Bao giờ thì có nguyên thủ quốc gia đúng nghĩa?

Nguyễn Ngọc Chu

18-2-2023

1. Thể chế chính trị Việt Nam hiện nay chia quyền lực cho 4 trụ cột: Tổng bí thư (TBT), Chủ tịch nước (CTN), Thủ tướng (TT), Chủ tịch Quốc hội (CTQH), nên không có một ai trong số đó đảm nhận vai trò nguyên thủ quốc gia đúng nghĩa.

TBT là người có quyền lực cao nhất trong Đảng, nhưng không phải là đại diện cho quốc gia, mà chỉ đại diện cho đảng phái. Vì thế khi đi thăm các quốc gia khác, nhiều nước không tiếp đón theo nghi lễ nguyên thủ quốc gia. Thậm chí, muốn đi thăm cũng không có lý do để nguyên thủ các quốc gia khác cất lời mời. Khi đi thăm, vấn đề rải thảm đỏ, bắn đại bác chào mừng, tổ chức quốc yến… theo nghi lễ nguyên thủ đòi hỏi những đàm phán vất vả của ngoại giao. TBT cũng không điều hành bộ máy của quốc gia, không điều hành nền kinh tế của đất nước. TBT không phải là nguyên thủ quốc gia.

CTN theo danh nghĩa là nguyên thủ quốc gia. Nhưng CTN không có quyền quyết định nhân sự như TBT. CTN cũng không điều hành đất nước như TT. Trên thực tế CTN ít quyền hơn TBT, ít quyền hơn TT.

TT điều hành trực tiếp chính phủ. Nhưng nhân sự chính phủ cũng không do TT quyết định mà do BCH TƯ Đảng và Bộ Chính trị quyết định. TT cũng không thực quyền điều hành chính phủ. Đi thăm các quốc gia khác, TT cũng không phải là nguyên thủ quốc gia.

CTQH điều hành Quốc hội (QH) nhưng mọi quyết định quan trọng của QH đều do Đảng quyết định trước, sau đó mới đưa cho QH thông qua để hợp lệ về thủ tục. CTQH ít quyền hơn TBT, ít quyền hơn TT.

Thực chất, Việt Nam hiện nay không có nguyên thủ quốc gia đúng nghĩa.

2. Đại sa số các nước chọn ra nguyên thủ quốc gia hoặc qua thể thức bàu cử trực tiếp, hoặc qua thể thức bàu ra nghị viện, rồi nghị viện bàu ra nguyên thủ quốc gia.

Thể thức bàu cử trực tiếp là thể thức tốt nhất chọn nguyên thủ quốc gia. Bởi vì đây là thể thức đối đầu trực tiếp, mang tính được mất, sống còn. Nên nguyên thủ quốc gia chọn ra từ thể thức bàu cử trực tiếp thường là những thân hình chính trị mạnh mẽ, thông tuệ.

Thể thức bàu nguyên thủ quốc gia thông qua nghị viện có lúc mang tính thoả hiệp, nên nguyên thủ quốc gia chọn qua thể thức này ít quyết liệt, không phải ai cũng có tính cách thủ lĩnh.

Nhưng dẫu bằng thể thức nào thì nhờ tính dân chủ và minh bạch, sòng phẳng và thực chất chứ không giả hiệu trong bàu cử, các nguyên thủ quốc gia đều sắc sảo và mạnh mẽ, tuy mức độ có khác nhau.

Vị trí CTN của Việt Nam được Đảng quyết định nhân sự trước, nhưng không phải bỏ phiếu trong toàn Đảng, cũng không phải bàu cử trực tiếp ở Ban chấp hành Trung ương Đảng, mà bằng sự thảo luận và quyết định của các uỷ viên Bộ chính trị. Sau đó ứng viên CTN được đưa ra để QH thông qua.

CTN của Việt Nam không được chọn theo các thể thức như đa số các nước trên địa cầu.

3. Nguyên thủ quốc gia là vị trí quan trọng nhất trong bộ máy nhà nước. Nguyên thủ quốc gia là thân hình chính trị lớn nhất của một nước. Nguyên thủ quốc gia là bộ mặt của nhà nước. Nhìn vào nguyên thủ quốc gia biết trạng thái đất nước.

Một nguyên thủ quốc gia yếu không thể đại diện cho một quốc gia mạnh.

Một quốc gia mạnh không thể có một nguyên thủ quốc gia yếu.

Nhìn vào nguyên thủ quốc gia, có thể tự hào.

Nhìn vào nguyên thủ quốc gia có thể xấu hổ.

Nhìn vào nguyên thủ quốc gia, có thể vui mừng.

Nhìn vào nguyên thủ quốc gia có thể lo lắng.

Nhìn vào nguyên thủ quốc gia, có thể hy vọng.

Nhìn vào nguyên thủ quốc gia có thể bi quan.

Đất nước cần một nguyên thủ quốc gia mạnh mẽ, thông tuệ, thực quyền để thực sự có ích cho đất nước. Một ước mơ mà ở các nước được hiện thực sau mỗi nhiệm kỳ 4-5 năm. Nhưng ở Việt Nam thì đến bao giờ?

Đã nhiều thập niên Việt Nam chưa có một CTN để lại ấn tượng. Rất cần phải cải cách thể thức lựa chọn nguyên thủ quốc gia.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Để có được 1 chủ tịch nước đúng tiêu chuẩn như Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, dân Ta cần phải làm được nhiều thứ

    – Đầu tiên tiền đâu, trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh . Không thiến sót, xuyên tạc, bôi gio trát trấu, không nhét xít vào mồm Cụ Hồ khi trích dẫn & áp dụng

    – Đoạn tuyệt hẳn với chủ nghĩa dân tộc cực đoan

    – Làm theo ước muốn của Lê Học Lãnh Vân, yêu quê hương là yêu Tổ quốc-chế độ- Xã hội chủ nghĩa

    – Hòa giải đã xong rồi, cần tiến hành hòa hợp dân tộc

    – Nhất thể hóa 2 đảng Cộng Sản

    – Đạt được ước mong của Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, là dân & Đảng thành 1 khối thống nhứt

    Làm được mấy chuyện trên càng sớm càng tốt thì Chủ tịch Tập Cận Bình, người hội đủ những tiêu chuẩn của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu sẽ trở thành 1 nguyên thủ quốc gia xứng đáng

    Còn bây giờ thì Hun Sen cũng chưa chắc nhận

    “Đã nhiều thập niên Việt Nam chưa có một CTN để lại ấn tượng. Rất cần phải cải cách thể thức lựa chọn nguyên thủ quốc gia”

    Rất chính xác . Từ hồi Chủ tịch Hồ Chí Minh tới giờ, chưa ai đáng để có thể fill in his shoes. Luật sư Đặng Đình Mạnh đã mong muốn “Đổi Đúng” thay vì Đổi Mới -cái con cá sặc í . Tại sao Đảng không cải cách để làm sao có được 1 người như Chủ tịch Hồ Chí Minh ? Nếu tớ hổng lầm, Bác Hồ là thiếu tá của Bác Mao, hay Ta gửi người nhờ bên kia đào tạo dùm ?

  2. Nói “tứ trụ” cho có vẻ độc lập chứ thật ra chỉ có 1 trụ to nhất còn 3 trụ kia là phụ và
    bé nhỏ hơn chi xúm vào chống thêm cho chắc trụ CHÍNH.
    Bao giờ có nguyên thủ đúng nghĩa ư ? Đơn giản như…đang giỡn thôi ! Đó là khi nào
    chế độ toàn trị này tiêu vong thì mới mong có nguyên thủ đàng hoàng đúng nghĩa vì
    vị nguyên thủ đó sẽ được nhân dân bầu lên một cách tự do dân chủ !

  3. Thì lèo tèo vài ba nước gọi là HXCN có thế chế vẫn như vậy mà, vẫn cứ sống nhăn răng ra đó. Không biết đám con cháu cho ăn học ở Mỹ sau này có làm được gì khác hơn không?

  4. Tác giả phán rất đúng.
    Cứ ngắm nghía Nguyễn Xuân Phúc thì biết cái xứ Đông Lào này mạnh mẽ hay rệu rã ra sao.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây