Những đợt nắng nóng đã vạch trần những yếu kém về kết cấu điện năng của Việt Nam

Reuters

Tác giả: Khanh VuFrancesco Guarascio

Cù Tuấn, biên dịch

13-6-2023

HÀ NỘI, ngày 13 tháng 6 – Việt Nam đang phải vật lộn với tình trạng cắt điện do đợt nắng nóng, đã bộc lộ các vấn đề về cơ cấu và bộ máy quan liêu làm hạn chế nguồn điện khả dụng ở mức một nửa công suất lắp đặt và cản trở nỗ lực giải ngân 15,5 tỷ đô la tài trợ cho các hoạt động khí hậu toàn cầu.

Quốc gia chuyên sản xuất hàng hóa này có các nhà máy lớn do các công ty công nghệ Samsung và Foxconn điều hành, nhưng đã phải vật lộn để nâng cấp mạng lưới điện, một bước quan trọng để đáp ứng nhu cầu và thu hút các công ty đa dạng hóa từ Trung Quốc và các nơi khác.

Ông Hong Sun, Chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết: “Nhiều nhà máy đã phải tạm dừng sản xuất do bị cắt điện nghiêm trọng và việc cắt điện diễn ra thường xuyên“.

Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng đối với các công ty Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam“.

Và các doanh nghiệp châu Âu đã kêu gọi chính phủ Việt Nam trong tháng này cần hành động nhanh chóng để giải quyết cuộc khủng hoảng điện.

Giải quyết tình trạng thiếu điện đòi hỏi nhiều nỗ lực phối hợp hơn để đảm bảo quá trình ra quyết định hiệu quả đối với cải cách thị trường điện”, Trang Nguyen, trưởng nhóm Đông Nam Á tại Trung tâm Climateworks, một tổ chức phi lợi nhuận của Australia, cho biết.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, không có khả năng nào cho việc năng lượng tái tạo sẽ được sử dụng.

Bất chấp sự phát triển năng lượng mặt trời gần đây, quốc gia Đông Nam Á với 100 triệu dân này vẫn phụ thuộc vào nhiệt điện than và thủy điện.

Việt Nam có gần 80 gigawatt (GW) công suất điện lắp đặt tối đa, nhưng đợt nắng nóng đã làm giảm sản lượng xuống chưa đến một nửa so với vào thời gian cao điểm, theo dữ liệu về mức trung bình hai tuần tính đến ngày 11 tháng 6 do nhà điều hành mạng lưới điện EVN của nhà nước, khiến lượng điện thậm chí không đủ cho những ngày bình thường.

Nhu cầu dùng điện trung bình cao nhất đã tăng khoảng bốn lần kể từ năm 2006 lên 42,5 GW vào năm 2021, theo một bài thuyết trình của EVN vào tháng Hai. Chính phủ cho biết, điều đó khiến miền Bắc vốn đông dân cư và công nghiệp hóa đang thiếu 4,35 GW trong đợt nắng nóng.

Dữ liệu của EVN cho thấy, các nhà máy điện than chiếm khoảng 60% sản lượng điện vào tuần trước và nhập khẩu than trong tháng 5 ở mức 4,5 triệu tấn, cao nhất kể từ tháng 6 năm 2020, theo dữ liệu của Refinitiv.

Nhưng ngay cả than cũng đang thiếu hụt, vì khoảng 25% công suất tại các nhà máy như vậy hiện tại không hoạt động để sửa chữa, Bộ Công nghiệp cho biết.

Dữ liệu thời tiết cho thấy thiếu mưa đã ảnh hưởng đến sản lượng của thủy điện, nguồn điện số 2, với một số tỉnh phía bắc chỉ nhận được khoảng 1/5 lượng mưa của năm ngoái.

Bộ Công nghiệp cho biết mực nước tại hầu hết các nhà máy thủy điện phía bắc đang quá thấp để có thể chạy hơn 1/4 công suất thiết kế.

TƯƠNG LAI MÙ MỊT CHO NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO

Mặc dù năng lượng mặt trời chiếm 1/4 công suất lắp đặt của Việt Nam sau khi tăng mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo trong thập kỷ trước, nhưng rất ít trong số đó đã được khai thác do sự chậm trễ trong phê duyệt dự án, các cuộc đàm phán về giá kéo dài và sự không chắc chắn về quy định.

Công suất lắp đặt từ các trang trại năng lượng mặt trời và các tấm pin trên mái nhà đạt 19,4 GW vào cuối năm 2020, nhưng trung bình chỉ có 10,5 GW được sử dụng vào thời gian cao điểm của đợt nắng nóng, EVN cho biết.

Và rất ít nhà sản xuất năng lượng mặt trời được kết nối với lưới điện, trong đó nhiều nhà sản xuất đã phải chờ đợi nhiều năm để đạt được các thỏa thuận về giá cả.

Một phần do vậy, nên đóng góp của năng lượng mặt trời vào cơ cấu nguồn điện của Việt Nam sẽ giảm xuống còn 8,5% công suất lắp đặt vào năm 2030, không bao gồm các tấm pin trên mái nhà, trong bối cảnh các nguồn năng lượng khác được chia sẻ theo kế hoạch điện cho thập kỷ này được phê duyệt vào tháng 6.

Các dự án điện gió, vì bị chậm lại do các rào cản hành chính và đại dịch COVID-19, đã chứng kiến khoảng 12,5 GW không được sử dụng tính đến tháng 2, sau khi bỏ lỡ thời hạn năm 2021 để chính phủ cho phép bán điện với giá ưu đãi hơn, theo một tài liệu nội bộ từ một thành viên của tổ chức G7, do Reuters cung cấp.

Một số dự án điện gió vẫn đang đàm phán về giá cả.

Các nhà tài trợ từ G7 và các tổ chức khác, vốn đã cam kết 15,5 tỷ USD vào tháng 12 để giúp Việt Nam cắt giảm sự phụ thuộc vào than đá, từ lâu đã coi năng lượng gió, đặc biệt là các trang trại điện gió ven biển, là rất hứa hẹn do bờ biển của Việt Nam rất dài và có các vùng nước nông ở những khu vực nhiều gió gần các thành phố lớn.

Nhưng Việt Nam vẫn chưa phê duyệt các quy định cho các trang trại điện gió như vậy và kế hoạch cho công suất lắp đặt chỉ là 6 GW vào cuối thập kỷ này.

Các nhà ngoại giao và quan chức tham gia các cuộc đàm phán với Hà Nội cho biết có rất ít tiến bộ trong việc giải ngân khi chính phủ đang gặp khó khăn trong việc quyết định Bộ nào sẽ được giao trách nhiệm thực hiện chương trình này.

Một cơ quan ra quyết định dự kiến được thành lập vào tháng 4 đã không thành hiện thực và các quan chức nước ngoài lo ngại rằng kế hoạch dự thảo đầu tiên về việc sử dụng tiền tài trợ sẽ không sẵn sàng vào tháng 11 như kế hoạch.

Bộ Công nghiệp và Bộ Môi trường của Việt Nam đã không trả lời các yêu cầu bình luận.

Rào cản hành chính và sự miễn cưỡng từ lâu của chính phủ Việt Nam trong việc chấp nhận các khoản vay nước ngoài, chiếm phần lớn trong các cam kết của G7, là một trong những yếu tố làm trì hoãn việc sử dụng các quỹ quốc tế cho các chính sách khí hậu.

Một nhà ngoại giao của một quốc gia G7 cảnh báo: “Đây là một cuộc chạy marathon, chứ không phải chạy nước rút”.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây