Đặng Tiểu Bình “sai lầm” khi đánh Việt Nam?

Trương Nhân Tuấn

17-2-2023

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Nếu xét lại cho kỹ, nguyên nhân đưa tới việc Đặng Tiểu Bình đánh Việt Nam là các chính sách sai lầm của CSVN (chớ không phải của Đặng Tiểu Bình).

Để có một cái nhìn khách quan, thử đặt bất kỳ một lãnh đạo của nước Tây phương nào đó vào vị trí Đặng Tiểu Bình. Đặt các vấn đề như sau:

1/ Việt Nam ra chính sách tập trung người Hoa, từ Nam ra Bắc, tịch thu toàn bộ gia sản của những người này, sau đó bắt họ “hồi tịch” (trong đó nhiều người sinh ra và lớn lên ở Việt Nam từ nhiều đời, không biết nói tiếng Hoa), buộc họ rời khỏi Việt Nam với hai bàn tay trắng. Trên cương vị lãnh đạo TQ, lãnh đạo Tây phương đó sẽ làm gì?

2/ Theo các tài liệu của CIA vừa bạch hóa gần đây, Việt Nam đã có hành vi lấn đất của TQ (chứ không phải ngược lại), diện tích khoảng 60km². Nếu dữ kiện này là thật, lãnh đạo quốc gia Tây phương đó sẽ phải làm gì để bảo toàn lãnh thổ?

3/ Lãnh đạo Việt Nam từ năm 1958 đã nhìn nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của TQ, trước là để đền ơn các viện trợ của TQ cho cuộc chiến chống Pháp, sau là trả nợ các viện trợ cho cuộc chiến chống Mỹ. Bây giờ Việt Nam dựa vào Liên Xô, một thế lực thù nghịch khác của TQ, để chống lại TQ rồi tuyên bố ngược lại Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Thái độ của lãnh đạo sẽ ra sao?

Chắc chắn bất kỳ một lãnh đạo nào đó cũng sẽ làm không khác Đặng Tiểu Bình.

Vấn đề “nạn kiều” là lý do quan trọng để họ Đặng hạ quyết tâm “dạy Việt Nam một bài học”. Hãy thử làm tương tự với một người Mỹ, xem thái độ của lãnh đạo và dân nước này ra sao?

Lý do cốt lõi mà Putin dựa vào để xâm lược Ukraine là để bảo vệ kiều dân Nga.

Thế giới văn minh không ai làm theo lối “man rợ” như lãnh đạo CSVN đã làm. Theo công pháp quốc tế, một quốc gia có quyền can thiệp vào nội bộ quốc gia khác để bảo vệ kiều dân của mình.

Về vấn đề lãnh thổ, Bị Vong Lục của Việt Nam công bố năm 1979 tố cáo TQ chiếm đất của Việt Nam. Các chi tiết trong đó một số không thể kiểm chứng, một vài điểm thì đúng nhưng cũng có vài điểm sai. Nhiều tài liệu (như của CIA) cho thấy phía Việt Nam chiếm đất của TQ (vì phía Việt Nam không chấp nhận công ước Pháp-Thanh về biên giới 1885-1897). Nếu việc Việt Nam lấn đất có thật, thì chính Việt Nam đã tạo ra lý do để TQ đánh Việt Nam. TQ gọi việc đánh Việt Nam là cuộc chiến tự vệ (phản công tự vệ chiến).

(Thử suy nghĩ, nếu nhà nước Mễ không tôn trọng hiệp ước nhượng đất đã ký với Hoa Kỳ trước đây, cho quân qua chiếm đất của California hay Dallas, Tổng thống Biden có “phản công tự vệ” không?)

Về công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng, phía Việt Nam có phản bác thế nào thì cũng không thể phủ nhận hiệu quả của nó trước dư luận quốc tế (nhứt là hiệu quả ràng buộc trước quốc tế công pháp).

Đặng Tiểu Bình là nhân vật chính trong cuộc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974. TQ đánh với danh nghĩa “giải phóng lãnh thổ bị kẻ địch chiếm đóng”. TQ có thể nhân danh tương tự để đánh Trường Sa bất kỳ lúc nào mà họ thấy nắm chắc phần thắng.

Trong khi đó, cuộc chiến Việt-Kampuchia 1978 đáng lẽ cũng đã không xảy ra. Lãnh đạo CSVN đã ra tuyên bố “tôn trọng đường biên giới hiện trạng của Campuchia” với Sihanouk để ông này cho mở đường mòn Hồ Chí Minh trên đất Miên. Mà “đường biên giới hiện trạng”  theo Sihanouk (có đệ trình lên LHQ) bao gồm các đảo trong vịnh Thái Lan và biên giới theo bộ bản đồ Indochine 1/100.000 trước 1958.

Theo tài liệu khác, một lãnh đạo MTGPMN cũng hứa hẹn trả đảo Phú Quốc và Thổ Chu lại cho Kampuchia để được Sihanouk cho đặt bản doanh Mật trận trên đất Miên. Sihanouk bị Lonnol lật đổ, nhưng sau đó Kampuchia về tay Khmer đỏ. Dầu vậy, lời hứa của lãnh đạo CSVN vẫn còn. Việt Nam không giữ lời, do đó Khmer đỏ mới đánh phá và giết chóc, tạo ra cuộc chiến Việt-Miên 1978.

Điều nên biết, Khmer đỏ là “con đẻ” của CSVN. Tương tự như Việt Nam DCCH của ông Hồ là “con đẻ” của Trung Quốc.

Nguyên nhân cuộc chiến Việt-Kampuchia 1978 là do Khmer đỏ hay do lãnh đạo CSVN?

Việt Nam can thiệp sâu vào nội bộ Kampuchia cũng là một lý do để Trung Quốc đánh Việt Nam. Việt Nam can thiệp vào Campuchia, dưới mắt của quan sát viên thế giới, là hành vi “xâm lăng”. Điều này đi ngược lại các nguyên tắc của thế giới, như hiến chương LHQ, là phải tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia khác.

Đặng Tiểu Bình đánh Việt Nam có sai lầm hay không, vị thế của TQ hiện nay trên trường quốc tế, cũng như tư thế của họ Đặng trong tâm khảm những người Hoa, trong lịch sử của TQ, là câu trả lời.

Là người Việt Nam, dĩ nhiên ai cũng phẫn nộ trước sự bạo tàn của quân lính TQ. Để chống lại sự xâm lăng của TQ, hàng chục ngàn thanh niên Việt Nam đã đổ máu, chưa tính tới vài chục ngàn nạn nhân vô tội khác, là người dân sinh sống ở các tỉnh trên biên giới. Nhưng suy nghĩ sâu xa, cuộc chiến này có thể tránh được, nếu lãnh đạo CSVN đã không có những tính toán sai lầm.

Lãnh đạo CSVN sai lầm đã tạo lý do chính đáng để họ Đặng đánh Việt Nam.

Điều tệ nhứt, những người lãnh đạo CSVN hiện nay đã thấy sai lầm này. Thay vì tìm ra những chính sách hòa giải để hàn gắn các vết thuơng quá khứ, họ đã chọn phương cách quay lưng lại với lịch sử.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Tôi không phản bác những lý do Trương tiên sinh đã nêu trong bài. Tuy nhiên tôi cho rằng Đ.T Bình đã phạm sai lầm nghiêm trọng bởi lẽ: đánh mà không thấy được tương quan lực lượng của ta với địch. VN mới thằng Mỹ mấy năm trước, nhuệ khí còn cao, vũ khí thu được ở miền Nam tối tân hơn, quân lính thiện chiến hơn. Hơn nữa cuộc chiến D.T Bình phát động có tính cục bộ: chi bộ binh, chiến xa và pháo, thiếu không hải quân tham gia. Nếu ngày nay TC phát động một cuộc chiến tổng hợp liệu VN sẽ cầm cự được bao lâu?
    VNA

Comments are closed.