Ác mộng Nobel

Tạ Duy Anh

16-2-2023

Việc thi sỹ Vũ Hoàng Chương, năm 1972, được một giáo sư trong nước giới thiệu và Hội đồng Giải thưởng Nobel chấp nhận đưa vào danh sách đề cử (cùng với khoảng vài ngàn người) theo như thông tin bạch hóa mới đây của Hội đồng xét giải, chắc chắn là một niềm “hãnh diện” với giới cầm bút nước nhà!

Nhưng khi có nhiều người phát ngốt vì thông tin ấy, thì nó lại cho thấy hiển hiện một căn bệnh mãn tính thuần Việt: Còi cọc về tinh thần.

Trước và sau đề cử Giải Nobel văn chương, Vũ Hoàng Chương vẫn cứ/ vẫn chỉ là Vũ Hoàng Chương, như những gì ông cống hiến.

Giải Nobel văn học tất nhiên là quan trọng, tất nhiên là đáng mơ ước của bất cứ nhà văn nhà thơ nào trên thế giới (trừ một vài người quá khổng lồ như ta đã biết), nhưng với mỗi cá nhân cầm bút, nó không bao giờ quan trọng hơn cuộc đời và sự nghiệp của họ. Chả nhẽ người ta chỉ cầm bút, chỉ nặn óc sáng tác vì có cái giải thưởng đó?

Với người Việt, thì Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng… chắc chắn quan trọng hơn bất cứ nhà văn thế giới nào từng được giải Nobel. Tôi không cổ vũ tư tưởng “trở về tắm ao ta”, nhưng tiếc thay đó là sự thực. Đấy là chưa kể một thực tế khác: có nhiều nhà văn khổng lồ đến mức Giải Nobel không thể/ không thèm với tới!

Rồi do Vũ Hoàng Chương từng được đề cử giải Nobel, mà vì thế ông “không thể” viết những câu thơ sặc mùi máu, như những gì ông Trần Bạch Đằng dẫn trong tác phẩm của ông.

Và thế là tranh cãi và như thói thường, miệt thị, quy kết, làm tổn thương nhau chí tử.

Sinh thời, khi giới thiệu Nguyễn Du, nhà thơ Xuân Diệu, người rất sành chữ, dẫn ra những từ, trong một số câu thơ mà theo ông, cụ Nguyễn Tiên Điền không đời nào lại viết như vậy?

Xuân Diệu có lý của Xuân Diệu, nhưng không phải thứ gì được tạo ra bởi thiên tài cũng là tuyệt tác.

Đòi hỏi 3.254 câu thơ đều toàn bích, đã là một đòi hỏi vô lý. Đòi hỏi từng từ, từng chữ trong hàng ngàn câu thơ ấy đều như những hạt kim cương, càng thậm vô lý, dù xuất phát từ tình yêu với cụ Nguyễn! Vả lại, tất cả các câu thơ hay, các chữ đắt theo ý mình (dù là theo ý Xuân Diệu), chắc gì đã là một bài thơ hay theo ý tác giả và theo ý nhiều bạn đọc khác?

Cũng vậy, Vũ Hoàng Chương hoàn toàn có thể thốt ra những câu “dậy mùi máu” như ông Trần Bạch Đằng trích dẫn, mà cũng có thể không? Với tâm thế và hoàn cảnh của mình lúc còn ở Việt Bắc, nếu có lúc nào Vũ Hoàng Chương viết như vậy, theo cá nhân tôi cũng là bình thường, chả có gì khác thường. Giờ cả hai ông, những người trong cuộc, đều đã chết, vì thế, nếu muốn bác bỏ Trần Bạch Đằng, thì phải tìm những nguồn tài liệu khả tín khác, có sức thuyết phục (chẳng hạn tài liệu hiển nhiên, nhân chứng?) chứ không thể khẳng định có hoặc không chỉ dựa theo cảm tính.

Nghe khá nhiều người nói rất nghiêm túc rằng, gần chục năm trước Hội nhà văn từng đề cử nhà thơ Hoàng Quang Thuận tranh giải Nobel văn chương? Nếu thông tin trên là thực, biết đâu hơn 40 năm sau, lại có vụ bạch hóa khác và rất có thể nhà thơ Hoàng Quang Thuận của chúng ta chính thức có trong danh sách được đề cử chưa biết chừng? Không biết khi đó sẽ có bao nhiêu người khẳng định hơn 90% thơ ghi của Hoàng Quang Thuận không phải do Hoàng Quang Thuận viết, vì ông được đề cử giải Nobel kia mà!

Đừng biến giải Nobel thành một thứ ngoáo ộp dọa nạt bạn đọc.

Đừng biến giấc mơ giải Nobel, vốn là một giấc mơ đẹp đẽ của mỗi người viết, thành cơn ác mộng tập thể.

Bình Luận từ Facebook

8 BÌNH LUẬN

  1. Với người Việt, thì Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng… chắc chắn quan trọng hơn bất cứ nhà văn thế giới nào từng được giải Nobel. Tôi không cổ vũ tư tưởng “trở về tắm ao ta”, nhưng tiếc thay đó là sự thực. Đấy là chưa kể một thực tế khác: có nhiều nhà văn khổng lồ đến mức Giải Nobel không thể/ không thèm với tới!

    Rồi do Vũ Hoàng Chương từng được đề cử giải Nobel, mà vì thế ông “không thể” viết những câu thơ sặc mùi máu, như những gì ông Trần Bạch Đằng dẫn trong tác phẩm của ông.

    VŨ HOÀNG CHƯƠNG CHỈ LÀ NGUÒI ĐƯỢC ĐỀ CỬ, KHÔNG CẦN MANG NGUYỄN TRÃI, NGUYỄn DU RA ĐỂ CẢ VÚ LẤP MIỆNG EM, rất đểu .

  2. Cũng vậy, Vũ Hoàng Chương hoàn toàn có thể thốt ra những câu “dậy mùi máu” như ông Trần Bạch Đằng trích dẫn, mà cũng có thể không?

    TẠ DUY ANH LÀ NHÀ VĂN TIẾN BỘ, NHƯNG VÌ SỐNG DƯỚICHẾ ĐỘ CỘNG SẢN NÊN ÍT NHIỀU NHIỄM TÍNH XẤU BĂNG CÁCH NÓI LẤP LỬNG , GÂY NGHI HOẶC CHO NHỮNG NGƯỜI KÉM HIỂU BIẾT, LƯỜI SUY NGHĨ

  3. Vì hiếu kỳ nên tôi tìm đọc mấy bài thơ Thy Vân Yên Tử của Hoàng Quang Thuận, đại loại bài nào cũng từa tựa giống nhau về kiến trúc và có mịa gì đâu mà giang hồ nhảy cẫng lên tung hô tận trời xanh, tôi vốn dân culi dốt đủ mọi lãnh vực nhưng nếu là thơ hay thì nó đập chan chát ngay vào não chứ chẳng cần phải có trình độ nghiên cứu thơ văn, tôi đọc bài bình luận ngắn của giáo sư Nguyễn Huệ Chi nối lời nhà văn Phạm Viết Đào bàn về tập thơ, thì giáo sư có nhận xét thế này.
    “Nhà văn Phạm Viết Đào đã phân tích khá kỹ lưỡng và sâu sắc việc cố tình làm nổi đình đám tập thơ Thi vân Yên Tử của Hoàng Quang Thuận trên văn đàn gần đây khiến người đọc hiểu lầm đây là một hiện tượng độc đáo kỳ lạ mà anh gọi là “nguy hiểm”.
    Tôi chỉ xin bàn thêm vài điều chưa được đề cập hoặc chỉ mới nói lướt qua trong bài viết tâm huyết – và cũng khí nặng khi nhà văn gọi Hoàng Quang Thuận là y, nhằm bày tỏ sự khinh thường của anh”
    “Việc một ông Viện trưởng một viện khoa học công nghệ làm thơ là điều không có gì đáng phê phán. Việc ông ấy vì mê thích cửa Phật mà một đêm viết ra hàng trăm bài thơ nói là thơ Đường nhưng không theo niêm luật thơ Đường, cũng chẳng vần vè và càng không có chất thơ, như Thi vân Yên Tử, cũng là điều không có gì lạ. Đối với người trẻ tuổi loại các ông Hữu Ước, Hữu Thỉnh, Dương Kỳ Anh…”

    Đúng là thơ thẩn, tập thơ in đi in lại từ những năm 2008 mà chỉ để ban phát cho Chùa Chiền rồi nơi ấy “dúi” vào tay du khách buộc phải nhận rồi họ lật vài trang lướt qua vội vã và cũng vội vã gấp nó lại. Háo danh kiểu này chỉ đứng sau Cụ Cả.

  4. Thế mới biết sự chia cắt quốc gia và gồm cả văn hóa nó khủng khiếp thế nào. Mọi thứ thật bình thường lại hóa ra như thế. Chuyện VHC được Lm TL giới thiệu tham gia dự tranh giải Nobel văn chương mấy ai ở miền nam mà không biết, vì báo đăng rầm… Thảo nào lòng người còn xa cách đến thế.
    Không biết, không hiểu và cố tình chối bỏ mới nên nông nỗi này.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây