Sự kết thúc chiến tranh Việt Nam (Phần 2)

Tác giả: Henry Kissinger

Đỗ Kim Thêm, dịch

29-4-2023

Tiếp theo phần 1

Theo quan điểm của Nixon, quyền lợi quốc gia đòi hỏi phải có một đường lối trung dung giữa chiến thắng và rút quân. Theo Nixon, rút quân không điều kiện đưa đến sự thoái vị về tinh thần và địa chính trị, nói khác đi, một sự thiệt hại nặng nề về ý nghĩa của Hoa Kỳ đối với trật tự quốc tế. 

Khi Nixon nhậm chức, ông khám phá ra các lý do thiết thực để từ chối việc rút quân đơn phương. Vị Tham mưu trưởng Liên quân ước lượng rằng, để chuẩn bị cho việc rút nửa triệu quân và các thiết bị phải cần thời gian 16 tháng. Ngay cả khi cho rằng, việc ước lượng của vị Tư lệnh này bị ảnh hưởng do ác cảm, kinh nghiệm đầy hỗn loạn trong việc rút 5.000 lính Mỹ ra khỏi Afghanistan trong năm 2021 cho thấy tình trạng vô trật tự tiềm ẩn qua việc rút quân đơn phương trong điều kiện chiến tranh. Tại Việt Nam, có khoảng hơn 150.000 binh sĩ Mỹ và ít nhất là 800.000 binh sĩ Bắc Việt và một số lượng tương đương binh sĩ miền Nam, thái độ của họ là có cảm tưởng bị phản bội, có thể xảy ra từ sự thù nghịch cho đến hỗn loạn.

Chính vì thế, như đã tuyên bố trong cuộc vận động tranh cử, Nixon quyết định đạt được sự liên kết một giải pháp ngoại giao với Liên Xô. Ông theo đuổi chiến lược này ngay khi đối diện cuộc tấn công của Bắc Việt, nó bắt đầu nội trong ba tuần sau khi ông nhậm chức, trước khi ông đưa ra bất cứ một hành động quân sự quan trọng nào, việc này làm cho hơn 6.000 binh sĩ thương vong trong sáu tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Nixon muốn tìm ra một sự kết hợp ngoại giao bằng cách áp lực buộc Liên Xô cắt giảm viện trợ cho Hà Nội. Ban Tham mưu của tôi dự kiến một kế hoạch ngoại giao để giải thích, trong đó chúng tôi chuẩn bị trình bày các tương nhượng cho Bắc Việt, để có thể thông qua Moscow. Song song, với bí danh “Duch Hook” (2), Ban Tham mưu của tôi có các chọn lựa khác là việc leo thang quân sự (chủ yếu là phong toả và ném bom). Trường hợp Moscow từ chối các đề nghị của chúng tôi, Nixon muốn cố thử áp đặt bằng bạo lực quân sự (việc này đã xảy ra, khi một phần lớn kế hoạch quân sự được thực hiện trong ba năm sau này, tháng 5 năm 1972, như là phản ứng trước việc tấn công của Hà Nội trong chiến dịch  mùa hè đỏ lửa).

Là nhà đàm phán của chính quyền Johnson với Bắc Việt, Cyrus Vance tỏ ra nhạy bén cho ý tưởng khi được bổ nhiệm làm đặc sứ trong trường hợp đề nghị của chúng tôi được đồng thuận.

Được Nixon thoả thuận, tôi đưa ra một khái niệm với Anatoli Dobrynin, Đại sứ của Liên Xô tại Hoa kỳ, mà không nêu chi tiết. Chúng tôi không nhận được câu trả lời nào từ phía Moscow, nhưng trong lần gặp gỡ đầu tiên vào tháng 8 năm 1969 với Bắc Việt, Xuân Thuỷ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Nội, từ chối lời đề nghị với lập luận là Hà Nội không bao giờ đàm phán thông qua phe thứ ba.

Trong khi nghiên cứu về các đường lối ngoại giao, Nixon đề ra một khái niệm chiến lược toàn diện trước thế giới vào ngày 25 tháng 7 năm 1969. Về địa điểm của bài diễn văn, ông chọn một nơi vắng vẻ thuộc phía Tây Thái Bình Dương của đảo Guam, ông dừng lại ở đây vào buổi chiều trong chuyến công du khắp thế giới, ngay trước đó ông chào đón các nhà phi hành không gian Mỹ, khi họ vừa từ mặt trăng trở về.

Qua lời tuyên bố có vẻ đầy ấn tượng trong cuộc họp báo này, Nixon trình bày về chính sách Đông Nam Á; thực ra, bài diễn văn này đã được Toà Bạch Ốc chuẩn bị cẩn trọng và tu chỉnh ngay trong chuyến bay, nhằm nhấn mạnh đến mối bang giao của Hoa Kỳ và các đối tác trong vùng. Nixon cảnh báo về các nguy cơ do các chế độ Cộng sản tại Trung Quốc, Bắc Hàn và Bắc Việt gây ra và tiếp tục lập luận là:

“Hoa Kỳ phải tránh một chính sách mà các nước tại châu Á trở nên quá lệ thuộc vào chúng ta, đến độ mà chúng ta bị ràng buộc trong các cuộc tranh chấp như cuộc tranh chấp mà chúng ta có tại Việt Nam”.

Dĩ nhiên, báo chí tháp tùng có hỏi về các chi tiết mà Nixon đã chuẩn bị sẵn để trả lời. Ông đáp: “Tôi tin rằng, thời điểm đã đến khi Hoa Kỳ phải nhấn mạnh đến hai điểm về mối quan hệ đối với tất cả các nước thân hữu châu Á.

Thứ nhất: Chúng ta sẽ tuân thủ các nghĩa vụ kết ước … nhưng thứ hai, trong những vấn đề có liên hệ đến an ninh nội địa và bảo vệ quốc phòng, với ngoại trừ việc các cường quốc có trang bị vũ khí hạt nhân đe doạ, Hoa Kỳ sẽ khuyến khích và có quyền kỳ vọng các quốc gia châu Á là sẽ càng lúc càng tự lo liệu về các vấn đề của họ và đảm nhận trách nhiệm”.

Những gì mà về sau nổi danh là “chủ thuyết Nixon” bao gồm ba nguyên tắc cơ bản:

1. Hoa Kỳ sẽ tuân thủ các nghĩa vụ kết ước.

2. Hoa Kỳ sẽ sẵn sàng bảo vệ trong trường hợp cường quốc nguyên tử đe doạ tự do đối với một trong các nước đồng minh của chúng ta hoặc một nước mà sự sống của họ còn được Hoa Kỳ xem như cần thiết cho nền an ninh của Hoa Kỳ và toàn khu vực.

3. Trong trường hợp có các loại tấn công khác, nghĩa là, các cuộc tấn công bằng vũ khí quy ước của các cường quốc không có vũ khí hạt nhân, Hoa Kỳ sẽ yểm trợ bằng quân sự và kinh tế, khi được họ yêu cầu. Nhưng Hoa Kỳ cũng chờ đợi các nước bị đe doạ trực tiếp, đảm nhận trách nhiệm chủ yếu trong việc cung ứng nhân lực cho việc bảo vệ.

Trong khuôn khổ mà về sau được gọi là “Việt Nam hoá chiến tranh”, Hoa Kỳ muốn viện trợ quân sự, huấn luyện và yểm trợ không quân theo theo nguyên tắc thứ ba trong ba nguyên tắc kể trên, để cho Sài Gòn có điều kiện cầm cự cho đến khi nào đủ mạnh để tự bảo vệ. Mục đích của chủ thuyết Nixon là thể hiện việc người Mỹ  kiên quyết và khả năng của miền Nam Việt Nam có thể phòng thủ để Hà Nội đồng thuận về một giải pháp chính trị, nó cho phép dân chúng miền Nam tự quyết định tương lai của mình.

Nixon hứa tuân thủ các nghĩa vụ của Hoa Kỳ đối với các đồng minh kết ước như Nam Hàn và Thái Lan và cũng bảo vệ các nước khác tại châu Á, khi họ bị các cường quốc nguyên tử đe doạ, việc này ám chỉ Trung Quốc và Liên Xô. Sự khác biệt giữa Nixon và các bậc tiền nhiệm là ông làm ràng buộc phạm vi các viện trợ Mỹ, các nước bị đe doạ phải tự nhận trách nhiệm bảo vệ. Mục tiêu chính là ông muốn trấn an các nước mà sự sống còn của họ dựa vào niềm tin về vai trò của Mỹ, khi các cuộc đàm phám để chấm dứt chiến tranh Việt Nam không đánh dấu về việc triệt thoái chiến lược từ châu Á (3).

Vào cuối nhiệm kỳ, tổng thống Johnson đã có các cuộc đàm phán chính thức với Bắc Việt và được tiếp tục dưới thời Nixon. Hàng tuần đại diện của Bắc Việt, Mỹ, chính quyền miền Nam của Sài Gòn và Mặt trận Giải phóng miền Nam gặp nhau tại khách sạn Majestic, Paris. Hà Nội không bao giờ xem các cuộc đàm phán này là một tiến trình ngoại giao, mà chỉ là một giai đoạn tiếp tục của một chiến lược tâm lý, để họ làm hao mòn ý chí của Mỹ và làm sụp đổ chính quyền “bất hợp pháp” của Nam Việt Nam.

Vào những ngày cuối cùng của chiến dịch vận động tranh cử năm 1969, Tổng thống Johnson công bố với niềm hy vọng tràn trề là Bắc Việt theo đuổi hai mục đích trong các cuộc đàm phán này: Đối với chính phủ Nam Việt Nam phải mất tính chính danh, để trước hết Hà Nội hoàn toàn từ chối đàm phán với họ và kiên trì là Mặt trận Giải phóng miền Nam là phía đàm phán cho miền Nam tại bàn hội nghị.

Sau khi một thoả hiệp được tìm ra để cả hai phe của miền Nam được tham dự đàm phán chính thức, Hà Nội từ chối không hề nói đến bất cứ vấn đề nội dung nào. Mục tiêu của Bắc Việt là kéo dài các cuộc đàm phán cho đến khi nào Hoa Kỳ kiệt sức hoặc do các phản đối của dân chúng Mỹ đến độ phải quay lưng từ bỏ Đồng minh Nam Việt Nam.

Diễn đàn đàm phán chính thức tại khách sạn Majestic mà phái đoàn Bắc Việt do Xuân Thuỷ lãnh đạo, mang lại một kỳ tích bất thường. Trong bốn năm được gọi là đàm phán, không có tiến bộ nào đạt được và kết quả chỉ nhằm trình bày hàng loạt các lời tuyên bố cho có hình thức với nội dung rỗng tuếch.

Vào mùa hè năm 1969, Nixon tìm hiểu rằng qua kênh đàm phán với Moscow có thể đạt được kết quả đầy vinh dự theo quan điểm của chúng tôi. Trước khi thực hiện cách này để gia tăng áp lực, ông quyết định thử lại một lần nữa khi khởi động lại các cuộc đàm phán. Việc này có hai phần: Tôi phải huỷ chuyến du hành thế giới để hội kiến với Xuân Thuỷ tại Paris vào ngày 4 tháng 8 năm 1969. Đó là cuộc mật nghị đầu tiên mà từ đó cho đến tháng 4 năm sau, một kênh mật đàm giữa Lê Đức Thọ và tôi diễn ra.

Pháp là quốc gia duy nhất trong khối NATO có quan hệ ngoại giao với Hà Nội, và cuộc gặp gỡ do Jean Sainteny, Đại sứ Pháp tại Hà Nội, thu xếp. Đối với tôi, phu nhân của Sainteny là một người bạn thân thiết sau khi bà đã tham dự một khoá học quốc tế kéo dài ba tháng trong khuôn khổ chương trình mùa hè của Đại học Harvard, do tôi giảng dạy. Nhờ thế, cuộc mật nghị giữa các giới chức của Nixon và Việt Nam diễn ra trong một căn phòng sang trọng của Sainteny trên đường Rivoli. Khi ông giới thiệu những người Việt cho chúng tôi, ông đặt điều kiện là không được phép phá vở bất cứ các đồ gia dụng nào.

Một cuộc trao đổi sau đó cho thấy trước viễn cảnh bế tắc trong ba năm sau. Xuân Thuỷ lên lớp giảng dạy về cuộc chiến đấu hào hùng của người Việt cho độc lập và lòng kiên quyết của Hà Nội để theo đuổi cuộc chiến cho đến cùng. Tôi nghe các lời này lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần trong nhiều năm và kết thúc bằng việc công bố các điều kiện tiên quyết của Hà Nội. Đến phiên tôi, tôi giải thích là sẵn sàng đàm phán trên cơ sở của một tiến trình chính trị mà tất cả các phe nhóm, kể cả những người cộng sản, có thể tham gia.

Nixon chỉ thị cho tôi nên dùng cơ hội cho các biện pháp táo bạo. Tôi đã truyền đạt là nếu cho đến ngày 1 tháng 11 mà chúng tôi không có được một hồi đáp giá trị nào về các đề nghị của chúng tôi thông qua các kênh ngoại giao của hai phía, chúng tôi sẽ cứu xét đến các biện pháp khác hơn là ngoại giao, có hàm ý về việc dùng biện pháp quân sự. Xuân Thuỷ, cũng như những nhà đàm phán Việt mà tôi gặp gỡ, họ tỏ thái độ rất lịch sự khi trả lời bằng cách lặp lại các điều kiện tiên quyết của Hà Nội: Mỹ rút quân và chính phủ Sài gòn sụp đổ trước khi có các cuộc đàm phán đầy ý nghĩa.

Vì Nixon không có ý định thảo luận trong các điều kiện như vậy, nên vào ngày 20 tháng 10 tại Toà Bạch Ốc, ông quyết định lặp lại một tối hậu thư cho Dobrynin, Đại sứ Nga. Nixon cầm một tập ghi chú màu vàng từ trên bàn của phòng Bầu Dục đưa cho vị Đại sứ và nói: “Tốt hơn, ông nên đưa ra một vài ghi chú”. Dobrynin đặt vài câu hỏi cần làm sáng tỏ và cho là không biết gì về nội dung của vấn đề. Để ép Moscow và Hà Nội phải cho ngày hẹn chót, Nixon còn đi xa hơn khi cho rằng ngày 3 tháng 11 ông dự trù sẽ có bài diễn văn nói chuyện về vấn đề Việt Nam. Việc này trở thành một trong các cách hùng biện nhất của ông.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Gởi bao Niềm nhớ về Cố đô Sài Gòn giờ có còn Phố cũ Lá Me Xanh
    **********************

    Sài Gòn ! Sài Gòn ! Hòn Ngọc Viễn Đông
    Thủ đô dấu yêu yêu dấu mãi vọng đồng
    Chắc vẫn Lá Me bay Sài Gòn giờ bên ấy
    Đường xưa hai hàng cây cao song song
    Lối cũ mong chờ hàng triệu đôi mắt biếc
    Bao giờ lấy lại Tên cũ hẹn với Núi Sông
    Sài Gòn 48 Năm sau Phố Tự Do biến mất
    Nửa Hồn đau nhớ Nửa Hồn mất Đêm Mầu hồng
    Luân lạc trong hay ngoài Nước giờ sao Em nhỉ ?
    48 Năm rồi ! Vẫn huyết lệ trông Núi nhớ Sông
    Sài Gòn thân yêu không bao giờ quên được
    Hàng Me Xanh phủ mãi bao Chuyện Tình nồng
    Heo may rải Lá Me trên tóc thề vai gầy guộc
    Sắc Vàng chẳng phải mầu Hoàng tộc rêu phong
    Lại là Mộng triệu mầu tang Văn minh Ai Cập !…

    Bỗng Cơn Gió bụi biến thành hàng vạn Tình Không
    Cơn lốc Sử lịch như ngọn Sóng thần phủ lấp
    Trăn trở tơi bời lại đến Tháng Tư Đen mênh mông
    Giờ Phố cũ Lá Me Xanh từ Paris gởi bao Mộng ước
    Một Thời để Yêu Một Đời để Nhớ Cánh Hồng
    Giờ Phố cũ Lá Me Xanh từ Paris gởi bao Niềm nhớ
    Sài Gòn ! Sài Gòn ! Lộng lẫy Hòn Ngọc Viễn Đông !!!

    https://universite-digitale1.com/wp-content/uploads/2018/05/MeVietNam.jpg

    TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT cảm tác 48 Năm sau đúng Thời điểm Sài Gòn thất thủ 30 tháng Tư Đen 1975 – Paris Chúa nhật 30 tháng Tư Đen 2023

Comments are closed.