Mạc Văn Trang
5-7-2023
Bỗng nhiên hôm qua có mấy nhà báo gọi điện hỏi ý kiến tôi về giáo dục Việt Nam được tờ The Economist của Anh đánh giá vào loại “tốt nhất thế giới”. Cụ thể trên trên VnExpress có bài “Lý do khiến giáo dục Việt Nam trong nhóm ‘tốt nhất thế giới’.”
Bài báo viết: “Mặc dù GDP bình quân đầu người của Việt Nam ở mức 3.760 USD, thấp hơn so với các nước cùng khu vực là Malaysia và Thái Lan, con cái của các gia đình Việt Nam được thụ hưởng một trong những hệ thống trường học tốt nhất thế giới, theo báo nói trên. Điều này được phản ánh qua các đánh giá quốc tế về khả năng Đọc, Toán và Khoa học của học sinh Việt Nam.”(1)
Tôi sợ mấy nhà báo nghe mình trả lời rồi thêm bớt linh tinh, nên viết lại ý kiến của mình cho đầy đủ.
Dân ta nhiều khi cứ thấy Tây khen một câu là nở mày nở mặt, rồi tự huyễn hoặc. Còn nhớ giai đoạn đầu Việt Nam mới có ít người mắc covid-19, ta truy vết, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, bao vây, cách ly quyết liệt, khiến rất yên bình, trong khi thiên hạ nháo nhào. Tây khen Việt Nam rối rít. Thế là mấy vị sướng quá, bốc lên: Cái cột điện ở Mỹ mà biết đi cũng muốn chạy về Việt Nam! Con covid-19 hay con Virus gì vào Việt Nam cũng sẽ bị diệt hết! Cả thế giới màu xám, chỉ Việt Nam là mặt trời rọi sáng!…
Sau đó thì TP.HCM rồi Hà Nội “bung”, “toang” toé loe ra. Mỹ và các nước phải cấp tập hỗ trợ mấy chục triệu liều vaccine. Riêng TP.HCM gần 2 vạn người chết vì Covid-19. Cho nên trước lời khen hay chê, là người lớn, ta cần bình tĩnh suy ngẫm chín chắn.
Về chuyện giáo dục cũng vậy, đừng vội ngộ nhận. Tôi xin nói vài ý về lý do khiến giáo dục Việt Nam trong nhóm “tốt nhất thế giới” mà bài báo viết quá sơ sài.
1. CHỈ SỐ IQ của học sinh Việt Nam (HSVN) vào loại khá cao so với mặt bằng chung. Cái này Viện Khoa học giáo dục VN đã trắc nghiệm cách đây chừng 30 năm. Đó là một tiền đề quan trọng để HS ta không thua kém HS các nước trên thế giới về trí thông minh.
2. THỜI LƯỢNG HỌC TẬP của học sinh Việt Nam lớn hơn so với học sinh các nước OECD (Mỹ, Anh, Úc, Áo, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Ai Xơ Len, Ai Len, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Luxemburg, Mexico, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ…) là những nước có học sinh tham gia đề thi PISA.
Học sinh của họ nghỉ hè, nghỉ lễ là đi chơi, học sinh ta vẫn học. Học sinh của họ không có bài tập về nhà, hoặc có, không quá 30 phút, còn học sinh ta thì lu bù… Họ không có “Thi đua phấn đấu 100%”, học sinh học thoải mái, đứa nào có sức đến đâu học đến đó. Ở nhiều nước, học sinh Tiểu học không cho điểm… Học sinh Việt Nam ngoài học chính khoá còn HỌC THÊM không biết thời lượng học tập lớn hơn học sinh OECD biết bao nhiêu?
3. CHA MẸ HSVN rất COI TRỌNG SỰ HỌC và theo truyền thống, thúc ép con phải chăm học, cố gắng học giỏi để “mở mày, mở mặt”; con thua kém là thấy “xấu hổ, thấy nhục”! Do đó học sinh rất chăm chỉ, cố gắng để cha mẹ hài lòng. Không chỉ ở trong nước, mà người Việt ở nước ngoài cũng vậy. Hầu hết học sinh gốc Việt nhập cư vào các nước đều có kết quả học tập tốt. Một nghiên cứu của GS Helmker người Đức đã cho thấy, học sinh gốc Việt có kết quả học tập tốt nhất so với các nhóm nhập cư khác. Thậm chí có trường, học sinh gốc Việt còn có kết quả cao hơn học sinh bản địa.
4. HỌ CHỈ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC THEO THI PISA, tức là Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (The Programme for International Student Assessment) – PISA được xây dựng và điều phối bởi tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vào cuối thập niên 90 và hiện vẫn diễn ra đều đặn 3 năm một lần. Khảo sát PISA được thiết kế nhằm đánh giá các mức độ năng lực đạt được ở các lĩnh vực ĐỌC HIỂU, TOÁN, KHOA HỌC của học sinh ở độ tuổi 15.
“Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thông tin tóm tắt về kết quả PISA 2018 trên bảng kết quả của OECD công bố cho thấy, Việt Nam đạt 505 điểm Đọc hiểu, điểm số cao thứ 13/79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, tăng 19 bậc so với chu kỳ năm 2015.
Về lĩnh vực Toán học, Việt Nam đạt 496 điểm, cao thứ 24, giảm 2 bậc. Còn với Khoa học, Việt Nam đạt 543 điểm, cao thứ 4, tăng 8 hạng so với năm 2015. Còn với lĩnh vực Khoa học, Việt Nam đạt 543 điểm, điểm số cao thứ 4, tăng 8 hạng so với chu kỳ năm 2015.
Thế mạnh của học sinh Việt Nam bước đầu được tìm thấy trong báo cáo của PISA là ở tinh thần thái độ tích cực làm bài, tỷ lệ có mặt tham gia cao, tỷ lệ trả lời hết các câu hỏi thuộc nhóm cao nhất thế giới” (2).
Nghĩa là HSVN coi thi PISA là cực kỳ quan trọng, gắng hết sức làm thật tốt, làm bền bỉ đến hết giờ trả lời tất cả các câu hỏi, dù quá nhiều câu hỏi. Trong khi HS nhiều nước coi thi PISA cũng thoải mái như kiểm tra bình thường.
TÓM LẠI:
– Trẻ em VN ta có tiềm năng phát triển tốt, không có gì phải tự ti. Trẻ em ta nhập cư vào bất cứ nước tiên tiến nào cũng có thể học tốt, trưởng thành. Ta còn đặc biệt có thuận lợi là cha mẹ HS sẵn sàng “hy sinh đời bố củng cố đời con”, hết sức chăm lo cho con học hành nên người. Nếu nền giáo dục của ta tốt, với những tiền đề ấy, HSVN đứng vào top đầu thế giới một cách xứng đáng.
– Còn đánh giá dựa vào kết quả thi PISA chỉ là đánh giá KIẾN THỨC Toán, Khoa học tự nhiên và Đọc hiểu một đoạn văn bản. Những câu hỏi kiến thức đó bây giờ hỏi ChatGPT, loáng cái là xong hết! Đánh giá đó rất phiến diện so với MỤC TIÊU GIÁO DỤC phát triển tự do và toàn diện NHÂN CÁCH HS để thành con người TRƯỞNG THÀNH. Nghĩa là 16 tuổi HS có Nhân cách Tâm lý, biết tự chủ hành vi xã hội của mình, có thể đi sang các nước home stay mà cha mẹ yên tâm; đến 18 tuổi là Trưởng thành Nhân cách Xã hội, nghĩa là người thanh niên hiểu quyền và nghĩa vụ công dân; biết tự do suy nghĩ, tự do biểu đạt, tự do chọn lựa nghề nghiệp, xu hướng xã hội một cách độc lập.
Nền giáo dục văn minh là tổ chức sự trưởng thành của trẻ em để phát triển một cách tự nhiên sở trường và hứng thú của mỗi em; trẻ đến trường, được học tập là hạnh phúc; cha mẹ HS yên tâm “trăm sự nhờ nhà trường”, không phải lo lắng, họp hành, chạy chọt gì cả… Giáo dục phổ cập được miễn học phí, được mượn sách giáo khoa; gia đình thu nhập thấp được hỗ trợ tiền ăn trưa, tiền mua học cụ.
– Đánh giá nền giáo dục phải nhìn toàn diện, nhất là kết quả của giáo dục phổ thông được thể hiện ở Nhân cách công dân, ở thành tựu học nghề và sinh viên tốt nghiệp. HSVN đi thi Olympic Toán, Lý Hoá, Sinh, Tin học đạt kết quả khá cao. Cũng vui. Nhưng đó là HS chuyên, “luyện gà chọi”, chứ sinh viên tốt nghiệp đại trà ra làm gì? Trong khi đó sinh viên các nước OECD đạt đến trình độ “Công dân toàn cầu”, họ tốt nghiệp có thể đi làm khắp các nước OECD và hơn nữa.
Nói không phải để khoe, nhưng là ví dụ cụ thể: Mấy cháu tôi học phổ thông ở Ba Lan, Toán, Lý, Hoá bình thường thôi, nhưng thằng học đại học ở Ba Lan, tốt nghiệp rồi, đi làm ở Hà Lan; thằng học Đại học ở Anh, tốt nghiệp rồi đi làm ở Anh; một thằng học ở Pháp thì đi làm ở Hồng Kông, chán rồi về Pháp làm, rồi lại sang Thuỵ sĩ làm. Con cháu gái thì học Sư phạm năm thứ 2 tự ý bỏ, sang học trường Nghệ thuật. Nhờ tôn trọng sự phát triển tự do nên cháu mới thành Nhà văn trẻ, 10 năm có 6 cuốn sách được xuất bản. Giáo dục thời nay như thế đó.
Nhìn rộng hơn chút nữa, ta thấy các văn bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ của ta được mấy nước công nhận? Mấy trường Đại học của ta được xếp vào top 500 trường tốt của thế giới? Một năm ta có bao nhiêu bằng phát minh, sáng chế?…
Phải nhìn nghiêm túc, toàn diện vào bản chất nền giáo dục nước nhà để mà lo làm sao cho khá lên, đừng thấy Tây khen một câu vớ vẩn rồi tự sướng.
__________
Tham khảo:
(1) https://vnexpress.net/ly-do-khien-giao-duc-viet-nam-trong-nhom-tot-nhat-the-gioi-4624800.html
(2) https://vneconomy.vn/ket-qua-pisa-cua-viet-nam-khong-duoc-oecd-xep-hang-bo-giao-duc-noi-gi.htm
Và, đừng quên rằng Bộ GD có hẳn một bộ phận (do cô Hà phụ trách) chuyên luyện thi theo lối “gà chọi” suốt quanh năm cho những chau muốn thi PISA. Tôi có đưa cháu thuộc hạng “đệ tử ruột” của PISA của Bộ GD, quanh năm đi dạy khoa học (Sinh) cho cac trung tâm luyện thi này trên toàn quốc.
GD vẫn “chết” vì bệnh thành tích giả với các lò “gà chọi” – chẳng giống ai trên thế giới.
Chắc chắn hiểu biết về đấu tranh giai cấp, về bạo lực cách mạng, về học tập theo gương của học sinh Việt nam hơn đứt học sinh các nước.
Hề…. hề…., Để đạt được danh hiệu do bọn chó dái The Economist ban tặng, thì, mong tác giả hãy tìm hiểu xem các bậc phụ huynh phải móc túi ra là bao nhiêu!?