Án văn nghệ Vũ Hoàng Chương (Phần 3)

Nguyễn Thông

15-2-2023

Tiếp theo Phần 1 Phần 2

Cách ly thời dịch COVID năm 2021. Ảnh trên mạng

Xung quanh những người nổi tiếng thường có nhiều giai thoại, những chuyện truyền khẩu, cả hào quang và bóng tối. Chúng cứ tồn tại và phát tán theo thời gian, thực và bịa không biết đâu mà lần. Nhân vật lịch sử, nhất là những lãnh tụ là lắm giai thoại nhất, kiểu như biết 29 ngoại ngữ (không tin cứ hỏi ông Hoàng Chí Bảo), giỏi thuật thôi miên, biết Tạ Đình Đề trốn trên nóc nhà, biết tiên đoán tương lai hậu vận chính xác, biết cả ngày chết giờ chết của mình, hôn hòn đất, bọc gạch ngủ, “nhà mày có khỉ già lắm”, v.v…

Văn nghệ sĩ cũng bị bao bọc tá lả giai thoại. Thế hệ sinh trong thập niên 50 chúng tôi được “trang bị” khá nhiều chuyện hư hư thực thực về các cụ Phan Khôi, Trần Đức Thảo, Hữu Loan, Quang Dũng, Phạm Duy, Xuân Vũ, Chế Lan Viên, Lưu Quang Vũ, thậm chí cả những truyền khẩu về Tố Hữu, Việt Phương, Bằng Việt, Xuân Quỳnh. Tất nhiên, một thi bá, một “tên phản động”, một người bị cả dàn tuyên giáo, văn nghệ miền Bắc chửi như Vũ Hoàng Chương thì khó tránh khỏi chịu sự tô vẽ, bôi ma bôi mèo này nọ. Bằng chứng là cho tới nay người ta vẫn không thể xác định mấy câu thơ kiểu “lưỡi lê no máu rửa Tây hồ” có phải do ông viết không, hay là tuyên giáo cộng sản sáng tác hộ rồi gán cho.

Thập niên 60-70, một trong những cuốn sách có liên quan tới Vũ Hoàng Chương và những nhà thơ đang sống ở miền Nam, đã bị cấm một cách không chính thức. Đó là cuốn “Thi nhân Việt Nam” của anh em Hoài Thanh – Hoài Chân (tức Nguyễn Đức Nguyên – Nguyễn Đức Phiên). Hai ông này đều nổi tiếng, đều là yếu nhân của văn nghệ miền Bắc, nhưng lệnh miệng từ trên, trên, trên… không cho tái bản, xuất bản, không cho lưu hành thì cũng phải chịu. Thứ văn nghệ phục tùng chính trị ở miền Bắc những năm đó là vậy. Không có văn bản giấy trắng mực đen, không ai công bố cấm này cấm nọ, chỉ rỉ tai nhau, chỉ nói như nói đùa, nhưng văn nghệ sĩ và tác phẩm cứ lăn ra chết.

“Khẩu thiệt vô bằng”, rồi về sau có vụ nào đó được nhìn nhận lại, phục hồi, chiêu tuyết, thì ối ông nhảy ra phân trần tôi đâu có ác thế, thậm chí còn kể công. Những vụ liên quan tới Hà Minh Tuân, Hữu Loan, Việt Phương, Phùng Quán, Phù Thăng, Hoàng Cát… đều vậy. Văn sĩ cộng sản có tính đảng còn bị đầy oan ức, thân tàn ma dại, sự nghiệp tan tành, huống hồ “phản động” Vũ Hoàng Chương.

“Thi nhân Việt Nam” ra đời năm 1942, tất nhiên hai ông Hoài chả phân biệt đâu là cách mạng hay không cách mạng, vô sản hay tay sai thực dân đế quốc. Cứ tài, thơ hay là được đưa vào. Có thể nói, đó là công trình vào hạng hay nhất về đánh giá văn nghệ Việt Nam đương thời, cùng với cuốn “Nhà văn Việt Nam” của Vũ Ngọc Phan. Mà chúng chỉ do các cá nhân tự mày mò làm, nghiên cứu, đánh giá, không như sau này đủ các thứ viện, ban bệ, tổ chức nhưng chả sản phẩm nào ra hồn.

Điều đáng buồn là, sau này, khi đã đi với cách mạng, thì ông Hoài Thanh lại phủ nhận ngay tác phẩm tâm đắc của mình, coi nó như thứ sai lầm, vớ vẩn, kém giá trị. Tương tự, Xuân Diệu từng ca tụng hơi ngượng miệng “Hôm nay học hết kỳ chỉnh đảng/ Thấy bốn phương ánh sáng lùa vào”. Thế mới biết cộng sản tẩy não con người ta ghê gớm thật. Cá tính, ngang tàng như Nguyễn Tuân mà còn nín khe, chịu ngoan ngoãn lép một bề, nhận mình đã được cộng sản tái sinh trong “cuộc tái sinh màu nhiệm”, vậy thì đố ai dám “phá vây”. Hoài Thanh, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu… đều dạng đáng thương cả, nạn nhân của thời cuộc sắt máu búa liềm.

Cuốn “Thi nhân Việt Nam” trong đó có Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Vỹ, Quách Tấn, Đông Hồ… “đang phục vụ cho chế độ Mỹ ngụy” nên phải chịu sự phân biệt đối xử. Hay giỏi mấy cũng là địch. Ở miền Nam, Vũ Hoàng Chương là thi bá, là ông vua trong làng văn nghệ, nhưng ở miền Bắc ông bị khai tử.

Đám chúng tôi được biết, được đọc thơ Vũ Hoàng Chương là nhờ sự chiếu cố “đối tượng chính sách”. Sinh viên văn trường Tổng hợp ngoài việc hằng tháng được đến rạp Kinh Đô hoặc Tháng Tám xem những cuốn phim “tư liệu” không cho chiếu rộng rãi ra ngoài như Anh em nhà Karamazov, Người thứ 41, Đàn sếu bay qua, Chiến tranh và hòa bình, Con đường đau khổ, Giamilia…, còn được cấp cho cái thẻ mỗi tuần một lần vào đọc ở phòng tư liệu khoa. Vũ Hoàng Chương bị án treo nằm trong này.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Kể ra thì, do chế độ cộng sản cám đoán kĩ quá nên các bác chịu thiệt . Còn ở miền Nam, chúng em tha hồ đọc tác phẩm của Tự lực văn đoàn, kể cả Thi nhân VN của HT – HC, lại in rất đẹp nữa chứ. Sau này, biết lão HT phủ nhận công trình để đời của mình thì ngán ngẫm quá, chỉ muốn vất nó vào sọt rác ( nhưng lại tiếc ông ạ, nên thôi ! ).
    Còn sau đó, lên ĐH Văn khoa, cứ mỗi lần ra các quầy sách ở phố Lê Lợi thì chỉ nhìn sách cũng đủ ngợp rồi : Lửa thiêng ( HC ), Điêu tàn ( CLV ), Thơ thơ, Gửi hương cho gió ( XD ), Lỡ bước sang ngang ( NB ), Quê ngoại, Chân trời cũ ( Hồ Dzếnh ), Thơ say (VHC ), thơ Đinh Hùng v.v…và v.v…
    Chúng em mới học đệ lục, đệ ngủ thôi ( tức là lớp 7, lớp 8 ấy ) mà các tổ học tập dám thuyết trình ( tức là một dạng học tập ) Anh phải sống, Gánh hàng hoa của Nhất linh . Và cũng không từ chối thuyết trình cả Đoạn tuyệt ( Nhất Linh ) Nửa chùng xuân ( Khái Hưng ) nữa chứ . Mà đã thuyết trình thì cả lớp có quyền hỏi bất cứ vấn đề gì xoay quanh tác phẩm . Tất nhiên, thuyết trình viên bí, không trả lời được thì thầy, cô sẽ can thiệp, bằng cách trả lời thay .
    Bây giờ, nghĩ lại, sao hồi đó chúng em bạo gan thế ?! Ậy, nhưng mà, tại cái cách giáo dục hồi đó như thế mà . Học sinh tự chọn, tự đọc tác phẩm, rồi nêu cảm nhận theo cái cách của mình ( dưới chế độ của TT Ngô Đình Diệm ) đến trước 1975 thì vẫn thế .

Comments are closed.