Mạc Văn Trang
11-6-2023
Hầu như mỗi người Việt ở tuổi trên 50 đều còn lưu giữ những kỷ niệm về Chợ quê. Có những kỷ niệm êm đềm thơ mộng, có những kỷ niệm xót xa, sợ hãi. Câu thành ngữ “Mong như mong mẹ về chợ” không biết bây giờ còn nhiều người nhớ không?
Riêng tôi, Chợ quê gắn bó với tuổi thơ bởi những kỷ niệm không thể nào quên. Lúc tôi 5-6 tuổi, không hiểu sao hai bà Thím (Thím Nhiên rồi Thím Đạt), nhà ờ cùng mảnh vườn nhà bố tôi, lại thèm uống nước tiểu của tôi. Lúc hai Thím sinh con uống nước tiểu, sau đó như nghiện. Sáng sớm lúc tôi còn đang ngủ, thím đã dựng dậy, bảo tè vào cái bát cho Thím uống, tí đi chợ về Thím cho quà. Tôi mắt nhắm mắt mở, “tè” xong lại lăn ra ngủ. Nhưng sáng dậy, Thím đi chợ về thể nào cũng được quà, khi thì xâu táo, khi cái bánh đa, khi cái bỏng ngô, khi cái bánh chè lam.
Mẹ tôi vài ngày mới đi chợ, Mẹ về hẳn có quà. Đúng là mong như mong Mẹ về chợ. Rồi lúc tôi 7 tuổi, thỉnh thoảng Mẹ còn cho đi theo sang chợ Mét xem mẹ bán rau muống, rau cần… Chợ Mét với tôi lúc đó là một thế giới lạ lùng: vừa thích, thấy đông người, nhiều hàng quán, đủ các thứ quen và lạ, thích nhất là ngắm mấy sạp hàng xén, có đủ thứ hấp dẫn trẻ con; vừa sợ thấy nhiều người lạ, có chỗ người ta cãi, chửi nhau ầm ĩ.
Lần cuối tôi theo Mẹ đi chợ là vào tháng Ba năm đói Ất Dậu (1945). Chợ vẫn đông người mua bán, nhưng thấy chỗ hàng bán bún, bánh đúc, bán gạo, vợ bán hàng, chồng phải cầm đòn gánh, hằm hằm đứng canh giữ. Mẹ bán rau xong, bảo tôi trông quang gánh, Mẹ ra mua cho tôi một cái bánh chưng bé bằng bàn tay, bóc ra đưa cho tôi, rồi cúi xuống xếp quang gánh. Tôi vừa đưa bánh lên miệng, chưa kịp ăn thì “vèo” một cái, một cậu lớn hơn tôi dăm bảy tuổi, giật cái bánh và ù té chạy.
Tôi đứng chết lặng. Sợ quá. Mẹ bảo thôi con ạ, Mẹ mua cho cái khác nhé. Tôi lắc đầu, vẫn còn kinh hãi. Từ đó tôi không bao giờ theo Mẹ đi chợ nữa.
Hồi miền Bắc tiến lên CNXH từ 1960 thì các chợ quê tan tác tiêu điều, vì bị “ngăn sông, cấm chợ”, buôn bán cá thể là mầm mống của chủ nghĩa tư bản xấu xa, ăn bám. Các tiểu thương phải đi sản xuất làm ra của cải vật chất; còn lưu thông đã có mậu dịch thu mua và phân phối. Từ đó hình thành nên thứ “văn hoá”: “Mua thì như ăn cướp, bán thì như bố thí”! Rồi nhờ thân quen thì “xin – cho”! Cả xã hội như quay về chế độ nô lệ!
Sau năm 1986 mở ra thời “đổi mới”, “cởi trói” thì người người đi buôn, nhà nhà làm kinh tế tự phát. Hà Nội có câu ca về phố nhà binh: “Đầu đường Thiếu tá bơm xe/ giữa đường Trung tá bán chè đỗ đen/ cuối đường Đại tá bán kem/ Xem ra cấp Tá chẳng hèn lắm đâu!”
Nhà nhà ở những căn hộ, căn nhà tập thể, chật chội, thiếu nước, thiếu điện, đói ăn, nhưng ai cũng trồng rau, nuôi lợn, nuôi chim cút, nuôi mấy con gà nhốt. Có chuyện cán bộ Phường đến lập biên bản, nhà GS Văn Như Cương nuôi lợn làm ô nhiễm môi trường. Ông thừa nhận nhưng phải sửa thành “Lợn nuôi ông Cương”, chứ không phải “ông Cương nuôi lợn”, thì ông mới ký vào biên bản! Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã viết cuốn truyện nổi tiếng “TRƯ CUỒNG”.
Nông dân được Đảng “cởi trói”, bực mình chửi “Mẹ cha thằng nào trước trói ông, để bây giờ Đảng phải cởi trói” cho ông? Nhưng tức khí chửi mấy câu rồi lại “ơn Đảng, nhờ có Đảng đổi mới” tái phân chia ruộng cho, nên lại vui mừng. Đang đói khổ kinh hoàng trong tình cảnh “Cái đêm hôm ấy đêm gì”, nay vợ chồng con cái lăn lưng ra làm quần quật, cày cuốc ngày đêm trên mấy mảnh ruộng mới được phân chia cho hộ gia đình. Nhờ vậy chỉ 2 – 3 vụ lúa, dân đã ăn no, lại còn có gạo xuất khẩu. Lại thấy Đảng sáng suốt, tài tình!
Sản xuất ê hề thì phải đem trao đổi. Đảng chả kịp lo lưu thông hàng hoá xã hội thế nào. Bỏ ngăn sông cấm chợ, bây giờ hàng hoá buôn bán loạn xạ, bung bét; khắp nơi là bến bãi, chợ cóc, chợ tạm, chợ chồm hổm, chợ đuổi, chợ đêm… Và chợ quê lại đông đúc, chen chúc, chật chội hơn bao giờ hết.
Chính quyền rất nhanh nhạy, lập ngay ra “Ban quản lý thị trường”, thực chất là mấy ông ra trông xe, thu tiền; nào tiền vé đem hàng vào chợ; nào vé thu các quầy hàng tháng; nào thu tiền vệ sinh, trật tự… Mấy anh trong Ban quản lý lại còn hay ghé vào ăn ở hàng này, hàng nọ mà quên trả tiền!
Nay thì sao? Chợ quê ngày xưa và những chợ tạm còn tồn tại được gọi là “Chợ truyền thống”. Mặc dù quanh chung cư Phú Mỹ Thuận (huyện Nhà Bè, tp HCM) có các siêu thị, cửa hàng đủ cả, nhưng vợ chồng tôi vẫn hay đi các chợ truyền thống quanh khu vực: Chợ Bờ Băng, chợ Phú Xuân, chợ Phước Long… Đi chợ cho vui “trải nghiệm thực tế” là chính và cũng mua vài thứ của bà con từ miệt vườn đem bán.
Mỗi lần đi chợ lại thấy gần gũi bà con dân quê thương mến, khơi lại những tình cảm quê hương thân thiết; thêm hiểu biết thực tế cuộc sống và thông cảm với dân mình hơn.
Và mỗi lần như vậy lại thấy Chính quyền chẳng quan tâm mấy đến chợ quê, chợ truyền thống, thậm chí vô cảm trước những cảnh tượng nhếch nhác, lộn xộn ở các chợ này.
Tôi hỏi bà con bán hàng thì được biết, Ban quản lý vẫn thu tiền chợ ngày, tiền quầy hàng tháng, nhưng môi trường, điều kiện cần thiết cho cái chợ văn minh hơn thì hầu như không được cải thiện gì.
Hôm trước tôi chia sẻ với chị Thiều Thị Tân câu chuyện này, chị rất đồng cảm, rớt nước mắt và nói, ngày xưa mẹ em nhờ một sạp hàng ở chợ mà nuôi hai con ăn học đó, nhưng nay thấy chợ tồi tàn, tiểu thương cực nhọc mà thương xót. Các ông lớn giờ chỉ lo mấy cái siêu thị sao cho hoành tráng, hình như các ổng cũng có cổ phần trong đó, chứ có quan tâm gì mấy cái chợ truyền thống của dân nghèo.
Tôi xin kiến nghị với chính quyền mấy điều.
1. Phát triển các siêu thị văn minh, hiện đại là đúng.
2. Cần quan tâm cải thiện các điều kiện cho những chợ truyền thống vẫn đang tồn tại là hết sức cần thiết, vì đó là nhu cầu thực tế của đông đảo dân nghèo; những chợ đó vẫn tồn tại là quy luật khách quan của cuộc sống, của lưu thông xã hội; những chợ đó là thiết chế của mỗi cộng đồng dân cư, giống như nhà thương, trường học, đình chùa, nhà thờ, nghĩa địa của dân… Một chính quyền vì Dân phải biết chăm lo cho những thiết chế đó phát triển đúng bản chất của nó và duy trì ngày một tốt đẹp hơn.
3. Cải thiện điều kiện các chợ truyền thống không phải dẹp chợ cũ đi, lập Dự án, xây dựng cái chợ mới thật to, mấy chục tỷ đồng như nhiều nơi các quan đã làm, rồi nhiều chợ thành chỗ bỏ hoang, nuôi bò, nuôi heo.
Cải thiện là nghiên cứu một cách khoa học và phù hợp thực tế, rồi nâng cấp các điều kiện cho văn minh hơn. Trước hết là đường đi lối lại vào chợ, trong chợ sao cho cao ráo, sạch sẽ; vệ sinh của chợ, lối thoát nước và gom rác; các dãy nhà, hàng quán được sắp xếp hợp lý, cao ráo sáng sủa; các sạp hàng và cách ngồi bán hàng sao cho hợp lý, văn minh; môi trường sạch, an toàn cho người bán hàng khách mua hàng.
Tóm lại, các chợ quê, chợ truyền thống cần được duy trì nhưng “hiện đại hoá, văn minh hoá” để cải thiện đời sống người dân, nhất là dân nghèo. Làm được điều này chứng tỏ chính quyền biết chăm lo đến cuộc sống của người dân thật sự, và cũng làm cho bộ mặt địa phương sáng sủa hơn, bớt nhếch nhác, bệ rạc. Làm đi, đừng nói xạo mãi!