, Đức tuyên bố sẽ lãnh đạo lữ đoàn chiến đấu với khoảng 4.000 người và sẽ đồn trú thường trực ở Lithuania. Chính phủ Lithuania hứa là đến năm 2026 sẽ xây dựng xong các cơ sở hạ tầng để nhằm phục vụ cho các trại gia binh của Đức.
Tình hình ngày càng bất ổn, khi toán quân đánh thuê Wagner đang dần chuyển sang lãnh thổ nước Belarus, nên các đơn vị quân đội cần phải tái phối trí. Quân đội Đức đã hiện diện tại Lithuania từ năm 2017, hiện nay có khoảng 800 binh sĩ. Biện pháp này sẽ làm cho Lithuania trở thành một căn cứ quân sự lớn nhất của Đức ở nước ngoài.
Cho đến khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, nhìn chung về mặt địa lý, Đức từ một nước đứng ở vị thế trung tâm, nay thuộc về cạnh sườn ở phía Đông. Do đó, Đức đang nhận ra tầm quan trọng trong việc hợp tác quân sự với các nước Baltic mà việc đồn trú ở Lithuania được coi như là một biểu tượng chiến lược quan trọng.
Trong tương lai, khối NATO cũng muốn đặt các binh sĩ luôn trong tình trạng sẵn sàng ứng chiến. Để đạt được mục tiêu này, lực lượng NRF sẽ được tân trang.
Theo kế hoạch dự trù, số lượng quân sẽ tăng từ 40.000 lên hơn 300.000. Những binh sĩ này hiện nay đang được đặt dưới quyền chỉ huy của từng quốc gia, nhưng trong trường hợp khẩn cấp, có thể được yêu cầu thuộc quyền điều động chung của vị Tổng tư lệnh quân đội khối NATO.
Xác định thời gian sẵn sàng ứng chiến cũng sẽ là một vần đề. Các chi tiết về tình trạng này sẽ được đặt ra trong các kế hoạch phòng thủ và sẽ chung quyết vào năm tới.
Đức và khối NATO
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO Praha (2002) và Warsaw (2014), các nước đã đồng ý về mức đóng góp ngân sách quốc phòng là tương ứng với khoảng 2% của tổng sản phẩm quốc nội.
Trong quá khứ, Đức cùng với một số nước thành viên khác đã không đạt được mục tiêu này, mặc dù ngân sách quốc phòng đã tăng lên trong những năm gần đây. Tuy nhiên, Quân đội Đức đã bị thu hẹp hoạt động trong 20 năm qua, không có các khoản đầu tư mới đáng kể và mức độ trang thiết bị còn rất tệ hại. Trong nhiều năm, việc đóng góp khiếm khuyết này của Đức đã bị các đồng minh chỉ trích, nhưng gay gắt nhất là Cựu Tổng thống Donald Trump, khi ông đe doạ là Mỹ sẽ rút ra khỏi khối NATO.
Khi Nga xâm lược Ukraine, thái độ của Đức đã thay đổi đáng kể. Hiện nay, tình trạng quân trang và quân dụng của Đức được cải thiện khá nhiều nhờ vào việc một quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ euro đã được Hiến pháp chấp thuận. Năm 2024, chi tiêu quốc phòng dự kiến sẽ tăng thêm từ 1,7 tỷ euro lên mức kỷ lục là 51,8 tỷ euro, trong đó với 19,2 tỷ euro trích từ quỹ đặc biệt. Bằng cách này, phần đóng góp của Đức cho khối NATO có thể sẽ đạt được mục tiêu 2%.
Ukraine gia nhập khối NATO?
Trong thời gian 16 tháng qua, Tổng thống Zelensky đã nhiều lần kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ cho Ukraine được gia nhập khối NATO như là một thành viên chính thức.
Việc Ukraine gia nhập sẽ được đề cập tại tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày 11-12/7 tại Lithuania. Đây là một trong các chủ đề quan trọng nhất trong cuộc họp này. Thực ra, từ lâu, vấn đề gia nhập đã gây nhiều tranh luận.
Gần đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tỏ ra ủng hộ nhiệt tình khi tuyên bố trước báo giới Istanbul là “Không còn nghi ngờ gì nữa, Ukraine xứng đáng là thành viên của khối NATO”.
Ngược lại, Mỹ, cho dù viện trợ quân sự tối đa cho Ukraine để chiến đấu, nhưng đã làm Ukraine giảm hy vọng trong việc gia nhập. Theo Tổng thống Joe Biden, Mỹ sẵn sàng bảo vệ cho Ukraine tương tự như Israel sau khi kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của Nga. Biden đề xuất là nên có một khoảng thời gian bảo đảm cần thiết từ khi kết thúc chiến tranh cho đến khi Ukraine có đủ khả năng gia nhập.
Các quốc gia Lithuania và Ba Lan đang có các yêu cầu khác hơn: Ukraine nên được hứa hẹn sẽ kết nạp ngay sau khi chiến tranh kết thúc. Trong khi đó Đức cho là việc gia nhập nên liên kết với các điều kiện khác, thí dụ như quân đội Ukraine phải chịu sự kiểm soát của chính quyền dân sự và dân chủ.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết khi cuộc chiến vẫn tiếp diễn thì hội nghị thượng đỉnh tại Vilnius cũng sẽ không đưa ra lời mời chính thức nào đối với Kiev.
Đối với Ukraine và những người ủng hộ, triển vọng gia nhập khối NATO là quan trọng nhất, nhưng việc cuộc chiến leo thang hay hy vọng hạn chế hoặc đóng băng là một tương lai khó lường đoán.
Nếu Kiev sẽ được mời gia nhập với một lịch trình cụ thể trong tình trạng đầy bất trắc hiện nay, tự nó cũng sẽ không mang lại hứa hẹn nào gọi là tốt đẹp, mà hậu qủa trước mắt là khối NATO sẽ bị lôi kéo một cách tự động vào cuộc chiến bất định của một quốc gia thành viên.
Những người khác tin rằng nếu quốc tế viện trợ quân sự hùng hậu và kịp thời cho Ukraine để nâng cao tinh thần chiến đấu đến thành công, phương sách này khả thi hơn là mang lại tư cách thành viên của Ukraine trong khối NATO.
__________
Bài liên quan: Nguyên nhân nào gây ra cuộc chiến Ukraine?
“Ngược lại, có các lối giải thích khác hơn để bảo vệ cho quan điểm gây hấn của Putin”
John J. Mearsheimer trình bày rất chi tiết về sai lầm của phương Tây khi gây cảm tưởng thắng thế và đe doạ Putin trong bài viết: “Why the Ukraine Crisis Is the West’s Fault, The Liberal Delusions That Provoked Putin”, Foreign Affairs September/October 2014. Henry Kissinger và Jeffrey Sachs cũng theo quan điểm của Mearsheimer.
Sau khi Hitler tự sát, Đức ký kết đầu hàng vô điều kiện quân Đồng minh ngày 7/5/1945, kết thúc Thế chiến II và chế độ Quốc gia Xã hội chủ nghĩa khát máu của NAZI.
Với tư cách nước bại trận, Đức là tội phạm chiến tranh, bị chia đôi thành Đông Đức (dưới thống trị của LX), và
Tây Đức do các cường quốc tham chiến phương Tây quản lý.
Hầu như ngay tức khắc (chỉ 16 ngày sau khi NAZI đầu hàng) Tây Đức đã được các cường quốc tham chiến Anh Mỹ nhất trí cho phép thành lập quốc gia với danh hiệu Cộng hòa Liên bang Đức ( Bundesrepublik Deutschland – BRD) vào 23 tháng 5 năm 1949, được tôn trọng và hưởng trọn vẹn các quyền nội trị dưới qui định ràng buộc của các Hiệp ước chấm dứt WW2.
Trong khi đó, Đông Đức trong tay Liên Xô phải chịu qui chế vùng bị chiếm đóng suốt từ tháng 4/1945 cho đến 1955: Đông Đức bị cư xử như chiến lợi phẩm của Stalin dù dưới cái tên giả hiệu Cộng hoà Dân chủ Đức, mà chỉ được ban phát 5 tháng sau, khi LX nhìn qua Tây Đức thấy BRD đã ra đời một cách chính danh.
Trên thực tế mọi mặt, Đông Đức vẫn là vùng chiếm đóng của LX, bị bóc lột và hà hiếp như dân mất nước. Không tin cứ thử hỏi những cụ bà Tây Đức (có tuổi đời 45 lúc bức tường Berlin bị phá đổ và LX tan rã) , sẽ được họ trả lời thế nào về những ác mộng phụ nữ T.Đức đã trãi qua với người Nga/LX, ngày ngày đi lùng tìm họ trong những năm bị LX thống trị như thuộc địa!
Tây Đức được phục hưng nhanh chóng bởi kế hoạch Marshall (gọi theo tên của Ngoại trưởng Mỹ George Marshall, người khởi xướng và ban hành nó).
Tây Đức toàn tâm toàn ý muốn đứng chung chiến tuyến với phương Tây, với lý do thật dễ hiểu: phương Tây là dân chủ, tự do, phồn vinh và hùng mạnh. Họ làm thế…
là để được ô hạt nhân phương Tây che chở trong khi họ bị cấm quân sự hoá,
là để dồn toàn lực cho kinh tế (tương tự Nhật bản dưới tay Mỹ), chỉ sau vài mươi năm phát triển BRD đã phồn vinh, trở thành nền kinh tế lớn thứ 3, rồi hiện tại là lớn thứ 4 trên thế giới !
Với sự hung hãn của nước Nga Putin bấy lâu, không nước Âu châu nào, đặc biệt là Trung và Đông Âu cựu bang Xô viết thời chiến tranh lạnh, lại muốn đứng một mình mà yên tâm với ác thú.
Mong ước thiết tha của họ là được gia nhập EU, NATO!
Sao tg có thể gọi BRD là đã ”bị ràng buộc” vào NATO?
(Trích bài viết: “…các đồng minh phương Tây đã cho Đức gia nhập khối NATO, với mục đích là để ràng buộc Đức trong một liên minh quân sự”.)
Xin lỗi đã viết nhầm, và xin huỷ bỏ câu “Hầu như ngay tức khắc (chỉ 16 ngày sau khi NAZI đầu hàng).
Đính chánh như sau:
“Sau 4 năm kể từ NAZI đầu hàng, Tây Đức đã được…”
“Sao tg có thể gọi BRD là đã ”bị ràng buộc” vào NATO?
(Trích bài viết: “…các đồng minh phương Tây đã cho Đức gia nhập khối NATO, với mục đích là để ràng buộc Đức trong một liên minh quân sự”.)
Đấy là cái lối viết hàm hồ đặc trưng của nhà đại trí thức Đỗ Kim Thêm, hàm ý miệt thị nền độc lập “do được trao trả mà có” của các quốc gia đươc Tây phương trao trả độc lập sau cuộc đệ nhị thế chiến.
Là độc giả tôi nghĩ rằng trong bài viết này không có gì là quá xuất sắc để ca ngợi tác giả là nhà đại trí thức, lời diễn đạt trong bài cũng bình thường, không có gì gọi là hàm hồ và miệt thị cho các nước sau Thế chiến thứ hai. Đề tài Đức tham gia khối NATO và trao trả độc lập cho cac nước không có gì là mới, có nhiều người viết. Dĩ nhiên mỗi độc giả có thể có các nhận xét khác nhau về bài viết và về tác giả. Xin mạo muội được phép xen vào chuyện không có liên quan với ý kiến khiêm tốn là độc giả và tác giả, chúng ta cũng nên tương kính nhau khi có những nhận xét nghiêm túc. Kính.
Tổng thư ký đầu tiên của khối NATO, Lord Hastings Ismay đã tuyên bố mục đích của NATO là “Keep the Soviet Union out, the Americans in, and the Germans down”.
Sau Đệ nhị Thế chiến, cộng đồng thế giới không ai muốn tân trang vũ khí cho Đức. Nhưng Đức tái thiết và phát triển nhanh chóng, trở thành một quốc gia tiền tuyến trong Chiến tranh Lạnh và là nền tảng trong liên minh phòng thủ ở Trung Âu. Do quan điểm chiến lược của phương Tây đối với Đức thay đổi, năm 1955 bỏ phiếu thuận cho Đức để được gia nhập khối NATO, mục đích là tạo ràng buộc lâu dài trong khuôn khổ liên minh quân sự phương Tây.
Trường chinh NATO sang Á châu giờ thành cuộc Đoản chinh !!!
****************
Guồng máy Chiến tranh hết chết não !
Hồi sinh sống lại sinh lực tuôn trào
Từ khi Liên minh ma Nga + Tàu quỷ
Thành Trục Tội ác đe dọa tận Chiêm bao
Nhân loại giờ bên bờ vực hố thẳm
Biển Đông + Hoa Đông hóa chiến hào
Eo biển Đài Loan sắp thành Xích Bích
Trùng dương biển người hải tặc cháu Mao
Xếnh Xáng lúc cờ Đen lúc cờ Đỏ máu
Dân quân biển vừa hải tặc cướp cá cào cào
Tầu sân bay Liêu Ninh + Sơn Đông múa võ
Vung gậy vườn hoang thêm Phúc Kiến sắp vào !
Khinh thường Nhật Phi Việt Hàn Úc Ấn
Mở đường Trường chinh NATO chân trời trăng sao
Địa đàng phương Đông sắp Chiến chinh chờ Cỗ máy
NATO chuyển trục sang Á châu đang sôi sục Biển gào !
Ngay trước Nga vào Ukraina bằng chiến dịch xâm lấn
NATO phương Tây guồng máy chết não tử thi xanh xao
Khó tưởng Trường chinh NATO sang Á châu thành hiện thực
Nay thành cuộc Đoản chinh về Đông Á sóng thần dâng cao….
NATO phương Tây chống Liên Xô Thời Chiến tranh Lạnh
NATO phương Đông cản 1 Đai 1 Đường triệu Bẫy vây rào !
Cờ Tây NATO quyết định Số phận Nhân loại Thế kỷ 21
Tất thắng cờ vây chú Chệt hỡi Chú Sam Cờ Hoa Sọc Sao !!!!
TỶ LƯƠNG DÂN
https://www.hanoiparis.com/construct.php?page=poesie2&idfam=28
Cảm tác viết thẳng trên màn hình bắn vào Diễn đàn Tiếng Dân nhân Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Minh Ước Bắc Đại Tây Dương – NATO vào ngày 11 và 12 tháng Bảy tại Vilnius, Thủ đô Lithuania chắc sẽ đánh dấu một bước chuyển động tối quan trọng trong Lịch sử Liên minh NATO chuyển trục sang châu Á đúng hơn là Đông Á