Giải pháp nào để cứu những người Thượng cuối cùng?

Trương Nhân Tuấn

14-6-2023

Người Thượng vùng Tây Nguyên (Pleiku, Kontum, Đăk Lăk, Lâm Đồng…) có nguy cơ diệt vong, do nhiều nguyên nhân.

Nguyên nhân tiên khởi là do người Pháp đã áp dụng một cách sai lầm chủ nghĩa thực dân trên các vùng lãnh thổ thuộc ba xứ Đông Dương (sau khi bình định vùng biên giới Việt-Hoa 1896). Lãnh thổ của người Thượng (Pháp gọi là dân Montagnard) thay vì phải được tính như một “đơn vị lãnh thổ, với một dân tộc riêng biệt” (như bên Lào), thì lại sáp nhập vào Việt Nam với tên “hoàng triều cương thổ”. Lập luận của người Pháp là vì người Thượng chưa hề có khái niệm về “quốc gia”. Họ chỉ sống riêng biệt từng làng, đông lắm là vài trăm nóc gia.

Người Pháp “khai phóng” dân tộc Thượng, song song với việc mở mang đồn điền (trà, cà phê, cao su…). Tầng lớp trí thức đầu tiên của người Thượng nhờ đó được thành hình.

Trong chiến tranh với Việt Minh, cũng như dân tộc Thái, Nùng… ở miền bắc, dân Thượng cũng hợp tác với quân Pháp (sau này là Mỹ). Khi Pháp bại trân Điện Biên Phủ một số đông gia đình người Thái, Nùng… theo về định cư ở Pháp.

Sau năm 1975 một số đông đảo (vài chục ngàn người) người dân tộc Hmong định cư bên Lào, do bị cộng sản tìm cách truy diệt, những người này phải trốn qua Thái Lan tị nạn. Cuối cùng, Pháp đã thâu nhận những người tị nạn này, giúp họ định cư trên lãnh thổ Pháp là Guyane (Nam Mỹ). Dân Hmong nhờ vậy tránh được nạn diệt vong.

Vấn đề là số người Thượng theo “quân giải phóng” đông đảo hơn là theo Pháp, sau này là VNCH. Bởi vì họ được CSVN hứa hẹn cho thành lập “khu vực tự trị Tây Nguyên”, tương tự khu tự trị Thái, Nùng… miệt Tây Bắc.

Điều cần ghi nhận là Hiệp định Genève 1954, một cách mặc nhiên, các đại cường nhìn nhận Việt Nam trước đó chưa từng là một “quốc gia”.

Thời chiến tranh 1954-1975, người Thượng vì vậy phần lớn theo phe “quân giải phóng”, do lời hứa hẹn được thành lập “khu vực tự trị” ở Tây Nguyên (mà cả 2 chính phủ VNCH đều không chấp nhận).

Trận “giải phóng” Ban Mê Thuột ngày 18-3-1975 đã xảy ra dễ dàng, vì trong hàng ngũ quân giải phóng có mặt của nhiều đạo quân người Thượng.

Sau năm 1975, khu tự trị Thái-Mèo (miệt Tây-Bắc) bị giải tán. Lời hứa “khu tự trị Tây Nguyên” cũng theo mây gió bay đi.

Người Thượng Tây nguyên hiện nay có nguy cơ diệt chủng. Thời Pháp thuộc, dân số người Thượng gồm khoảng 3 triệu người (chia làm hai nhánh: nhánh Khmer Môn và nhóm Nam Đảo). Khi đó, dân số miền Nam khoảng 18 triệu. Hiện nay dân số Việt Nam khoảng 100 triệu trong khi dân Thượng thì không có số thống kê chính xác nào cả.

Gần đây, CSVN đã bác bỏ khái niệm về “dân bản địa”, mặc dầu trước năm 1975 họ đã hứa hẹn với các lãnh đạo người Thượng rằng sẽ nhìn nhận “khu vực tự trị Tây Nguyên”. Tức là họ mặc nhiên nhìn nhận có sự hiện hữu “dân bản địa”.

Qua các chính sách “kinh tế mới”, dân các tỉnh miền Nam, như Sài Gòn, những người thuộc gia đình “ngụy có tội ác với nhân dân” hay thuộc diện “tư sản, phản động”… sau khi gia sản bị tịch thu, nhà cửa bị trưng dụng, những người “vô sản” này bị đày lên “rừng thiêng nước độc” và bị bỏ rơi ở đó. Dĩ nhiên lớp người “kinh tế mới” này cũng là nạn nhân bị cướp đất, cướp nhà, cướp của… nặng nề hơn cả người Thượng. Họ không liên quan gì đến các vụ cướp đất hiện thời ở Tây Nguyên (kiểu huyện Chư Quynh, Đăk Lăk).

Các chính sách về “kinh tế mới” sau này, hàng triệu người từ ngoài bắc, đặc biệt xuất phát từ các tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh… mới thực sự là “thực dân”. Họ chiếm đất, chiếm nương rẫy của người Thượng. Khác với thực dân kiểu cũ, người Pháp mở mang dân trí cho dân thuộc địa, mở mang đường xá, xây dựng cầu cống, nhà thương, trường học, phát triển kinh tế nội địa… thì “thực dân mới” do lòng tham đất, đã đuổi những người Thượng đi vào tuyệt lộ.

Vụ giết người vừa xảy ra ở huyện Chư Quynh ta thấy, CSVN đã phát động chủ trương “đấu tranh giai cấp”. Họ kích động, hô hào lòng thù hận và phân biệt sắc tộc trong người dân Việt Nam, xúi dân “kinh” truy bắt, đánh đập dân Thượng. Không ngăn chặn kịp thời, người Thượng sẽ bị diệt chủng.

Theo tôi thấy, ngay cả khi không có vụ Chư Quynh, nếu tiếp tục chính sách “thực dân mới” thêm vài năm nữa, toàn bộ dân Thượng sẽ bị tiêu diệt. Đây là một tội ác diệt chủng mà sử sách sau này phải ghi lại.

Giải pháp nào để cứu những người Thượng cuối cùng?

Theo tôi, người Pháp, người Mỹ đều có trách nhiệm, cho dầu gián tiếp, đã tiếp tay cho chính sách “giết người cướp đất” của CSVN. Nếu truy ngược về lịch sử, nhiều gia đình người Thượng hội đủ tiêu chuẩn định cư ở Mỹ hay để có quốc tịch Pháp.

Cách tốt nhứt hiện thời là chính phủ Pháp mở cửa vùng lãnh thổ Guyane để đón nhận toàn bộ người Thượng còn sót lại. Guyane đất rộng mênh mông, dân thưa, bốn bề rừng rú, thích hợp cho đời sống du canh của dân Thượng. Nếu dân Hmong đã thành công lập nghiệp ở đây, thì không có gì trở ngại cho dân Thượng hết cả.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Cái mà người Thượng cần nhất là một không gian sinh tồn cho riêng họ. Nhưng đó chính là thứ họ đã, đang và sẽ tiếp tục bị tước đoạt. Phải có một thay đổi căn bản, thậm chí đảo ngược, trong nhận thức về người Thượng (cả phía chính quyền lẫn người dân), đi cùng với đó là một chính sách căn cơ ngay từ bây giờ để khôi phục không gian sinh tồn cho họ, thì may ra vài thế hệ nữa cuộc sống bình yên mới thực sự trở lại Tây Nguyên, với cả người Kinh lẫn người Thượng.

    [Người của rừng]
    Buổi chiều trời kéo âm binh xám xịt dưới hốc mắt ông lão ngồi bó giò trước cửa căn nhà tạm công trường.
    Căn nhà vách tôn gỉ mái lợp lá dừa nước khô lênh khênh trên mô đất hoang lùi sâu, sâu mãi, sâu mãi, hun hút trong quầng mây thâm tím.
    Lão nhướng mắt nhìn xa, xa, xa mải mê về phía cội rễ rừng già, có tiếng suối, tiếng ông hổ gầm gừ và quầng mây đại ngàn thuở xa xưa tổ tiên lão dựng làng phát rẫy.
    Lão mất gốc rồi. Đôi bàn chân đã đi quá xa. Ánh mắt đã quá mòn. Xứ sở lụi tàn.
    Lão phu hồ già bập khói thuốc vẽ vòng tròn mắt cú ướt nhoèn. Lão chết dần đến thắt lưng.
    Bụng lép xoắn quẩy hai lớp da nhăn nheo càng dúm dó khi ý nghĩ lão vừa chớm quay nhìn về phía tương lai hun hút.
    “Sao ta lại ở đây? Ta sẽ về đâu?” – khói thuốc xoay vòng thành dấu hỏi.
    Đoàn xe bồn lừng lững tiến lại, từ xa đã kéo còi ầm ĩ, chúng như tất cả những kẻ thô bỉ khác, luôn biết cách áp chế người ta bằng thân hình khủng khiếp và cái miệng to tổ bố gầm ghè.
    “Bãi đất này, cỏ cây kia, ếch nhái và cả những kẻ như lão già này nữa, tất cả sẽ nằm bẹp dưới gạch vữa bê-tông của ta, cao ốc, biệt thự sẽ mọc lên và các ngươi phải biến mất” – ống khói đen ngòm phụt liên hồi từ miệng con quỷ nhe nanh cười ác độc.
    Tôi chộn rộn uất ức.
    “Ta chết đến thắt lưng rồi. Xứ ta chết đến cổ rồi. Đất ta chết hẳn rồi” – ông lão thầm thì và bình thản thả khói thuốc bay theo làn gió sông Sài Gòn xế bóng.
    “Mưa, ta vào nhà đi” – ông lão bất chợt giục tôi, lần này ông nói rành rọt và không có hạt nước nào đi cùng.

    Nguồn FB NĐK

  2. Cứ đà này, người Thượng rồi sẽ chịu chung số phận của người Chăm ở vương quốc Champa khi xưa.

  3. Bất kỳ ai cũng cần Tự Cứu Mình.
    “Dân Hmong nhờ vậy tránh được nạn diệt vong”
    Có thể thấy sự hiểu biết rất kém của tác giả về người H’Mông.

Comments are closed.