10-1-2023
III. Vấn đề Đài Loan và Biển Đông
Đối với Việt Nam, Đài Loan và chuyện tranh chấp Biển Đông là hai chuyện riêng biệt.
Từ lâu Việt Nam nhìn nhận chính quyền CSTQ ở Bắc kinh là pháp nhân đại diện chính thức cho Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc tại Liên Hiệp quốc và Đài Loan là một lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc. Tức Việt Nam nhìn nhận “vấn đề Đài Loan” là chuyện nội bộ của Trung quốc.
Về vấn đề Biển Đông, Việt Nam quan niệm “Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở Biển Đông theo Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển 1982”.
Nhưng đối với Trung Quốc, cả hai vấn đề tựu trung chỉ có một: Cả hai đều là “chuyện nội bộ” của Trung Quốc.
Quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Đài Loan: Đài Loan và lục địa đều thuộc về một nước Trung Hoa duy nhứt. Năm 1979, Mỹ đoạn tuyệt ngoại giao với chính quyền Đài Loan và chính thức công nhận Bắc Kinh. Từ đó Mỹ chấp nhận “nguyên tắc một Trung Hoa duy nhứt”.
Về biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông theo Việt Nam): Trung Quốc có chủ quyền các quần đảo hợp thành “Tứ sa”, Trung Q61c có các quyền lịch sử, các quyền hàng hải, vùng biển quần đảo, vùng biển EEZ và thềm lục địa phát sinh từ các đảo.
Về phán quyết của Tòa PCA 12-7-2016, Trung Quốc không nhìn nhận thẩm quyền của Tòa, đồng thời Trung Quốc cho rằng phán quyết của tòa không có giá trị vì Tòa không có thẩm quyền phân xử (Intra vires – vượt quyền). Vụ kiện 12-7-2016, Philippines kiện Trung Quốc theo “thủ tục bắt buộc” của Phụ lục VII UNCLOS về việc “giải thích và cách áp dụng Luật Biển”.
Với lập trường như vậy công cuộc “thống nhứt lãnh thổ” Đài Loan và các đảo Biển Đông sẽ là chuyện “nội bộ” của Trung Quốc.
Nội dung các bài nói chuyện của Tập Cận Bình trong kỳ Đại hội đảng CSTQ lần thứ XX tháng 10 vừa qua, ta thấy các câu nói mang tính khẩu hiệu như “Việc thống nhứt đất nước là sứ mạng của đảng CSTQ”, “không để việc thống nhứt đất nước cho các thế hệ tương lai”… Tập Cận Bình cũng có những tuyên bố đại khái rằng sẽ không loại trừ việc sử dụng quốc phòng để thực hiện việc này.
Tháng 6 năm 2022, Trung Quốc công bố “đề cương hoạt động quân sự phi chiến tranh”. Báo chí nước ngoài bình luận về một hành lang pháp lý mới, khá đặc biệt. Nhiều ý kiến so sánh việc này với động thái tương tự của Duma Nga trước khi mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Tức là Trung Quốc sẽ ra một bộ luật cho phép quân đội sử dụng vũ lực mà không phải tuyên bố chiến tranh, tương tự như “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga.
Điều cần bàn là “đề cương” này có hiệu lực vào lúc nào và Trung Quốc sẽ áp dụng ở không gian nào?
Ngoài ra Trung Quốc còn có tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư, tức Senkaku, với Nhật.