Liệu Mỹ vẫn còn kiên nhẫn với Việt Nam?

Jackhammer Nguyễn

24-6-2023

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Lưu Ninh, Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc tháng 3-2023. Nguồn: VGP

Tháng này đột nhiên có hai sự kiện liên tục xảy ra. Thứ nhất, hôm 22/6 Washington trải thảm đỏ đón ông Modi, thủ tướng Ấn Độ. Thứ hai, hàng không mẫu hạm Ronald Regan sẽ cập cảng Đà Nẵng ngày 25/6.

Cả hai quốc gia Ấn Độ và Việt Nam đều có những thành tích nhân quyền không lấy gì làm sáng sủa. Bên Ấn Độ, dưới quyền ông Modi, những người Hồi giáo thiểu số bị đàn áp. Ở Việt Nam, ngoài các nhà bất đồng chính kiến bị đàn áp lâu nay; gần đây, một số nhà hoạt động môi trường bị bắt vì cáo buộc… trốn thuế! Cáo buộc trốn thuế là công cụ cuối cùng để nhà cầm quyền bắt bớ những người hoạt động xã hội, khi không buộc được họ vào các tội liên quan tới chính trị và an ninh.

Với tư cách là một cường quốc đông dân nhất thế giới, lại là một thành viên của bộ tứ (Quad) bao vây Trung Quốc, cái lợi của Ấn Độ nếu họ thân với Mỹ, vượt qua cái hại về nhân quyền, cũng như thái độ không chỉ trích nước Nga trong cuộc chiến xâm lăng Ukraine.

Việt Nam không có lợi thế về sức mạnh như Ấn Độ, nhưng dù sao cũng là nước quan trọng thứ hai về kinh tế và dân số ở Đông Nam Á, sau Indonesia. Về vị trí chiến lược, Việt Nam sát nách Trung Quốc; trong tình hình hiện tại, Việt Nam còn có phần quan trọng hơn Indonesia.

Lần lại lịch sử đối đầu ở mức độ toàn cầu của Mỹ, chúng ta không ngạc nhiên về cách ứng xử này. Mục đích cuối cùng của Mỹ vẫn là một chế độ tư bản tự do, với nền tảng là nền dân chủ pháp trị. Tuy nhiên, ở từng thời điểm khác nhau, Washington có những bước đi chiến thuật khác nhau.

Trong chiến tranh lạnh, Mỹ từng ủng hộ các chế độ độc tài cánh hữu Nam Mỹ để chống lại phong trào cánh tả ở lục địa đó. Ai mà biết được, nếu không ủng hộ các ông tướng ở Bolivia thì Che Guevara sẽ còn quậy tới mức nào?

Ở châu Á, nhiều thập niên trước, Mỹ cũng đã từng làm ngơ với các chế độ đàn áp như ở Đài Loan (khủng bố trắng), Nam Hàn, Indonesia, hay miền Nam Việt Nam… Tất cả sự làm ngơ này nằm trong chiến lược Domino, ngăn chặn làn sóng đỏ từ Hoa lục.

Đùng một cái, Mỹ thay đổi chiến lược. Mỹ sử dụng Bắc Kinh như con chủ bài để xé toạc khối cộng sản làm đôi. Thiệt hại kèm theo (collateral damage) rơi vào Việt Nam Cộng hòa. Thiệt hại đó lớn tới mức chấm dứt cả sự tồn tại của một quốc gia, tạo nên một cộng đồng ly hương tới hàng triệu người. Nhưng nó chẳng là bao so với một siêu cường. Khối cộng sản sụp đổ, hàng trăm triệu người được hưởng tự do, đổi lấy vài chục triệu người miền Nam Việt Nam rơi vào ách cộng sản. Mỹ tạm gọi là thành công.

Bây giờ lại là lúc Mỹ đối phó với cường quốc toàn trị Trung Quốc, đang toan tính bá chủ thế giới. Trong chiến lược mới, việc đàn áp người Hồi giáo ở Ấn Độ, hay chế độ công an trị ở Việt Nam, đối với Mỹ không đáng kể.

Nếu để ý kỹ, các bước đi ngoại giao của Mỹ trong hai mươi năm gần đây, mà mọi người có thể nhận thấy khá rõ trong hồi ký của cựu đại sứ Mỹ Ted Osius, là cách tiếp cận của Mỹ khá toàn diện. Nói theo văn từ cộng sản là… vừa đánh vừa đàm. Một mặt, Mỹ vẫn nêu những vấn đề nhân quyền. Nhưng mặt khác, Mỹ vẫn thân thiện, rủ rê Hà Nội, hay New Delhi vào cuộc bao vây Bắc Kinh.

Cả hai nước Ấn Độ và Việt Nam đều không có lịch sử hữu hảo với Hoa lục. Nhưng điều quan trọng cần bàn ở đây là, Mỹ cũng chẳng tốn đồng nào cho Ấn Độ và Việt Nam, không phải như hàng tỷ dollar dành cho Việt Nam Cộng hòa, hay Afghanistan sau này.

Lâu lâu lại có một nhà hoạt động đối kháng bên trong Việt Nam trốn qua Mỹ, hay bị Hà Nội trục xuất,… Mỹ nhận hết cả. Đó lại là một loại thiệt hại đi kèm (collateral damage) cho chiến lược mới.

Có lẽ nhận ra điều này, nên Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện chính sách đu dây, thông qua cụm từ mỹ miều là “ngoại giao cây tre”. Có thể nhận thấy rõ nhất là vào thời điểm này, khi tàu sân bay của Mỹ USS Ronald Reagan thăm Việt Nam, thì Thủ tướng Phạm Minh Chính lại thân chinh thăm Trung Quốc.

Một số người quan tâm tới tình hình Việt Nam, luôn mong đất nước sớm lùi xa khỏi quỹ đạo của Trung Quốc. Những người này quá kỳ vọng vào sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của chính quyền CSVN. Họ đặt câu hỏi, liệu Mỹ có còn tiếp tục kiên nhẫn với Việt Nam nữa không.

Dĩ nhiên sự kiên nhẫn nào cũng có giới hạn. Một khi Hoa Kỳ nhận thấy rằng, Việt Nam không còn giá trị nữa, thì lúc đó họ sẽ hy sinh… Như đã từng xảy ra với các đồng minh mà Mỹ đứng cùng phe.

Bình Luận từ Facebook

6 BÌNH LUẬN

  1. Cả bài đắt nhứt câu này

    Mục đích cuối cùng của Mỹ vẫn là một chế độ tư bản tự do

    Cũng có nghĩa TẤT CẢ những gì ngược lại nó, phản, chống lại nó sẽ được/bị tiêu diệt . Và có thể suy ra từ nhận định trên của JN, “Mục đích cuối cùng của Mỹ vẫn là DIỆT CỘNG“. Và chuyện Mỹ nói là “tôn trọng thể chế của VN”, … uh, Good the Phúc luck trong chuyện tin nó . Thấy Ngụy hông ? Nope, EXACTLY.

    Chỉ có được cái này, nếu Đảng xụp đổ, có thể đổ thừa cho Mỹ, vì thực sự đỡ đần hơn là viện cớ nghe lời đám “trí thức đáng kính trọng” nhà mềnh . i mean Phúc Kđinh Đế quốc Mỹ, Jefe de los jefes tư bửn, trùm của mọi ông trùm, Bố Già của chủ nghĩa tư bửn . Thua vì nó, theoretically, có thể hiểu được . Nhưng xụp đổ vì nghe lời thằng cha thiến sót Nguyễn Ngọc Chu … Đamn dude!

    Theo Mỹ chắc chắn chăm phần chăm mất Đảng . Và Cứu Đảng là cứu nước . Enuff said.

    Kim Văn Chính cũng đã nhận định khá chính xác, là Việt Nam TA từ thời có Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có những lựa chọn khác, và Mỹ aint the one. Ngày xưa cũng vậy, hôm nay cũng thế & ngày mai cũng vẫn như thế

    Chỉ nói thế này . Nếu Đảng muốn theo Mỹ, trước hết hãy đặt bom nổ tung Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh lên cái đã

  2. “Tất cả sự làm ngơ này nằm trong chiến lược Domino, ngăn chặn làn sóng đỏ từ Hoa lục.”
    Chiến lược Domino trước đây cho rằng, khi một nước trong vùng Đông Nam Á sụp đổ theo chế độ Cộng sản, thì các nước khác sẽ lần lượt sụp đổ theo, không hề có chuyện ngăn chận làn sóng đò từ Hoa lục và cũng không hề có chuyện làm ngơ trong con cờ Domino.
    “Khối cộng sản sụp đổ, hàng trăm triệu người được hưởng tự do, đổi lấy vài chục triệu người miền Nam Việt Nam rơi vào ách cộng sản. Mỹ tạm gọi là thành công.”
    Khối cộng sản Đông Âu sụp đổ năm 1989, Liên Bang Nga năm 1991, còn miền Nam Việt Nam năm 1975. Các diễn biến này theo một trình tự và bối cảnh lịch sử trước sau khác nhau. Nhìn trong toàn cảnh để so sánh thấy là Mỹ không hề ý định đánh đổi này và không có lý do nào gọi là Mỹ thành công trong hai việc so sánh này.

  3. Chừng nào Vietnam vẫn do ĐCSVN cai trị, chừng đó VN vẫn là chư hầu của Trung cộng và đừng mơ tưởng VN thân phương Tây. Trung cộng còn thì CSVN còn, do vậy CSVN phải bám TQ cho dù mất chủ quyền hay mất nước.
    Kể từ khi Nguyến Phú Trọng “thắng” Nguyễn Tấn Dũng (mặc dù cả hai đều là CS), xã hội VN ngày càng bị bóp nghẹt và cai trị bằng bàn tay sắt máu của ĐCSVN nhập nguyên cách cai trị của ông Tập từ bên TQ.
    Công an ngày càng lộng hành.
    Tuyên giáo ngày càng lộng ngôn.
    Việc “đốt lò” ngày càng lộ ra chỉ là trò triệt hạ phe cánh mà thôi vì bộ “máy cái” – chế độ CS – sinh ra tham nhũng vẫn còn nguyên đó và được chính “chủ lò” ngày đêm chăm bẵm. Đúng là bắt cóc bỏ đĩa bịt mắt nhân dân mà thôi.
    Lịch sử cho biết một chế độ bịt miệng người dân, xuyên tạc và vu khống người vô tội dám lên tiếng về những bất công xã hội, … và khép cho họ những tội mà đáng ra được khen là chế độ đã đến ngày mạt vận.

  4. Chủ nghĩa Max là chủ nghĩa nào ? Ko rành tiếng Tây thì cứ ghi là Mác cho lành, MAX LÊ NIN, nửa tây nửa ta, chẳng giống con giáp nào.

  5. Với não trạng “kiên định chủ nghĩa max lê nin “của cộng sản Việt Nam, giấc mơ thoát Tàu của ai đó chỉ là giấc mơ hão.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây