Chuyện cúp điện (Phần 2)

Nguyễn Thông

26-6-2023

Tiếp theo Phần 1

Tàu điện ở Hà Nội năm 1975. Ảnh: Internet

Không biết tự hồi nào, các nhà lãnh đạo xứ ta đặt ra tiêu chuẩn về xây dựng nông thôn mới bằng bốn chữ ngắn gọn “điện, đường, trường, trạm”. Điện đứng hàng đầu, ưu tiên số 1, sau đó mới tới đường giao thông, trường học, trạm y tế.

Bất cứ ông bà cốp nào từ trung ương tới tỉnh khi về làm việc ở nông thôn, trò chuyện với nông dân cũng thủ sẵn bốn chữ ấy, cho nó thiết thực, thời sự, theo kịp thời đại, và nhất là để lấy lòng bà con chân lấm tay bùn. Quê hương đang tối tăm lầy lội, nghe các ông bà ấy hứa, ai mà chả sướng. Đêm vẫn thắp đèn dầu nhưng lòng đã le lói ánh điện xã hội chủ nghĩa.

Đám lãnh đạo xứ này có truyền thống lập ngôn, tuyên ngôn. Hồi xưa ông cụ luôn nhắn nhủ dân chúng “nước ta ở xứ nóng khí hậu tốt, rừng vàng biển bạc đất phì nhiêu, nhân dân dũng cảm và cần kiệm, các nước anh em giúp đỡ nhiều”, nghe xong tinh thần lại lên bừng bừng.

Ông Lê Duẩn ở bất cứ đâu, bất cứ dịp nào cũng nhấn ba dòng thác cách mạng, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, phát triển kinh tế trung ương đồng thời phát triển kinh tế địa phương, công nghiệp cơ khí là then chốt.

Ông Trường-Chinh (cụ ni đòi hỏi viết tên cụ phải có gạch nối) và ông Phạm Văn Đồng thì rao giảng cuộc sống mới, con người mới, chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Ông thợ rừng Nông Đức Mạnh nổi tiếng với chỉ đạo “trồng cây gì, nuôi con gì” dù nhắm bất cứ đối tượng nào, kể cả học sinh, sinh viên.

Ông 3X Nguyễn Tấn Dũng cả khi ngồi bàn trà lẫn lúc diễn thuyết ở quốc hội chỉ một bài “tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội”.

Ông Nguyễn Xuân Phúc ngoài việc khoe thơ thì đến tỉnh nào cũng khen nơi đó là đầu tầu, chim đại bàng.

Ông tổng đương nhiệm thì ca “mây đen u ám và mặt trời rực rỡ, đất nước chưa bao giờ được như hôm nay, còn đảng còn mình”…

Nói chung, nghe các vị ấy lập ngôn, mới biết xứ ta lắm người tài về ăn nói, hùng biện.

Làng tôi, như đã kể kỳ trước, có điện khá sớm so với nông thôn miền Bắc nói chung hồi chiến tranh phá hoại. Bà bạn tôi quê ở Nghệ An, đọc xong bảo, quê mày còn có điện trước xã tao hơn hai chục năm. Nhưng thật thà mà nói, điện ấy chủ yếu phục vụ cho trận địa tên lửa, chứ dân có mấy khi được dùng.

Ban ngày nhà dân đương nhiên không có điện, chỉ vài buổi tối trong tuần điện lóe lên đỏ quạch từ 6 giờ đến 9 giờ rồi tắt phụt. Đồ dùng điện chỉ hai cái bóng đèn tròn dây tóc Rạng Đông chứ làm gì có thứ nào khác. Nhiều hôm điện yếu, sợi dây tóc bóng đèn lờ mờ hồng hồng đỏ đỏ trông như cái mạch máu loằng ngoằng trong cục thủy tinh. Tình trạng tranh tối tranh sáng ấy kéo dài mấy chục năm.

Ông anh họ tôi có lần chỉ cái bóng đèn đỏ quạch lờ mờ như mắt ma nói với ông Quyến thợ điện của làng “điện nước của các ông như con đầu b*i”, ông Quyến cười trừ, bởi tự biết chả thể làm gì cho nó khá hơn được.

Tôi vào miền Nam năm 1977, gần hai chục năm sau, trong lần nghỉ phép về quê thấy tình trạng điện đóm vẫn vậy. Điện khi có khi không, nên vẫn đèn dầu, quạt mo, đun nấu rơm rạ như hồi nào. Vậy mà nghe câu chuyện buồn.

Năm ấy bão to, những cây cột điện bằng tre dẫn điện vào nhà dân đổ bằng hết, dây điện đứt văng. Không hiểu sao người ta lại không cắt điện. Bác Bổ (con cụ Đẹn) dắt trâu đi ăn, đạp phải dây có điện, bị giật chết. Cả đời không được dùng điện vì nhà cụ Đẹn nghèo nhất làng, nhưng lại chết bởi điện. Trong ký ức tuổi thơ tôi, trên đời này không ai khổ như bác Bổ.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “Nói chung, nghe các vị ấy lập ngôn, mới biết xứ ta lắm người tài về ăn nói, hùng biện.”
    Thế này chứng tỏ cụ không nhận ra ḅô mặt tḥât của cả đám cs trên thế giới: Ăn tục, nói phét, tàn bạo còn hơn ác quỷ và chấm hết về con người của họ.

Comments are closed.