25-6-2023
Tôi chưa được tiếp cận đề thi và bài làm 21 trang của cô bé ở Hà Tĩnh. Có bạn đọc cung cấp đề nghị luận, có bạn cung cấp đề phân tích nhân vật. Dù là đề nào thì cháu cũng viết quá dài.
Nhưng phần lớn lỗi không thuộc về cô bé 15 tuổi. Lỗi là của người làm giáo dục!
Cả một tuổi thơ học vẹt thi tủ đã từng cầm tù tâm hồn của chúng ta, và bây giờ nó tiếp tục nuôi nhốt các cháu. Lớn rồi chúng ta mới hiểu cái hủ lậu của một hệ thống giáo trình văn chương “phân tích nhân vật”, “phát biểu cảm nghĩ của em”. Cảm nghĩ của em nhưng barem lại là của bộ.
Điều này triệt tiêu hoàn toàn cảm xúc của người học văn, dạy văn. Nó buộc phải học tủ chấm tủ, thậm chí học vẹt chấm gang tay.
Tôi chẳng hiểu cảm xúc của cô Nguyệt trong “mảnh trăng cuối rừng” giúp ích gì cho cuộc đời tôi và các cháu mà cứ phải mấy chục năm chằm hăm phân tích cô ấy? Kể cả đề tài chiến tranh, người dạy văn và học văn nên biết đến “Nỗi buồn chiến tranh”, “Ăn mày dĩ vãng”. Nhưng cô Nguyệt không cho phép điều đó!
Một sự tiến bộ trong giáo trình văn gần đây là những đề thi nghị luận. Đây chính là hướng mở để thay đổi cách dạy học văn. Chỉ có dạng nghị luận thì mới có thể khuyến khích (và bắt buộc) thầy trò chăm đọc. Con mắt văn học mới có thể đi xa hơn cảm xúc của cô Nguyệt mà tìm đến Bảo Ninh, Chu Lai…
Trong tình yêu hay cuộc sống cũng vậy, cô trò sẽ tiếp cận một nhân gian rộng lớn hơn “Sóng” của Xuân Quỳnh; hoặc tầm nhìn thời đại xa hơn miền chiến tranh quá vãng trong thơ Tố Hữu.
Đề thi vào đại học mà vẫn còn phân tích nhân vật, phát biểu cảm nghĩ thì nền văn chương ta không thể đi xa được. Nhìn sang Trung Quốc, tôi có cảm giác đề thi của ta đi sau họ cả trăm năm. Đó là lý do dù xuân thu hay chiến quốc, dù đa nguyên hay cực trị, Trung Quốc luôn có những cây viết tầm vóc thời đại.
Xa hơn cả văn, đó chính là triết! Văn học chính là người dẫn đường vào triết học. Khi một thế hệ thầy trò “siêng đọc”, họ sẽ hiểu vì sao người này viết thế này, người nọ viết thế kia. Triết đã mở ra khai sáng, phục hưng. Triết đã mang lại cho chính ta một thế hệ hiền sĩ lừng lẫy trước đây.
Một dân tộc ít vốn liếng vật chất, khô kiệt hiền tài là một dân tộc bất hạnh. Không thể có hiền tài khi mà tâm hồn nhiều thế hệ vẫn bị cầm tù trong tủ sách nhỏ hẹp.
Bắt đầu bằng thể nghị luận, hãy trả tự do cho tâm hồn các cháu!
“Triết đã mở ra khai sáng, phục hưng. Triết đã mang lại cho chính ta một thế hệ hiền sĩ lừng lẫy trước đây.” ( Trích NTT )
– Trước 1975, Hs lớp 12 đã học triết Tây và là một môn khi thi Tú tài toàn phần nên từng biết đến Sartre, Berson, Hegel…
Nay, lên đại học SV mới có học triết . Nhưng đó là môn SV coi thường nhất, sợ nhất, chán nhất, ngán nhất và …nợ chứng chỉ nhiều nhất . Bởi vì, đó là triết học Mác – Lênin !