Tác giả: Nguyen Dieu Tu Uyen
Cù Tuấn, biên dịch
30-6-2023
Kinh tế Việt Nam lần đầu tiên đạt được tăng trưởng nhất định trong ba quý gần đây, cho thấy các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng của chính quyền đang giúp ích cho Việt Nam – quốc gia phụ thuộc vào thương mại.
Tổng sản phẩm trong nước trong quý 2, 2023 đã tăng 4,14% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Tổng cục Thống kê, trong một tuyên bố hôm thứ Năm. Ước tính trung bình cho mức tăng trưởng này chỉ là 3,8%, theo một cuộc khảo sát của Bloomberg.
Chỉ số chứng khoán của Việt Nam giảm 0,2% vào lúc 09:27 sáng giờ địa phương. Tỷ giá USD tại Hà Nội gần như không đổi.
Dữ liệu tốt hơn mong đợi xuất hiện sau một loạt đợt cắt giảm lãi suất của Ngân hàng trung ương để hỗ trợ hoạt động cho vay, từ đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh và tiêu dùng tại một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Để bảo đảm tăng trưởng bền vững, chính phủ Việt Nam đã công bố giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số lĩnh vực, đồng thời giảm một nửa phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước từ ngày 1 tháng 7 đến hết năm 2023.
“Các chính sách của chính phủ nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước và các chương trình kích thích du lịch đã tỏ ra hiệu quả”, Tổng cục thống kê cho biết trong một tuyên bố. Đầu tháng này, quốc hội đã phê duyệt gia hạn hiệu lực thị thực điện tử, từ 30 ngày lên 90 ngày, để thúc đẩy du lịch với visa ra vào nhiều lần.
Trong nửa đầu năm kết thúc vào tháng 6, nền kinh tế tăng trưởng 3,72%, vẫn thấp hơn mức tăng trưởng trung bình khoảng 5,7% trong những năm trước đại dịch. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 6,5%.
Lĩnh vực dịch vụ tăng 6,33% trong sáu tháng được xem xét, nổi lên như một động lực tăng trưởng chính. Hoạt động xây dựng tăng 4,74%, trong khi sản lượng sản xuất vẫn mờ nhạt với mức tăng 0,37%.
Sự phục hồi bền vững trong lĩnh vực sản xuất là chìa khóa để thúc đẩy hoạt động tổng thể ở Việt Nam, nơi xuất khẩu là động lực chính của nền kinh tế. Dữ liệu từ cơ quan thống kê cho thấy, ước tính có khoảng 31.000 doanh nghiệp đóng cửa, chờ giải thể trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tình trạng thiếu điện trong quý 2 cũng ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ở miền Bắc Việt Nam, mặc dù tình hình đang bắt đầu được cải thiện.
“Với môi trường kinh tế toàn cầu có thể vẫn không thuận lợi trong nửa cuối năm, chúng tôi cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong những quý tới”, Shivaan Tandon, nhà kinh tế về châu Á mới nổi tại Capital Economics, viết trong một chú giải. Sau khi quan sát dữ liệu, Tandon thấy có khả năng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất.
Các thống kê chính khác:
* Lạm phát đã giảm xuống 2% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng này, từ mức 2,43% được báo cáo vào tháng 5, so với ước tính trung bình là 2,1%
* Thương mại tiếp tục co lại với xuất khẩu giảm 11,4% so với cùng kỳ trong tháng 6, trong khi nhập khẩu giảm 16,9%.
* Tổng tiền cho vay trong hệ thống ngân hàng Việt Nam tăng 3,13%, tính đến ngày 20/6 so với cuối năm 2022.
Vn thì cái gì mà chả tăng tốc vượt bậc và luôn dẫn đầu châu Á? Có điều chỉ toàn tăng trên giấy…